Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kinh Thánh » Cùng Học Kinh Thánh: I Cô-rinh-tô 13:5-6 

Cùng Học Kinh Thánh: I Cô-rinh-tô 13:5-6 

Cùng Học Kinh Thánh
I Cô-rinh-tô 13:5-6
 

Câu Hỏi Gợi Ý

  1. Bạn là người chậm giận hay nhạy giận? Nếu bạn là người chậm giận, điều gì khiến bạn biết kiềm chế cơn giận?  Nếu bạn là người nhạy giận, nguyên nhân nào khiến bạn hành động như vậy?  Bạn đã giận trong bao lâu?  Khi đã hết giận, bạn nghĩ gì về thái độ của mình trước đó?

Câu Hỏi Thảo Luận

  1. Theo bạn, cư xử trái phép (13:5a) là làm gì? Kinh Thánh nói gì về những người cư xử trái phép (Truyền Đạo 5:8, II Phi-e-rơ 2:7-8)? Ai không làm điều trái phép (Thi Thiên 119:3, Lu-ca 15:29)? Bản chất không làm điều trái là của ai (II Sử Ký 19:7; Gióp 34:12)? Chữ trái phép trong nguyên văn Hy Lạp còn diễn tả thái độ khiếm nhã. Nếu trong tình yêu thương đã có sự nhẫn nại, nhân từ (13:4) và không vui về điều không công bình (13:6), xin phân tích tại sao sự khiếm nhã hay trái phép không có chỗ trong tình yêu thương?
  2. Vị kỷ – hay tìm kiếm tư lợi – là gì (13:5b)? Ai là người đã sống như vậy (Ê-sai 56:11)? Người tin Chúa nên sống thế nào (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:5)? Một trong những đặc điểm quan trọng của tình yêu mà Đức Chúa Jesus đã dạy là gì (Giăng 15:13)?  Tình yêu nếu đi kèm với việc tìm kiếm tư lợi, thì tình yêu đó có phải là tình yêu chân thật hay không? 
  3. Xin nêu vài ví dụ về sự nhạy giận? Ai là người chậm nóng giận (Dân Số Ký 14:18; Nê-hê-mi 9:17; Thi Thiên 86:15, 103:8, 145:8)? Tai hại của sự nóng giận là gì (Châm Ngôn 15:18, 19:19)? Thái độ mau giận thể hiện điều gì (Châm Ngôn 19:11)?  Ngược lại người chậm giận là người như thế nào (Châm Ngôn 19:11)?  Ích lợi của người chậm giận là gì (Châm Ngôn 15:18, 16:32, 25:15)?  Tại sao sự nhạy giận không có chỗ trong tình yêu thương (13:5c)?
  4. Chữ “không nghi ngờ sự dữ” (13:5d – BD1925) trong nguyên văn có nghĩa là không ghi nhớ chuyện sai quấy. Đức Chúa Trời đã làm gì với tội lỗi của con người (Thi Thiên 85:2, 103:12)? Người được tha thứ là người như thế nào (Thi Thiên 32:1; Rô-ma 4:7)? Kinh Thánh dạy gì về mối liên hệ giữa tình yêu và sự tha thứ (Châm Ngôn 10:12; Rô-ma 5:8; I Phi-e-rơ 4:8)?  Người tin Chúa được khuyên nên làm gì với những người có tội (Gia-cơ 5:20)?
  5. Vui về sự bất chính (13:6a) là vui như thế nào? Những người sống bất chính là người như thế nào (Rô-ma 1:29)? Họ còn làm gì nữa (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:10)? Kết quả của đời sống bất chính là gì (I Cô-rinh-tô 6:9; II Phi-e-rơ 2:9; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:12)? Đức Chúa Trời sẽ làm gì với người bất chính (Rô-ma 1:18)? Tại sao người có tình yêu thương thì không thể vui về điều bất chính?

Câu Hỏi Suy Gẫm

  1. Bạn có được bao nhiêu điều trong năm điều không nên có này?  Bạn sẽ làm gì với những điều mà bạn thiếu sót?
  2. Có bao giờ bạn hối tiếc đã đánh mất tình yêu chỉ vì bạn không chịu tha thứ hay không?  Thái độ của bạn đã đưa bạn hay người đó đến hoàn cảnh nào?  Điều gì khiến bạn hối tiếc?
  3. Vì yêu, Chúa không muốn người có tội bị hư mất, cho nên Ngài đã hy sinh.  Bạn có thể hy sinh điều gì (thời gian, tiền bạc, công sức,…) để thể hiện tình yêu của bạn đối với những đang bị hư mất nhưng được Chúa yêu mến?

Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org

Đọc thêm: 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top