Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 3f
Lý Thiên Ân (Li Tianen)
Người cuối cùng trong đám những lãnh đạo Hội Thánh Trung Hoa được giới thiệu trong chương này là Lý Thiên Ân, một người Thượng Hải. Ông là người ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển phong trào Hội Thánh tư gia tại tỉnh Hà Nam miền Trung của Trung Quốc.
Lý Thiên Ân sinh tại quận Phương Thành tỉnh Hà Nam vào năm 1928. Một thế hệ trẻ hơn Vương Minh Ðạo và Viên Hương Thành, nhưng ông có liên hệ trực tiếp với các giáo sĩ ngoại quốc ở thế kỷ thứ 19.
Ông nội của Lý Thiên Ân tin Chúa qua sự giảng dạy của Hudson Taylor, nhà sáng lập Hội Truyền Giáo Trung Hoa Nội Ðịa. Cả cha mẹ ông là tín đồ, song mẹ ông bị đuổi khỏi gia đình khi bà được Thánh Linh dạy bảo bán tất cả của cải điền sản bà đã thừa hưởng từ gia đình để trở nên một nhà truyền giáo. Ðiều này xảy ra khi ông mới 2 tuổi. Cả hai mẹ con bắt đầu giảng Tin Lành và sống nhờ vào sự giúp đỡ tín đồ. Song khi quân Nhật xâm chiếm miền Bắc Trung Hoa vào năm 1917, mẹ của ông qua đời tại tỉnh Thiểm Tây khi Lý mới 9 tuổi, bà nội đem ông về nuôi, cho đến khi ông vào chủng viện Báp-tít Huazhong tại Kaifeng tỉnh Hà Nam.
Dầu được một giáo sĩ Anh mời đi học Thần Học một năm, và sau đó sẽ phái đi Ấn Ðộ làm giáo sĩ, song trong lòng ông Lý tin rằng ông phải ở lại Trung Quốc. Trong thập niên 1950, ông là một nhà truyền giáo và là một mục sư độc lập tại vùng Pudong gần Thượng Hải (lúc đó là vùng nhà quê, song bây giờ là địa điểm của trung tâm phát triển thương mại của Thượng Hải). Lý Thiên Ân cho biết là ông không bị tù vì ông không có liên hệ gì đến các nhà lãnh đạo Hội Thánh đang bị theo dõi lúc bấy giờ.
Nhưng năm 1960 sau khi phong trào Bước Tiến Nhảy Vọt do Mao Chủ Tịch thí nghiệm đạt đỉnh cao, Lý Thiên Ân bị bắt cùng với các người chống đối và bị kết án 10 năm tù. Mục sư Lý Thiên Ân bị đưa đến trại tù lao động thuộc tỉnh An Huy để đào sắt. Hai tù nhân khác được xếp nằm ngủ cạnh ông để ông không mở miệng cầu nguyện. Nếu họ báo cáo cho nhà tù biết là ông đã cầu nguyện thì ông bị phạt đứng sát tường, trong mùa đông không áo; có lúc đến 6 giờ liên tiếp tay đưa ra và chân giơ lên. Lý Thiên Ân cho biết là khi bị phạt như thế này, ông không cảm thấy lạnh.
Một lần ông té từ một đống đồng cao độ 10 thước và người ta tưởng ông chết. Trong lúc này ông nói linh hồn ông như bay bổng trên không trung quan sát những gì xảy ra ở dưới đất như “chim phụng hoàng.” Lý Thiên Ân nói: “Tôi đã chết hơn 90 phút rồi.” Trong khi đó bác sĩ trong trại đang lo cấp cứu ông, xem có thể phục sinh cho ông được không. Dĩ nhiên là bác sĩ không nghĩ như vậy khi bác sĩ ra lệnh cho các tù nhân khác lo đào huyệt để chôn ông. Thình lình ông mở mắt chờ dậy. Xem thấy điều đã xảy ra, bác sĩ nghiêng qua ông và hỏi ông là ai:
“Tôi tên là Lý Thiên Ân” ông trả lời ngay.
“Ông có tin Chúa không?” “Có”.
Bác sĩ nói: “Bây giờ tôi cũng tin Chúa.” Bác sĩ không hiểu làm sao một tù nhân đã tắt thở, tim không đập, có thể sống lại được.
Mục sư Lý Thiên Ân không được phép nhận được thư hay quà nào từ gia đình suốt thời gian ở tù. Gia đình chỉ được phép đến thăm ông nửa giờ, mỗi năm một lần. Vợ ông tranh đấu để tìm sống bằng cách giặt quần áo cho hàng xóm.
Sau khi ông được thả vào năm 1970, Lý Thiên Ân về với gia đình tại Thượng Hải. Ðây là lúc ông bắt đầu chức vụ cách kết quả và ảnh hưởng quan trọng. Sau khi Lý Thiên Ân được thả, ông nhận được một thư từ người em vợ tên là Gao Yongiu. Gao là một người hầu việc Chúa đang cố gắng tổ chức một nhóm thanh niên nhỏ đang phát triển tại tỉnh Hà Nam. Ông hỏi ông Lý Thiên Ân có thể về quê để giúp ông không? Lý Thiên Ân đồng ý và trong ba năm tiếp theo ông giúp huấn luyện đào tạo thế hệ lãnh đạo Hội Thánh tư gia trẻ.
Lý Thiên Ân đã đi từ huyện này đến huyện khác trong tỉnh Hà Nam để truyền giáo và huấn luyện. Không một người tin Chúa nào trong số các bạn trẻ trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa có căn bản thần học. Với sự giúp đỡ của Mục sư Lý Thiên Ân trong thập niên 1970, nhóm Liên Hữu Phương Thành có lẽ là một mạng lưới các nhà thờ tư gia lớn nhất tại Trung Quốc, bắt đầu phát triển. Tên Phương Thành (Fengcheng) lấy từ tên một huyện tại Trung Quốc.
Nền chính trị quốc gia tại Trung Quốc bắt đầu đi vào giai đoạn mới. Người được chỉ định thừa kế Mao Trạch Ðông, Lâm Bưu, tướng của Quân Ðội Giải Phóng Nhân Dân, tổ chức một cuộc đảo chánh chống lại Mao vào năm 1971. Ông chết khi máy bay của ông bị rớt tại Mông Cổ lúc ông toan trốn khỏi Trung Quốc. Một chiến dịch thanh trừng những người tình nghi ủng hộ Lâm Bưu được vợ của Mao Trạch Ðông là Giang Thanh và bộ hạ của bà tổ chức. Những người được biết chung như là Ðồng Bọn Bốn Tên [12], tìm cách tiêu diệt vai trò lãnh đạo của Chu Ân Lai và những người ủng hộ ông, kể cả Ðặng Tiểu Bình. Khi 4000 nhà lãnh đạo Hội Thánh đang tham dự đại hội huấn luyện được tổ chức lén tại huyện Phương Thành, tỉnh Hà Nam vào năm 1974; chính quyền biết được đã bắt hầu hết các người tham dự.
Lý Thiên Ân trở thành đối tượng tình nghi và bị bắt vào năm 1975. Một số các nhà lãnh đạo Hội Thánh bị án tù dài hạn, còn Lý bị treo án tử hình cùng với hai người khác. Ông được chuyển đến Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam để bị nhốt vào nhà tù của các tử tội. Ngày xử tử được định vào ngày Ðộc Lập 1 tháng 10, 1975. Nhưng một trận lụt lớn phủ trùm Hà Nam, bắt buộc các nhà lãnh đạo cộng sản tại tỉnh này đình hoãn các sự kiện chính trị lớn như xử tử; vì một số các nhà lãnh đạo này có liên hệ chặt chẽ với “Ðồng Bọn Bốn Tên.” Một cuộc xử tử nữa được sắp đặt vào mùa Xuân 1976. Song một lần nữa vài chính biến bất ngờ xảy ra. Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời vào tháng Giêng 1976, và tại tỉnh Hà Nam, phe ủng hộ và phe chống Chu Ân Lai tranh giành ảnh hưởng với nhau, Mục sư Lý Thiên Ân không bị xử tử vào dịp mùa Xuân và mùa Hạ năm đó.
Trong suốt những năm bị bắt và bị tù, người chống lại Lý Thiên Ân là Fang Tiancai, bí thư thành ủy thành phố Nanyang. Fang Tiancai là một người ủng hộ nhiệt tình của “Ðồng Bọn Bốn Tên” vì muốn lập công, ông tìm cách triệt hạ các nhà lãnh đạo của cộng đồng Cơ Ðốc đang phát triển tại Hà Nam. Những người đỡ đầu cho Fang Tiancai thình lình bị bắt tại Bắc Kinh vào tháng 10 năm 1976, làm cho những người ủng hộ “Ðồng Bọn Bốn Tên” bị cô lập, không ai bảo vệ khắp các tỉnh thành Trung Quốc. Lý Thiên Ân vẫn còn ở trong trại giam của những người sắp bị xử tử. Ðiều ngạc nhiên là dầu Fang Tiancai không bị lên án tử hình, ông được sắp ở chung một khám với nhà lãnh đạo Cơ Ðốc mà chính ông đã toan đem ra xử tử.
Ông có phải là Lý Thiên Ân không? Fang Tiancai hỏi, quì xuống run rẩy khi bước vào nhà giam. Lý cho biết đó là chính ông. Fang la lên “Chúa trên Trời, Ngài là Ðấng đáng kính sợ!” Rồi ông nói tiếp: “Tôi đã sẵn sàng xử tử ông ba lần, nhưng Chúa Giê-xu mà ông tin đã cứu ông. Mác không thể cứu tôi. Bây giờ tôi tin là Phúc Âm mà ông tin là thật.”
Fang Tiancai yên lặng lắng nghe Mục sư Lý Thiên Ân giải thích về niềm tin Cơ Ðốc. Fang Tiancai lo là Chúa của những người Cơ Ðốc và chính các người Cơ Ðốc cũng không tha thứ cho ông được, vì cớ ông đã bách hại và xử tử các tín đồ. Tuy nhiên, Lý Thiên Ân đã trả lời: “Tội của ông thật lớn, song ân điển của Chúa còn lớn hơn.”
Trong những tháng tiếp theo Lý Thiên Ân tìm cách chăm sóc, rửa sạch các vết thương của Fang Tiancai vì bị đánh trong tù; và tìm cách bảo đảm cho ông là Ðức Chúa Trời đã tha thứ các tội ác ông ta gây ra.
Sau này ông Fang Tiancai bị kết án 15 năm tù; và Lý Thiên Ân được thả cùng với các nhà lãnh đạo Tin Lành khác vào năm 1979. Tất cả các tố cáo chống lại ông đều bị bỏ.
Trước khi hai người chia tay, Fang Tiancai yêu cầu Lý Thiên Ân cầu nguyện cho ông. Dầu vậy cho đến nay, Lý không biết Fang Tiancai ở đâu và ông có kinh nghiệm đức tin gì trong đời của ông không.
Ðược thả về Thượng Hải vào cuối năm 1979, Mục sư Lý Thiên Ân được trao cho công việc chùi cầu tiêu, quét nhà và đổ rác tại Bệnh Viện số 4 của thành phố. Lương của ông là 40 nhân dân tệ một tháng (độ 8 đô-la theo hối đoái năm 1980). Công an đã được lệnh là không cho ông thôi việc, dầu có nhiều việc có thể trả đến 300 nhân dân tệ một tháng cho những người có khả năng như ông. Song các người lãnh đạo bệnh viện nhận thấy đây là một bất công, đã gửi ông đến phó phòng nhân viên bệnh viện. Ông này là một công an song cũng nhận thấy đây là một bất công. Ông được phép nghỉ việc ngay tại chỗ. “Thật là một phép lạ.” Ông nói, “Ngày này thật đúng 5 năm từ ngày tôi nhận việc.”
Lý Thiên Ân dành những năm trong thập niên 1980 để giảng dạy, không những tại Thượng Hải mà thôi, nhưng còn đi khắp các tỉnh, các vùng tại Trung Quốc ngoại trừ Tây Tạng, Quý Châu và Tân Cương. Ông nói “Tôi đi khắp vùng nhà quê để nuôi dưỡng đám trẻ, chúng gọi tôi là ‘Bác.’” Trong tất cả các từ được tín đồ dùng, không có từ nào bày tỏ lòng tôn kính can đảm và thích hợp hơn là từ “Bác”.
Chú thích:
[1] Năm 1950, ông xuất bản một hồi ký về 50 năm đầu của chức vụ ông. Sách này được dịch ra tiếng Anh dưới tựa đề A Stone Made Smooth. Wong Ming Dao A Stone Made Smooth. Vương Minh Ðạo – Hòn Ðá Ðược Mài Phẳng, (Southampton, England: Mayflower Christian Books, 1981). Gần đây một sách viết về ông do một người Hoa là hội viên của Hội Thánh Christian Tabernocle tại Bắc Kinh. Ông ta bị bắt cùng lúc với Mục sư Vương. Stephen Wang, The Long Road to Freedom. The Story of Wang Mingdao. Ðường Dài Dẫn Ðến Tự Do. Câu Chuyện của Vương Minh Ðạo (Tonbridge, England: Sovereign World, Ltd, 2002).
[2] A Stone Made Smooth, 90.
[3] G. Thompson Brown, Christianity in the People’s Republic of China. Cơ Ðốc Giáo tại Công Hòa Nhân Dân Trung Hoa. (Atlanta: John Knox Press, 1986), 78.
[4] Một ước đoán kỹ hơn của Richard C. Bush, Jr. Religion in Communist China. Tôn Giáo tại Cộng Sản Trung Quốc (Nashville and New York: Abingdon Press, 1970), 50.
[5] Trích trong, Christianity in the Republic of China, 84.
[6] James H. Taylor III, chú thích cuốn sách trong A Stone Made Smooth.
[7] Thi Thiên 27 (Bản Việt Ngữ 1926)
Ðức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi:
Tôi sẽ sợ ai? Ðức Giê-hô-va là đồn lũy của mạng sống tôi:
Tôi sẽ hãi hùng ai?
Khi kẻ làm ác, kẻ cừu địch và thù nghịch tôi, xông vào tôi,
Ðặng ăn nuốt thịt tôi, thì chúng nó đều vấp ngã.
Dầu một đạo binh đóng đối cùng tôi. Lòng tôi sẽ chẳng sợ;
Dầu giặc giã dấy nghịch cùng tôi, Khi ấy tôi cũng có lòng tin cậy vững bền.
Tôi đã xin Ðức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy.
Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Ðức Giê-hô-va,
Ðể nhìn xem sự tốt đẹp của Ðức Giê-hô-va, và cầu hỏi trong đền của Ngài.
Vì trong ngày tai họa, Ngài sẽ che khuất tôi trong lều Ngài,
Giấu tôi nơi kín mật của trại Ngài.
Cũng sẽ đỡ tôi lên trên một hòn đá.
Bây giờ dầu tôi sẽ được ngước cao hơn các kẻ thù nghịch vây quanh tôi.
Trong trại Ngài tôi sẽ dâng của lễ bằng sự vui vẻ.
Tôi sẽ hát mừng, và ca tụng Ðức Giê-hô-va.
Hỡi Ðức Giê-hô-va, xin hãy nghe, tiếng tôi kêu cầu cùng Ngài.
Hãy thương xót tôi, và nhậm lời tôi.
Khi Chúa phán rằng: Các ngươi hãy tìm mặt ta;
Thì lòng tôi thưa cùng Chúa rằng: Ðức Giê-hô-va ôi! Tôi sẽ tìm mặt Ngài.
Hỡi Ðức Chúa Trời về sự cứu rỗi tôi,
Xin chớ ẩn mặt Chúa với tôi, Chớ xô đuổi kẻ tôi tớ Chúa trong khi Chúa nổi giận.
Khi trước Chúa là sự tiếp trợ tôi, xin chớ lìa tôi, chớ bỏ tôi.
Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Ðức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi.
Hỡi Ðức Giê-hô-va, xin chỉ dạy tôi con đường Ngài.
Nhơn vì các kẻ thù nghịch tôi, Xin hãy dẫn tôi vào lối bằng phẳng.
Chớ phó tôi cho ý muốn kẻ cừu địch tôi; vì những chứng dối,
Và kẻ buông ra sự hung bạo, đã dấy nghịch cùng tôi.
Ôi! Nếu tôi không tin chắc rằng sẽ thấy ơn của Ðức Giê-hô-va tại đất kẻ sống.
Thì tôi hẳn đã ngã lòng rồi!
Hãy trông đợi Ðức Giê-hô-va;
Hãy vững lòng bền chí!
Phải, hãy trông đợi Ðức Giê-hô-va.
Thánh Ca: Thập Tự Xưa
1. Thập tự xưa sừng sững cao dựng tận trên sườn núi xa
Như tiêu biểu cho muôn sầu khổ sỉ nhục.
Lòng tôi yêu Thập Giá xưa, nơi Vua vinh diệu chí cao.
Thay nhân thế hư hoại chết cách đau thương.
Lòng tôi say mê bóng dáng Thập Tự xưa
Vui lòng đầu phục tận hiến cả cuộc đời.
Lòng ôm ấp mối quyến luyến với Thập Tự.
Sẽ biến nên mão vinh diệu cho chính tôi.
2. Thập Tự xưa hình xấu xa, toàn trần gian đều mỉa mai
Nhưng thu hút tôi bằng tình yêu âm thầm;
Vì Chiên Con từ Chúa Cha, rời trời cao đầy hiển vinh.
Mang gian ác đau buồn ở Gô-Gô-Tha.
Lòng tôi say mê bóng dáng Thập Tự xưa
Vui lòng đầu phục tận hiến cả cuộc đời.
Lòng ôm ấp mối quyến luyến với Thập Tự.
Sẽ biến nên mão vinh diệu cho chính tôi
3. Từ nay trung thành mãi luôn, phục tại chân Thập Giá xưa.
Vui mang hết bao điều nhục nhã khinh bạc.
Ngày tương lai bừng sáng tươi. Giê-xu kêu gọi chính tôi.
Hân hoan sống trong nguồn ánh sáng vinh quang.
Lòng tôi say mê bóng dáng Thập Tự xưa
Vui lòng đầu phục tận hiến cả cuộc đời.
Lòng ôm ấp mối quyến luyến với Thập Tự.
Sẽ biến nên mão vinh diệu cho chính tôi.
[8] Allen Yuan, Autobiographical Letter 2001. Bức Thư Tự Thuật. Có thể đọc trên www.idsinet. Trích June 2003.
[9] Samuel Lamb, Samuel Lamb’s Testimony. Lời làm chứng của Samuel Lamb (Guangzhou, China, không ngày, 2000), 31.
[10] Hiện tượng của Cơ Ðốc nhân (khác hẳn với những người khùng nghe chó nói với họ phải đi giết người) cho rằng họ nghe rõ tiếng nói của Ðức Chúa Trời nói với họ trong ngôn ngữ họ. Ðây không phải là điều ít xảy ra như nhiều người tưởng. Tác giả đã từng gặp các Cơ Ðốc nhân Anh hoặc Mỹ trong nhiều trường hợp khác nhau đã có kinh nghiệm này.
[11] Gặp gỡ giữa tác giả và Tạ Mã Sơn (Moses Xie) tại Bắc Kinh vào mùa hè 2002 (ngày không được ghi lại để tránh khó khăn cho ông).
[12] Những người khác là Zhang Chungiao, Wang Hongwen, và Yao Wenyua. Bè Lũ Bốn Tên bị bắt sau khi âm mưu chống lại người thừa kế của Mao là Hua Guofeng và các người khác vào tháng 10 năm 1976. Một tháng sau khi Mao qua đời, Giang Thanh và Zhang Chungiao bị kết án tù chung thân vào năm 1981 sau khi án tử hình được bỏ. Giang Thanh tự tử trong tù vào năm 1991. Zhang được thả khỏi tù vì lý do sức khỏe, chết vào năm 2005. Wang Hongwen và Yao Wenyuan mỗi người bị án 20 năm tù.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.