Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 4.b

Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 4.b

jib

Liên Hữu Ðường Hà (Tanghe)

Phùng Quốc Giang (Feng Jianguo) một bạn đồng tù và cũng là bạn thân của Trương, là nhà lãnh đạo được nhiều người kính nể của mạng Hội Thánh tư gia lớn thứ hai tại Hà Nam gọi là Liên Hữu Tin Lành Trung Quốc, thường được gọi nôm na là Liên Hữu Ðường Hà theo tên của một huyện khác tại Hà Nam.  Dầu Liên Hữu Ðường Hà có một vấn đề khác đó là năm 2002, 34 các nhà lãnh đạo của Liên Hữu bị nhóm Tia Sáng Miền Ðông bắt cóc, song họ có một ban lãnh đạo hài hòa.  Theo những người trong Liên Hữu Ðường Hà, một điều khác đó là Liên Hữu Phương Thành có khuynh hướng nghĩ là họ có một số nguyên tắc đồng nhất cho tất cả các Hội Thánh của họ, song Ðường Hà đến từ một địa điểm khác của tỉnh Hà Nam với nhiều truyền thống Cơ Ðốc khác nhau trước năm 1949.  Họ nghĩ họ là một thông công rộng rãi của nhiều Hội Thánh khác nhau.

Cả hai Liên Hữu Ðường Hà và Phương Thành (Fangcheng) đều chịu ảnh hưởng của cách thờ phượng và cầu nguyện kiểu Ngũ Tuần do Mục sư Dennis Balcombe giới thiệu vào năm 1988.  Balcombe là một Mục sư Hội Thánh Ngũ Tuần độc lập tại Hồng Kông, Revival Christian Church, tại Kowloon.

Quê tại Bakerfield, California năm 1967 Balcombe đến Hồng Kông trong chuyến nghỉ dưỡng khi ông 24 tuổi, đi lính trong quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam.  Hai năm sau, ông trở lại Hồng Kông làm giáo sĩ, ông lập tức học tiếng Quảng Ðông và Quan Thoại để xây dựng một Hội Thánh nhắm vào các người Trung Quốc tại Hồng Kông và quan tâm đến các nhu cầu của tín hữu tại Trung Quốc.  Trong thập niên 1980 nhiều lần ông đi vào Quảng Ðông cách hợp pháp để dạy tiếng Anh tại một trong các trung tâm Anh Ngữ đang bắt đầu thành hình.  Ông dùng thì giờ của ông tại đó để phối trí vấn đề nhập Kinh Thánh vào Trung Quốc và làm quen với các nhà lãnh đạo các liên hữu.  Những người này được giao trách nhiệm thường lấy tầu lửa từ Trịnh Châu đến Quảng Ðông đem Kinh Thánh về.

Lòng tin tưởng giữa Balcombe và các nhà lãnh đạo Liên Hữu Phương Thành (Fengcheng) với các nhà lãnh đạo khác đã giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào Hội Thánh tư gia tại Trung Quốc.  Theo một số các tín hữu sống tại Hồng Kông thường viếng thăm Trung Quốc, bắt đầu thập niên 1980, sự dạy dỗ Ngũ Tuần của Balcombe đã ảnh hưởng đa số các Hội Thánh tư gia tại Trung Quốc đặc biệt là Liên Hữu Phương Thành (Fengcheng), Ðường Hà và hai phong trào nhỏ hơn bắt đầu từ tỉnh An Huy, thần học của họ trở thành canh tân, Ngũ Tuần.  Họ thường cầu nguyện và thờ phượng với tiếng lạ, chữa bệnh và nói tiên tri và các ân tứ thiêng liêng giống như tín hữu thời kỳ sứ đồ Phao Lô.  Có khoảng 450 triệu tín đồ có khuynh hướng Ngũ Tuần và ân tứ trên toàn thế giới đã biến phong trào Ngũ Tuần, ân tứ thành phong trào lớn thứ hai sau Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Các người Ngũ Tuần dầu vậy không cùng đứng trong một tổ chức.  Họ tản mát trong các hệ phái Ngũ Tuần, các hệ phái chính và ngay cả các Hội Thánh Công Giáo trên toàn thế giới.

Phùng Giang Quốc (Feng Jianguo)

Phùng Giang Quốc (Feng Jianguo), 80 tuổi nói về Trương Dung Lương (Zhang Rongliang) một cách cảm tình “ông ta là một người thông minh, ông ta biết nhiều hơn tôi.”  Nhưng Phùng có điểm lợi hơn đó là cao tuổi, tuổi cao thường được xem là uy tín cho các nhà lãnh đạo tại Trung Quốc.

Phùng được sinh ra trong một gia đình Cơ Ðốc, song ông không trở thành tín đồ cho đến khi ông được 11 tuổi, vào khoảng thời gian Nhật xâm chiếm Trung Quốc.  Ông được theo học trường Trung Học Hội Truyền Giáo Trưởng Lão Mỹ thành lập tại huyện Ðường Hà.  Ông Phùng không bị Phong Trào Tam Tự theo dõi trong thập niên 1950 vì lúc đó ông chưa nổi tiếng là nhà lãnh đạo Cơ Ðốc độc lập dầu ông cũng giống như các bạn của ông chịu khổ dưới thời Cách Mạng Văn Hóa.  Ông là người bị bắt đầu tiên trong phong trào chống Cơ Ðốc Giáo tại Hà Nam vào năm 1975, và một năm sau đó Trương Dung Lương chính thức bị bắt.  Ông bị tố là “chống cách mạng.”  Tội này gồm có khuyến khích và nuôi dưỡng tân tín hữu, tuyên bố Mao Chủ Tịch là hình tượng, và muốn mọi người cúi đầu trước Chúa Giê-su và thờ phượng Ngài.

Khi ông được thả vào năm 1980, ông tiếp tục liên lạc với Trương, nhưng phong trào Ðường Hà đã bắt đầu một hướng đi riêng.  Thông công này đã bắt đầu mạnh mẽ trước khi Trương được thả vào năm 1980.  Một lý do là hàng ngàn tín hữu bị bắt vào các thập niên 1950 vì cớ chống lại Phong Trào Tam Tự hoặc bị tố trong chiến dịch chống hữu khuynh vào các năm 1957-1958, đã được trả tự do trong khoảng thời gian 1978-1980.  Vừa khi Ðặng Tiểu Bình bắt đầu xây dựng quyền lực và đường lối bài tôn giáo của Mao Trạch Ðông bị đổi hướng.  Những vị Mục sư và các nhà lãnh đạo lớn tuổi, một số lớn được huấn luyện thần học trước năm 1949, lại được giao cho các chức vụ giảng dạy và lãnh đạo cho cộng đồng của các tín hữu trẻ.

Hinh Lưu Duyên (Xing Liaoyuan), 43 tuổi, là một người trưởng thượng đang được huấn luyện.  Ông ta tin Chúa vào năm 1978 lúc 14 tuổi và ngày nay là một trong các nhà lãnh đạo chính của Thông Công Ðường Hà (Tanghe).  Vào tháng 7 năm 2002 ông mô tả các ngày đầu của mạng lưới Ðường Hà như sau:

Chúng tôi không có Kinh Thánh, Kinh thánh chúng tôi có được chép bằng tay vì nhiều Kinh Thánh đã bị Vệ Binh Ðỏ đốt.  Nhiều người mắc bệnh đến nhà thờ và được chữa lành.  Ông có thể nói là khi người ta thốt lên “Tôi tin Chúa Giê-su” thì họ được lành ngay.  Một số người bị bệnh nói là họ nghe tiếng nói gì đó và họ đi đến nhà thờ thì được lành bệnh.  Chúng tôi nhận được chiêm bao, khải tượng, mặc thị từ Ðức Chúa Trời.  Chúng tôi gọi thời kỳ là thời kỳ Ba Ðổ: Chúng tôi đổ máu bị bách hại, chúng tôi đổ nước mắt trong khi cầu nguyện, chúng tôi đổ nước mũi vì chúng tôi khoe rất lâu. (6)

Trong vòng nhiều tháng vào năm 1993 và đầu năm 1994, họ dâng hiến trên khắp mạng lưới toàn Trung Quốc.  Tín hữu bán gà, hoặc dâng tiền họ để dành để làm đám cưới.  Và vào ngày 5 và 6 tháng 3, 1994.  Liên Hữu Ðường Hà có một buổi nhóm thật lớn.  Họ làm lễ dâng hiến 70 nhà truyền giáo sĩ  để gửi họ 22 tỉnh trong 28 tỉnh thành Trung Quốc.  Một giáo sĩ được giao cho 1,500 nhân dân tệ (độ $200 đô la theo hối đoái 1994) và yêu cầu họ 6 tháng sau phúc trình trở lại vào ngày 10 tháng 10, 1994.

Tất cả các giáo sĩ đều là người độc thân, một số dưới 20 tuổi.  Chiến dịch rất thành công.  Hinh cho biết: hai em dưới 20 tuổi xây được một số Hội Thánh tại vùng Nội Mông tự trị trong vòng 6 tháng.  Các Hội Thánh đó ngày nay có 100,000 tín hữu, ông Hinh cho biết.  Không người nào chết trong chiến dịch 6 tháng này, và chỉ có 2 người bị bắt tại tỉnh Hồ Nam.  Vào ngày 10 tháng 10, 1994, các giáo sĩ họp lại để làm chứng cho các tín hữu tại các Hội Thánh trong thông công Ðường Hà nghe.  Ðây là những Hội Thánh đã gửi họ đi.  Hinh giải thích và tiếp tục.  Chúng tôi có các buổi nhóm đồng loạt tại tỉnh Hà Nam.  Ông nói:

Ðây là buổi làm chứng, chúng tôi đã cho các giáo sĩ này vé một chiều.  Chúng tôi nói với họ “các bạn không thể thất bại được,” nếu các bạn không thành công trong việc lập Hội Thánh, không ai cho các bạn tiền để trở về.”  Khi chúng tôi nghe lời làm chứng của họ, mọi người đều khóc.  Giày của họ đã mòn, họ bị nhiều người từ bỏ.  Họ sống trong hố, trong rừng, một số người sống với heo.  Trong buổi nhóm Ðức Chúa Trời bày tỏ tình yêu của Ngài cho chúng tôi.  Chúng tôi vui mừng vì mọi người trở về nguyên vẹn. (7)

Vài tuần sau khi xong kể chuyện chiến dịch lớn lao này, tôi gặp một trong 70 giáo sĩ được gửi đi.  Ðể bảo đảm tên tuổi của cô, cô bảo tôi gọi cô là “chị Ruth”.  Bây giờ chị được 29 tuổi và lúc toán của chị ra đi chị mới 21 tuổi.  Chị Ruth chỉ theo học một vài lớp huấn luyện ngắn trước khi chị ra đi và chị không phải là một người truyền giáo kinh nghiệm.  Dầu vậy chị nói là tinh thần của chị rất sẵn sàng.

Chị cần phải sẵn sàng.  Chị cùng 2 người đồng đội khác, cả hai độ 30 tuổi, được gửi đến tỉnh Hắc Long Giang ở vùng Ðông Bắc.  Ðêm đầu tiên đến đó ba người ở tại một nông trại của một gia đình được móc nối tại tỉnh Hà Nam.  Hai người đàn bà của nông trại đã tìm cách lập một Hội Thánh tư gia với 15 người.  Một trong những người tiếp đón có vẻ không vui khi thấy các người truyền giáo này quá trẻ.  Bà nói: “Mục sư phải là người lớn tuổi.”  Bà nói họ có thể ở một đêm nhưng sau đó phải đi.  Ðêm đó cả ba quì gối cầu nguyện lâu trước khi đi ngủ.  Ngày hôm sau, người đàn bà đổi ý và cho họ ở lại.

Sau khi nghe họ giảng dạy, bà xác quyết là thần học của những người này là chính thống, và hết lòng cộng tác với họ.  Họ giảng về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế Giê-su cho các môn đệ của Ngài, đi giảng Tin Lành khắp thế gian trong Ma-thi-ơ 28:19, một đề tài không phổ thông mấy trong các nhà thờ Tam Tự và dâng phần mười (dâng 1/10 của thâu nhập cho công việc Chúa).  Rồi họ bắt đầu giảng tại các vùng quê lân cận, mỗi người đi một hướng và được tháp tùng bởi một tín hữu địa phương, người này là thành phần của nhà thờ tư gia địa phương.

Họ cầu nguyện chữa bệnh.  “Ðó là lý do Hội Thánh phát triển.”  Chị Ruth cho biết một người đàn bà đến với một bướu trong bao tử, cái bướu này dường như chạy khắp thân thể khi họ cầu nguyện.  “Rõ ràng đó là ma quỉ”.  Chị Ruth nói: “vì bà này bắt đầu té xuống đất rồi đứng lên nhảy lung tung khắp phòng nhóm.”  Sau giờ cầu nguyện lâu, không gì xảy ra, một số tín hữu bắt đầu ra cửa đi về.  Người đàn bà có bướu này la lên “các ông sợ phải không?”  Các người địa phương liền bỏ đi.

Cuối cùng, cũng theo lời chị Ruth, sau khi cầu nguyện hơn nữa, bướu và quỉ rời khỏi thân thể bà này.  Cuộc chiến thắng của chiến trận thuộc linh này đã tạo một tiếng vang và Hội Thánh bắt đầu lớn mạnh.  Sau một vài tuần số người đến không thể chứa được trong nhà riêng mà họ dùng làm nhà thờ.  Ðám người ở ngoài phải ngồi tạm trong một ga ra.

Các hoạt động này không làm cho hai thành phần không vui.  Bí thư Ðảng của nông trại và các người trợ lý của ông.  Những người này trở nên nghi ngờ khi thấy nhiều người ra vào, và Hội Thánh Tam Tự địa phương, vì một số hội viên từ bỏ nhà thờ khi họ nghe có một số các nhà truyền giáo giảng một Cơ Ðốc Giáo với quyền năng.  Lo là họ sẽ bị điều tra và bị bắt, cả ba chia Hội Thánh thành ba nhóm khác nhau, và mỗi giáo sĩ lo một nhóm.

Ðến lúc họ trở về với Thông Công Ðường Hà vào tháng 10, cả ba Hội Thánh này có 300-400 người.  Vào năm 2002, chị Ruth nói con số lên đến 5,000 người.  Thời kỳ từ 1994-1996 là những năm Hội Thánh phát triển nhanh nhất, chị nói khi chị chia xẻ tại Liên Hữu Ðường Hà.  Năm 1997 chính quyền gia tăng bắt bớ các nhóm Tin Lành không đăng ký, và một số các nhà lãnh đạo Liên Hữu Ðường Hà bị bắt.  Phùng Giang Quốc bị bắt vào năm 1997 và bị treo án 1 năm tù về tội nhóm họp không có phép.  Ông ta bị bắt trở lại vào năm 1999 cùng với ông Trương, các nhà lãnh đạo mạng An Huy và một số người khác nữa.  Nhưng ông Phùng đã thiếp lập một cơ cấu lãnh đạo tốt.  Cơ cấu này vẫn hoạt động tốt khi các nhà lãnh đạo bị bắt.  Mạng có nhiều ban ngành khác nhau như: Giáo dục, văn phẩm, quản lý, mục vụ, thờ phượng, trường Chúa Nhật, và truyền giáo.

Vào tháng 10 năm 1999, lại xuất hiện một làn sóng truyền giáo mạnh mẽ trong Thông Công Ðường Hà với một số giáo sĩ mới.

Lần này, họ chấp nhận những người thiện nguyện, những người có gia đình đồng ý di dân đến các thành phố lớn, và đến các vùng có các dân tộc ít người sống.  Năm 2001, 40 cặp được phái ra đi, vào năm 2002 có 98 cặp và 120 giáo sĩ độc thân đã đến định cư tại các tỉnh của Trung Quốc.  Các nhà lãnh đạo Ðường Hà đi đến Chita tại Nga vào năm 2002 để truyền giáo cho các người Trung Quốc di dân.  Những người này di dân đến vùng biên giới Nga, và như chúng ta sẽ thấy sau này, mạng lưới cũng có chương trình truyền giáo rộng lớn ngoài biên giới Trung Hoa, kể cả các nước Hồi Giáo.

(Còn tiếp)

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top