Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 5.c
Các Chuyên Gia Cơ Đốc Tại Các Thành Phố Trung Quốc
Các bài hát của Tiểu Minh có lẽ chưa đến xứ Ả-rập, song từ Barbin vùng cực bắc Trung Quốc cho đến Quảng Ðông ở phía Nam, từ tỉnh Cam Túc phía tây cho đến Thượng Hải, trung tâm đô thị trên sông Dương Tử, các bài hát của chị được các chuyên gia sống tại đô thị hát trong các buổi cầu nguyện và học Kinh Thánh.
Mary Li
“Chúng tôi hát các bài hát Ca-na-an” Cô Mary Ly nói (Ðây không phải là tên thật của cô). Cô là một chuyên viên Internet được giáo dục tại Hoa Kỳ và đang hướng dẫn một Hội Thánh Tư Gia gồm 4 gia đình tại Bắc Kinh. Các bài hát đó thật hay vì nó mang phong cách dân tộc. Nó thích hợp với văn hóa và đời sống của Hội Thánh.”
Mary cũng giống như các tín hữu đô thị, họ là nhịp cầu nối giữa Hội Thánh Tư Gia và Hội Thánh Tam Tự và cũng là nhịp cầu nối giữa những người sống ở đô thị và đám dân cư nổi gồm những công nhân từ nhà quê ra tỉnh. Họ sống rải rác trong các trung tâm đô thị tại Trung Quốc. Tại Bắc Kinh nhóm này ước lượng khoảng 3 triệu người.
Mary cùng đi nhóm tại nhà thờ Tam Tự Gangwashi tại khu Xisi Nan Da Jie tại Bắc Kinh mỗi tối thứ Năm và cũng hướng dẫn âm nhạc tại đó. Hội Thánh này luôn luôn đầy người và nếu bạn là người đi nhà thờ thường xuyên và bạn đến đó lúc 6 giờ 30 tối bạn sẽ không thể vào giảng đường chính cho buổi nhóm giữa tuần lúc 7 giờ tối. Hàng trăm người có lẽ hơn một ngàn người đến thờ phượng và chiếm mọi tấc đất của phòng nhóm chính cũng như ngoài sân nhà thờ. Nhân viên nhà thờ cho biết mỗi sáng Chúa Nhật có 5.000 người đến dự các buổi lễ được tổ chức suốt ngày.
Mary nghĩ nhiều về “những người dân trôi nổi.” Cô nói là phần lớn các tín hữu Trung Quốc không biết có một “dân trôi nổi.” “Dân thành phố có thái độ xấu với dân nhà quê. Họ chế diễu các người này có nhận thức và thái độ khác.” Cô và một số người tại nhà thờ tư gia của cô giúp cho bảy nhóm của “dân trôi nổi” đang sống rải rác khắp Bắc Kinh. Nhưng cô phải thận trọng. “Chúng tôi đang hát thờ phượng và biết rằng điều này không ổn.” Cô nói: “Xóm giềng có thể nghe chúng tôi hát và báo cáo cho chính quyền biết có một buổi nhóm không được phép.”
Khả năng học vấn của Mary giúp cô có nhiều liên hệ với cộng đồng chuyên nghiệp đang tăng trưởng tại Bắc Kinh. Cô đã tham dự các buổi nhóm của các Hội Thánh Tư Gia tại Bắc Kinh. Mỗi hội viên trong các Hội Thánh này đều có xe hơi riêng, những người thuộc thành phần giàu có tại Trung Quốc. Cô biết một tín hữu làm việc cho Ðài Phát Thanh Trung Ương, anh ta cũng đang hướng dẫn một Hội Thánh Tư Gia tại nhà của anh. “Xã hội Trung Quốc được xem là xã hội Khổng Mạnh.” Cô nói: “Nhưng vì cớ đời sống tân tiến, tôi không nghĩ người ta tin tưởng điều gì. Khi tôi còn nhỏ, giá trị gia đình và trung thành trong hôn nhân được nhiều người quí trọng. Nhưng ngày nay có sự khác biệt lớn. Có một tiêu chuẩn đạo đức mới. Ngoại tình được cho như là thời trang. Nhiều người ly dị. Tôi nghĩ đây là điều đáng buồn.”
Mary, một phụ nữ đẹp, ăn mặc bảnh bao, 27 tuổi với mái tóc ngắn và dáng điệu tự tin, nói là cô và các bạn của cô lo về vấn đề hẹn hò. “Không có anh nào là người tin Chúa mạnh mẽ.” Cô nói: “Chúng tôi muốn thành hôn với một người đàn ông có khuynh hướng Tây Phương, một người có đức tin.” Ðây là vấn đề phổ thông bất cứ nơi nào tại Trung Quốc. Giáo Hội Tam Tự dạy nếu bạn là một tín hữu bạn có thể lấy người mà bạn kính nể, đó là tốt rồi. Song có nhiều phụ nữ hòa đồng với thế gian. Ðôi lúc họ biết đó là một quyết định xấu, nhưng họ không cho bạn bè biết là chồng của họ không tin Chúa cho đến khi họ thành hôn.
Hãng của Mary buôn bán với các tập đoàn Âu Châu. Khi hãng của cô tổ chức một cuộc họp với hãng điện tử Phần Lan, một phụ nữ Phần Lan hỏi cô về chương trình của lễ Giáng Sinh. “Cô có đi nhà thờ không?” Người phụ nữ Phần Lan hỏi cô. Cô này ngạc nhiên là một phụ nữ Trung Quốc lại muốn đi nhà thờ, và cô nói, cô và hầu hết các người Âu Châu lứa tuổi của cô, chưa bao giờ bước chân đến một buổi thờ phượng trong nhà thờ. Cô ta nhận lời mời của Mary đến dự lễ Giáng Sinh tại Hội Thánh Tam Tự Gangwashi. Cô nói: “Coi bộ có nhiều Cơ Ðốc nhân tại Trung Quốc hơn Âu Châu.”
Tôi gặp nhiều chuyên gia Âu Châu, bề ngoài họ coi bộ rất chuyên nghiệp, nhưng nếu đi xa hơn, thì họ là những người xấu, đặc biệt là đàn ông. Một người đàn ông Phần Lan tại một buổi gặp mặt xã giao đã tán tỉnh Mary và rất ngạc nhiên khi bị cô từ chối. Ðàn ông Mỹ và Âu Châu cho Trung Quốc là thiên đàng của những người độc thân vì cớ Trung Quốc có nhiều phụ nữ trẻ đẹp.
Helen Wong
Nhiều người Trung Quốc sống trong các thành phố chịu ảnh hưởng của các chuyên gia và giáo viên. Phần lớn những người này là Cơ Ðốc nhân, họ đến Trung Quốc để chia xẻ đức tin của họ. Chẳng hạn cô Helen Wong (không phải tên thật của cô). Lần đầu tiên cô gặp một phụ nữ từ Gia Nã Ðại dạy tiếng Anh tại Ðại Học Bắc Kinh nơi cô Helen đang theo học chương trình cử nhân về tiếp thị. Cô giáo viên Gia Nã Ðại này trong một giờ thảo luận về tôn giáo Tây Phương, nói với lớp là Chúa Giê-su là một người thật. Phần lớn các sinh viên trong lớp cười, song Helen lại không. Cô ta đến gặp riêng giáo sư và nhờ giáo sư giải thích.
Sau này, Helen gặp hai giáo sư Mỹ trẻ tuổi tại tiệm ăn McDonald ở Bắc Kinh, một trong hai người này kể cho Helen biết là cách nào anh đã trở nên Cơ Ðốc nhân. Cả hai thanh niên này đang học tiếng Trung Quốc tại Ðại Học Beijing Normal University. Helen yêu cầu hai người này cầu nguyện cho cô, dầu chính cô cũng chưa xác nhận đức tin của mình. Cuối cùng cô trở nên tín đồ vào năm 2000 cũng trong năm đó cô được báp-têm trong một bồn tắm của một gia đình Trung Quốc. Bây giờ cô sống chung trong một căn hộ với hai người phụ nữ tín đồ, những người này giới thiệu cô cho một giáo sư ngoại quốc khác.
Helen là thành viên của một Hội Thánh tư gia gồm 10-15 người, 4 phần 5 các người này là phụ nữ. “Ít người đàn ông tin Chúa,” cô nói “Họ có nhiều tham vọng.” Nhóm này họp lại vào ngày Chúa Nhật và thứ Sáu, đôi lúc thứ Ba để hát, thờ phượng, cầu nguyện và truyền giáo. Helen muốn lấy một người tin Chúa, song cô sẵn sàng hò hẹn với người không tin Chúa. “Phần lớn các bạn trai không cho việc tôi là tín đồ là vấn đề, cô giải thích thêm. Nhiều người lại nghĩ rằng nếu bạn là một phụ nữ và là sinh viên tại một Ðại Học lớn tại Bắc Kinh, có lẽ bạn là tín đồ. Nhưng hầu hết các cô trong nhóm thông công của chúng tôi quyết định đây không phải là thời điểm để lập gia đình.”
Benjamin Chen
Một vài tuần sau tôi nói chuyện với một số hội viên của một Hội Thánh Tư Gia tại Thượng Hải. Benjamin Chen (không phải là tên thật của anh) là một giám đốc đang lo một công ty tiếp thị. Anh ta nghe về Cơ Ðốc giáo từ một giáo viên Anh ngữ tại Ðại Học anh theo học. Sau đó anh đi Thụy Sĩ để học cao hơn. Khi anh trở về Thượng Hải anh gia nhập một Hội Thánh Tư Gia có khoảng 30 người. Họ nhóm trong ba căn hộ. Có người ngoại quốc đến tham dự: người Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo thương mại Ðài Loan. Lứa tuổi của các người này khác nhau điều đó thích hợp với anh.
Benjamin khám phá ra là có một số bạn bè trong nhóm muốn đi với anh đến làm chứng tại các vùng thôn quê tỉnh Sơn Ðông. Anh nói là gặp các tín hữu tại vùng quê là một kinh nghiệm quí báu. Suy nghĩ về điều này anh cho biết: “Ở vùng quê người ta có nhiều thì giờ đọc Kinh Thánh và tương giao với Chúa. Trong các Hội Thánh Tam Tự không ai nói đến điều này. Nhưng tại vùng thôn quê, người ta có nhiều liên hệ đức tin. Tại Thượng Hải, cũng như tại các thành phố khác người ta rất bận rộn, bị nhiều áp lực. Chúng ta bỏ lỡ nhiều điều.”
Richard Liu
Sau đó vài ngày tôi ngồi tại một quán cà phê phía nam Bắc Kinh nói chuyện với Richard Liu (không phải là tên thật của anh). Liu là một giám đốc trẻ khoảng 20 tuổi làm việc với một hãng tài chánh Tây Phương. Cả hai bố mẹ của Richard đều theo học Ðại Học nổi tiếng Quinghua University, và Richard hiện cũng đang theo học tại đó. Cũng giống như các nhà tri thức khác tại Trung Quốc họ tin là khoa học có thể cứu Trung Quốc. Nhưng khi theo học năm thứ nhất, Richard tìm được cuốn sách bằng tiếng Trung Quốc với đề tựa Câu Chuyện Kinh Thánh. Sách này giải thích nội dung của Cựu Ước và Tân Ước. Sách này nhấn mạnh trọng tâm của văn minh Tây Phương. Rồi qua một câu chuyện với một giáo sư Mỹ, Richard ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết mọi người tại Hoa Kỳ một cường quốc khoa học, tin có Ðức Chúa Trời.
Richard chia xẻ các cuộc đối thoại này với bố anh là người không tin một tôn giáo nào nhưng cho rằng làm một người tốt là điều rất quan trọng. “Ðừng để người nào chỉ trích mình vì hành động xấu xa của mình.” Bố của anh cảnh cáo. Chính Richard cũng biết là mình bị cám dỗ mọi chiều. Anh cũng ý thức được sự dạy dỗ của bố mình là nên nương nhờ năng lực riêng của mình. Richard trở nên tín đồ vào năm cuối của Ðại Học. “Tôi cho bố mẹ tôi biết điều này và họ cười.” Anh nói: “Bố mẹ tôi bảo là phí thì giờ.”
Sau khi Richard báo cho giáo viên Mỹ của anh biết là anh đã tin Chúa, giáo viên này đồng ý làm phép báp-têm cho anh trong bồn tắm của căn hộ mình. Ðời sống anh lập tức bắt đầu thay đổi. Ngay cả bố mẹ anh cũng thấy điều này, vì Richard là một thiếu niên bướng bỉnh trước khi lên Ðại Học. Bây giờ anh có vẻ lễ phép và vâng phục. Sau khi Richard tin Chúa, mẹ anh cũng tin Chúa, vì em của Richard du học tại Ba Lan cũng tin Chúa.
Sau khi cộng tác với tập đoàn quốc ngoại, Richard giữ đức tin của mình một cách kín đáo. Richard cảm thấy lo ngại khi ông chủ Trung Quốc của anh chế nhạo anh khi anh đi học Kinh Thánh mỗi tối thứ Sáu. Hiện giờ anh họp hằng tuần với một nhóm nhỏ độ chục người, hầu hết trong lứa tuổi 20-30, song cũng có một bà 67 tuổi.
Nhóm này họp tại nhà một người bạn vào chiều thứ Bảy, ăn cơm chung với nhau hát thánh ca và cầu nguyện. Bốn mươi phần trăm các người trong nhóm này là phụ nữ, Richard cũng bắt đầu hò hẹn với một cô trong nhóm. “Chúng tôi là cặp duy nhất bắt đầu quen sau khi chúng tôi trở nên Cơ Ðốc nhân,” anh giải thích một cách vụng về hơn là anh tưởng. “Cả hai chúng tôi không người nào lãng mạng. Chúng tôi hoàn toàn lý trí và đúng đắn.” Richard nói là mục đích của nhóm là trở thành một Hội Thánh truyền giáo. Richard nói một điều khó khăn của thế hệ Cơ Ðốc nhân mới này là họ không có một thế hệ lớn hơn để có thể hướng dẫn và giúp họ lớn lên trong đức tin mới của họ.
Những Điều Thiếu Sót
Sự khác biệt về tuổi tác trong vòng các tín hữu Cơ Ðốc là một vấn đề tại các thành phố Trung Quốc nơi có nhiều tín đồ trẻ song không có truyền thống như trong vùng quê tỉnh Hà Nam có “các bác, các dì, các cô” với nhiều năm kinh nghiệm. Không có người nào có thì giờ và năng lực để nuôi dưỡng những tín đồ trẻ này.
Tại Quảng Châu, tôi nhóm cầu nguyện với 35 bạn trẻ, tỉ số trai gái là 50/50. Họ họp lại một cách bí mật vào một ngày trong tuần sau khi ăn tối. Họ hát một vài bài ca thờ phượng và lắng nghe một bạn trẻ dạy về nhu cầu của các tín đồ mới không để cho các vấn đề thời gian làm xao lãng đức tin của họ (anh này cũng không lớn tuổi hơn các người tham dự mấy).
Khi họ chuẩn bị kết thúc buổi thờ phượng họ nhận thấy là bốn người bạn Mỹ cùng đi với tôi là hội viên của một Hội Thánh lớn tại Virginia. Họ họp quanh các bạn Mỹ này. Những người Mỹ này đã được chỉ dẫn là không được nói chuyện ngay cả nói chuyện với nhau khi họ đi vào qua cầu thang e rằng hàng xóm sẽ báo cáo cho chính quyền biết có người ngoại quốc đến tham dự và công an sẽ đến điều tra. Các bạn Mỹ này nhiệt tình giúp các tín hữu Trung Quốc cầu nguyện gần một giờ.
Các tín hữu Trung Quốc chia xẻ với các người ngoại quốc nhiều vấn đề cá nhân: đau đầu kinh niên, tranh chấp với các người trong gia đình, tranh chấp nơi làm việc, chiêm bao hãi hùng ban đêm, lo sợ không tìm được việc tốt. Các bạn Mỹ này thật vui được họp với các tín hữu trong một quốc gia mà các cuộc gặp gỡ không được phép và thật là nguy hiểm. Các tín hữu trẻ Trung Quốc cũng rất vui được gặp các Cơ Ðốc nhân trong tuần với kinh nghiệm giúp họ nối kết với thế hệ trước.
Michael Yu, một người được giáo dục tại Mỹ, người quản lý một số các Hội Thánh Tư Gia tại Quảng Ðông bình luận về vấn đề này: Vì có nhiều tín hữu mới trong các thành phố, nên có một nhu cầu lớn là làm sao giáo dục về những vấn đề căn bản để sống đời sống Cơ Ðốc. Trong quá khứ, anh nói anh đã mời nhiều người lớn tuổi có kinh nghiệm hơn từ các vùng thôn quê về dạy. Nhưng nhu cầu đòi hỏi thì giờ quá lớn khắp Trung Quốc đã tạo ra nhiều căng thẳng trong tương giao gia đình. Một vài giáo sư kinh nghiệm phải chia ly khỏi gia đình của họ vì cớ xa cách quá lâu khi họ phải đi dạy dỗ nhiều nơi.
Yu cho biết có khoảng 50.000-60.000 tín hữu đắc lực tại Quảng Ðông, con số không lớn lắm so với con số sáu triệu rưỡi dân. Cộng đồng này thường thờ phượng trong các Hội Thánh Tư Gia, song cũng có nhiều trao đổi. Nhiều tín hữu Hội Thánh Tư Gia thích sự tiện lợi trong việc dự lễ tại các Hội Thánh truyền thống vào ngày Chúa Nhật. Yu cũng đang tổ chức một chương trình huấn luyện lãnh đạo các Hội Thánh Tư Gia tại Quảng Ðông.
Anh dạy cho họ các nguyên tắc và phương pháp thành lập các nhóm nhỏ khoảng chục người, phương thức được các Hội Thánh Tin Lành tại Bogota, Colombia xử dụng.
Chương trình của anh Yu không phải là một chương trình huấn luyện quan trọng duy nhất đang được thực hiện. Dầu vẫn còn thiếu, song có nhiều chương trình huấn luyện lãnh đạo cho các cán bộ trẻ để lo cho Hội Thánh hiện đang được tổ chức ra khắp nơi tại Trung Quốc.
Chú Thích:
[1] Wu Baixin không phải là tên thật của ông. Vì công an tỉnh Hà Nam đôi lúc tìm bắt ông vì ông có liên hệ với mạng Fangchen, Tanghe, và các nhóm thông công khác. Ông ta và cô Ding cung cấp tài liệu cho chương này, ngoài ra cũng có các tài liệu khác được dùng cho các biến cố trong chương này. Wu có lẽ là người biết nhiều về tất cả các chi tiết của Hội Thánh Tư Gia tại Trung Quốc.
[2] Fanny Crosby (1820-1915) là một thi sĩ và người sáng tác nhạc. Bà sáng tác hơn 9.000 thánh ca trong suốt cuộc đời, hơn tất cả các người viết nhạc tại Mỹ trước và sau bà.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)