Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 7.a

Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 7.a

jib
Chương Bảy

Những Năm Đầu Của Hội Thánh Quốc Gia

Chỉ mới chín giờ sáng Chúa Nhật tại Bắc Kinh song tại nhà số 57 Ðường Xisi Nan Da Jie đã đầy người.  Ðây là địa điểm của một trong tám nhà thờ được chính thức cho phép tại Bắc Kinh.  Nhà thờ này thường được gọi là Gangwashi, có nghĩa là “Chợ bán bình đất,” “Chợ đồ gốm” để chỉ một chợ như thế trong các triều đại trước.

Buổi lễ thờ phượng chính bắt đầu lúc 9:30 sáng nhưng nếu hội chúng không đến nhà thờ nửa giờ trước, họ không thể vào được.  Tại sân nhà thờ người ta chiếu bài giảng của Mục sư Zhang Shuqiang trên màn TV.  Vào khoảng 200 người hầu hết gồm các bạn thanh niên độ 20-30 tuổi lắng nghe, một số ghi lại bài giảng trên giấy khi họ theo dõi bài giảng của ông.  Ban trật tự hướng dẫn những người đến trễ như tôi vào phía cuối của sân để chúng tôi có thể đứng gần tường.  Một con gà trống chạy dọc theo tường và đôi lúc gáy lên.  Từ cửa của nhà bên cạnh tiếng ban hát đang tập hát vang ra.

Gangwashi là nhà thờ Tam Tự, hoặc như nhân viên của Hội Tam Tự nói, đây là nhà thờ của Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc vì không có nhà thờ nào là Nhà Thờ Tam Tự.  Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc là một tổ chức song song với Phong Trào Yêu Nước Tam Tự, được chính phủ cho phép quản lý các nhà thờ Tin Lành trong toàn quốc.

Gangwashi là một trong tám nhà thờ “mở” tại Bắc Kinh mà người Trung Quốc và người ngoại quốc có thể tự do đến dự.  Vào năm 2004, Chính Phủ tuyên bố là lần đầu tiên từ khi Cộng Sản lên nắm chính quyền, hai nhà thờ mới được xây dựng tại thủ đô.  Công trình xây dựng các nhà thờ mà bây giờ được xem là các nhà thờ lớn nhất tại Bắc Kinh được hoàn tất vào năm 2005, song các nhà thờ này vẫn chưa được phép sử dụng ngay.

Tại các thành phố cũng như vùng quê Trung Quốc có 13,000 nhà thờ được Hội Thánh Tam Tự thừa nhận và cho phép hoạt động.  Theo ước lượng của các nhân viên Tam Tự, các nhà thờ này phục vụ 15 triệu tín đồ Tin Lành.  Một số các nhân viên Tam Tự cho biết riêng là con số này có thể lên đến 20 triệu, và họ có vào khoảng 3000 mục sư quản nhiệm.  Một số các viên chức Tam Tự phàn nàn là chính quyền không cho phép họ phong chức thêm mục sư mới để thỏa mãn các nhu cầu đang lên của số tín đồ hội thánh đang tăng.

Ðối với khách ngoại quốc, các nhà thờ này là thể hiện chính thức của hoạt động Cơ Ðốc tại Trung Quốc mà họ có thể thấy được.  Thường các nhà thờ này rất ấn tượng.  Tại nhà thờ Quốc Tế ở Thượng Hải, ống nghe dành cho người ngoại quốc nghe các bài giảng được dịch ra tiếng Anh được các người ngoại quốc đến dự lễ sử dụng.  Tại Thượng Hải và Bắc Kinh, các Hội Thánh “mở” có các ban hát mặc áo lễ, hát với tất cả kỹ năng âm nhạc và rất nhiệt tình.  Người ta có thể mua Kinh Thánh bằng tiếng Trung Quốc tại bất cứ Hội Thánh Tam Tự nào, và một số hội thánh còn có tiệm sách Cơ Ðốc, nơi mà ai cũng có thể mua các sách dưỡng linh đã được dịch ra tiếng Trung Quốc.  Một cuốn sách phổ thông nhất là Stream in the Desert (Dòng Suối Giữa Sa Mạc) sáng tác của giáo sĩ Mỹ Charles Cowan (1870-1960), người đã từng làm giáo sĩ tại Trung Quốc và Nhật Bản trong hai thập niên ở thế kỷ thứ 20.

Các hội thánh này luôn luôn đầy người.  Mary Li, chuyên gia phụ nữ mà tôi đã nhắc đến trong chương năm thường đến tham dự các buổi nhóm thanh niên tối thứ năm tại Gangwashi.  Cô nói có 500 thanh niên đến nhóm mỗi tối thứ năm.  Hội Thánh Tam Tự tại quận Haidian, một quận có nhiều sinh viên đại học, mỗi sáng Chúa Nhật cũng đầy người.  Ðiều này không có gì ngạc nhiên.  Tám nhà thờ “mở” dành cho tất cả các tín hữu Tin Lành tại Bắc Kinh, với dân số 13 triệu thì làm thế nào đủ.  Song điều quan trọng là bất cứ người Trung Quốc nào, già, trẻ đều có thể đến nhà thờ Tam Tự để học biết về Cơ Ðốc Giáo. (1)

Phần lớn các Hội Thánh Tam Tự dạy một Cơ Ðốc giáo chính thống, thuần túy Tin Lành.  Họ khác các cộng đồng Cơ Ðốc Tư Gia là họ không có thể hiện “ân tứ”: cầu nguyện tiếng mới, vui vẻ giơ tay lên và nhảy múa.  Có thể nói là tín hữu trong các Hội Thánh Tam Tự không nghe bài giảng nào về sự tái lâm của Chúa Giê-xu.

Mặc dầu Tam Tự là một hội thánh quốc gia (mục sư lãnh lương từ Chính Phủ và tất cả các hoạt động đều bị chính quyền theo dõi), đa số các mục sư là người Tin Lành thuần túy.  Họ tin là Cơ Ðốc nhân phải tự mình tin nhận Chúa, chứ không phải chỉ đi nhà thờ vì đó là điều nên làm, hoặc vì cha mẹ đi nhà thờ.  Họ cũng tin là vấn đề đức tin có giá trị đời đời.  Các tín hữu Tin Lành thuần túy tại Trung Quốc, cũng giống như các tín hữu Tin Lành thuần túy khắp thế giới, tin là mọi người phải nghe và tiếp nhận sứ điệp Cơ Ðốc.

Ðôi lúc giáo lý Tin Lành thuần túy trở thành vấn đề cho chính quyền.  Vài năm trước đây, một Mục sư tại Hội Thánh Chongwenmen, một hội thánh lớn khác tại Bắc Kinh bị thuyên chuyển vì ông quá Tin Lành.  Mặc dù đa số hội viên bất bình về sự thuyên chuyển này.  Một cộng đồng Cơ Ðốc lớn mạnh và nhiệt tình là một hăm dọa đối với một số nhân viên Tam Tự và ban Tôn Giáo.  Tại Hội Thánh Dongshan nằm trên đường Sibei Tongin trong quận Dongshan tại Quảng Ðông, một buổi nhóm thanh niên hàng tuần phải sử dụng một phòng nhỏ, luôn luôn chật phòng, song không được phép dùng phòng lớn hơn hoặc nhà thờ chính mặc dù các phòng này không có người sử dụng.

Dầu vậy Hội Thánh Gangwashi rất là thuần túy Tin Lành.  Ngoài các lễ thờ phượng vào ngày Chúa Nhật còn có buổi nhóm thanh niên vào ngày thứ Năm, các buổi nhóm này luôn đầy người.  Một phụ nữ Tây Phương tham dự các buổi nhóm thứ Năm qua nhiều năm, mô tả các buổi nhóm như là buổi nhóm Thanh Niên Cho Chúa Cứu Thế (Youth For Christ), một phong trào Thanh Niên Tin Lành mà Billy Graham khi còn thanh niên vào thập niên 1946 đã lãnh đạo.

Các thanh niên cầu nguyện, làm chứng.  Vào mùa Hè năm 2002, cô cho biết là một Mục sư lớn tuổi tuyên bố: “Chúng ta cần cầu nguyện cho nhiều người, và cầu nguyện để Hội Thành này có thể đi ra khắp thành phố.  Chúng ta cầu nguyện để mọi người tại Bắc Kinh có thể biết Chúa Giê-xu, và Ngài sẽ được mọi người trong nước biết đến, và Trung Quốc sẽ là quốc gia đem Phúc Âm đến toàn thế giới.”  Ðiều này bày tỏ ông là một người Tin Lành thuần túy.  Ðó cũng là điều các Hội Thánh Tư Gia muốn nói.

Thỏa Mãn Nhu Cầu Đang Gia Tăng

Ðiều không chối cãi được là khắp Trung Quốc các Hội Thánh Tam Tự đang làm hết sức để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu Cơ Ðốc giáo.  Tại nhiều địa phương chính quyền đã cộng tác với hội thánh.  Kim Kong Chang, một học giả và một thành viên của Hội Ðồng Cơ Ðốc Hồng Kông, chính thức được phép nghiên cứu các vùng hẻo lánh tại Trung Quốc và cách Cơ Ðốc giáo đã thay đổi văn hóa các vùng này.  Tại vùng tự trị Lancang Lahu thuộc Vân Nam, trong thị trấn Simao, chính quyền địa phương chịu thua trong cuộc chiến chống lại vấn đề nghiện thuốc phiện đang lan tràn tại nhiều làng khác nhau.  Hạt  này ở gần  vùng Tam Giác Vàng nổi tiếng gồm Miến Ðiện, Thái Lan và Trung Quốc.  Ðây là nơi trải qua nhiều thập niên, các lãnh chúa đã ngự trị trong việc buôn bán ma túy.

Dầu việc sử dụng và trồng thuốc phiện bị cấm tại Trung Quốc và người phạm tội có thể bị phạt tù (vào các thập niên 1950, chính quyền Cộng Sản đôi lúc xử tử các người vi phạm, họ muốn tận diệt tệ nạn xã hội lớn nhất tại Trung Quốc); dầu vậy dân làng vẫn muốn trồng thuốc phiện vì có nhiều lợi nhuận hơn.  Lý do là trồng thuốc phiện có nhiều lợi tức hơn là các loại khác.  Thứ hai là thuốc phiện tạo một chu kỳ kinh tế xấu khó có thể thay đổi.  Khi nhiều người trong làng trở thành nghiện ngập, lợi tức của gia đình đi xuống và bệnh tật trong gia đình gia tăng.  Người dân tộc Lahu của vùng này theo truyền thống là người đa thần và theo tôn giáo dân gian thờ sinh vật.  Tôn giáo này thường dâng sinh tế cho các thần, vì vậy họ thường dâng các súc vật họ nuôi để làm thỏa mãn các thần linh gây bệnh tật và rủi ro.  Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, các gia đình này trở nên nghèo đói.

Vào năm 1992, theo sự nghiên cứu của Trung Quốc, các nhà truyền giáo đem Cơ Ðốc giáo đến các làng này.  Chẳng bao lâu, các quan chức địa phương nhận thấy là các gia đình Cơ Ðốc trở nên giàu có hơn các gia đình Lahu vẫn tiếp tục các tập tục tôn giáo truyền thống.  Ngoài ra, số người nghiện thuốc giảm xuống, và một số nhóm du đảng trong làng tin Chúa và thay đổi lối sống của họ.  Vì vậy, quan chức trong làng khuyến khích dân làng nghe sứ điệp Cơ Ðốc.

Theo ông Chan vào khoảng năm 1998, 58 gia đình Cơ Ðốc và hơn 200 dân làng, trong số 234 dân làng đã theo học các lớp giáo lý.  Cuối năm 1999, Ủy Ban Hành Chánh làng, Ban Tôn Giáo làng, và Ban Trị Sự Hội Thánh đã gởi thư đến chính quyền huyện, Ban Tôn Giáo và Ban Dân Tộc xin tiền để sửa lại mái nhà thờ đã được xây một năm trước.  Lá thư này nói:  Trong hai năm qua, các tín hữu Tin Lành này đã thay đổi lối sống.  Chẳng hạn, ông Li Muguo và gia đình đã giết hai con lợn và hai con bò để đuổi quỉ và họ không còn súc vật nào.  Sau hai năm trở thành tín hữu, bây giờ họ có 3 con bò và 4 con lợn. (2)

Chan đã suy nghĩ kỹ về tác động của Cơ Ðốc giáo trong sự thay đổi đặc biệt của văn hóa của các dân tộc trong vùng biên giới Trung Quốc.  Ông đưa ra dân tộc Lahu làm thí dụ.  Trước khi tin Chúa, dân tộc Lahu có một nền kinh tế phí phạm và là một xã hội áp bức.  Ông hỏi: “Có thể nào cộng đồng Cơ Ðốc này với tài nguyên từ các cơ quan phát triển Cơ Ðốc bên ngoài, thiết lập một cộng đồng khỏe mạnh toàn diện và làm thành một mô hình phát triển tại Trung Quốc?” (3)

Chan nhận thấy là các quan chức địa phương có đầu óc thực tế không chống lại việc Cơ Ðốc hóa các cộng đồng địa phương nếu các cộng đồng địa phương này là cộng đồng “chính thức” và nếu đời sống xã hội của họ được hoàn thiện.  Ðây là điều thường xảy ra khi một số lớn dân làng tin Chúa.  Thật ra, quan chức tại Trung Quốc ở tầng lớp địa phương ít quan ngại việc dân địa phương tin điều gì, chỉ quan chức quốc gia là người chịu trách nhiệm về việc quản lý tôn giáo toàn quốc mối có những quan ngại này.  Quan chức địa phương trong một số các vùng dân tộc thật ra muốn dân chúng trở nên tín đồ Tin Lành.

Nơi nào Hội Thánh Tam Tự được phép hoạt động làm những gì hội thánh trên thế giới làm: tâm vấn, khuyến khích hội viên, thăm viếng, cầu nguyện cho người bệnh, thiết lập cô nhi viện, nhà cho người già, giải thích Cơ Ðốc Giáo cho những người muốn tìm hiểu, họ thường làm tốt.  Phần lớn các dịch vụ này được thực hiện bởi các tổ chức vô vụ lợi thành lập năm 1985 để giúp cho các hội thánh Bắc Mỹ, Âu Châu và cá nhân có thể cung cấp tiền bạc cho các chương trình xã hội và văn hóa tại Trung Quốc.  Nhiều chương trình này được các Hội Thánh Tam Tự quản lý.

Amity foundation có một ngân quỹ hàng năm là 5 triệu mỹ kim.  Ông Zhang Lewei, một nhân viên của Amity Foundation cho biết là 98% tiền của ngân sách đến từ ngoại quốc, 18% đến từ Hoa Kỳ và 55% đến từ Âu Châu.  Phần lớn các trợ giúp từ Hoa Kỳ đến từ các Giáo hội Truyền thống như Lutheran World Federation, Church World Service, một cánh tay của Hội Ðồng Tôn Giáo Quốc Gia (National Council of Churches) của Hoa Kỳ.

Amity Foundation                    

Amity Foundation là một tổ chức kỳ lạ, nó giống như một tổ chức Phi Chính Phủ (NGO).  Công việc của Foundation gồm mỗi năm đem giáo sư ngoại quốc dạy tiếng Anh đến Trung Quốc để giúp cho khả năng dạy tiếng Anh của các giáo sư Anh văn, giúp đỡ cho các giáo viên vùng thôn quê trong việc dạy toán, khoa học, ngăn ngừa bệnh mù trong các chương trình huấn luyện các người làm việc với các bệnh nhân mắt, các nhân viên y tế và các chương trình xã hội do các hội thánh tổ chức.  Một chương trình đặc biệt của Amity Foundation là Trung Tâm Giúp Ðỡ Pháp Lý tại Nam Kinh, một tổ chức từ thiện giúp cho công nhân thưa kiện, và đôi lúc thắng.

Các vụ tranh chấp lao động giữa công nhân và các hãng xưởng trong hệ thống doanh thương quá cạnh tranh.  Website của Amity Foundation, cả tiếng Anh và tiếng Hoa, mô tả chương trình giúp đỡ pháp lý như thế này trong năm 2003.

Bạn phải làm gì nếu bạn bị tai nạn trong khi làm việc và chủ của bạn không bằng lòng trả phí tổn nhà thương cho bạn,  chứ đừng nói gì về vấn đề bồi thường? Chồng của bạn đánh bạn, bạn có đường lối pháp lý nào để giải quyết vấn đề này không? Bạn có thể dùng các con trưởng thành để cung cấp cho bạn lúc tuổi già không? Bạn phải làm gì nếu hệ thống âm thanh bạn mới mua là đồ giả? (4)

Ðiều này giống như một tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân tại Manhattan hơn là một tổ chức tại Trung Quốc.  Nó bày tỏ là xã hội Trung Quốc đã tiến bộ và đã vượt khỏi tình trạng kinh tế xã hội lạc hậu của thập niên 1970.  Ông Zhang Lewei, trợ lý cho Tổng Thư Ký của Amity Foundation tại văn phòng trên đường Hankou cho biết là ông “chưa là” Cơ Ðốc nhân.  Ông nói: “Chúng tôi không phải là hội thánh, chúng tôi là một tổ chức phi chính phủ, dầu tổ chức này đã được tín hữu Tin Lành Trung Quốc sáng lập.  Chúng tôi muốn góp phần trong công tác hiện đại hóa Trung Quốc và muốn góp phần trong công tác hiện đại hóa Trung Quốc và muốn những góp phần của Cơ Ðốc Giáo trong công tác xã hội được nhiều người biết đến.  Chúng tôi muốn làm việc nhiều hơn với người ngoại quốc.”

Dầu không phải là một tổ chức của giáo hội, song Amity đã làm một việc quan trọng cho Hội Thánh tại Trung Quốc.  Nhà in của Amity bắt đầu vào năm 1987 đã nhận được nhiều giúp đỡ từ các tổ chức Cơ Ðốc Hoa Kỳ.  Nhà in này qua hai thập niên đã in được 40 triệu bản Kinh Thánh bằng tiếng Quan Thoại đơn giản và bản tổng hợp năm 1919, và Kinh Thánh của các dân tộc Lahu, Hà Mông, và Yi.  Zhang cho biết “Nhiều quan chức chính quyền muốn có một quyển Kinh Thánh. Tôi tin đây là cố gắng họ muốn nhìn Cơ Ðốc giáo sâu xa hơn trong quan điểm tâm linh.”

Như đã nhắc đến trước đây, Kinh Thánh được bán tại các Nhà Thờ Tam Tự ít ra tại 70 địa điểm khác nhau trong toàn quốc theo con số đã được của một nhân viên Tam Tự đưa ra vào cuối năm 2002; song các nhà lãnh đạo Hội Thánh Tư Gia cho tôi biết là tại nhiều nơi một người không thể mua được nhiều cuốn Kinh Thánh cùng một lúc.  Các tín hữu tư gia nhiều lúc phải đi hàng trăm dặm để mua một cuốn Kinh Thánh.  Trong nhiều trường hợp các tín hữu bị bắt ghi lại tên và địa chỉ trước khi được phép mua Kinh Thánh.  Kinh Thánh cũng không được phép bán tại các tiệm sách công cộng, mặc dầu Kinh Koran và Kinh Phật được phép bán.

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top