Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 7.c
Phong Trào Tam Tự Được Thành Lập
Vào khoảng tháng 10 năm 1950 Trung Quốc tham dự vào chiến tranh Triều Tiên. Tình hình chính trị trong nước cổ võ cho những bước đầu để định chế hóa đường lối của Tin Lành Trung Quốc. Buổi họp quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo Tin Lành chính thức chấp nhận Bản Tuyên Ngôn và bắt đầu thành lập tổ chức Tam Tự.
Tổ chức được thành hình vào tháng 4 năm 1951, khi Ban Tôn Giáo vừa mới được thành lập bởi Mặt Trận Thống Nhất, triệu tập 151 các nhà lãnh đạo Tin Lành đến hội nghị bàn về các tổ chức đã từng nhận viện trợ Mỹ. Lu Dingyi, một nhân viên cao cấp của Ðảng Cộng Sản và Cục Trưởng Cục Giáo Dục Văn Hóa và Tôn Giáo của Hội Ðồng Hành Chánh Chính Phủ, trong bài diễn văn cho Ðại hội, nói rõ mục đích của Ðại hội là loại bỏ khỏi Tin Lành Trung Quốc mọi ảnh hưởng hoặc tư tưởng được xem là đến từ sự hiện diện của các giáo sĩ và của ảnh hưởng văn hóa đế quốc. Lu nói:
Mục đích của đấu tranh là quét sạch mọi ảnh hưởng trong quá khứ của hơn 100 năm xâm lược văn hóa nước ta của đế quốc. Trong cuộc đấu tranh này, điều cần thiết là người Tin Lành từ các hệ phái khác nhau phải thống nhất với chính phủ trong cố gắng chung dưới sự chỉ đạo của chính quyền nhân dân do Ðảng Cộng Sản lãnh đạo. (20)
Các tổ chức Cơ Ðốc tại Trung Quốc được hướng dẫn cắt đứt mọi quan hệ với các nhóm Cơ Ðốc Tây Phương. Ðại hội bỏ phiếu “luôn luôn và hoàn toàn cắt đứt mọi liên hệ với cơ quan truyền giáo Mỹ và tất cả các hội khác, như vậy là thực hiện được tự quản, tự dưỡng, và tự truyền cho Hội Thánh Trung Quốc.” (21) Từ rày về sau, chỉ Phong Trào Cải Cách Tam Tự là tổ chức được Ban Tôn Giáo cho phép mới được quyền thực hành mọi chỉ thị. Một trong 25 thành viên của Hội đồng là Li Chuwen, một Mục sư Tin Lành bị Hồng Vệ Binh vạch mặt nạ là một đảng viên bí mật trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Một người khác là Zhao Fusan, một Mục sư Tin Lành Anh Quốc giáo, sau này giữ chức cao trong Phong Trào Tam Tự trước khi đào tẩu qua Paris sau cuộc tàn sát tại Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Vì sự chống đối mãnh liệt của các nhóm Cơ Ðốc nhỏ như “Ðàn Chiên Nhỏ”. Ðây là những nhóm không có quan hệ với các Hội Thánh Phương Tây, sử dụng chữ cải cách hàm ý là “cải cách thần học” – tên chính phủ dành cho tổ chức Cơ Ðốc này, cho nên Y.T. Wu và các người khác chịu thay đổi tên của Hội thánh “Phong Trào Tam Tự Yêu Nước Tin Lành” vào năm 1954.
Khi cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Triều Tiên trở nên mãnh liệt hơn, thì chiến tranh chính trị tại Trung Quốc cũng leo thang, kể cả chiến tranh thay đổi ý thức hệ của Tin Lành Trung Quốc. Tại Ðại Hội Công Tác Tôn Giáo và năm 1959, Trưởng Ban Tôn Giáo mới, He Zhenxiang nói rõ là Thần học là “xâm nhập tư tưởng Mác-Lê vào các giáo lý tích cực của tôn giáo.” He tuyên bố:
Giá trị tích cực của lòng ái quốc phải thay thế các tuyên truyền tiêu cực của tôn giáo chúng ta. Chúng ta là người Cộng Sản có thể chấp nhận vài phần của Kinh Thánh mà các người Cơ Ðốc dùng, nhưng ta phải chú ý đến các giáo lý họ giảng. Nếu chúng ta thâm nhập các giáo lý này với tư tưởng Mác-Lê thì họ sẽ có ảnh hưởng tích cực và có thể phục vụ mục đích của chúng ta. (22)
Ông cho biết là những phần trong Kinh Thánh ông chống đối là Mười Ðiều Răn, bất cứ điều gì có tích cách siêu nhiên, và các điều liên hệ đến sự trở lại của Chúa Giê-xu. (23)
Vào tháng 7 và một phần của tháng 8 năm 1954, Hội Tam Tự tổ chức một đại hội nữa. Báo Thiên Phong tuyên bố mục đích. Bài xã luận viết: “Mục đích của tự truyền không phải là tổng hợp hay thay đổi tín lý, nhưng hoàn toàn loại bỏ tàn tích của tư tưởng đế quốc và đem lời giảng hòa hiệp với Phúc âm trung thực của Chúa Cứu Thế Giê-xu” (24)
Tin Lành của Trung Quốc dưới sự quản lý của Y.T. Wu đã được cải tạo chống lại Hoa Kỳ, Tây Phương và tất cả phong trào truyền giáo toàn cầu. Bắt đầu các thập niên 1950, các phim ảnh tuyên truyền Trung Quốc luôn luôn mô tả các giáo sĩ ngoại quốc, đặt biệt là giáo sĩ Mỹ, như là những con diều hâu ăn hại nền kinh tế, chủ quyền và gia sản văn hóa của Trung Quốc.
Ding Trong Vai Trò Lãnh Đạo
Ding cho biết là tại Hội Nghị Hòa Bình ở Prague vào năm 1949, Y.T. Wu nói chuyện với ông và mời ông về Trung Quốc để thay đổi Tin Lành Trung Quốc. Ding và Wu biết nhau khi cả hai làm việc cho YMCA. Ding là thư ký lo cho sinh viên vào năm 1938-1943. Ðảng Cộng Sản đã bí mật nhắm vào YMCA trong các năm đó, và sau này các nhà lãnh đạo Phong Trào Tam Tự đều ra từ những người lãnh đạo YMCA và YWCA. (25)
Sau khi học xong tại Union Theological Seninary, Ding qua Geneva để làm thư ký cho Liên Ðoàn Sinh Viên Cơ Ðốc thế giới. Ông trở về Trung Quốc năm 1951, quá trễ để tham dự vào việc thành lập Phong Trào Tam Tự, nhưng không muộn để có thể tiến thân nhanh chóng.
Thật không khó cho Ding nếu ông không hài lòng với chế độ Cộng Sản tại Trung Quốc và ở lại ngoại quốc vĩnh viễn. Nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc không trở về Trung Quốc cho đến khi sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Song Ding nhận thấy trong Cộng Sản một cái gì làm cho ông thỏa mãn trên bình diện tâm lý lẫn triết học và ông sẵn sàng chống lại bất cứ người nào không chịu cộng tác với Phong Trào Tam Tự.
Ðiều này thể hiện rõ ràng trong bài Ding viết trong báo Thiên Phong – bài luận văn thần học đầu tiên – trong đó ông nêu lên câu hỏi Ðức Chúa Trời hỏi A-đam trong vườn Ê-đen sau khi sa ngã: “A-đam, ngươi ở đâu?” Theo ông đây là lời kêu gọi cho tín hữu Trung Quốc góp phần trong chiến dịch chính trị của Ðảng Cộng Sản. Ông cũng nói là Ðảng Cộng Sản đã thành công nơi mà Hội Thánh đã thất bại trong việc xây dựng một con người đạo đức. Ðối với Ding, sự sanh lại bởi Thánh Linh được thay thế bởi “Con người mới” theo tư tưởng của Mao Chủ Tịch, một nhà viết tiểu sử đã ghi lại. (26)
Vào năm 1953, ông được đề cử làm Viện Trưởng Chủng Viện Tổng Hợp Nam Kinh (Nanjing Union Theological Seminary) và hai năm sau được phong chức Giám Mục Triết Giang. Vào tuổi 40, ông là người Trung Quốc trẻ nhất được phong chức Giám Mục trong Anh giáo.
Tony Lambert, một học giả được nhiều người tôn trọng, cho là việc phong chức Giám Mục cho Ding vào năm 1955 khi Hội Thánh Anh cũng như các hội thánh khác không còn hoạt động tại Trung Quốc là một hành động giúp cho ông củng cố ảnh hưởng và tạo chổ đứng cho ông trong cộng đồng Tin Lành thế giới. Ding đang ở địa vị có thể vươn lên cao hơn nữa.
Chống Lại Vương Minh Ðạo
Ding bây giờ đứng lên như là người trong Phong Trào Tam Tự tấn công Vương Minh Ðạo. Nên nhớ là Vương Minh Ðạo không từ bỏ quan điểm của ông mặc dầu quan chức viết báo chống lại ông và tố cáo ông vào năm 1954. Ông vẫn tiếp chống lại Tam Tự, và rõ ràng đã trở thành cây gai đối với chế độ Cộng Sản tại Trung Quốc. Nhưng vì theo nguyên tắc, ông đã tránh tất cả mọi liên lạc với hội thánh ngoại quốc trong thời kỳ ông làm mục sư và nhà truyền giáo cho nên khó mà tố cáo ông là “không yêu nước”.
Thật là khó, song không phải là không thể. Bắt đầu năm 1954, Giám mục Ding trở thành dụng cụ của Ðảng Cộng Sản để làm mất uy tín của Vương Minh Ðạo. Bên phía Ðảng Cộng Sản và Tam Tự, bút chiến xảy ra trên các trang của báo Thiên Phong. Vương đáp lại qua các bài giảng tại Hội Thánh Christian Tabernacle, qua tờ báo Spiritual Food Quarterly, và qua các sách nhỏ. Quan điểm của Vương luôn luôn dựa trên vấn đề đức tin và thần học. Ðiều ông tin quyết là hàng giáo phẩm Tin Lành không nên tham gia tổ chức chính trị, và đó là nền tảng của điều ông bảo vệ. Trong khi Wu, Ding và một số người khác cho đấu tranh là cách giúp cho Ðảng Cộng Sản kiểm soát xã hội Trung Quốc, kể cả tôn giáo. Vương cho là các áp lực từ Phong Trào Tam Tự như là một hăm dọa đối với Cơ Ðốc Giáo truyền thống mà ông tin. Vương nghi ngờ cách các người Tân Phái tìm cách bắt các người Tin Lành Trung Quốc phải chấp nhận tín lý của họ dưới chiêu bài của một “Cơ Ðốc Giáo Yêu Nước”.
Tài liệu quan trọng trong khoảng thời gian này – khoảng thời gian mà Bắc Kinh tìm cách làm thế nào đối đầu với Vương Minh Ðạo, là một sách nhỏ do Vương viết với đề tựa “Chúng Ta, Vì Cớ Ðức Tin.” Qua cuốn sách này Vương thách thức Wu, Ding và C.C. Cui, Tổng Thư Ký của Church of Christ tại Trung Quốc, và là người nhiệt tình ủng hộ Phong Trào Tam Tự. Sách nhỏ này không đề cập đến các vấn đề chính trị và ít đề cập đến các vấn đề “yêu nước” hoặc “chống đế quốc” mà Phong Trào Tam Tự thường nêu lên. Thay vì đó, từ buổi đầu, Vương lý luận là sự tranh chấp giữa ông và các nhà lãnh đạo Tam Tự thật ra là về vấn đề đức tin Cơ Ðốc, để tỏ vẻ công bằng đối với những người chống đối ông, ông đưa ra những điều họ viết hay nói, rồi chống lại lý luận của họ.
Theo Vương, điều quan trọng đối với Tam Tự là hoàn toàn và hết lòng đứng về phía Tân Phái trong tranh chấp giữa hai phái Căn Bản và Tân Phái. Ông nhắc lại cho các người theo Tân Phái từ các năm trước. Vào năm 1929, trong bài viết “Các Ngươi Đi Giẹo Hai Bên Cho Đến Chừng Nào?” Ông gán cho các người Tân Phái nhãn hiệu “Ðảng Của Người Vô Tín” vì Wu trong cuốn sách Sự Tối và Sự Sáng, đã từ bỏ hoàn toàn những điểm nền tảng của đức tin mà Vương và các người Căn Bản và Tin Lành thuần túy cho là quan trọng cho Tin Lành Trung Quốc. Vương cho biết là người Tân Phái chối bỏ tất cả những tín lý căn bản của Cơ Ðốc giáo.
Ông tóm lược lý luận của ông như sau: “Thật ra, Phong Trào Căn Bản chống các người Tân Phái vì cớ các người này xưng nhận Kinh Thánh và Chúa Cứu Thế bằng môi miệng của mình, song trong thực tế họ lật đổ Kinh Thánh và Chúa Cứu Thế Giê-xu của Kinh Thánh… Nếu tôi gọi đảng của các người vô tín thì thật tôi có làm tổn thương họ hay chống lại họ không?” Ông tiếp tục: “Những người này không có đức tin, họ không tin Chúa Giê-xu, họ không phải là Cơ Ðốc nhân. Ðội lốt Cơ Ðốc nhân, họ trà trộn với những người trong hội thánh tuyên truyền một loạt giáo lý mơ hồ, giáo lý giả để dẫn tín hữu đi lạc, và làm hư hỏng đức tin của họ. Vương trưng dẫn qua bài viết của Cui trong báo Thiên Phong cho các giáo lý Nhập Thể, sinh ra bởi Trinh Nữ Mary, Phục Sanh, Ba Ngôi, sự phán xét cuối cùng, sự tái lâm v.v… là “các giáo lý vô lý, huyền bí không thể hiểu được.” Cui còn nói thêm là “tôi không thể chấp nhận các điều đó.” (31)
Với Ding, Vương dùng phương cách khác, không tố cáo Ding là một người Tân Phái. Ding muốn làm mất uy tín của Vương trên bình diện chính trị. Ông lên án Vương thuộc về “một thiểu số muốn chia rẽ Hội Thánh, cũng giống như đế quốc muốn chia rẽ, rồi đưa ra bằng chứng là chúng ta chia rẽ. Ông nghĩ gì về điều đó.” (32) Vương dùng sách nhỏ của ông để nói: “Dường như ông Ding đã tìm được bằng chứng về mối quan hệ giữa đế quốc và sự chia rẽ trong hội thánh, song ông ta không nói rõ bằng chứng đó là gì.” Rồi ông nhắc đến lý luận của Y. T. Wu là năm 1922 khi cuộc tranh luận giữa Tân Phái và Căn Bản tại Hoa Kỳ đạt cao điểm, Vương hỏi Ding một cách châm biếm: “Tôi không hiểu ông Ding đã nghiên cứu xem thử cuộc tranh luận có bị ảnh hưởng hay lợi dụng bởi đế quốc.” (33)
Nhắc lại các tín lý căn bản của Cơ Ðốc giáo như sự Nhập Thể, sự sanh bởi Nữ Ðồng Trinh, sự Phục Sanh và vấn đề là người Tân Phái không chấp nhận các tín lý này. Vương nhấn mạnh: “Ðây là những khác biệt thần học căn bản, và vì những sự khác biệt này, tôi không thể nào hiệp nhất với những người này. Hơn thế nữa, vì cớ Chúa Giê-xu, tôi sẽ chiến đấu chống lại họ. Vương còn thêm: “Ding muốn gán cho tín hữu thật một danh hiệu chính trị xấu. Tôi không phải là người giáo điều, nếu chúng ta đọc các lời xác nhận của ông Ding nhiều lần, chúng ta sẽ dễ dàng thấy ông muốn nói gì.” (34)
Vương nói đúng. Ding cố gán cho Vương danh hiệu “phản cách mạng.” Khi cuộc tranh luận kéo dài đến mùa hè 1955, các lời tố cáo của Ding càng khốc liệt hơn. Ông nói Vương dùng Kinh Thánh với dụng ý chính trị. Dầu vậy Ding lợi dụng cơ hội tố cáo Vương cho lý do duy nhất Vương không muốn tham gia Phong Trào Tam Tự vì ông “Không muốn chống đế quốc.”
Ding Bào Chữa
Mặc dầu Dinh tấn công Vương, và Vương chống lại Dinh, Dinh có lẽ không phải là một người hoàn toàn Tân Phái. Khi Mao Chủ Tịch cho phép một khoảng thời gian ngắn cho tự do văn hóa năm 1956 gọi là Phong Trào “Trăm Hoa Ðua Nở,” Ding từ bóng tối xuất hiện vào tháng 6 năm 1957 và đọc một diễn văn quan trọng cho sinh viên tại Nam Kinh. Bài này về sau được in trong báo của chủng viện dưới đề: “Thần Lý Cơ Ðốc.” (35) Ding can đảm binh vực cho “Thần Lý” (Theism), lý thuyết này chủ trương có Ðức Chúa Trời, chống lại lý thuyết Mác-Lê mà ông trong một thập niên trước đã đồng ý về quan điểm chính trị. Một nhà bình luận mô tả bài diễn thuyết như là một “một bảo vệ tuyệt vời cho thần lý chống lại lý thuyết Mác-xít.” (36)
Dinh nói trong bài diễn thuyết là “chúng ta là Cơ Ðốc nhân không có nghĩa là chúng ta chia tư tưởng bằng cách xếp loại người như là người duy vật hoặc duy tâm và cho đó là điều hợp lý. Thật đó là một đơn giản hóa của dữ kiện.” (37) Ding dùng thí dụ được đưa ra ở thế kỷ 17 về chiếc đồng hồ bỏ túi. Ví dụ cho là nếu tìm được một đồng hồ trong sa mạc mà bạn chưa bao giờ thấy một chiếc đồng hồ thì bạn phải tin là có một đầu óc thông minh nào đó đã làm nên nó. Để khuyến khích sinh viên tiếp tục đức tin Cơ Ðốc trong một chính thể đã quyết tâm dẹp bỏ mọi suy tưởng về tôn giáo. Ông nói: “Vũ trụ phức tạp hơn chiếc đồng hồ và nó hoạt động chính xác hơn. Làm thế nào nó (chiếc đồng hồ) là kết quả của các hiện tượng ngẫu nhiên mà không có một đầu óc, hoặc sự thông minh nào ở phía sau đó? Chúng ta không chối cãi là phía sau những thể hiện của thiên nhiên phải có một đầu óc, một sự thông minh, một mục đích.” (38)
Bài diễn thuyết của Dinh được truyền đi vào ngày 12 tháng 6 năm 1957, bốn ngày sau nhật báo Nhân Dân, tiếng nói của Ðảng Cộng Sản trong bài xã luận tuyên bố là chiến dịch Trăm Hoa Ðua Nở chấm dứt cũng như khoảng thời gian tự do ngôn luận. Bài xã luận bắn viên đạn đầu tiên trong chiến dịch dập tắt tất cả mọi phê bình chỉ trích, một cuộc càn quét chống lại những người vài tháng trước đã nói lên những gì chống lại chế độ. Ðây là khởi đầu của chiến dịch được gọi là “Chiến Dịch Chống Lại Hữu Phái”. Thình lình tất cả những người thò đầu ra chỉ trích bất cứ khía cạnh nào của chế độ hay tư tưởng của chế độ trở thành bia lãnh đạn.
Một trong những người phê bình chế độ là Mục sư Marcus Cheng, người đã đọc diễn văn thẳng thắn tại Hội Nghị Tham Vấn Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 3 năm 1957, lúc tự do ngôn luận đang đạt cao đỉnh. Mục sư Cheng là một người Tin Lành thuần túy, và cũng là người ủng hộ Phong Trào Tam Tự, ông cũng đưa ra các lời bình luận bênh vực thần lý giống hệt những điều Ding nói ba tháng sau. (39) Nhưng sau khi đó, Cheng bị triệu hồi về Bắc Kinh và bị tố khổ tại một buổi họp của ban chỉ đạo Phong Trào Tam Tự vào cuối năm 1957 – song không ai đụng đến Ding. Nhiều nhà quan sát nghĩ là Ding được những người trên bảo vệ.
Chiến dịch Chống Hữu Phái bắt đầu năm 1957 và đưa đến chiến dịch Bước Tiến Nhảy Vọt năm 1958, đó là một thí nghiệm kinh tế và xã hội quá khích nhất mà Mao Chủ Tịch cố thực hiện tại Trung Quốc. Nhà thờ khắp Trung Quốc bị đóng cửa. Tại Bắc Kinh, 65 nhà thờ đang hoạt động chỉ còn lại bốn. Tại Thượng Hải 260 hội thánh chỉ còn có 19. Theo một vài ước đoán, khắp Trung Quốc hàng trăm ngàn nhà tri thức, kể cả các Cơ Ðốc nhân, bị bắt và gửi đến các trại lao động trong hai thập niên.
Dinh vẫn sống sót tại Nam Kinh, dù số sinh viên tại Chủng Viện Nam Kinh đã giảm từ 85 người trong năm 1960 xuống còn 24 người trong năm 1964. Lớp chủng sinh tốt nghiệp cuối cùng của thập niên 1960 tốt nghiệp vào mùa Xuân năm 1966. Lúc đó, tình trạng hỗn loạn do Mao Trạch Ðông gây ra đã bắt đầu lộ diện: Cuộc Cách Mạng Văn Hóa.
Chú Thích:
(1) Trong một vài nơi tại Trung Quốc, thanh niên dưới 18 tuổi đôi lúc bị cấm không được đến nhà thờ, và thanh niên Hồi Giáo dưới 18 tuổi được bảo là đi vào đền Hồi Giáo là phạm pháp.
(2) Tetsumo Yamamori và Kim Kwong Chan, Witness to Power, Stories of God’s Quiet Work in a Changing China. Chứng nhân về Quyền Năng, các câu chuyện về công việc Yên Lặng Chúa Làm, Biến Ðổi Trung Quốc. Cumbria, UK and Waynesboro, GA: Paternoster Press, 2002), 32.
(3) Như trên
(4) Website của Amity: www.amityfoundation. org. Trưng dẫn July, 2006.
(5) Thomas Alan Harvey, Acquainted with Grief: Wang Minhdao’s Stand for the Persecuted Church in China. Làm Quen Với Ðau Ðớn: Vương Minh Ðạo Bảo Vệ Hội Thánh Bị Bách Hại Tại Trung Quốc. (Grand Rapids: MI: Brazon Press, 2002) 7.
(6) Ron MacMillan, “Bishop TV K.H. Ting: Ally or Adversary of the House Church Millions: Giám Mục K.H.Ting: Ðồng Minh hay Kẻ Thù cuả Hàng Triệu Tín Ðồ Tư Gia. News Network International, special report, June 12, 1989, 6.
(7) John Pomfret.” Protestantism rises in the Land of Mao”-Tin Lành Vươn Lên Trên Ðất của Mao. Washington Post, December 24,2002, A 12.
(8) George N.Patterson, Christianity in Communist China. Cơ Ðốc Giáo taị Trung Hoa Cộng Sản (Waco:Tex: Word Book,1969), 7
(9) Nêu ra trong Harvey, Làm Quen Với Ðau Ðớn, 30.
(10) Nêu ra trong Patterson, Christianity in Communist China, Cơ Ðốc Giáo tại Trung Hoa Cộng Sản, 59.
(11) Như trên, 51.
(12) Như trên, 52.
(13) Như trên, 53.
(14) Trích trong Linda Le e, A Living Sacrifice. The Life Story of Allen Yuan-Một hy sinh sống-Câu Chuyện về Ðời Sống của Allen Yuan. (Tonbridge, England: Soverign Books,2003) p99.
(15) Wallace C.Merwin, Francis Price Jones. Documents of the Three Self Movement: Source Materials for the Study of the Protestant Church in Communist China. Tài liệu cuả Phong Trào Tam Tự: Nguồn tài liệu để nghiên cứu về Hội Thánh Tin Lành tại Trung Quốc Cộng Sản. (New York: National Council of Churches, 1963), 19.
(16) Như trên
(17) Như trên, 19-20.
(18) Như trên,50.
(19) Như trên, 111.
(20) Như trên, 29.
(21) Dẫn chứng trong Thompson Brown, Christianity in the People’s Republic of China- Cơ Ðốc Giáo tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. (Atlanta: John Knox Press, 1996) 84.
(22) Trưng dẫn trong Patterson, Christianity in Communist China, Cơ Ðốc Giáo tại Trung Hoa Cộng Sản. 11-12.
(23) Như trên, 12.
(24) Harley, Acquainted with Grief- Làm Quen Với Ðau Ðớn,67.
(25) Tony Lambert’s is Introduction to Li Xinynan. Theological Construction of Destrution. Thần Học Cấu Trúc hay Phá Huỷ. (Streamwood, I I I: Christian Life Press, Inc.,2003)13
(26) Như trên, 15.
(27) Như trên, 16.
(28) Như Wu nói:” Các ngươi tân phái xem sự dạy dỗ về Tái Lâm như là biểu tượng thường mô tả chiến thắng của điều tốt trên điều ác, họ thấy tiến triển của thế giới đang xảy ra qua tiến quá. Documents of the Tree Self Movement, 100,101.
(29) Như trên, 103.
(30) Như trên, 104.
(31) Như trên, 105.
(32) Như trên, 106.
(33) Như trên.
(34) Như trên, 109.
(35) Thật là một điểm tò mò là bài này không gồm trong các bài viết chọn lọc trong tiếng Anh, được gọi là Tình Yêu Không Bao Giờ Hư Mất, được Amity Press xuất bản năm 2000.
(36) Brown, Brown, Christianity in the People’s Republic of China- Cơ Ðốc Giáo tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, 110
(37) Như trên, 157.
(38) Như trên, 161.
(39) Dẫn chứng trong Brown, Brown, Christianity in the People’s Republic of China- Cơ Ðốc Giáo tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, 109
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.