Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 8.a
Chương Tám
SAU CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HÓA
Vai trò của Ding trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa vẫn là một vấn đề được bàn cãi. Theo ông kể lại, ông chỉ được báo trong vòng bốn giờ để rời nhà tại Nam Kinh trước khi nhà ông bị chiếm và bị Hồng Vệ Binh cướp phá. Chủng Viện Nam Kinh bị chiếm và biến thành trụ sở của một đơn vị Hồng Vệ Binh.
Theo những người láng giềng của Ding, hiện không còn sống tại Trung Quốc, khi Hồng Vệ Binh bắt đầu lục soát nhà của Ding, con của Ding lúc đó vẫn còn nhỏ, cố gắng chận đường họ. Em cho Hồng Vệ Binh biết là bố em có quan hệ cao trong chính phủ. Một người láng giềng khác xác định là Hồng Vệ Binh tìm thấy thẻ đảng viên Ðảng Cộng Sản mà ông đã có từ thập niên 1930. Nhiều người Trung Quốc biết Ding đã lâu, từ những hoàn cảnh khác nhau, xác quyết Ding là một đảng viên bí mật trong nhiều thập niên.
Ding chịu nhục vì bị cách khỏi chức Viện Trưởng của chủng viện và Phong Trào Tam Tự – mà ông là Tổng Thư Ký của phong trào này vào năm 1966 – khỏi những thăng trầm mà nhiều người có học thức trong thời Cách Mạng Văn Hóa phải nếm trải. Dầu vậy, nhiều người Trung Quốc nói rằng Ding, cùng với một số những người khác trong hàng ngũ văn hóa và khoa học được tin dùng, đã được bảo vệ theo chỉ thị của Chu Ân Lai. Một câu chuyện khác kể là Ding được bí mật chở đến một nơi trú ẩn an toàn khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa bước vào thời kỳ căng thẳng. Ding chưa bao giờ nói về việc bị nhục mạ trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, trong khi đó nhiều viên chức và mục sư khác bị đối đãi rất dã man.
Sự tàn phá của Hồng Vệ Binh đạt cao điểm vào tháng 8 năm 1966 khi các tượng Phật bị đập nát khắp Trung Quốc; thập tự, ảnh tượng, hình Chúa và các đồ trang trí tôn giáo bị gỡ xuống từ các nhà thờ Cơ Ðốc giáo. Vào năm 1970, trật tự đã được tái thiết lập bởi Quân Ðội Giải Phóng Nhân Dân khắp Trung Quốc. Thành thị và thôn quê bây giờ được quản lý bởi một tổ chức mới “Ủy Ban Cách Mạng Lâm Thời.” (1)
Ding Guangxu xuất hiện như là phát ngôn viên chính thức của Tin Lành trong khoảng thời gian không còn nhà thờ Tin Lành nào hoạt động. Trong cuộc phỏng vấn với phái đoàn Tin Lành Canada vào đầu thập niên 1970, Ding lộ vẻ vui vẻ khi ông cho biết không nhà thờ nào tại Trung Quốc còn hoạt động. Ông nói là điều này bắt buộc Cơ Ðốc nhân nhóm lại trong nhà, giống như trong những ngày đầu của Hội Thánh. Ding còn xác nhận là ông cũng có các buổi nhóm học Kinh Thánh không chính thức tại nhà của ông.
Các Nhà Thờ Được Mở Cửa Trở Lại
Lòng nhiệt tình cách mạng đó cũng không được bao lâu. Sau khi Bè Lũ Bốn Tên bị bắt vào tháng 10 năm 1976, chỉ còn vấn đề thời gian là cơ cấu nhà nước và Ðảng được phục hồi để kiểm soát xã hội Trung Quốc và đem xã hội ra khỏi hỗn loạn. Cũng trong tháng này, một mục sư Giám Lý Mỹ và một nhà lãnh đạo của phong trào đại kết – Phong Trào Hiệp Nhất Mỹ – là Mục sư Eugene Stockwell đã đến thăm Ding. Trong cuộc đàm thoại với Ding, Mục sư Eugene Stockwell ghi lại là Ding cho biết “số tín hữu càng ngày càng giảm” và “Mục sư không muốn làm việc toàn giờ”. Khi Mục sư Stockwell hỏi là có thể Cơ Ðốc giáo sẽ chết mòn tại Trung Quốc không, Ding nói là “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra.” (2)
Thật điều đó không xảy ra. Vào năm 1978 khi Hội Thánh Tam Tự đầu tiên được mở cửa tại Ningbo, tỉnh Triết Giang. Tháng Giêng 1979, Ban Tôn Giáo từng bị đóng cửa trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, bắt đầu làm việc trở lại.
Ding đến thăm New York vào năm 1979 và giảng tại nhà thờ Riverside, ông bày tỏ tính cách vô định về thần học của ông. Bài giảng của ông thật ra rất chính thống không có vẻ “tân phái” theo ý nghĩa thần học. Ông bắt đầu bài giảng bằng câu nói: “Không có gì đặc biệt mới mà tôi có thể chia xẻ với quí vị về con người như là một tội nhân, và như con người cần được sự cứu chuộc của Ðấng Christ.” (3)
Vào tháng 3 năm 1980, Ban Thường Vụ của Phong Trào Tam Tự có một buổi họp tại Thượng Hải. Tại buổi họp này có nhiều tranh luận vì một số nhân viên đã được phục hồi. Những người này từng bị Hồng Vệ Binh hăm dọa và đã từ chối đức tin của mình trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Một đại diện của Phong Trào Tam Tự nói: “Có thể nào những người đã từng từ chối đức tin của mình và chỉ trích Cơ Ðốc giáo được phục hồi trở về chức vụ cũ không? Họ có thể được phép giảng trở lại hay không?” (4)
Trong suốt năm 1980, các nhà thờ đã từng bị đóng cửa và biến thành xưởng thợ và nơi chứa đồ, nay bắt đầu được mở cửa lại dưới sự bảo trợ của Phong Trào Tam Tự. Trong một đại hội vào tháng 10 tại Nam Kinh, Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc được thành lập và Giám Mục Ding được cử làm chủ tịch. Buổi họp tháng 10 năm 1980 này rất quan trọng vì tại đó tổ chức này được chỉ định để quản lý tất cả công việc của Hội Thánh như tổ chức giáo dục thần học, chọn lựa đại diện đi ngoại quốc. Ngày nay Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc lo việc thâu nhận sinh viên vào các chủng viện, quyết định ai được phong chức và bổ nhiệm Mục sư cho các nhà thờ.
Tài Liệu Số 19
Một tài liệu chính thức quan trọng hơn của Ðảng Cộng Sản về lý thuyết tôn giáo xuất hiện trong tháng 3 năm 1982. Ðây là một trong ba tài liệu quan trọng của Trung Ương Ðảng lần thứ 11, một buổi họp quan trọng xác nhận quyền của Ðặng Tiểu Bình và chính sách mở cửa của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài. “Tài liệu số 19, của Trung Ương Ðảng Bộ của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc về vấn đề tôn giáo.” Tài liệu số 19 lập tức lặp lại chính sách quốc gia về tôn giáo năm 1949, xác nhận quan điểm của Cộng Sản về tôn giáo, và cố gắng phân tích tình hình tôn giáo tại Trung Quốc sau một thập niên các tổ chức quốc gia đã bỏ qua.
Tài liệu số 19 bắt đầu với lời xác nhận thông thường của Mác-xít về tôn giáo như là một “hiện tượng lịch sử thuộc về mọi thời điểm trong tiến trình phát triển của xã hội con người,” và nó sẽ “biến mất khỏi lịch sử của nhân loại.” (6) Tài liệu tiếp tục: “đã có nhiều thay đổi trong công tác tôn giáo của Ðảng,” nhưng công tác hiện nay là “chống lại các lỗi lầm khuynh tả sai lầm” trong khi đó chống lại các cám dỗ cứ để mọi việc tiến triển như cũ.” (7) Tài liệu tiếp tục: “Chúng ta người Cộng Sản, là những người vô thần, phải hết sức tuyên truyền lý thuyết vô thần.” Song tài liệu công nhận là sử dụng cưỡng chế để đối phó với những vấn đề ý thức hệ và vấn đề thiêng liêng của dân chúng sẽ không đem lại kết quả gì mà còn có hại nữa.” (8) Vì vậy chính quyền phải đảm bảo “Các hoạt động tôn giáo bình thường tại các địa điểm đã được chỉ định, cũng như các hoạt động, theo tập tục, xảy ra ở nhà riêng như đọc Kinh Thánh, thờ Phật, tụng kinh, đốt nhang, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, giảng, lễ Báp-têm, những dòng tu nam nữ, kiêng ăn, cử hành các nghi lễ tôn giáo, xức dầu, tang lễ v.v… Tất cả được tổ chức bởi các tổ chức tôn giáo và bởi chính tín đồ, dưới sự bảo vệ của luật pháp và không bị bên ngoài can thiệp.” (9)
Ðiều này coi có vẻ hợp lý, ngoại trừ vấn đề là không ai định nghĩa “hoạt động tôn giáo bình thường” là gì theo quan điểm của Cơ Ðốc giáo. Ðúng! Các hoạt động tôn giáo được xem là “hợp pháp.” Nhưng phía sau đó là lý lẽ để kềm kẹp, mà một số gợi ý cho rằng một trong các lý do chính của Tài Liệu Số 19 là để đối phó với sự phát triển của các Hội Thánh Tư Gia. “Còn đối với các người Tin Lành họp tại nhà để thờ phượng, về nguyên tắc thì điều này không được phép,” nhưng thêm vào đó là “song việc cấm đoán không nên quá áp dụng cách cứng nhắc.” (10) Việc cấm đoán “giảng đạo” ngoài nhà thờ, đền, chùa cũng vẫn còn thấy trong tài liệu. Tương tự, tài liệu còn cảnh cáo “không tổ chức hoặc tín đồ nào có thể truyền giáo hay giảng đạo ngoài địa điểm đã được chỉ định cho các công tác tôn giáo, họ cũng không được tuyên truyền hữu thần, hoặc phát chứng đạo đơn hoặc ấn phẩm tôn giáo chưa được kiểm duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” (11) Cho nên đừng hy vọng được phép truyền giảng tại trạm xe.
Tài liệu số 19 chứa nhiều mâu thuẫn nội tại; chẳng hạn, làm thế nào người ta có thể tự do “học Kinh Thánh” trong nhà riêng mà lại bị cấm nói về Ðức Chúa Trời (cấm tuyên truyền hữu thần), chứ đừng nói là hát một hai bản thánh ca. Hãy tưởng tượng cảnh này: Ðồng chí Wang, vợ của đồng chí đã bàn với đồng chí về Kinh Thánh; và rồi đồng chí quyết định đi học Kinh Thánh tại nhà anh Ly. Tất cả đều hợp pháp. Rồi khi họ đọc Sáng Thế Ký 1:1 “Ban đầu, Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất” Đồng chí Wang đưa tay lên hỏi: “Ai, hay cái gì, là Ðức Chúa Trời.”Anh Ly trả lời: “Xin lỗi đồng chí Wang, tôi không thể nói về Ðức Chúa Trời tại nhà này. Chúng ta phải đi đến nhà thờ trước khi tôi giải thích cho đồng chí Ðức Chúa Trời là ai. Nếu không chúng tôi sẽ phạm luật.” Việc không áp dụng việc cấm đoán các buổi nhóm của Tin Lành tại nhà riêng một cách cứng nhắc” có nghĩa là gì? Việc cấm đoán này chỉ phải áp dụng tại các ngày khác nhau trong tuần phải không? Hoặc việc cảnh cáo phải thực hiện từ từ, đầu tiên là “cảnh cáo nhẹ” rồi “cảnh cáo vừa vừa” sau đó “cảnh cáo nặng” và cuối cùng là “cảnh cáo là sắp bị bắt.”
Tài liệu số 19 phản ánh việc thiếu khả năng của Ðảng Cộng Sản trong nhu cầu kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống dân sự tại Trung Quốc và nhu cầu tạo một khung cảnh cởi mở để thuyết phục thế giới bên ngoài là chính sách “cởi mở” mới của Trung Quốc đã đem lại một ít tự do cá nhân.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.