Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 8.b

Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 8.b

jib

Quan Hệ Với Thế Giới Bên Ngoài

Trong khi Ðảng Cộng Sản phải tranh đấu với những tranh chấp này, Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc bắt đầu tái quan hệ với Tin Lành thế giới bên ngoài.  Năm 1983, Tổng Giám Mục Anh, Mục sư Robert Runcie, đến thăm Trung Quốc qua lời mời của Ding.  Thời điểm không thuận lợi lắm.  Ðây là giai đoạn cuối cùng của tả phái muốn lật ngược lại những cải cách kinh tế, xã hội, và văn hóa mà Ðặng Tiểu Bình và các nhà cải cách đã bắt đầu.  Một chiến dịch “chống ô nhiễm tâm linh” đã được phát động.  Ngay trong tuần Giám Mục Runcie ở tại Bắc Kinh, Nhật Báo Nhân Dân, cơ quan  chính thức của Ðảng Cộng Sản, tuyên bố một số mục tiêu của chiến dịch.  Các mục tiêu gồm “văn phẩm đồi trụy và tôn giáo.”

Ding, trong một buổi họp báo với Tổng Giám Mục, cho biết là ông không biết gì mục tiêu của Ðảng, mặc dầu chắc ông đã đọc báo Nhân Dân.  Ông tuyên bố là ông rất thỏa lòng khi nhiều nhà thờ khắp Trung Quốc được phép mở cửa lại.  Trong số các phóng viên ngoại quốc có mặt tại buổi họp báo, tôi nhắc cho Giám mục Ding là một thập niên trước Giám mục cho việc đóng cửa hội thánh là cách đem Hội Thánh Trung Quốc trở về với tình trạng của Hội Thánh trong thế kỷ thứ nhất.  Làm thế nào ông có thể giải thích việc đổi ngược quan điểm ngày hôm nay?  Tôi hỏi.

Ding trả lời ngay: “Chính sách đã thay đổi,” có nghĩa là: Chính sách của Ðảng trong thời Cách Mạng Văn Hóa là đóng cửa nhà thờ. Chính sách bây giờ là cho phép nhà thờ mở cửa lại.  Hàm ý của câu trả lời của Giám mục Ding là bổn phận căn bản của ông là thực hiện chính sách của Ðảng, dù nó đổi qua đổi lại như thế nào đi nữa không kể gì đến tác động của chính sách đó trên các cộng đồng Cơ Ðốc tại Trung Quốc.

Chiến dịch “Chống Ô Nhiễm Tâm Linh” tại Trung Quốc vào năm 1983 có một tác hại lớn trên các Hội Thánh Tư Gia. Kết quả là có nhiều người bị bắt, đánh đập và giam cầm.  Nhưng Ðặng Tiểu Bình lập tức ý thức được ảnh hưởng của phong trào Mao Trạch Ðông quá khích.  Một số các nhà quan sát cho là Trung Quốc đang tiến đến một cách mạng văn hóa khác.  Chiến dịch ngừng lại sau vài tháng hoạt động vào nửa thập niên 1980, và tình hình chính trị tại Trung Quốc quay về phía ôn hòa và cải cách.

Mục sư Billy Graham thăm Trung Quốc vào tháng 4, 1988.  Giám mục Ding, Chủ Tịch của Hội Ðồng Cơ Ðốc Trung Quốc, không mời Mục sư Billy Graham nhưng ông được Thủ Tướng Lý Bằng tiếp đón tại văn phòng của Ðảng Cộng Sản tại vùng Zhongnanhai, Mục sư Graham không được phép tổ chức chiến dịch truyền giảng, nhưng ông được phép tự do nói về đức tin của ông tại các nhà thờ Bắc Kinh và những nơi khác.  Các phụ tá của ông cũng được phép sắp xếp cho ông thăm Vương Minh Ðạo tại Thượng Hải.  Song họ không ngăn cản được việc Mục sư Tú Dung Trạch, một nhà lãnh đạo có uy tín của Hội Thánh Tư Gia, người đã được viết trong chương 4, bị bắt khi ông tìm đến gặp Mục sư Billy Graham tại khách sạn của ông.

Không cách nào biết được Mục sư Billy Graham đã ảnh hưởng trên Giám mục Ding như thế nào, song có thể cuộc viếng thăm Trung Quốc của Mục sư Billy Graham đã tác động trên các chức viên của hội thánh.  Vào tháng 3 năm 1988 một cựu mục sư của Hội Thánh Tam Tự đã viết thư cho các bạn ở ngoài Trung Quốc bày tỏ nỗi bất bình trong hàng ngũ các Hội Thánh “mở”.  Ông viết:

Hầu hết các mục sư và tín hữu trong các hội thánh “mở” đã bất tín nhiệm Hội Thánh Tam Tự rất lâu rồi, và họ làm việc không hết lòng, nhiều người giả vờ đồng ý với họ, nhưng bí mật chống đối họ.  Từ năm 1979, nhiều người phản đạo, và phản Chúa, và anh em họ được đề cử làm mục sư.  Ðiều này đã tạo bất mãn trong nhiều tín hữu và tiếng than bất mãn được nghe khắp mọi nơi. (12)

Lá thư cũng cho biết nhiều mục sư cấp dưới đã trở thành đảng viên (bí mật) của Ðảng Cộng Sản từ các năm 1950. (13)

Một Con Người Biến Đổi

Tháng 11 năm 1988, dường như Ding biết điều này.  Trong tạp chí của Chủng Viện Tổng Hợp Nam Kinh, The Jinling Review, Ding ăn năn vì đã ủng hộ các chính sách khuynh tả trong quá khứ.  Vào năm 1987 ông đã cho một số Mục sư Tam Tự biết là Hu Yangbal, Tổng Thư Ký của Ðảng Cộng Sản lúc bấy giờ muốn một Tài liệu số 19 mới cởi mở hơn.  Ding cũng tiết lộ là ông đã bàn với Yan Mingfu, Chủ Tịch của Mặt Trận Tổ Quốc, một bộ phận của Ðảng chịu trách nhiệm về Ban Tôn Giáo.  Yan nói với Dinh là “Hội thánh ở trong tay các người vô tín là điều không tốt.”  Ðây là một xác nhận là Ban Tôn Giáo thật đã nằm trong tay của những người vô tín và thế tục, (14)

Ding cũng cho các Mục sư biết là ông không hài lòng về chính sách của nhà nước muốn đóng cửa các Hội Thánh Tư Gia.  Cuối năm 1987, trong một thư gửi cho Ban Tôn Giáo, ông chống lại lời hăm dọa của chính quyền tỉnh Quảng Ðông đóng cửa nhà thờ của Samuel Lamb.  Trong phần cuối của bức thư dài, ông đưa ra vấn đề mà các quan sát viên bên ngoài thường than phiền với ông và các chức viên Tam Tự khác trong các cuộc thăm viếng của họ tại Trung Quốc là các Hội Thánh Tư Gia bị bách hại.  Dinh đã từ chối với các người ngoại quốc là việc bách hại thật không xảy ra.

Nhưng trong thư, ông nói là có nhiều tín hữu trong các Hội Thánh Tư Gia tìm cách lôi kéo họ vào các Hội Thánh Tam Tự là điều sai lầm.  Ông hỏi: “Có phải đây là một lạm dụng uy thế chính trị không?  Khi từ chối không nhận thấy sự khó khăn gây cho một số tín hữu yêu nước vì cớ đức tin của họ, và ép họ tham dự Hội Thánh Tam Tự.” (15)  Tại một phiên họp của Quốc Hội tại Bắc Kinh vào năm 1988, Ding một đại diện nổi tiếng nhất của Tin Lành tại Quốc Hội đã phàn nàn là nhân viên thiên tả vẫn còn nắm quyền tại Ban Tôn Giáo.  Ông tuyên bố: “Các quốc gia văn minh nhấn mạnh sự phân quyền giữa nhà nước và giáo hội.  Trung Quốc phải giống như vậy.  Chúng ta không cần để chính quyền kiểm soát mọi hoạt động  của tôn giáo.” (16)

Ðây là một lời tuyên bố mạnh dạn và rõ ràng, đặc biệt là trước kia Ding đã từng ủng hộ chính sách kiểm soát tôn giáo của Ðảng Cộng Sản.  Vào tháng 12, 1988 Ding càng thay đổi nhiều hơn.  Trong một buổi họp của Phong Trào Tam Tự tại Thượng Hải, ông đặt câu hỏi mà không ai có thể nghĩ đến được: “Chúng ta có thật cần Phong Trào Tam Tự không?  Về nhà mà suy nghĩ về câu hỏi này.” (17)

Chính Ding cũng suy nghĩ về câu hỏi này.  Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1989, ông còn đi xa hơn và gợi ý là đã đến lúc nên giải tán Phong Trào Tam Tự.  Trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan thông tấn Cơ Ðốc News Network International, Ding nói: “Ngày nay Phong Trào Tam Tự có lẽ không còn lợi ích nữa, vì Hội Thánh là thân thể của Chúa Christ, và Chúa Christ là đầu Hội Thánh.”  Câu nói này có thể từ một người nào đó thuộc Liên Hữu Phương Thành (Feng Cheng),  hoặc từ Vương Minh Ðạo chứ không phải từ người mà trong thập niên 1950 đã tố cáo các tín hữu từ chối không chịu gia nhập Phong Trào Tam Tự “là phản cách mạng.”  Trong cuộc phỏng vấn, ông cũng cho biết là Phong Trào Tam Tự có thể bị hoàn toàn giải tán, có lẽ vào năm 1991. (18)

Song có lẽ Ding lỡ lời, chẳng bao lâu sau khi trở về Trung Quốc ông từ chối là đã nói những điều này.  Bây giờ ông nói là điều ông thật muốn nói là Phong Trào Tam Tự đã gánh nhiều trách nhiệm về quản lý Hội Thánh tại Trung Quốc.  Ðể làm sáng tỏ lối suy nghĩ của Ding, báo Thiên Phong giải thích là Ding và các nhà lãnh đạo hội thánh lúc đó muốn thiết lập Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc như là tổ chức duy nhất quyết định đời sống  hội thánh Trung Quốc, chứ không dưới sự chỉ đạo của Ban Tôn Giáo.  Có lúc Ding dường như là người biến cải.  Không gì bày tỏ rõ ràng hơn là phản ứng của ông đối với các cuộc biểu tình xảy ra tại Bắc Kinh và đã lan tràn khắp Trung Quốc sau cái chết của Tổng thư ký Ðảng Cộng Sản Hu Yaobang vào ngày 15 tháng 4 năm 1989.  Thế giới ngạc nhiên khi các cuộc biểu tình chống tham nhũng kéo dài qua nhiều tuần.  Liên bang Xô Viết của Gorbachev biến mất, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đang họp tại Bắc Kinh và dường như chính phủ không biết phải làm gì.

Sinh viên biểu tình tại chủng viện Nam Kinh với biểu ngữ: “Hãy để sự công chính tuôn tràn như dòng sông”.  Tại Bắc Kinh, các sinh viên chủng viện hợp với các sinh viên khác trong các cuộc biểu tình đòi hỏi một chính phủ trung thực hơn.  Ngày 18-19 tháng 5, họ mang biểu ngữ “Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian.”  (Giăng 3:16) và mang theo Thập Tự.  Ding với tất cả can đảm và chí khí cho ra một thông cáo ca ngợi sinh viên.  Ông nói: “Tôi rất vui là Cơ Ðốc nhân đã làm cho các người trong cuộc biểu tình nhận thấy sự hiện diện của họ.  Tôi rất hài lòng là sinh viên tại chủng viện Nam Kinh cùng tích cực tham dự.” (19)

Xe Tăng Tràn Vào

Hy vọng là chính quyền tại Bắc Kinh sẽ thỏa hiệp với sinh viên tan biến vào tháng 5 năm 1989 khi Thủ Tướng Lý Bằng (Li Peng) ra lệnh giới nghiêm cho thành phố.  Vào lúc súng bắt đầu nổ tại Bắc Kinh tối ngày 3 tháng 6, Ðặng Tiểu Bình đã nhận được sự ủng hộ của các tư lệnh vùng của quân đội giải phóng nhân dân tận diệt phong trào sinh viên.  Hàng trăm, có thể là hàng ngàn dân chúng  Bắc Kinh kể cả sinh viên, đã bị giết khi quân lính trên xe tải và xe tăng tấn cống và tiến vào Quảng Trường Thiên An Môn.

Phó Chủ Tịch của Phong Trào Tam Tự, Zhao Fusan lợi dụng cơ hội có mặt tại Paris xin tị nạn tại Tây Phương.  Ding không ở trong địa vị có thể xin tị nạn được, và nếu có ông cũng không xin.  Sau nỗi thất vọng về viễn ảnh của một cuộc cải cách, một làn sóng áp chế lớn hơn đối với các hoạt động Cơ Ðốc đang nổi lên sau biến cố Thiên An Môn.

Các nhà lãnh đạo Ðảng nói về nguy hại của “Cơn Sốt Cơ Ðốc Giáo” tại Trung Quốc.  Vào tháng Giêng 1991, Tổng Thư Ký mới của Ðảng Cộng Sản, Giang Trạch Dân, được bầu lên sau biến cố Thiên An Môn để vãn hồi trật tự.  Ông kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn năm tôn giáo chính.  (Ðiều lạ là Tin Lành và Công Giáo được xem là hai tôn giáo nằm trong số các tôn giáo được thừa nhận là: Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Hồi Giáo và Ðạo Giáo.)  Ông cảnh cáo là “Nếu không các phần tử bất hợp pháp có thể lợi dụng tôn giáo gây bất an.” (20)

Nhưng khắp Trung Quốc, các Hội Thánh Tư Gia tại thành thị cùng các hội thánh “mở” bắt đầu thấy có nhiều phát triển mới: hàng trăm sinh viên trước kia không chú tâm gì về tôn giáo, bắt đầu đến nhà thờ hoặc muốn bàn luận về Cơ Ðốc giáo.  Tại Phúc Châu thủ đô của tỉnh Phúc Kiến, hơn 800 sinh viên đến thăm dự buổi họp tìm hiểu về Cơ Ðốc giáo.  Tại Ðại Học Bắc Kinh, các Cơ Ðốc nhân đang dạy hoặc học tại trường cho biết cả phòng nội trú (6 đến 8 giường) sinh viên trở nên tín đồ.  Từ trước đến nay, đám trí thức dường như không bị ảnh hưởng bởi “Cơn Sốt Cơ Ðốc Giáo” như đã xảy ra tại thôn quê.  Nay thành phần quan trọng này của dân chúng Trung Quốc, và tương lai của Trung Quốc bắt đầu để ý đến đức tin Cơ Ðốc.  Ðiều gì đã lôi kéo các nhà tri thức sau biến cố Thiên An Môn đến với Cơ Ðốc Giáo?  Có người gợi ý là quan điểm truyền thống của Khổng Giáo là “nhân chi sơ tính bổn thiện” đã bị chà đạp bởi các xe tăng khi chúng tràn vào Bắc Kinh đầu tháng 6 năm 1989.

Các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại về phong trào dân chủ, về những ý tưởng phản động đang tiềm ẩn trong đời sống tại Trung Quốc – một quá trình mà họ gọi là “diễn tiến hòa bình.”  Có nghĩa là điều từ từ xuất hiện mà không ai thấy, và ảnh hưởng của sự bành trướng của Cơ Ðốc giáo trên sự kiểm soát của Ðảng Cộng Sản.

Vào năm 1991 Tài Liệu Số 6 được Hội Ðồng Quốc Gia Trung Hoa đưa ra.  Tài liệu này nhấn mạnh các hạn chế đã được đưa ra trong Tài liệu số 19 vào năm 1982, và xác nhận lại là bất cứ hoạt động tôn giáo nào tại Trung Quốc phải được đăng ký với Ban Tôn Giáo cấp địa phương hoặc với Phong Trào Tam Tự.  Năm 1994 việc đăng ký này được làm sáng tỏ trong Tài Liệu Số 145; trong khi đó một nghị định  khác, Tài Liệu số 144, xác nhận là không người ngoại quốc nào có thể hoạt động tôn giáo tại Trung Quốc nếu không được sự chấp thuận của tổ chức quốc gia của tôn giáo đó.  Nghị định này nhắm vào số người Tin Lành ngoại quốc, mục sư và giáo sư đang gia tăng giúp đỡ các mạng lưới Hội Thánh Tư Gia đang phát triển nhanh chóng.

Trong suốt thập niên 1990, Ðảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách đảm bảo là các lực lượng xã hội và văn hóa được giải phóng  bởi chính sách “cởi mở” sẽ không làm giảm uy quyền của Ðảng Cộng Sản.  Vào khoảng năm 1993, hiểm họa của dân chúng bất mãn về Ðảng giảm dần vì cớ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.  Bất cứ ai đến thăm Trung Quốc đều nhận thấy là bề ngoài Trung Quốc thay đổi rất nhiều, nhiều xe hơi, các tiệm sang trọng, thanh niên ăn mặc bảnh bao, một tầng lớp trung lưu mới đang xuất hiện.  Một số các nhà phân tích đã lý luận là chính quyền đã mặc cả với nhân dân Trung Quốc là nếu tiêu chuẩn của đời sống dân chúng càng tiến lên thì dân chúng sẽ không chống lại việc tiếp tục cầm quyền của Ðảng Cộng Sản.

Dầu vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn lo ngại.  Phúc trình cho biết các cộng đồng Tin Lành phát triển nhanh cho thấy là tại nhiều nơi Ðảng không kiểm soát dân chúng được.  Vào tháng 11, 1993, Chủ Tịch Giang Trạch Dân đưa ra một khuôn hình mới về tôn giáo: “Làm cho tôn giáo thích ứng với đời sống xã hội.” (21)  Cán bộ trong Mặt Trận, Ban Tôn Giáo và Phong Trào Tam Tự được lệnh tìm cách áp dụng chính sách này.

Một cách là kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động quần chúng.  Trong suốt thập niên 1990, nhiều cuộc tấn công các Hội Thánh Tư Gia xảy ra: bắt bớ, tù đầy, đánh đập.  Các nhà thờ tư gia luôn luôn bị đòi hỏi đăng ký hoặc phải bị bắt.  Nhiều nhà thờ tự giải tán để trốn hơn là phải chịu phục dưới nền thần học tân phái do Phong Trào Tam Tự cổ võ.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top