Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 8.c

Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 8.c

jib

Ding Lại Thay Đổi Nữa

Giám mục Ding vào thập niên 1980 đã ve vãn với các nhà Tin Lành thuần túy và đã can đảm ủng hộ các cuộc biểu tình của sinh viên vào cuối thập niên.  Ông có thể đã kết thúc chức nghiệp của ông với tinh thần hòa hoãn với đa số người Tin Lành tại Trung Quốc.  Song trong một thay đổi kỳ lạ, ông Ding đã trở về với quan điểm tân phái, độc tài và thiên cộng của thập niên 1950 trong những năm cuối của đời ông.

Trong lúc chính thức về hưu như là Chủ Tịch của Phong Trào Tam Tự và của Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc vào năm 1996, ông vẫn giữ ghế Viện Trưởng Chủng Viện Tổng Hợp Nam Kinh và không chịu hồi hưu hoàn toàn.  Ở tuổi 84, ông trở thành người cổ võ cho một chiến dịch quốc gia để phát động “Thần Học Cấu Trúc” của Cơ Ðốc Giáo Trung Quốc.

Rõ ràng là mục đích là phục hồi việc tra hỏi thần học tại Trung Quốc và đem Cơ Ðốc Giáo Trung Quốc ra khỏi nền thần học mà các nhà lãnh đạo cho là nền thần học thủ cựu thiếu cơ cấu.  Song như một người Mỹ đã ở tại Nam Kinh nhận xét “Chiến dịch là một phản hồi chống lại những người Tin Lành thuần túy trong giai cấp lãnh đạo.  Những người này đã thách thức sự lãnh đạo của các viên chức của phong trào.” (22)  Trong khoảng thời gian 1998-2006.  Phong Trào Tam Tự và Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc tìm cách trấn áp thần học mới này trên các Hội Thánh “mở”.  Các Mục sư Tam Tự cho đây là một cố gắng muốn áp đặt thần học tân phái trên các tín đồ Tin Lành Trung Quốc giống như Phong Trào Tam Tự đã làm trong thập niên 1950.  (Xem phụ lục C về Thần Học Cấu Trúc)

Nhiều phản ứng xảy ra tại Chủng Viện Nam Kinh nơi phần lớn các sinh viên là người Tin Lành thuần túy và không tin tưởng Thần Học của Giám mục Ding. Khi Giám mục Ding giảng trong dịp Phục Sinh 2001, và trong bài giảng ông không đề cập đến sự Phục Sinh song thiên hẳn về chính trị.  Sinh viên trong giảng đường bắt đầu cảm thấy khó chịu.  Sau đó, ba sinh viên cho là Ding không phải là tín đồ trong nghĩa đúng của nó, đã đến nhà Ding để làm chứng cho ông.  Ông tức giận và trong buổi họp của giáo sư chủng viện, ông gọi các sinh viên này là “chó săn của Ðài Loan” cách gọi của thời Mao Trạch Ðông trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa.  Ba sinh viên này trước kia đã chọc giận Ding, họ từ chối không chịu hát các bài hát ái quốc Cộng Sản tại bữa lễ kỷ niệm 80 năm phong trào thanh niên ngày 4 tháng 5, một phong trào tranh đấu của thanh niên vào năm 1919.  Phong trào này khởi xướng cao trào chính trị quá khích tại Trung Quốc.  Các sinh viên nay cho kỷ niệm phong trào 4 tháng 5 là một buổi lễ quốc gia, thuộc về thế tục, còn chủng viện phải phản ảnh sự vâng phục của sinh viên với Chúa.

Jason Kindopp, một ứng viên Tiến Sĩ thuộc Ðại học George Washington tại Washington D.C năm 2001-2002 đã sống tại Nam Kinh để nghiên cứu cách hoạt động của Phong Trào Tam Tự.  Ông nhận thấy phản ứng chống lại “Thần Học Cấu Trúc” của Ding lan rộng trong các nhà thờ Tam Tự đến nỗi uy tín của phong trào cũng gặp nguy hiểm.  Ông nói: “Khác với các chiến dịch thời Mao Chủ Tịch, khi cách duy nhất một nhà thờ có thể làm là ra khỏi tổ chức, hoặc giữ yên lặng, chống lại chiến dịch Thần Học Cấu Trúc được tổ chức và đảm bảo kỹ càng.  Ðiều này tạo nghi ngờ về khả năng kiểm soát Tin Lành Trung Quốc của các nhà lãnh đạo.” (23)  Theo Kindopp, Giám mục Ding không thể thuyết phục ai trong Hàm Lâm Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc ủng hộ chiến dịch này dầu trong Hàn Lâm Viện cũng có một số người tin Chúa.

Có thể là không người nào trong các nhà lãnh đạo chính của Phong Trào Tam Tự và Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc có thể thay đổi chiều hướng của tổ chức khi Ding vẫn còn sống.  Chủ tịch hiện tại của Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc là Cao Shengjie, một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp thiếu giáo dục thần học.  Nhiều người biết bà là một người đã tạo nhiều quan hệ chính trị, và theo các nhà quan sát, là một đảng viên Cộng Sản.  Bà bị các mục sư Tam Tự chống đối và gọi là “Bà già Mác Lê.”  Một giáo sư thần học tại một chủng viện của Phong Trào Tam Tự nói là ngay cả các chức viên tân phái của Hội Ðồng Giáo Hội Thế Giới (World Council of Churches) tại Geneva cũng không thích các cuộc viếng thăm của bà.  Họ nói với ông là “Bà giống như một tay tuyên truyền thời Mao Chủ Tịch.”

Phong Trào Tam Tự đưa ra một hình ảnh mộng tưởng về Cơ Ðốc giáo tại Trung Quốc cho thế giới bên ngoài. Họ từ chối sự hiện hữu của các Hội Thánh Tư Gia.  Tại một Ðại Hội ở Los Angeles vào tháng Hai năm 2003, viên chức Phong Trào Tam Tự, Mathew Deng cho biết trong 11 cuộc viếng thăm Hoa Kỳ, ông đã bị nhiều người hỏi về “hội thánh thầm lặng” tại Trung Quốc.  Ông trả lời là “Tại Trung Quốc không có hội thánh thầm lặng.  Cảm giác của chúng tôi là Hội Thánh Trung Quốc không thầm lặng.  Nếu hội thánh nhóm lại với một trăm người, quí vị có thể cho là thầm lặng không?”  Có thể lắm, nếu giá phải trả để được “mở là phải chấp nhận Thần Học Cấu Trúc.”

Thật là khó chịu khi thấy Giám mục Ding năm 1989 đã có ý giải tán Phong Trào Tam Tự, bây giờ trong lúc về già lại quay về với tư tưởng cứng nhắc, giáo điều để kiểm soát Tin Lành tại Trung Quốc.  Khi tôi phỏng vấn Giám mục vào tháng 11 năm 2002 tại nhà của ông ở Nam Kinh ông nói là ông không nghĩ là đức tin của ông đã thay đổi qua nhiều năm, dầu thần học của ông có thay đổi.  Nói về Kinh Thánh, ông công nhận là “Việc giải nghĩa các đoạn Kinh Thánh của tôi trong nhiều cách có thể gọi là tự do hoặc là chống Cơ Ðốc (anti-christian).”

Tôi hỏi ông là trong chức nghiệp lâu dài của ông trong Hội Thánh Trung Quốc ông có hối tiếc gì không?  Chẳng hạn, ông có hối tiếc là đã tố cáo Vương Minh Ðạo trong thập niên 1950.  Không, ông nói cách mạnh bạo, là ông không hối tiếc đã tấn công Vương Minh Ðạo.  Nhưng ông có nói là khi ông tham gia Chiến Dịch Chống Hữu Phái vào năm 1958, ông đã chấp nhận các lời tố cáo của Ðảng Cộng Sản là thật.  Các lời tố cáo này sau khi Mao Trạch Ðông chết, đã chứng tỏ là sai lầm.  Ông giải thích: “Tại vì một phần lúc đó tôi bị nhồi sọ là Ðảng không thể nào sai lầm được.”  Ding xác nhận tuyên truyền Cộng Sản chống lại các giáo lý Kinh Thánh như là chân lý.

Trong suốt các năm chức nghiệp, Ding đã nhiều lần bày tỏ qua lời nói và hành động là ông chấp nhận quan điểm Cơ Ðốc về thực tại.  Dầu vậy, ông cũng đã tin ngược lại những điều ông đã tin, và chấp nhận lý thuyết Mác-xít hơn là các giáo lý truyền thống Cơ Ðốc.  Vào năm 1999, ông nói: “Tôi biết là xã hội chủ nghĩa là hệ thống xã hội tốt nhất đã từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại.”

Phục Hưng Phong Trào Tam Tự

Phong Trào Tam Tự tiếp tục làm theo sự chỉ bảo của Ban Tôn Giáo, hoặc dùng tên chính thức mới nhất của tổ chức “Tổ chức Quốc Gia Quản Lý Các Vấn Ðề Tôn Giáo” (State Administration for Religious Affairs, SARA).  Dầu  tên có thay đổi, song nó vẫn là cơ quan chính trị phúc trình với mặt trận của Ðảng Cộng Sản cách nào các hoạt động tôn giáo được quản lý và kiểm soát.

Chức viên của Phong Trào Tam Tự than phiền cách kín đáo về các hạn chế mà các viên chức “Tổ chức Quốc Gia về Các Vấn Ðề Tôn Giáo” đặt để trên các Hội Thánh “mở”.  Họ quyết định bao nhiêu Mục sư có thể được phong chức trong vòng 6 tháng, bao nhiêu buổi họp Phong Trào Tam Tự dược phép tổ chức trong một tháng và ai được phép dạy hoặc tốt nghiệp từ 17 chủng viện chính thức tại Trung Quốc.

Tất cả viên chức của SARA là Ðảng viên Cộng Sản, vì vậy họ không được phép theo một tôn giáo nào.  Tổng Giám Ðốc của SARA được đề cử vào năm 1995 là Ye Xiaowen, 56 tuổi, một người Cộng Sản và cũng là một người vô thần nhiệt tâm.  Ông ta chống lại sự phát triển của Cơ Ðốc Giáo.  Dầu vậy, ông tin là ông có đủ tư cách để bàn về các vấn đề thần học Cơ Ðốc.  Tại một buổi họp của Phong Trào Tam Tự vào năm 2002, Ye tuyên bố: “Phân tách cho sâu, thì thần học tại Trung Quốc vẫn còn thủ cựu, có người trong hàng ngũ còn có ý tưởng sai lầm nữa.” (24)

Tôi gặp Ye lần đầu tiên tại Los Angeles vào tháng 2 năm 2002.  Khi ông trả lời các câu hỏi của tôi, có 3 phụ tá ngồi quanh ghi lại.  Ông bày tỏ lòng nhiệt thành như một anh chàng đại diện bán vỏ xe.  Dưới dáng vui vẻ là một người rất cứng cõi.  Có lẽ giống một lãnh tụ của Mafia trong bộ phim Soprano thì đúng hơn.

Tôi hỏi:  Tại sao Trung Quốc lại cần một tổ chức như vậy?  Ông không biết là ngay các học giả Trung Quốc cũng đặt vấn đề về tính cách hữu dụng của tổ chức của ông?  Ye phản ứng nhẹ nhàng về các câu hỏi của tôi.  Ông nói tổ chức của ông cần có để đảm bảo tự do tôn giáo tại Trung Quốc.  Tôi cho ông biết là nhiều quốc gia đã khám phá là tôn giáo có thể hoạt động tự do, hòa hợp và kết quả mà không cần sự quản lý và kiểm soát của chính quyền.  Hoa Kỳ có hệ thống như vậy trong hai thế kỷ.  Tôi nói.  Ye trả lời là:  Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ.  Ðiều thực hiện tốt tại Hoa Kỳ, có thể là không thực hiện được ở những nơi khác.”  Tôi hỏi ông là có phải ông nghĩ là Cơ Ðốc giáo đã phát triển quá nhanh tại Trung Quốc, một câu nói có người cho là Ye đã nói song tôi chưa thấy trên giấy tờ.  Ông chần chừ rồi nói “Cơ Ðốc giáo yêu nước thì tốt, Cơ Ðốc giáo bị ngoại quốc kiểm soát là có hại.”

Một viên chức Hoa Kỳ đã từng sống tại Trung Quốc, và biết về hoạt động của SARA, đã nói về Ye một cách thẳng thắn.  “Ye là một tên hung thủ lớn nhất.”  Ông nói cách tự nhiên:  “Tôi không ngạc nhiên khi thấy ngôi sao này đang vươn lên.” Ye là người giáo điều và một số viên chức Trung Quốc cho là Ye có quan hệ mật thiết với Hồ Cẩm Ðào, Tổng Bí Thư hiện tại của Ðảng Cộng Sản.  Dầu vậy ông bị một số luật gia và học giả từ Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội chống đối.  Các học giả này, dầu không nói một cách công khai cho rằng cần giải tán SARA.  Họ cho là các cuộc tấn công của SARA, và của Ye trên tôn giáo, đặc biệt là các nhóm Cơ Ðốc không liên quan đến chính trị, đã làm hại cho công tác hiện đại hóa Trung Quốc, chứ đừng nói gì về hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới.

Tại một Ðại Hội ngoài Los Angeles vào tháng Hai năm 2003, Ye Xiaowen đọc một bài diễn văn nhằm vỗ về cử tọa Cơ Ðốc, cho thấy SARA đã giúp cho việc phát triển tôn giáo tại Trung Quốc.  Ông nói theo giọng điệu của người buôn bỏ xe.  “Tôi rất vui cho quí vị biết là Cơ Ðốc nhân tại Trung Quốc đã tổ chức hội thánh của họ cách hoàn toàn độc lập, và như vậy đã bỏ cái mũ [Có lẽ ông muốn nói là cái áo] ngoại lai.  Nó đã trở thành  một tôn giáo ca ngợi tình yêu và văn hóa truyền thống.”  Nhiều người muốn hỏi làm sao Ye có tư tưởng thần học sâu xa như thế.

Công tác của Ye tại Los Angeles không phải là thần học song là tuyên truyền.  Ông biết là sau khi bắt bớ các nhà lãnh đạo Hội Thánh Tư Gia, cũng như các Linh mục và Giám mục Công Giáo, chưa kể những người biểu tình Pháp Luân Công, uy tín của Trung Quốc xuống thấp.

Ye muốn nhiệt tình cho thấy là các tường trình về “bách hại và tấn công” đó không có căn cứ, và phản ánh thành kiến cũ.  Ông than phiền là theo “phúc trình của một số nhà báo Mỹ, dân chúng Hoa Kỳ kết luận sai lầm là có bách hại tôn giáo tại Trung Quốc và người Cộng Sản không tôn trọng tự do tín ngưỡng.”  Ông thêm vào: “Là Tổng Giám Ðốc của tổ chức SARA, tôi cho họ biết là việc tôn trọng tự do tôn giáo của chúng tôi là thành thật và đúng đắn.”  Ông kết luận: “Một mơ ước tốt đẹp của Cơ Ðốc nhân tại Trung Quốc là hòa hợp Cơ Ðốc Giáo với văn hóa Trung Quốc và góp phần trong việc phục hưng quốc gia, thống nhất nhân loại, và cổ động cho hòa bình thế giới.” (25)

Không một nhà lãnh đạo Cơ Ðốc Trung Quốc nào lại không đồng ý với xác nhận cuối cùng này.  Ðiều họ chống đối là tính cách đáng tin của Ye và khả năng của tổ chức ông giúp thực hiện mục đích đó.  Việc bách hại Cơ Ðốc giáo vẫn còn xảy ra, dầu không đồng nhất khắp nơi song nó vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức tàn bạo khắp nước.  Ðây là một thực tại tàn ác đau đớn, song đó cũng là một khía cạnh quan trọng của việc phát triển Cơ Ðốc Giáo tại Trung Quốc.

 

Chú thích

(1)          Các tiểu ban này thường gồm một người từ quân đội, một viên chức Ðảng, và một người từ “quần chúng” (có lẽ là một Cựu Hồng Vệ Binh.)

(2)          Dẫn chứng bởi Tony Lambert trong sách giới thiệu Li Xinyuan, Thần Học Cấu Trúc hay Phá Hủy. 20.

(3)          G. Thompson Brown , Christianity in the People’s Republic of China.  Cơ Ðốc Giáo tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. (Atlanta: John Knox Press, 1986), 190

(4)          Dẫn chứng trong News Network International (NNI), June 12, 1989. 9,

(5)          Như trên, 4

(6)          Tài liệu số 19, trong Donald E. MacInnis, Religion in China Today: Policy and Practice Tôn Giáo tại Trung Quốc Ngày Nay: Chính Sách và Thực Hiện (Maryknoll, NY Ortns Books, 1989), 10

(7)          Như trên 12-13

(8)          Như trên, 14

(9)          Như trên, 18

(10)   Như trên

(11)   Như trên

(12)   Tony Lambert, The Resurrection of the Chinese Church – Sự Phục Sanh của Hội Thánh Trung Quốc. (London: Hodder & Stoughton, 1991) 203

(13)   Như trên, 204

(14)   Như trên, 205

(15)   Dẫn chứng như trên, 208

(16)   NNI, June 12, 1989,6

(17)   NNI, February 15, 1989, 7.

(18)   NNI, June 1989, 7

(19)   Lambert, The Resurrection of the Chinese Church – Sự Phục Sanh của Hội Thánh Trung Quốc, 215-216

(20)   Như trên, 230

(21)   Trưng dẫn bởi Jason Kindopp, “The Politics of Protestantism in Comtemporary China Social Control, Civil Society, and Movement in an Authoritarian Party State.”  Chapter Four: Religion Policy in Reform Era: From Control to Hegemony.  Unpublished Ph. D.  Dissertation, Department of Social Sciences, George Washington University, 26.  Chính Trị của Tin Lành tại Trung Quốc Hiện Ðại.  Kiểm Soát Xã Hội, Xã Hội Dân Sự, và Thay Ðổi trong Quốc Gia Ðộc Tài Ðộc Ðảng.  Chương Bốn: Chính Sách Tôn Giáo Trong Thời Kỳ Cải Cách: Từ Kiểm Soát đến Bắt Chặt.  Luận Án Tiến Sĩ, Phân Khoa Chính Trị Học, George Washington University. 26.

(22)   Như trên, Chapter Seven. “Failed Hegemony”.  The Theological Constrution Campaign.  Ðộc quyền thất bại:  Chiến Dịch Thần Học Cấu Trúc. 2.

(23)   Như trên, 4

(24)   Trưng dẫn trong Kindopp, như trên, chương Bốn, 27.

(25)   Bài của Xiqowen lấy từ website: www.Christianityinchina.org 2003. Cũng có tại http/www.humanrights.cn/zt/magazine/20040200482691206. htm (Trích dẫn July 2006)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top