Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 9.c
Cách nào đó, một nơi cô lập đặc biệt Ôn Châu và việc bùng phát kinh tế vào năm 1998 đã đưa đến một thỏa ước giữa chính quyền Ôn Châu và các tín hữu tư gia. Ðiều này đem lại một khuôn mẫu đặc biệt cho thành phố. Năm 2001, tỉnh Chiết Giang có lợi tức đầu người cao hơn tất cả các tỉnh khác tại Trung Quốc, chỉ thua Bắc Kinh, Thượng Hải và Tianjin. Từ đầu thập niên 1980, Ôn Châu đã được xem như là một mô hình thương nghiệp. Tại thành phố Ôn Châu 95% lợi tức được các công ty tư nhân cung cấp. (1) Vào năm 1990, 10 năm sau chính sách mở cửa của Ðặng Tiểu Bình, tổng lượng thu nhập GDP của Ôn Châu lên đến 1,5 tỷ đô la, 6 lần hơn tổng lương thu nhập năm 1980. (2)
Một phần vì các nhà buôn Ôn Châu đi đến các nơi xa xôi nhất của Trung Quốc, cũng như các nước ngoài để theo đuổi cơ hội làm ăn, không một nơi hẻo lánh nào mà họ không thể không đến được. Các người tại Ôn Châu ước lượng là có khoảng 1,5 triệu nhà buôn từ Ôn Châu đang buôn bán khắp nơi trong Trung Quốc, và vào khoảng nửa triệu tại ngoại quốc (kể cả Hoa Kỳ). Ngoài ra, số quận cũng tăng cao tại khu thành phố Ôn Châu từ 18 năm 1978 đến 110 vào năm 1990. Ðiều này giúp cho việc phân tán quyền hành của chính quyền thành phố. Thêm vào đó, vì cớ con cái của các gia đình Tin Lành bắt đầu bước vào các chức vụ hành chính của thành phố. Tất cả các cố gắng của Ban Tôn Giáo tỉnh muốn áp dụng luật lệ cho các nhà thờ tư gia cũng bắt đầu giảm thiểu từ cuối thập niên năm 1980 qua nhiều ngoại lệ đặc biệt.
Ðiều thấy rõ ràng nhất là sự xuất hiện nhiều tòa nhà của các Hội Thánh Tư Gia khắp Ôn Châu. Ðây là những tòa nhà lớn, đẹp giống như các nhà ở Âu Châu hoặc Bắc Mỹ, trên nhà là những thập tự lớn, màu đỏ mà người ta có thể nhìn thấy khi từ trung tâm thành phố đi ra, dọc theo con đường cao tốc qua sông Ou Jian hướng về phía Tây. Các nhà thờ này đã đăng ký với chính quyền thành phố như là “nơi thờ phượng” chứ không phải với Hội Tam Tự. Các tòa nhà này có lúc lớn như các giáo đường cỡ trung tại Âu Châu, thường cao 5 tầng với đền thờ lớn, một phòng hội rộng ở dưới và nhiều phòng khác dành cho Trường Chúa Nhật, phòng cầu nguyện và phòng dạy Kinh Thánh.
Trên con đường cao tốc từ sân bay Ôn Châu đi vào thành phố, chẳng hạn là nhà thờ Bethel trên đường Năm Tôn Giáo lớn. Tòa nhà ấn tượng nây trước kia có tên là Nhà Thờ Làng Ðôi, được xây dựng trong vòng 5 tháng vào năm 1998. Tiền xây nhà thờ này đến từ các thương gia giàu có của Ôn Châu với sự góp phần của các Hội Thánh Cơ Ðốc Phục Lâm ngoại quốc. Phí tổn cho nhà thờ này là 100,000 đô la. Khi nhà thờ này mới được xây dựng, dường như nó nhô lên từ ruộng lúa gần thành phố. Vùng này của thành phố bây giờ đã phát triển. Ngày nay, dầu nó vẫn còn vượt lên cao hơn các tòa nhà được xây lên trong những ruộng lúa nhưng dường như bị ép bởi các tòa nhà lớn này. Cũng giống như các giáo đường kiểu La Mã bị các đường đầy xe cộ vây quanh.
Lầu thứ hai của nhà thờ được trang trí tuyệt đẹp có vẻ đắt tiền. Phía sau tòa giảng là một chữ Hoa lớn: Tình yêu. Bên phải trên bức tường cuối nhà thờ là bản dịch của bài Tín Ðiều Các Sứ Ðồ (3) và bên trên là Bài Cầu Nguyện Chung bằng tiếng Hoa. Nhà thờ này có thể chứa 800 người và nhiều đại hội đã sử dụng nhà thờ này. Nhà thờ này không có Mục sư, các lãnh đạo giáo dân thay phiên hướng dẫn thờ phượng và giữ việc đăng ký địa phương hợp pháp. Không ai kiểm soát giáo lý và nội dung của các lớp Trường Chúa Nhật hoặc các bài giảng. Hội thánh Bethel theo như mọi người cho biết không bị chính quyền hoặc các hội thánh khác tại Ôn Châu đụng đến.
Bên kia sông Ou Jiang, có ngôi nhà nhỏ cũng được làm nhà thờ trong huyện Yueqing. Một sinh viên triết học tại một Ðại học Ôn Châu đang ở tại đó. Anh ta cho tôi biết tên của anh ta là “Ali”. Anh cho biết là 12-15% dân số địa phương là tín đồ. Anh nói “Các trưởng lão của hội thánh trong khu này trải qua nhiều bắt bớ trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Chính phủ nghĩ là tỉ số tín đồ sẽ giảm dần nhưng nó lại tăng. Nhiều thương gia và nhân viên chính quyền là tín đồ, cha mẹ của học sinh cũng vậy. Chúng ta có thể nói là chính quyền đã thỏa hiệp rất nhiều.”
Năm năm trước đây, tình trạng không như vậy. Năm 1997, Ban Tôn Giáo Chính Phủ tìm cách giảm thiểu Cơ Ðốc Giáo tại Ôn Châu. Trong vòng 6 tuần vào tháng 11 và 12, hàng trăm Nhà Thờ và Chùa Phật bị cày mất. Năm 1998, tôi đến thăm một nhà thờ bị cày. Trước đây là một nhà nhỏ 4 tầng, bây giờ chỉ còn tầng thứ nhất với vài cửa sổ được che lại. Nhà thờ này ở vùng Yungfusan miền Bắc Ôn Châu. Một thiếu nữ đạp xe đạp ngang qua, ngừng để nhìn hai người ngoại quốc đang chụp hình ngôi nhà đổ nát. Cô ta nói “Tại thành phố này có nhiều Giê-xu lắm” rồi tiếp tục đạp xe đi.
Việc phá hủy Nhà Thờ và Chùa Phật xảy ra, theo như lời thuật lại của Zhen DaTong vì Chủ Tịch và Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân (Ziang Zemin), đầu năm có đến thăm Ôn Châu và ngạc nhiên khi thấy không những nhiều biểu tượng Cơ Ðốc, chẳng hạn thập tự trên các nhà thờ, nhưng còn thấy các gương soi dùng trong các buổi lễ của Phật tử để đuổi tà linh. Chính Chủ tịch Giang không ra lệnh cho Ôn Châu lấy các biểu tượng xuống song chính quyền địa phương xem việc ngạc nhiên của ông như là một lịnh tháo dỡ các biểu tượng trong một chiến dịch “Phá hủy gương soi và tháo dỡ Thập Tự”. Sau đó, nhiều Nhà Thờ và Chùa Phật bị phá dỡ trong chiến dịch này.
Yuan Zhuming, nhà làm phim phóng sự đang bị đày tại Hoa Kỳ từ năm 1989, đã từng dành nhiều thì giờ phỏng vấn các nhà lãnh đạo Hội Thánh Tư Gia. Sau chuyến thăm Ôn Châu đã đem về nhiều hình ảnh thảm thương của các cuộc tàn phá nhà thờ.
Cố gắng của các nhà lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Ôn Châu cốt làm giảm sút tiềm lực của cộng đồng Cơ Ðốc đang phát triển tại Ôn Châu. Không những chỉ hạn chế trong việc đập phá các nhà thờ. John Pomfret, trưởng phòng đại diện của báo Washington Post đi Ôn Châu về và đã cho biết vào năm 2002, các Mục sư Ôn Châu đã bị bắt theo lệnh từ trên ban xuống vào dịp hè đòi đóng cửa các lớp Trường Chúa Nhật. Thay vì cúi đầu vâng phục như Ban Tôn Giáo mong ước, nhiều Mục sư đã họp lại gõ cửa các văn phòng từ địa phương cho đến tận Bắc Kinh. Không có luật nào cấm dạy tôn giáo cho các em dưới 18 tuổi, các Mục sư cho biết, dầu công an nhiều nơi đã hành động như có một luật như vậy. Giám Mục Ding Guanxun, Viện Trưởng Viện Thần Học Nam Kinh, là một trong các nhà lãnh đạo đầu tiên của Phong Trào Tam Tự và Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc đồng ý. Ông gửi đến Hội Ðồng Tham Vấn Chính Trị Quốc Gia Trung Quốc, một tổ chức tham vấn không có quyền lực pháp lý, song đôi lúc có ảnh hưởng.
Tổ chức Hội Ðồng Tham Vấn Chính Trị Trung Quốc không trả lời thư của Giám mục Ding, nhưng như Pomfret phúc trình, các Mục sư tại Ôn Châu hiệp với các thương gia uy tín trong cộng đồng, vận động thành công với chính quyền tại Bắc Kinh và với Liên Ðoàn Kỹ Nghệ và Thương Mại Trung Quốc để chấm dứt tình trạng bắt bớ kỳ cục này.
Ban Tôn Giáo địa phương không được Bắc Kinh ủng hộ, và bị đe dọa sẽ bị kiện đến cấp cao của hệ thống tư pháp. Ban Tôn Giáo bèn chấm dứt việc cấm mở Trường Chúa Nhật, nhưng họ không từ bỏ việc chống lại tôn giáo. Họ biết là các Hội Thánh Ôn Châu, cả Tam Tự lẫn Tư Gia đều tổ chức các sinh hoạt tôn giáo theo cách riêng của họ. Ban Tôn Giáo tìm cách đòi hỏi các hội thánh phải xin phép cho tất cả các hoạt động trong năm 2003.
AN-TI-ỐT CỦA TRUNG QUỐC
Cơ Ðốc Nhân tại Ôn Châu tự ý thức là danh tiếng của thành phố mình như là Jerusalem của Trung Quốc, và một số người khác muốn được biết với một tên khác “An-ti-ốt của Trung Quốc”. Trong cuộc bành trướng đức tin Cơ Ðốc ra khỏi biên giới Jerusalem vào nửa đầu của thế kỷ thứ nhất, An-ti-ốt, theo trong Tân ước (Công vụ 11:26) là một thành phố bị La Mã cai trị ở xứ Palettin, nơi này các tín đồ đầu tiên được gọi là Cơ Ðốc Nhân. Miao giải thích “Có lời tiên tri trước đây trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa là Ôn Châu sẽ trở thành giống như An-ti-ốt”.
Ôn Châu có nền tảng vững vàng cho sự phát triển từ thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa và tiếp theo vì cớ Thần học và Kinh Thánh được các Mục sư dạy dỗ thật chín chắn trước năm 1949 và tiếp tục như vậy sau này ngay cả trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa khi các chương trình dạy dỗ trở nên thầm lặng. Dầu vậy, trong thập niên qua, các khác biệt về thần học đã bắt đầu xuất hiện trong thành phố. Bác “Miao” với ảnh hưởng của Phong Trào Ngũ Tuần, cộng tác với Bác Trương Dung Lương thuộc tỉnh Hà Nam vào thập niên 1990, một giáo sư người Hoa từ Inđônêxia, Mục sư Stephen Tong, bắt đầu về thăm Triết Giang với sứ điệp Tin Lành Trưởng Lão thủ cựu thuần túy. Ðối với các Mục sư Ngũ Tuần, sứ điệp mới gọi là “một lần được cứu thì luôn luôn được cứu” là một chiếc đũa thần bảo vệ sự cứu chuộc sau khi ăn năn và nhận được sự tha tội, dù người đó có làm điều gì gớm ghiếc sau này. Lối dạy dỗ này trái với lòng nhiệt thành của các người ân tứ mà Miao đã quen thuộc. Miao cho biết là thần học Calvin của giáo hội cải cách do Stephen Tong đem vào đã phá hủy cơ cấu lãnh đạo của mạng lưới tư gia lớn nhất tại Ôn Châu.
Dầu vậy Miao và các nhà lãnh đạo hội thánh Ôn Châu có một khải tượng lớn cho hội thánh trẻ đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Miao Zhitong giải thích vào mùa Hè năm 2002 thế nào ý tưởng vĩ đại đó bắt đầu: “Ðã lâu rồi, chúng tôi có khải tượng này cho Hà Nam và Ôn Châu. Chúng tôi có ý niệm là chúng tôi sẽ đi đường lụa cũ ngày xưa”. Ông nhớ lại là lúc đó, ông đang viết một loạt các câu chuyện về các Hội Thánh Tư Gia vào năm 1989 và được in ra bằng tiếng Anh và tiếng Hoa tại Hồng Kông. (4) Miao tiếp tục “Khi tôi viết cuốn sách Hoa Huệ Giữa Các Cành Gai vào năm 1989, tôi đang đứng trước một bản đồ thế giới. Ðức Chúa Trời ban cho tôi khải tượng lớn lao này. Có hai đạo quân, một đội từ Hà Nam, đội quân này đi theo con đường lụa đến Afganistan. Ðội quân thứ hai từ Ôn Châu sẽ đi bằng đường biển đến tận Vịnh Ba Tư. Tôi không phải là người duy nhất có khải tượng lớn lao này. Nhiều người cùng làm việc với tôi tại Hà Nam cũng có khải tượng đó.”
Khải tượng này được nhắc đến một cách đơn giản như là khải tượng “Trở về Jerusalem”. Khải tượng này trở thành quen thuộc với các mạng lưới Hội Thánh Tư Gia, và với nhiều người ngoại quốc biết về Hội Thánh Tư Gia. Dầu Ôn Châu là An-ti-ốt hay Jerusalem của Trung Quốc, các tín hữu Tin Lành có cùng một mơ ước được nhiều người Tin Lành khác tại Trung Hoa chia xẻ: Bắt đầu một con đường truyền giáo đem Phúc Âm về Trung Ðông vì từ đó thoạt đầu Phúc Âm đã đến Âu Châu, Bắc Mỹ, và cuối cùng đến Trung Quốc.
Chú thích
(1) Con số lấy từ website của Ðại Sứ Anh tại Bắc Kinh www.britishembassy.org.en (trích dẫn June, 2003)
(2) Joe Studwell, The China Dream – Giấc Mơ Trung Quốc (London: Profile Books, 2002), 36
(3) Bài xưng nhận đức tin cổ nhất, Bài Tín Ðiều Các Sứ Ðồ có lẽ đã được chấp nhận rộng rãi nhất bởi các Hội Thánh trong vùng Ðịa Trung Hải trước thế kỷ thứ hai. Tại Trung Quốc, nó được Hội Thánh Tam Tự và Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc xem là thể hiện Cơ Ðốc Giáo Chính Thống, và từ lâu cũng được các Hội Thánh Tư Gia chấp nhận. Bài Tín Ðiều Các Sứ Ðồ được diễn tả như sau.
Tôi tin Ðức Chúa Trời toàn năng là Cha, là Ðấng dựng nên trời đất.
Tôi tin Ðức Chúa Giê-xu Christ là Con độc sanh của Ðức Chúa Trời, và Chúa chúng ta.
Ngài xuống thế làm người bởi Ðức Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri,
C hịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi Lát, bị đóng đinh trên Thập Tự Giá, chịu chết và chôn,
Ngài xuống âm phủ, đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại,
Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Ðức Chúa Trời Toàn Năng là Cha.
Từ đó Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin Ðức Thánh Linh. Tôi tin Hội Thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ, sự tha tội, sự sống lại của thân thể, và sự sống đời đời. A-men!
(4) Danyun, Lilies Among the Thorns – Hoa Huệ ở Giữa Bụi Gai. (Tonbridge, England: Sovereign Word, 1991).
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.