Tín Lý Căn Bản: Bài 5 – Đấng Sáng Tạo
Bài thứ 5. Đấng Sáng Tạo Trời Đất.
Kinh Thánh khởi đầu với câu Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo nên trời đất. Trời đất là từ ngữ mà Kinh Thánh dùng để mô tả tất cả những gì tồn tại và hiện hữu trong vũ trụ này.
Giới Thiệu Đấng Sáng Tạo
Công cuộc sáng tạo vũ trụ được Kinh Thánh ghi lại vắn tắt trong sách Sáng Thế Ký chương 1 và chương 2. Một số người khi đọc Kinh Thánh đã cố gắng nghiên cứu những chi tiết trong các chương này để tìm hiểu phương cách sáng tạo vũ trụ. Từ chủ đích đó, những người này đã cho rằng Kinh Thánh mô tả công cuộc sáng tạo rất thiếu sót.
Thật ra, những độc giả này đã hiểu lầm. Trước hết, mục đích chính của những chương đầu tiên trong Kinh Thánh nhằm giúp chúng ta biết ai là Đấng đã sáng tạo ra vũ trụ chứ không phải để trình bày phương cách sáng tạo vũ trụ. Thứ hai, Kinh Thánh không phải là một cuốn sách giáo khoa về khoa học nhằm cung cấp mọi chi tiết về công cuộc sáng tạo. Nếu Kinh Thánh trình bày công cuộc sáng tạo vũ trụ như là một sách nghiên cứu khoa học thì những người sống hàng ngàn năm về trước, và cả nhiều người ngày nay nữa, không thể nào hiểu được Kinh Thánh. Kinh Thánh được viết ra với mục đích trình bày tình yêu, ý định và chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.
Về một phương diện khác, những người phê bình như thế quên rằng những tác phẩm khoa học hiện đại cũng có những thiếu sót. Các nhà nghiên cứu khoa học tìm cách giải thích vũ trụ được hình thành như thế nào nhưng không hề giải thích, hay không đề cập đến, ai đã dựng nên vũ trụ. Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là để hiểu rõ vũ trụ thiên nhiên chúng ta cần nhận biết Đấng đã tạo nên vũ trụ và thiên nhiên.
Khi có dịp ngắm biển cả bao la, núi non hùng vĩ; bầu trời với mặt trời, mặt trăng và các tinh tú vận chuyển một cách chính xác hài hòa; hoặc khi nhìn chim bay, cá lượn, cây cỏ, côn trùng, các sinh vật, từ những vật to lớn đến những vật li ti mắt không thấy rõ, ai cũng ngạc nhiên về cấu tạo tinh vi và tính cách phức tạp của vạn vật.
Ngay chính con người chúng ta cũng là một tác phẩm kỳ diệu. Nếu có dịp tìm hiểu về việc một em bé được hình thành, được nuôi dưỡng trong lòng mẹ, sau đó được sinh ra đời, lớn lên, phát triển thân thể, tình cảm và trí tuệ, chúng ta nhận biết con người đã được tạo dựng một cách tinh vi và kỳ diệu. Mỗi bộ phận trong thân thể con người được sáng tạo thật hoàn hảo để thích ứng với chức năng của từng giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Bên cạnh việc phát triển cơ thể, con người cũng phát triển tình cảm và tư duy. Tình yêu giữa mẹ và con, tình cảm thu hút giữa nam và nữ, khả năng thu nhận kiến thức và sự phát triển trí tuệ của con người, … đều là những huyền nhiệm.
Trong khi không mấy ai trong chúng ta cho rằng xe hơi, đồng hồ hoặc máy điện toán tự nhiên mà có, nhiều người lại nghĩ rằng vũ trụ và vạn vật tự nhiên hình thành. Vũ trụ, thiên nhiên, sinh vật, trong đó có con người, có cấu trúc tinh vi hơn và hoạt động một cách diệu kỳ hơn xe hơi, đồng hồ hoặc máy điện toán. Những công trình tuyệt tác trong thiên nhiên giúp chúng ta ý thức về sự hiện diện của một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan tuyệt vời – Đấng đã tạo dựng vũ trụ.
Nhận thức về sự kỳ diệu của thiên nhiên và con người dẫn chúng ta đến việc tìm hiểu Đấng Tạo Hóa, điều này cũng tương tự như một người đã thưởng thức say mê những tác phẩm nghệ thuật bây giờ muốn trực tiếp bắt tay chào người nghệ sĩ; như người đã say mê những dòng nhạc tinh luyện, bây giờ muốn gặp người nhạc sĩ. Cùng với Thi Thiên 104 và Gióp 38-41, những chương đầu tiên trong sách Sáng Thế Ký là những giai điệu của một bản hợp ca ca ngợi Đấng Sáng Tạo.
Đấng Sáng Tạo và Tạo Vật.
Bên cạnh việc nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, người tin Chúa cần hiểu rõ sự khác biệt giữa Đấng Sáng Tạo và tạo vật. Có ít nhất ba lý do vì sao chúng ta cần hiểu rõ điều này:
1. Hiểu biết sự khác biệt giữa Đấng Sáng Tạo và tạo vật giúp chúng ta xóa bỏ những nhận thức sai lầm về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời sáng tạo nên loài người theo hình ảnh Ngài. Ngược lại, một số người như Voltaire, cho rằng Đức Chúa Trời là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Voltaire đã ngạo mạn nói rằng: Con người đã tạo nên Đức Chúa Trời theo hình ảnh của mình.
Đức Chúa Trời không phải là sản phẩm tưởng tượng của trí óc con người như Voltaire chủ trương. Quan điểm duy vật đó thật ra đã xác nhận một sự thật là con người thuộc thế giới vật chất; do đó, chúng ta bị giới hạn trong thế giới vật chất. Chúng ta không thể nào hiểu tất cả mọi việc; không thể nào cùng một lúc ở mọi nơi; hay có thể làm tất cả những gì mình muốn; hoặc không bị thay đổi theo năm tháng.
Ngược lại, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo. Vì Đức Chúa Trời không thuộc về thế giới vật chất cho nên Ngài không bị giới hạn như con người. Đức Chúa Trời biết hết mọi việc; Ngài hiện hữu mọi nơi; Ngài có thể làm mọi điều Ngài muốn và Ngài bất biến với thời gian. Đức Chúa Trời là Đấng Vô Hạn, Ngài vượt khỏi tầm hiểu biết và nhận thức của con người; do đó, chúng ta không thể quan niệm Chúa như chúng ta quan niệm một người. Đức Chúa Trời, Đấng Vô Hạn, không thể là sản phẩm của con người, một vật hữu hạn. Ngài không phụ thuộc vào chúng ta nhưng chúng ta lệ thuộc vào Ngài.
2. Việc phân biệt giữa Đấng Sáng Tạo và tạo vật cũng giúp chúng ta hết hiểu lầm về vai trò của con người trên trái đất. Trái đất tồn tại trong tình trạng ổn định như hiện nay là do ý chỉ và năng quyền của Đấng Sáng Tạo ra nó. Vì Đức Chúa Trời sáng tạo trái đất và trái đất thuộc về Chúa, loài người thật ra không có quyền trên trái đất. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã trao cho loài người trách nhiệm quản trị trái đất. Với trách nhiệm là người quản lý, chúng ta có thể tự do làm mọi việc trên trái đất này, nhưng chúng ta phải phúc trình với Chúa về cách mình đã sử dụng tài nguyên trên đất như thế nào. Bên cạnh đó, vì trái đất là của Chúa cho nên chúng ta không được phá hoại trái đất và môi trường trên trái đất.
Mặc dầu, trái đất và mọi vật sống trên trái đất thuộc về thế giới vật chất; khác với quan niệm của một vài tôn giáo, người tin Chúa không coi vật chất là xấu xa. Kinh Thánh cho biết vật chất là do Chúa tạo dựng, và đều là tốt lành dưới cái nhìn của Ngài. Sáng Thế Ký 1:31 ghi rằng: “Đức Chúa Trời thấy các công việc Ngài làm thật là tốt lành.” I Ti-mô-thê 4:4 ghi thêm: “Mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà nhận lấy thì được.” Vì thế, khi sử dụng vật chất chúng ta cần cảm tạ Chúa vì Ngài đã tạo nên mọi vật và đã cho phép chúng ta được sử dụng.
3. Sự phân biệt rõ Đấng Sáng Tạo và tạo vật cũng xóa đi sự hiểu lầm về chính chúng ta. Vì con người không tự tạo ra mình nên đừng bao giờ nghĩ rằng mình làm chủ cuộc đời của mình. Ngược lại, chúng ta nên ý thức rằng: Chúa tạo nên tôi cho Ngài sử dụng, để phục vụ Ngài trên mặt đất này. Chúng ta thuộc quyền sở hữu của Chúa là điều căn bản đầu tiên chúng ta phải nhận biết, và chỉ khi nào ý thức như thế, chúng ta mới biết rõ con người của mình và mục đích của cuộc đời mình.
Nguyễn Sinh
Tín Lý Căn Bản
Phần Kinh Thánh đọc thêm:
Sáng Thế ký 1, 2; Ê-sai 45:9-25
Câu hỏi để suy nghĩ và ôn bài học:
1. Câu nói của Chúa khi sáng tạo: “Phải có…” nghĩa là gì?
2. Sự phân biệt rõ Đấng Sáng Tạo và tạo vật có ý nghĩa gì?
3. Làm sao ta có thể nói được rằng vật chất không phải là xấu xa độc hại?
Thánh Ca:
– Hồn Ngợi Khen Chúa – Hagim
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.