Barabbas – Phần 14
Barabbas
Nobel Văn Chương 1951
Tác giả: Par Lagerkvist
Người dịch: Hướng Dương
Chương 14:
Trên đây là những việc xảy ra khi Xa-hắc bị đóng đinh và Ba-ra-ba, kẻ được phóng thích đã thấy lão chết.
Khi viên trấn thủ rời nhiệm sở để về sống những năm cuối cùng tại La Mã, ông ta đã thu góp được một gia tài đồ sộ hơn bất cứ viên trấn thủ nào trước đó của đảo, nhưng đồng thời cũng quản trị các hầm mỏ và cả tỉnh ấy để đem về một nguồn lợi cho quốc gia mà không có viên trấn thủ tiền nhiệm nào sánh được. Một số đông vô kể lính cận vệ và giám thị đã giúp ông ta đạt đến thành công ấy nhờ ý thức được bổn phận, sự nghiêm khắc, và có lẽ là cả sự tàn bạo nữa. Nhờ chúng ông đã khai thác triệt để các nguồn lợi thiên nhiên và làm tăng gia đến mức tối đa dân số cũng như đám nô lệ.
Nói riêng về ông ta thì không phải ông ta là người tàn bạo. Chính sách cai trị của ông ta tàn bạo chứ không phải ông ta. Ai kết án ông ta đã phạm vào những tội ác giết người thì chỉ làm như thế vì không biết chuyện, vì không biết rõ ông ta mà thôi. Đối với số đông, ông ta là một nhân vật không ai được biết, hầu như một huyền thoại. Hàng ngàn con người rách rưới thảm hại sống dưới các hầm mỏ hoặc bên cạnh những cái cày dưới ánh nắng thiêu đốt, đã thở ra nhẹ nhỏm khi biết ông ta sắp ra đi. Trong một phút thiếu suy xét, họ hy vọng rằng viên trấn thủ mới sẽ khá hơn.
Riêng ông ta thì ông ta đã rời hòn đảo xinh đẹp ấy mà không tiếc rẻ luyến nhớ. Ông ta vốn thích nó lắm. Nhất là ông ta biết rằng mình sẽ luyến tiếc những việc đang làm, vì ông ta còn quắc thước và là một con người thích hoạt động. Nhưng vì ông ta cũng có một trình độ văn hóa cao nên rất vui sướng khi hình dung rồi những điều mà kinh đô La Mã có thể cống hiến cho mình để sống một cuộc đời đẹp đẽ hơn bên cạnh các bè bạn cũng có học thức như mình. Trong lúc ngã mình trên chiếc ghế dài êm ả dưới mái trại trên tàu, ông ta cứ thích thú suy nghĩ vớ vẫn chung quanh viễn tượng ấy.
Ông ta có đem theo số nô lệ mà ông ta dự trù là cần thiết cho việc sai khiến riêng tây đó. Ông ta đã ghi tên lão vào bảng liệt kê của mình là vì rộng lượng, vì những lý do tình cảm, dầu biết rằng một người đã từng tuổi ấy sẽ không còn làm lợi cho mình được bao nhiêu. Khi nhớ lại tên nô lệ đáng thương đã biết nghe theo lẽ phải và thẳng thắn chấp nhận cho người ta xóa đi tên vị thần của mình, ông ta đã quyết định sẽ đem lão theo. Không ai tưởng tượng được là ông chủ của Ba-ra-ba lại có một ký ức chi li như thế.
Vì biển lặng suốt một thời gian dài nên chuyến đi của họ thành chậm hơn thường lệ. Nhưng sau mấy tuần lễ chèo chống không ngừng, con tàu cũng vào đến bến Ostie. Đám tù nhân chèo thuyền đều phồng tay đến rướm máu, và hôm sau thì viên trấn thủ đến La Mã, còn đoàn tùy tùng và của cải sẽ về theo những ngày sau đó.
Dinh thự ông ta nhờ người mua cho mình nằm ngay giữa thành phố, thuộc khu quý phái nhất. Dinh cơ gồm nhiều từng lầu, phía trong bọc cẩm thạch đủ màu. Một bầu không khí xa hoa tràn lan khắp nơi. Ba-ra-ba chỉ được biết những gian nhà hầm dành cho đám nô lệ, nhưng lão cũng đoán được rằng ngôi nhà phải đồ sộ huy hoàng lắm. Việc đó không làm cho lão hoàn toàn dửng dưng được. Người ta giao cho lão làm những việc nhẹ, giúp tay người này người khác, và mỗi sáng thì cùng với vài ba tên nô lệ khác, đi theo người đầu bếp chánh, vốn là một tay phách lối, ra chợ. Nhờ cách đó mà cuối cùng, lão được thấy một phần thành phố La Mã.
Có lẽ ta không nên bảo là lão đã thật sự trông thấy nó. Mọi vật dường như chỉ lướt qua mắt lão và không khiến được cho lão chú ý đến. Lúc lão len lỏi trong đám người chen chúc nhau ngoài những đường phố hẹp hay đi khắp khu chợ náo nhiệt, chật chội đến độ rất khó tiến bước, lão chỉ thấy thấp thoáng mọi điều đó như những vật xa lạ được khám phá ra giữa đám sương mù. Cái thành phố được kể là nơi đô hội của cả thế giới và rất ồn ào đó chẳng bao giờ trở thành hoàn toàn có thật đối với lão. Lão đi giữa nó mà tâm tư vắng bóng, lạc lõng trong những tư tưởng lộn xộn của mình.
Hướng Dương lược dịch
Thánh Kinh Báo – Tháng 3/1972
Thư Viện Tin Lành – Tháng 3/2012
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.