Tái Sanh – Chương 3.b
Giữa lúc giọng của Tom vang đều trong đêm vắng, mọi biến cố quan trọng trong đời tôi chợt trở về như trình diễn tuần tự trên màng ảnh lớn, tựa như một người sắp chết cố ôn lại vùn vụt mọi điểm son của cuộc đời mình. Có nhiều điều tôi không nhớ đến cả mấy năm trời – bài diễn văn hôm tốt nghiệp trung học – “đủ trình độ” để gia nhập Thủy Quân Lục Chiến – cuộc hôn nhân lần thứ nhất của tôi với một người con gái xuất thân từ gia đình “đàng hoàng” – ngồi trên khán đài ở Jaycee nghe những vị lãnh đạo khen ngợi tôi là chàng thanh niên xuất sắc của Boston – rồi đến Tòa Bạch Ốc – những sự chạy đuổi và chịu đựng vì danh vọng và chức tước – “Thưa ông Colson, Tổng Thống gọi”; – “Thưa ông Colson, Tổng Thống muốn gặp ông ngay lập tức.”
Ðột nhiên tôi nhớ đến một câu chuyện xảy ra sau cuộc bầu cử Tổng Thống 1972. Viên phóng viên, vốn là kẻ thù của Nixon, ghé vào văn phòng làm việc của tôi hỏi một cách như hối hận bởi những chuyện mình đã làm, anh ta có thể làm gì để được ân sủng của Tòa Bạch Ốc trở lại. Tôi đề nghị anh ta nên “vặn cánh tay lại.” Tôi có ý giỡn, nhưng phần nào cũng để anh ta “run như cầy sấy” một chút. Ðó là sự ngạo mạn của một kẻ chiến thắng đối với người thua cuộc chịu đầu phục.
Bây giờ, ngồi ở hiên mờ sáng bởi ánh đèn vàng, quá khứ vị kỷ của tôi cuốn lấy tôi như những ngọn sóng mạnh đập vào bờ. Nó đau đớn thay. Một sự đau đớn rên rĩ. Tôi cố gắng như tuyệt vọng biện minh cho chính mình. Nào là sự hy sinh của tôi cho việc công, nào là chịu bỏ lợi tức cao nếu làm việc tư, nào là dồn mọi sinh lực và khả năng của tôi cho một niềm tin dù có chính nghĩa nhưng bị nhiều người chống đối.
Tuy nhiên, sự thật chính là tôi muốn có một địa vị trong Tòa Bạch Ốc hơn tiền bạc. Không có sự hy sinh nào cả. Càng nói đến sự hy sinh bao nhiêu tôi thấy mình như thổi phòng cho chính mình trước con mắt thiên hạ bấy nhiêu. Tôi sẵn sàng bỏ hết mọi thứ để có một địa vị tột đỉnh của chính quyền. Chính sự kiêu ngạo – “tội ác lớn nhất” đối với Lewis – đã thúc đẩy tôi qua mọi gian nan.
Tom đọc xong chương sách về sự kiêu ngạo rồi gập lại. Tôi nói lí nhí như để khỏi hứa hẹn gì, “Tôi mong được đọc nó sớm.”
Nhưng những lời của Lewis mạnh như chiếc thủy lôi đâm thủng con thuyền tôi. Tôi biết là Tom đã đoán ra được khi anh nhìn thẳng vào mặt tôi. Chương sách đó đã đâm thủng màn sắt phòng vệ bọc lấy tôi trong bốn mươi hai năm qua. Cố nhiên là tôi không biết đến Ðức Chúa Trời. Làm sao tôi biết được? Tôi chỉ lo cho chính bản thân tôi. Tôi đã làm điều nầy điều nọ, đã đạt được những thành tích, gặt hái những thành công và chưa bao giờ ghi công Ðức Chúa Trời, chưa bao giờ cảm ơn Ngài về những ân tứ Ngài ban cho tôi. Tôi không bao giờ nghĩ rằng có điều gì “vĩ đại hơn tôi nhiều đến nỗi không đo lường được” hoặc nếu có nghĩ đến những quyền năng vô biên của Ðức Chúa Trời trong những lúc suy nghĩ mông lung, thì tôi cũng chưa mời Ngài vào đời sống tôi. Trong những giờ phút chập chờn, mênh mang khi Tom đọc sách đó, tôi nhìn lại chính mình bằng một con mắt khác hẳn những lần trước. Và tôi thấy một hình ảnh xấu xí lạ lùng.
“Anh nghĩ sao, Chuck?” Câu hỏi của Tom mang tôi trở về với thực tại. Tôi hiểu rõ ý anh muốn nói gì. Tôi có sẵn sàng mang lấy niềm tin như anh ở New York năm nào và “tin nhận” Chúa Giê-xu Christ?
“Tom, phải nói thật với anh là anh đã làm tôi rúng động, chới với. Chương sách đó như diễn tả tôi hoàn toàn. Nhưng tôi chưa thể làm điều như anh đã làm trước đây được. Tôi phải nắm vững vấn đề. Tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm để đánh tan mọi ngờ vực, nghi vấn trong lòng tôi. Tôi có nhiều ngần ngại cần phải vượt qua trước.”
Tom có vẻ thất vọng chừng giây lát, nhưng rồi cười cảm thông. “Tôi hiểu, tôi hiểu.”
Tôi tiếp: “Anh coi, tôi đã thấy nhiều người trong Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến đến với Chúa Giê-xu, tôi cũng vậy. Nhưng rồi thời gian làm tôi quên, mọi chuyện trở lại bình thường như không có gì xảy ra. Tôn giáo kiểu đó chỉ là lợi dụng Ðức Chúa Trời. Làm sao tôi có thể dâng đời sống tôi bây giờ? Thế giới chung quanh tôi như sụp đổ. Làm sao tôi có thể chắc rằng tôi tin Ngài chẳng vì bởi hoạn nạn và sẽ chẳng quên Ngài khi mọi việc trở lại bình thường? Tôi cần phải trả lời cho chính tôi nhiều nghi vấn, thắc mắc và nếu làm được điều đó, tôi mới thấy an tâm.”
Tom nói nhỏ: “Tôi hiểu anh mà.”
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe Tom nói thế, nhưng tận sâu trong đáy lòng tôi lại muốn Tom cứ tiếp tục. Anh là người đầu tiên nói về Ðức Chúa Trời một cách hết sức có lý.
Nhưng Tom không tiếp tục. Anh đưa tôi cuốn sách “Thực Chứng Tin Lành”. “Sau khi đọc xong cuốn nầy, anh có thể đọc sách Giăng trong Kinh Thánh.” Tôi ghi vội những đoạn chính anh đề nghị. Anh tiếp “Ngoài ra, anh cần gặp một người ở Washington. Tên anh ta là Doug Coe. Anh nầy quy tụ mọi người lại để nhóm thông công, cầu nguyện buổi sáng… Tôi sẽ nói anh ta liên lạc với anh.”
Ðoạn Tom với tay lấy cuốn Kinh Thánh rồi đọc vài đoạn trong Thi Thiên anh ưa thích. Những lời an ủi như thoa dịu vết đau. Lần đầu tiên trong đời, những câu Kinh Thánh quen thuộc trước đây vô nghĩa như thế nào nay sống động lạ lùng. “Tin vào Ngài” tôi còn nhớ rất rõ giọng Tom đọc, tôi cũng thèm muốn được nói lên những lời ấy ngay lúc đó nếu tôi biết phải làm như thế nào, và nếu tôi có thể chắc chắn trong lòng.
“Chúng ta cùng cầu nguyện chung với nhau nghe, Chuck?” Tom vừa nói vừa gấp Kinh Thánh lại để trên bàn ở gần cạnh.
Tôi kinh ngạc nhưng trấn tĩnh ngay “Ðược tôi có thể làm điều ấy.” Tôi chưa bao giờ cầu nguyện với ai trước đó ngoại trừ những buổi cơm khách có người cầu nguyện trước bữa ăn.
Tom cuối đầu, hai tay nắm chặt lại, nghiêng người về phía trước. Anh bắt đầu: “Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho Chuck và gia đình của anh, xin Ngài mở lòng anh và chỉ cho anh ánh sáng cùng hướng đi…”
Trong khi Tom cầu nguyện, tôi cảm giác có một năng lực gì chảy trong thân thể tôi. Rồi một cơn sóng tình cảm mạnh đến khiến tôi xúc động gần khóc. Tôi cố gắng cầm nước mắt. Tôi nghe như Tom đang nói chuyện riêng và trực tiếp với Ðức Chúa Trời và ngỡ như Ngài đang ngồi cạnh chúng tôi. Những lời cầu nguyện mà tôi đã từng nghe trước đây hết sức là trịnh trọng và lập đi lập lại như máy gồm nhiều chữ xưa khó hiểu.
Khi anh chấm dứt, chúng tôi ngồi yên lặng thật lâu. Tôi biết là anh muốn tôi cầu nguyện nhưng tôi không biết nói gì và quá ngượng ngùng để thử. Chúng tôi cũng bước vào nhà bếp. Gert đang ngồi đọc sách ở bàn lớn. Tôi cảm ơn bà và Tom về lòng hiếu khách của họ.
Bà niềm nở với nụ cười nói lên sự chân thành: “Trở lại chơi anh nhé.”
“Anh cố gắng giữ gìn nghe Chuck, và nhớ cho tôi biết ý kiến của anh về cuốn sách.” Tom vừa nói vừa thân ái vỗ vai tôi rồi bậm môi chào, “Hẹn gặp anh trở lại.”
Tôi chẳng nói gì nhiều vì sợ giọng nói lạc đi bởi xúc động nhưng tôi biết chắc rằng tôi sẽ gặp anh trở lại trong một ngày không xa. Tôi nóng lòng muốn đọc cuốn sách anh cho mượn.
Bước ra bóng tối giữa đường đêm, tôi để cho tình cảm buông lơi không ngăn chận, không kềm hãm. Nước mắt trào làm nhòe mắt khiến tôi phải mò mẫm từng chiếc chìa khóa để mở máy xe. Tôi đưa tay quẹt nước mắt một cách bực bội rồi nổ máy xe. Tôi nói giận dữ như trách mình: “Sao lại yếu đuối như vậy?”
Nước mắt tiếp tục tuôn ra. Tôi biết là tôi phải trở lại nhà để cầu nguyện với Tom. Tôi tắt máy rồi bước ra khỏi xe. Tôi nhìn vào bên trong, đèn nhà bếp đã tắt, rồi đến đèn phòng ăn. Qua cửa sổ tôi thấy dáng Tom nhường cho Gert lên thang lầu rồi bước theo. Ðèn tầng trệt đều tắt ngấm. Ðã quá trễ. Tôi đứng yên nhìn căn nhà tối, chỉ còn một ngọn đèn ở phòng ngủ trên lầu. Tại sao tôi không chịu cầu nguyện khi tôi có cơ hội? Bây giờ thì lại hết sức muốn cầu nguyện. Tôi cảm thấy cô đơn, lẻ loi thật sự.
Khi lái xe ra khỏi nhà Tom, nước mắt tôi tuôn chảy như không thể nào kềm chế được. Hai bên đường không một ánh đèn, bầu trời không trăng. Ánh sáng của đèn xe bị vỡ nhòa trước mắt tôi, tôi có cảm giác như đang lặn dưới mặt nước. Tôi tấp xe vào lề, cách cổng nhà Tom không đến một trăm thước.
Tôi hi vọng Tom và Gert không nghe tiếng nấc của tôi, thứ âm thanh duy nhất ngoài thứ âm thanh bình thường của đêm vắng. Tôi úp mặt vào hai bàn tay, đầu cuối xuống phía trước và quên hẳn những sự cứng rắn, những giả vờ, những e ngại vì sự yếu đuối. Tôi bỗng có một cảm giác lạ lùng trong lòng. Rồi cảm giác không những nước mắt chỉ lăn dài trên má mà còn đi thấm thấu qua từ bắp thịt của thân thể, rửa sạch và tươi mát. Ðó không phải là những giọt nước mắt đau buồn và ăn năn, cũng không phải những giọt lệ sung sướng, nhưng là nước mắt giải thoát tâm hồn.
Ðoạn tôi cầu nguyện thật sự lần thứ nhất trong đời: “Chúa ơi, con không biết Chúa ở đâu, nhưng con sẽ đi tìm. Hiện con chẳng là gì cả, nhưng con muốn hiến đời con cho Chúa.” Tôi không biết phải nói gì thêm, nên cứ lập đi lập lại ba chữ: “Xin nhận con.”
Tôi chưa “tiếp nhận” Chúa Giê-xu Christ – bởi tôi chưa biết Ngài là ai. Lý trí tôi nhắc nhở tôi phải cố gắng tìm kiếm Ngài là ai trước, phải biết chắc những gì mình sẽ làm và nếu thành tâm thì phải giữ trọn. Trong đêm đó, tôi biết trong lòng tôi có gì thúc đẩy tôi đầu phục – mặc dầu không biết đầu phục những gì và đầu phục với ai.
Tôi ngồi lặng trong xe với đôi mắt nhòe ướt, cầu nguyện, suy nghĩ một mình có lẽ hơn nửa tiếng đồng hồ giữa đêm vắng. Lần đầu tiên trong đời, tôi bỗng cảm nhận tôi không lẻ loi hay cô đơn một chút nào.
(Còn tiếp)
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.