Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Bài Nhiều Người Đọc » Sơ Lược Tiểu Sử: Nữ Giáo Sĩ Donna Stadsklev Stebbins (1932-2021)

Sơ Lược Tiểu Sử: Nữ Giáo Sĩ Donna Stadsklev Stebbins (1932-2021)

Lời Ban Biên Tập:
Nữ Giáo sĩ Donna Stebbins là vợ của Giáo sĩ Thomas Stebbins. Ông bà thường được người Việt Nam gọi là Mục sư và bà Tôn Thất Bình.  Ông bà Thomas Stebbins đã đến truyền giáo tại Việt Nam từ năm 1956 cho  đến năm 1975.  Sau tháng 4 năm 1975, ông bà tiếp tục chức vụ giáo sĩ để giúp người Việt tỵ nạn tại Guam và Hong Kong.    Mục sư Thomas Stebbins về với Chúa vào ngày 15/2/2018.  Hơn ba năm sau, bà về với Chúa vào ngày 6/6/2021 vừa qua tại Leland, Florida. Mời bạn đọc theo dõi một ít về cuộc đời của Nữ Giáo sĩ Donna Stebbins, một người đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình để đem Phúc Âm của Chúa cho người Việt.  

Sơ Lược Tiểu Sử
Nữ Giáo Sĩ Donna Stadsklev Stebbins
(1932-2021)

Nữ Giáo sĩ Donna Stadsklev Stebbins sinh ngày 31/7/1932 tại Bouake, Ivory Coast, lúc đó là một thuộc địa của Pháp tại Tây Phi (West Africa).   Tên thời con gái của bà là Donna Jean Stadsklev.    

Gia Đình

Cha mẹ của nữ Giáo sĩ Donna Stadsklev Stebbins cũng là giáo sĩ.  Ông bà George và Mable Stadsklev là giáo sĩ của Christian and Missionary Alliance (CMA) hầu việc Chúa tại Tây Phi (West Africa). Chỉ ba tuần sau khi đến nhận nhiệm sở tại Tây Phi, tháng 3/1931 đứa con trai nhỏ nhất của ông bà Stadsklev là Frances Stadsklev đã về với Chúa. Không ngã lòng trước một thử thách quá sớm, ông bà George và Mable Stadsklev đã cầu xin Chúa cho thêm một đứa con khác. Hơn một năm sau, cô bé Donna Jean Stadsklev đã ra đời.

Mặc dầu ông bà George Stadsklev và Mable Hansen được sinh ra tại Hoa Kỳ, tuy nhiên cha mẹ của cả hai ông bà là những di dân Na Uy thuộc thế hệ đầu tiên đến Hoa Kỳ, cho nên cô bé Donna Jean Stadsklev con gái của ông bà được sinh tại một thuộc địa của Pháp ở Phi Châu, mang quốc tịch Hoa Kỳ, nhưng có 100% dòng máu từ Na Uy. 

Thời Thơ Ấu

Trong những năm đầu mới đến Phi Châu,  ông bà George và Mable Stadsklev phải chú tâm học ngôn ngữ địa phương.  Do đó, việc chăm sóc đứa con mới sinh đươc giao cho Amaoe, một phụ nữ người Baoulé chăm sóc.  Đến năm 4 tuổi, cô bé Donna đã có thể nói tiếng Baoulé giỏi hơn cha của mình.  Có lần Giáo sĩ George Stadsklev dùng tranh minh họa để giải thích truyện tích Kinh Thánh cho người Baoulé, dân chúng địa phương không thể hiểu rõ ông nói gì, nhưng khi có cô bé Donna đứng bên cạnh nói thêm thì họ hiểu.

Bé Donna và vú nuôi Amaoe (1933)
Photo credit: Deam Do Come True 

Cô bé Donna thường theo cha mẹ khi ông bà đến giảng trong những ngôi làng tại Phi Châu.  Một lần nọ, sau một chuyến đi như vậy, Donna đã nói với mẹ của mình: “Khi con lớn lên, con sẽ lấy chồng là một giáo sĩ.  Người đó cũng phải là con của giáo sĩ.”  Sau khi nghe đứa con gái mới bốn tuổi của mình nói như vậy, mẹ của Donna đã nói: “Donna!  Nếu con muốn như vậy thì kể từ bây giờ con phải cầu nguyện thật nhiều.  Bởi vì phải mất thật lâu – lâu thât là lâu – mới có thể hình thành một người chồng là một giáo sĩ tốt.”  Kể từ đó, cô bé Donna đã thường xuyên cầu nguyện về người chồng tương lai của mình, để người đó sẽ là một người hầu việc Chúa tận tụy trong chức vụ giáo sĩ.

Đức Chúa Trời đã lắng nghe lời cầu nguyện của cô bé Donna. Hai năm sau, cô bé đã gặp người chồng tương lai của mình, không phải mặt đối mặt, nhưng cả hai đã được gặp nhau trên cùng một trang báo.  Lập gia đình với một giáo sĩ là một trong những ước mơ mà Giáo sĩ Donna Stebbins kể lại trong cuốn hồi ký Deam Do Come True rằng Đức Chúa Trời đã làm cho thành tựu.

Tháng 9 năm 1937, mẹ của Donna phải từ Phi châu trở về New York để giải phẩu khẩn cấp. Lúc đó, anh chị của Donna là Glenn và Edith đã được gởi vào trường nội trú.  Donna, khi đó mới được 5 tuổi, còn quá nhỏ để được nhận vào nội trú cho nên cô bé phải theo mẹ về Hoa Kỳ.   

Sau bảy tháng giải phẩu và điều trị tại Hoa Kỳ, mùa xuân năm 1938 hai mẹ con lên tàu từ New York trở lại Phi Châu. Cũng trong thời gian đó, gia đình của cha mẹ Giáo sĩ Thomas Stebbins cũng rời hải cảng Los Angeles trở về Đông Dương.  Trong cùng một trang báo của tờ Alliance Weekly vào tháng 4 năm 1938, khi đưa tin về các giáo sĩ đang trở lại nhiệm sở, bài báo đã đăng hình của của hai mẹ con Mable và Donna Stadsklev ở đầu trang, và ảnh của gia đình cha mẹ Giáo sĩ Thomas Stebbins ở cuối trang.  Donna và Thomas Stebbins đã thấy nhau lần đầu tiên trong bối cảnh như vậy. 

Photo credit: Alliance Weekly – April 1938

Tuy nhiên phải mất 13 năm nữa Donna và Thomas mới gặp nhau mặt đối mặt, và thêm hai năm làm quen với nhau, trước khi hai người tiến đến hôn nhân.

Tuổi Thiếu Nhi

Tháng 9 năm 1939, khi đã được 7 tuổi, Donna được gởi vào học trường của con các giáo sĩ tại Phi châu.  Tuy nhiên khi đó ảnh hưởng của Đệ Nhị Thế Chiến đã lan đến Phi Châu. Vài tháng sau, vào tháng 12 năm 1939, gia đình của Giáo sĩ  Stadsklev phải đón tàu rời Phi Châu để trở về Hoa Kỳ. Việc học của Donna chấm dứt.  Sau nhiều trắc trở trên hành trình, tháng 2 năm 1940 cả gia đình về đến Hoa Kỳ.

Trong 5 năm kế tiếp, Đệ Nhị Thế Chiến lan rộng khắp thế giới.  Từ Phi Châu trở về, Giáo sĩ  Stadsklev phải đảm nhận nhiều chức vụ tại nhiều nơi tại Hoa Kỳ.  Vì vậy, cả gia đình phải thay đổi chỗ ở thường xuyên. Cô bé Donna, lúc đó 9 tuổi,  đã làm những việc lặt vặt như giữ trẻ, dọn dẹp cho các gia đình khá giả để kiếm thêm tiền. Donna đã trải qua tuổi thiếu niên trong hoàn cảnh như vậy.

Năm 1942, Giáo sĩ  George Stadsklev đã trở lại Phi Châu một mình để lo công việc Chúa, còn vợ con phải ở lại Hoa Kỳ. 

Hứa Nguyện Hầu Việc Chúa

Năm 1944, nữ Giáo sĩ  Mable Stadsklev, mẹ của Donna, được mời giảng cho các thanh niên tại Norwark, Ohio.  Sau bài giảng, bà kêu gọi những người trẻ đáp lại tiếng gọi của Chúa để hầu việc Chúa trong chức vụ giáo sĩ.  Trong buổi nhóm hôm đó, cô bé Donna Stadsklev, lúc đó được 12 tuổi, đã tiến lên hứa nguyện sẽ dâng cuộc đời mình để làm giáo sĩ. Khi thấy con mình tiến lên, nữ Giáo sĩ  Mable Stadsklev đã dùng Kinh Thánh nhắc cho con gái mình biết rằng sự hứa nguyện với Chúa là một hứa nguyện rất quan trọng không phải là một quyết định hời hợt, theo cảm tính, vội vàng.  Tuy nhiên, cô bé Donna Stadsklev thật sự hiểu biết sự hứa nguyện của mình.  Trong nhiều năm sau đó, rất nhiều lần cô đã nhắc lại lời cam kết giữ sự hứa nguyện của mình với Chúa.

Thời Niên Thiếu

Mùa hè năm 1945, Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Cả gia đình của Giáo sĩ  Stadsklev chuẩn bị trở lại Phi Châu.  Chuyến đi dự định sẽ khởi hành vào ngày 15/6/1945.  Tuy nhiên nữ Giáo sĩ  Mable Stadsklev bị bệnh rất nặng, bị hôn mê, và phải giải phẩu.  Vì bệnh tình và tình trạng sức khỏe của nữ Giáo sĩ  Mable Stadsklev, cơ quan truyền giáo không cho phép bà cùng cả gia đình trở lại Phi Châu. 

Mùa hè năm đó hai người con lớn của ông bà Stadsklev là Glenn và Edith đã tốt nghiệp trung học và vài tháng sau họ sẽ vào đại học.  Ông bà Giáo sĩ  Stadsklev và cô bé Donna lúc đó được 13 tuổi đã dọn về Oregon để hầu việc Chúa trong một Hội Thánh nhỏ tại Bend, Oregon. 

Trong những năm kế tiếp, lúc Donna học Trung Học, Mục sư  George Stadsklev đã khuyên con không những chỉ cố gắng học nhưng dành thì giờ đi làm thêm để tự lo cho những nhu cầu cá nhân, còn ông sẽ để dành tiền để trang trải chi phí cho cô trong bốn năm đại học.  Donna đã nghe lời cha vừa học, vừa đi làm như vậy.

Đại Học

Mùa hè năm 1950, Donna tốt nghiệp xong trung học.  Cha của cô gợi ý cho cô rất nhiều Trường Kinh Thánh  và trường đại học tại tiểu bang Washington, Oregon và California thuộc miền tây của nước Mỹ để theo học.  Những trường này tương đối gần nhà nhưng Donna quyết định xin đi học tại Nyack Missionary Training Institute tại New York bởi vì cô muốn trở thành giáo sĩ và những giáo sĩ mà cô quý mến đều tốt nghiệp từ trường đó.  

Nyack Missionary Training Institute
Photo credit: CMA Archive

Mục sư  George Stadsklev rất buồn cho biết nếu cô đi học tại Nyack thì cô phải xa nhà suốt 4 năm, bởi vì gia đình không có khả năng giúp cô về thăm gia đình vào mỗi mùa hè, bởi vì Nyack và Oregon ở cách nhau quá xa.

Gặp Gỡ Người Chồng Tương Lai

Mùa thu năm 1950, Donna nhập học tại Nyack. Tại đây Donna có dịp quen biết Anne Stebbins là người đã học trước cô một năm.   Anne Stebbins là chị của Thomas Stebbins.  Anne Stebbins ở cùng cư xá và cùng một tầng lầu với Donna. Gần gũi và hiểu biết tấm lòng yêu mến Chúa của Donna, Anne đã ngắm nghé Donna cho em trai của mình là Thomas. 

Cũng giống như gia đình của Giáo sĩ George Stadsklev, khi Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra, tháng 1 năm 1941, gia đình Giáo sĩ Irving R. Stebbins  đã rời Đông Dương trở về Hoa Kỳ.  Chiến tranh đã tàn phá Đông Dương thật nặng nề.  Vì trường cho con các giáo sĩ tại Đà Lạt không thể hoạt động cho nên sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc ông bà Giáo sĩ Irving R. Stebbins  đã quay lại Đông Dương để hầu việc Chúa, nhưng ông bà đã để các con của họ ở lại Hoa Kỳ để đi học.  

Thomas Stebbins rời Việt Nam vào tháng 10 năm 1941 lúc được 9 tuổi.  Vào năm 1950, Thomas Stebbins đã 17 tuổi, đang học năm cuối của trung học tại Hampden Duboise Academy tại Florida.  Mùa hè năm 1951, vì không có thân nhân gần gũi trong gia đình tại Hoa Kỳ cho nên Thomas Stebbins đã đến thăm chị của mình đang học tại Nyack.  Anne đã mời Donna đến dự một buổi tiệc mừng lễ đính hôn của một bạn học cùng trường. Trong dịp đó Anne đã giới thiệu cho Donna, cậu em trai của mình từ Florida mới đến thăm.  

Donna thật bất ngờ và thẹn thùng nhưng cô nhận xét rằng Thomas Stebbins đẹp trai như một tài tử điện ảnh.  Buổi gặp gỡ đầu tiên đó xảy ra vào ngày 9/6/1951.   Tuy nhiên, lúc đó Donna biết Thomas Stebbins đang có bạn gái cho nên cô đè nén tình cảm của mình.

Mùa thu năm đó (1951), Thomas Stebbins cũng đến học tại Nyack. Tháng 1 năm 1952, Donna biết quan hệ tình cảm của Thomas với bạn gái của chàng đã đổ vỡ.  Lúc đó Thomas thường đến thăm người chị là Anne tại khu cư xá nơi Donna đang ở.  Qua những lần gặp gỡ đó, Donna có dịp để ý đến cách Thomas cư xử với người chị của mình. Donna ngạc nhiên vì Anne có một người em không những chỉ đẹp trai nhưng cư xử rất lịch thiệp.  Cô nghĩ thầm: Anh chàng này cư xử với chị của mình như vậy thì không biết sẽ cư xử với người yêu như thế nào.

Trong khoảng thời gian đó, Anne tìm cách cho Donna và Thomas có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với nhau.  Anne thường hẹn gặp em mình tại cư xá, nhưng khi Thomas đến thì cô không ra liền, nhưng nhờ bạn mình là Donna đi ra nói với Thomas là cô đang bận và chờ cô một chút.  Và rồi sau đó, Anne cố tình ra thật trễ để Thomas và Donna có cơ hội nói chuyện với nhau.

Và rồi ngày mà Donna mơ ước đã đến. Sau buổi học Kinh Thánh tối 24/4/1952, Thomas đã xin Donna có thể cho anh một cái hẹn với cô hay không. Vì quá hạnh phúc với lời đề nghị này, trong nhật ký viết vào ngày 28/4/1952 Donna đã ghi lại rằng cô mong ước ngày hôm đó sẽ không bao giờ kết thúc.   

Và rồi sau đó hai người hẹn gặp nhau vào mỗi tuần.  Thomas rất nghèo bởi vì cha mẹ là Giáo sĩ ở tận Đông Dương cho nên anh không được gia đình giúp đỡ.  Thomas phải làm rất nhiều việc khác nhau để có tiền trang trải cho học phí và những chi phí của mình.  Thỉnh thoảng, Thomas gởi cho Donna một bịch đậu phọng rang nhỏ từ cửa tiệm nơi anh làm việc.  Dầu vậy Donna vô cùng hạnh phúc, giấu bịch đậu dưới gối, rồi ăn từng hạt một, hưởng trọn tình yêu mà Thomas dành cho mình.        

(Còn tiếp)

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành (2021)
www.thuvientinlanh.org

Xem thêm:  Vài Lời Tâm Tình Của Nữ Giáo Sĩ Donna Stebbins

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top