Tiểu sử Bà Mục sư Phạm Văn Năm – Phần 1
Lời Ban Biên Tập
Cách đây đúng một năm, vào ngày 7/1/2014 Thư Viện Tin Lành đăng lại loạt bài Ý Nghĩa Thuộc Linh Của Mẫu Tự Hy-bá-lai đã được đăng trên Thánh Kinh Báo từ năm 1970 do bà Mục sư Phạm Văn Năm biên soạn. Sáng ngày 5/1/2015, Thư Viện Tin Lành nhận được tin cụ bà Mục sư Phạm Văn Năm, sau 98 năm sống trên đất, đã về với Chúa. Chúng tôi xin gởi đến bạn đọc bài viết ghi lại vài nét về cuộc đời của một phụ nữ khả kính đã tận hiến cuộc đời mình cho công việc Chúa. Bài viết sẽ được đăng làm nhiều kỳ trong những ngày tới.
Tiểu sử bà Mục sư Phạm Văn Năm
Nhũ danh Nguyễn Thị Thuấn
(1916-2015)
Bà Mục sư Phạm Văn Năm tên thật là Nguyễn Thị Thuấn sinh năm 1916 tại xã Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Từ nhỏ, bà được gởi về sống với ông bà nội tại thị xã Cao Lãnh để đi học. Năm 1922, bà được nghe về Chúa lần đầu tiên khi Giáo sĩ Irving Stebbins, thân sinh của Mục sư Thomas Stebbins, đến giảng tại nhà ông Đoàn Văn Hanh, là một người bà con bên nội. Trong dịp này ông bà nội của bà đã tin Chúa.
Năm 1923, Hội Thánh Cao Lãnh được thành lập. Sau đó, hằng tuần, cô bé Nguyễn Thị Thuấn được bà nội dẫn đi nhà thờ. Năm 10 tuổi, cô muốn cầu nguyện tin Chúa nhưng bà nội chưa cho, vì ba mẹ cô vẫn chưa tin Chúa. Mãi đến năm 1927, cô bé Nguyễn Thị Thuấn mới chính thức cầu nguyện tiếp nhận Chúa.
Sau khi tiếp nhận Chúa, trong những năm ở tuổi thiếu niên, cô Nguyễn Thị Thuấn đã sốt sắng chia sẻ niềm tin cho bạn bè và những người thân quen, kể cả những người lớn tuổi. Lòng nhiệt thành trong việc giới thiệu Chúa cho người khác của cô, khiến một số người đã gọi cô là kẻ “điên đạo.”
Những lời chỉ trích khiến cô ngã lòng, nhưng Chúa đã nâng đỡ cô. Ngày 15/1/1932, Hội Thánh Tin Lành Cao Lãnh đã tổ chức một chương trình bồi linh. Mục sư D. J. Jeffrey, Đốc Học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, và Mục sư Nguyễn Hữu Khanh đến giảng cho Hội Thánh. Trong bài giảng bế mạc, Mục sư Nguyễn Hữu Khanh đã nhắc lại kinh nghiệm đáng tiếc của dân Do Thái trên hành trình về Đất Hứa. Dân Do Thái được Đức Chúa Trời cứu khỏi cảnh nô lệ tại Ai Cập, họ đang trên đường về Đất Hứa nhưng “giữa đường dân sự ngã lòng.” Thái độ vô ơn và vô tín của dân Do Thái khiến họ bị Đức Chúa Trời trừng phạt (Dân Số Ký 21:1-10). Mục sư Nguyễn Hữu Khanh giải thích căn nguyên của việc người Do Thái bị trừng phạt là sự ngã lòng. Hệ quả của sự ngã lòng là mất đức tin, có thể dẫn đến sự chống đối Chúa và những người hầu việc Ngài.
Sứ điệp của bài giảng đã đến với cô Nguyễn Thị Thuấn đúng lúc. Dòng chữ “giữa đường dân sự ngã lòng” mô tả đúng tâm trạng của cô vào lúc đó, và đã đánh mạnh vào tâm trí của cô. Cô ăn năn về sự yếu đuối của mình và đã dành ba ngày kiêng ăn cầu nguyện. Cô xin Chúa thương xót tha thứ cho cô và ban năng lực để cô tiếp tục theo Chúa và hầu việc Ngài. Kinh nghiệm đó đã đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của cô.
Tháng 10 năm 1934, cô Nguyễn Thị Thuấn đến dự Hội Đồng Bồi Linh tại Sa Đéc. Trong dịp này, Giáo sĩ Herbert Jackson và Truyền đạo Trịnh An Mẹo đã làm chứng về công tác truyền giáo tại vùng Cao Nguyên Trung Phần. Xúc động trước nhu cầu truyền giáo cho các sắc tộc, cô Nguyễn Thị Thuấn, bây giờ đã là một thiếu nữ, hứa với Chúa sẽ dâng cuộc đời của mình cho công tác truyền giáo.
Khó khăn lớn nhất khiến cô khó có thể thực hiện điều hứa nguyện của mình là Trường Kinh Thánh Đà Nẵng lúc đó không nhận nữ sinh viên độc thân; và do đó cô không thể trở thành nhà truyền giáo. Các nữ học sinh tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng vào lúc đó là vợ của các nam sinh viên đang theo học tại trường.
Biết được tấm lòng của cô, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một phương cách để cô có cơ hội đi học tại Trường Kinh Thánh mà cô không ngờ. Vào thời gian đó, Giáo sĩ Paul E. Carlson sáng tác một số thánh ca mới, mà lời ca trích từ Kinh Thánh tiếng Việt, về sau được gọi là Kinh Tiết Ca. Tại Hội Đồng Bồi Linh tại Sa Đéc năm đó, Giáo sĩ Paul E. Carlson hướng dẫn cho Hội Đồng hát bài Đức Giê-hô-va Là Đấng Chăn Giữ Tôi; về sau bài hát này trở thành Thánh Ca bài số 433. Trước khi giới thiệu bài hát, Giáo sĩ Paul E. Carlson mời một người thuộc Thi Thiên 23 đứng lên đọc cho cả Hội Đồng. Cô Nguyễn Thị Thuấn thuộc Thi Thiên 23 nhưng không dám đọc vì e ngại. Một người bạn gái kéo tay cô đứng lên, nhưng cô dè dặt; thấy vậy Giáo sĩ Paul E. Carlson mời cô đứng lên đọc Thi Thiên 23 cho cả Hội Đồng. Khi nghe cô đọc, một tín hữu lúc đó đang muốn tìm vợ cho con trai mình đang đi học Trường Kinh Thánh để ý đến cô. Qua Thi Thiên 23, cô được gia đình của Truyền đạo sinh Phạm Văn Năm biết, và sau đó trong sự dẫn dắt của Chúa, cô đã kết hôn với Truyền đạo sinh Phạm Văn Năm.
Cô theo chồng đến học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng (1935-1936), thực tập tại Hội Thánh Trà Ôn (1936-1938), hầu việc Chúa tại Hội Thánh Phú Nhuận, Sài Gòn (1938-1939), học khóa tốt nghiệp tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng (1939-1940), hầu việc Chúa tại Hội Thánh Bình Long, Châu Đốc (1940-1941).
(Còn tiếp)
Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.