Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Lịch Sử » Tiểu sử Bà Mục sư Phạm Văn Năm – Phần 2

Tiểu sử Bà Mục sư Phạm Văn Năm – Phần 2

Lời Ban Biên Tập

Cách đây một năm, vào ngày 7/1/2014 Thư Viện Tin Lành đăng lại loạt bài Ý Nghĩa Thuộc Linh Của Mẫu Tự Hy-bá-lai đã được đăng trên Thánh Kinh Báo từ năm 1970 do bà Mục sư Phạm Văn Năm biên soạn.  Sáng ngày 5/1/2015, Thư Viện Tin Lành nhận được tin cụ bà Mục sư Phạm Văn Năm, sau 98 năm sống trên đất, đã về với Chúa.  Chúng tôi xin gởi đến bạn đọc bài viết ghi lại vài nét về cuộc đời của một phụ nữ khả kính đã tận hiến cuộc đời mình cho công việc Chúa. Bài viết được đăng làm nhiều kỳ trong những ngày tới.

Rev&MrsPhamVanNam_TKB121951(Tài liệu: Thánh Kinh Báo Tháng 12/1951)

Nỗi ưu tư về nhu cầu truyền giáo cho người sắc tộc được cô Nguyễn Thị Thuấn ghi lại trong lời thánh ca mà cô đã sáng tác, được đăng trong Thánh Kinh Báo số 51, phát hành vào tháng 5 năm 1935 như sau:

Lòng Trông Đợi Chúa
(Theo điệu bài Thơ Thánh 202)

1. Lòng ta trông mong khi Chúa chí thánh tái lâm.
Mừng vui không thôi, ân điển kíp đem rao truyền
Tìm chiên bơ vơ, ta hãy gắng công cứu mau
Cứu mau những kẻ trầm luân khóc than ở bên cạnh mình.

Điệp Khúc:
Đau lòng thay!  Linh hồn kia, hồn kia ở chốn khổ cay.
Nếu ta trể nãi tình thương, máu oan ắt vương vào mình.

2. Lòng ta trông mong khi Chúa chí thánh tái lâm.
Miền thượng du kia, chẳng biết bao nhiêu linh hồn
Chìm trong biển sâu, trông đến rất nên thảm thương
Quyết đem danh Chúa truyền ra khắp nơi nẻo sâu hang cùng.

3. Lòng ta trông mong khi Chúa chí thánh tái lâm.
Hằng soi gương xưa, ta hãy nhớ ghi ơn Ngài.
Lòng yêu cao sâu của Chúa xót thương nhơn gian.
Chúng ta nay khá thành tâm, giúp nhau của, công vẹn toàn!

4. Lòng ta trông mong khi Chúa chí thánh tái lâm.
Kèn thiên sứ rao: Phước Chúa ở nơi thiên đàng.
Kìa!  Vua oai nghi, vinh hiển, xuống nơi không trung.
Chúng ta gặp Chúa bình an, hết lo đắng cay cõi trần.

Lời bài hát về sau được hát với giai điệu của thánh ca 502, hoặc 506, trong Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1950).

Đức Chúa Trời không quên ước mong trở thành nhà truyền giáo cho người sắc tộc của cô Nguyễn Thị Thuấn.  Sau 6 năm học và tập sự hầu việc Chúa, ngày 2/8/1941 Tổng Liên Hội bổ nhiệm Truyền Đạo Phạm Văn Năm đến truyền giáo cho người sắc tộc sinh sống tại vùng Hoàng Triều Cương Thổ.

Ông bà Truyền Đạo Phạm Văn Năm cùng các con rời Sài Gòn ngày 12/8/1941, đến Đà Lạt một ngày sau đó.  Rời miền đồng bằng sông Cửu Long trù phú đến vùng cao nguyên Lâm Viên hoang sơ giá lạnh, gia đình ông bà phải đối diện với nhiều thử thách trong cuộc sống mới.  Sáu tháng đầu tiên, ông bà dành thì giờ học tiếng K’Ho.  Sáu tháng kế tiếp ông bà cộng tác với Giáo sĩ Herbert Jackson và Mục sư Nguyễn Văn Tầm trong công việc truyền giáo cho người sắc tộc.

Đà Lạt chỉ là nơi chuẩn bị cho công tác truyền giáo.  Tháng 11 năm 1942, ông bà Phạm Văn Năm được bổ nhiệm đến lo việc truyền giáo tại Di Linh.  Di Linh là một thị trấn nhỏ, thuộc vùng rừng thiêng nước độc, nổi tiếng vì bệnh sốt rét rừng.  Sau sáu tháng hầu việc Chúa tại đây, Truyền Đạo Phạm Văn Năm bị sốt rét nặng, nên phải trở về quê tại Ô Môn, Cần Thơ để dưỡng bệnh.

Trong thời gian đó, Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra; các giáo sĩ Tin Lành bị người Pháp, theo lệnh của người Nhật, giam giữ tại Mỹ Tho.  Cơ quan truyền giáo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam khi đó do các giáo sĩ điều hành; vì thế khi các giáo sĩ bị giam cầm, công việc truyền giáo cho các sắc tộc bị gián đoạn.

Vì không thể trở lại Di Linh tiếp tục công việc truyền giáo, tháng 5 năm 1943, ông bà Phạm Văn Năm được Tổng Liên Hội bổ nhiệm về hầu việc Chúa tại Hội Thánh Vĩnh Long.  Bốn năm hầu việc Chúa tại Vĩnh Long (1943-1947) là những năm tháng hầu việc Chúa đầy khó khăn, thử thách.  Ông bà mất hai người con trong giai đoạn khó khăn này. Trong lúc chiến cuộc lan tràn, giữa bối cảnh chính trị phức tạp, ông bà kiên nhẫn hầu việc Chúa.  Hội Thánh Vĩnh Long tăng trưởng có nhiều người tin Chúa.

Trong khi các đầy tớ Chúa cố gắng xây dựng đức tin cho các tân tín hữu, thử thách mới lại xảy ra.  Mầm móng của tà thuyết về ngày tận thế tìm cách len lỏi vào Hội Thánh.  Hiểu rõ quan điểm này sai với Kinh Thánh, bà Phạm Văn Năm kiên quyết chống trả.  Nhờ tinh thần kiên quyết của bà, vị mục sư ủng hộ tà thuyết không thể phổ biến điều này tại Hội Thánh Vĩnh Long; vì vậy, các tín hữu tại Vĩnh Long không bị ảnh hưởng bởi tà thuyết về ngày tận thế; nhờ đó Hội Thánh Vĩnh Long không bị xáo trộn và chia rẻ như đã xảy ra tại một vài nơi khác.

Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Chiến Tranh Việt Pháp diễn ra.  Chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh khiến dân chúng phải bỏ nhà di tản khắp nơi.  Gia đình đầy tớ Chúa cùng một số tín hữu đã tản cư trong những năm tháng đó.

Cuối năm 1946, ông bà Phạm Văn Năm trở lại Vĩnh Long.  Đầu năm 1947, Hội Thánh mời ông bà tiếp tục hầu việc Chúa tại đây thêm hai năm nữa.  Tuy nhiên, khi biết được công việc truyền giáo tại cao nguyên có thể hoạt động trở lại, tháng 3 năm 1947, ông bà Phạm Văn Năm nộp đơn xin trở lại tiếp tục công việc truyền giáo tại cao nguyên.

(Còn tiếp)

Phần 1

Phần 3

Phước Nguyên 

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top