Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Lịch Sử » Tiểu sử Bà Mục sư Phạm Văn Năm – Phần 3

Tiểu sử Bà Mục sư Phạm Văn Năm – Phần 3

Lời Ban Biên Tập

Cách đây một năm, vào ngày 7/1/2014 Thư Viện Tin Lành đăng lại loạt bài Ý Nghĩa Thuộc Linh Của Mẫu Tự Hy-bá-lai đã được đăng trên Thánh Kinh Báo từ năm 1970 do bà Mục sư Phạm Văn Năm biên soạn.  Sáng ngày 5/1/2015, Thư Viện Tin Lành nhận được tin cụ bà Mục sư Phạm Văn Năm, sau 98 năm sống trên đất, đã về với Chúa.  Chúng tôi xin gởi đến bạn đọc bài viết ghi lại vài nét về cuộc đời của một phụ nữ khả kính đã tận hiến cuộc đời mình cho công việc Chúa. Bài viết được đăng làm nhiều kỳ trong những ngày tới.

MrsPhamVanNam_Preach

Tháng 6 năm 1947, ông bà Truyền đạo Phạm Văn Năm, cùng bốn người con, trở lại Đà Lạt, đánh dấu một giai đoạn mới trong chức vụ hầu việc Chúa của ông bà tại cao nguyên (1947-1960).

Đức Chúa Trời đã chuẩn bị ông bà Phạm Văn Năm đến đúng lúc để tiếp nối công việc truyền giáo cho người sắc tộc tại Lâm Đồng.  Trong những năm trước, Mục sư Nguyễn Văn Tầm và Truyền đạo Trịnh An Mẹo đã hiệp tác với Giáo sĩ Herbert Jackson lo việc truyền giáo tại tỉnh Lâm Đồng.  Vài tháng sau khi ông bà Phạm Văn Năm trở lại Đà Lạt, Truyền đạo Trịnh An Mẹo về với Chúa.  Mục sư Nguyễn Văn Tầm, vì tình trạng sức khỏe suy yếu, không thể tiếp tục hầu việc Chúa tại cao nguyên, phải thuyên chuyển về miền Nam.

Trong thời gian đầu, ông bà Phạm Văn Năm học tiếng K’Ho trở lại, mỗi ngày học 6 giờ.  Bà Phạm Văn Năm vì muốn hầu việc Chúa cho người sắc tộc nên đã kiên trì cùng chồng học ngôn ngữ.  Sau 6 tháng, ông bà có thể đàm thoại căn bản với người K’Ho không cần người thông dịch.  Tinh thần kiên trì học hỏi này đã giúp cho ông bà hiểu tiếng K’Ho đủ để giảng, dạy, dịch Kinh Thánh, Thánh Ca và các tài liệu Cơ Đốc sang tiếng K’Ho trong những năm về sau.

Bên cạnh trách nhiệm chính là truyền giáo cho người sắc tộc, ông bà Phạm Văn Năm cũng hổ trợ Mục sư Duy Cách Lâm trong những mục vụ cho Hội Thánh người Việt tại Đà Lạt.  Tháng 6 năm 1948, Truyền đạo Phạm Văn Năm, sau 12 năm hầu việc Chúa, đã được phong chức Mục sư tại Sài Gòn. Vì hoàn cảnh khó khăn vào thời đó, bà Phạm Văn Năm không thể đến tham dự lễ tấn phong mục sư của chồng.

Một công tác quan trọng để xây dựng công việc Chúa hiệu quả lâu dài là cần có Kinh Thánh trong ngôn ngữ địa phương.  Trong những năm trước đó, Giáo sĩ Herbert Jackson, Mục sư Nguyễn Văn Tầm, cùng với Hà Sol, một tín hữu sắc tộc, đã đặt chữ viết cho người K’Ho và dịch Phúc Âm Giăng sang tiếng K’Ho. Ước mong của các nhà truyền giáo vào lúc đó là hoàn tất việc phiên dịch Tân Ước sang tiếng K’Ho.  Sau khi đã hiểu được tiếng K’Ho, Mục sư và bà Phạm Văn Năm đã cộng tác với các giáo sĩ, những nhà truyền giáo Việt Nam, và các tín hữu K’Ho hoàn tất dự án này.  Bà Mục sư Phạm Văn Năm là người dịch sách Phi-e-rơ sang tiếng K’Ho.  Công trình phiên dịch Kinh Thánh K’Ho do nhiều người cộng tác, kéo dài nhiều năm. Đến năm 1961, Kinh Thánh Tân Ước K’Ho được phát hành.

KHoNTLễ Cung Hiến Kinh Thánh Tân Ước – K’Ho

Một vấn đề căn bản mà các nhà truyền giáo cần giải quyết từ lúc phiên dịch Kinh Thánh là nếu có Kinh Thánh nhưng các tín hữu không biết đọc thì dịch Kinh Thánh để làm gì?  Một trong những phương cách giải quyết của các nhà truyền giáo vào lúc đó là tìm cách dạy cho các tín hữu K’Ho biết đọc và viết tiếng K’Ho.  Trong cương vị của mình, bà Phạm Văn Năm đã dạy các thiếu nhi, thanh niên, và các sinh viên Trường Kinh Thánh Đà Lạt học chữ K’Ho.  Các nhà truyền giáo cũng khuyến khích các truyền đạo người sắc tộc hãy dạy tín hữu trong các hội thánh học chữ.  Nhờ đó, trong những năm về sau, nhiều tín hữu sắc tộc biết đọc, biết viết.  Thêm vào đó, một thời gian sau tiếng K’Ho được dạy tại một số trường học.  Do đó, khi Kinh Thánh K’Ho được phát hành, nhiều người K’Ho có thể đọc Kinh Thánh.

Một trong những công tác cần thiết để giúp cho Hội Thánh sắc tộc trong sự thờ phượng Chúa là hướng dẫn họ hát thánh ca.  Các nhà truyền giáo quyết định thực hiện một cuốn Thánh Ca gồm 250 bài thánh ca cho sắc tộc K’Ho.  Ông bà Phạm Văn Năm đã dịch hơn 100 bài từ cuốn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1950) sang tiếng K’Ho. Trong thời gian phiên dịch, bà Phạm Văn Năm đã hướng dẫn các tín hữu sắc tộc học âm nhạc.  Ban đầu hướng dẫn họ hát giai điệu chính, sau đó hợp ca hai giọng, và cuối cùng hát bốn giọng.  Bên cạnh đó, bà Phạm Văn Năm cũng dịch tài liệu Đời Đấng Christ sang tiếng K’Ho để giúp các tín hữu hiểu rõ hơn về Đức Chúa Jesus.

Ước mong của bà Phạm Văn Năm trong việc truyền giáo cho người sắc tộc không phải là tìm cách văn minh hóa họ, nhưng giúp họ nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi.  Bà Phạm Văn Năm mong ước có nhiều cơ hội hơn để giải thích về tình yêu của Đức Chúa Trời cho người sắc tộc.  Trong những năm đầu sau khi trở lại Đà Lạt, bà cùng với Mục sư Phạm Văn Năm thường thăm viếng và giới thiệu Chúa cho những người sắc tộc sống trong khu vực 15 đến 20 cây số quanh Đà Lạt.  Tuy nhiên, nỗi ưu tư của bà Phạm Văn Năm là hàng triệu người sắc tộc đang sống trong những vùng rừng núi hiểm trở vẫn chưa biết về Chúa; bà ước mong có dịp đến chia sẻ Lời Chúa cho họ.

Năm 1951, Đoàn Truyền Giáo chuẩn bị thực hiện một chuyến băng rừng kéo dài nhiều tuần để đến thăm một số Hội Thánh và truyền giảng cho người sắc tộc tại những nơi đó.   Bà Phạm Văn Năm ước ao được tham dự chương trình truyền giáo này, nhưng sức khỏe của bà không cho phép.  Bà bị một căn bệnh cần được giải phẩu.  Biết được tấm lòng của bà, Đức Chúa Trời đã mở đường.  Một người quen đã chỉ cho bà một phương thuốc dân gian, bà làm theo và sức khỏe được hồi phục.  Với sức khỏe Chúa ban, bà đã tham gia đoàn truyền giáo xuyên rừng suốt gần ba tuần lễ vượt nhiều sông, suối, hàng chục thác nước, vượt qua đỉnh cao nhất của cao nguyên Lâm Viên để giới thiệu Chúa cho những sắc tộc đang sống trong rừng sâu tại Liêng Bôn, Đạ Blah, Pang Pung, Pang Tiêng, và Tiah Soh.

Đức tin nơi Chúa, tình yêu những linh hồn đang hư mất, sự sâu nhiệm về Kinh Thánh, và khả năng về ngôn ngữ đã mở cho bà Phạm Văn Năm một cơ hội mà ít phụ nữ Tin Lành Việt Nam nào vào lúc đó có được: đó là cơ hội giảng Lời Chúa.  Trong chuyến hành trình truyền giáo năm 1951, Giáo sĩ Herbert Jackson đã mời bà Phạm Văn Năm giảng cho 200 tín hữu tại Hội Thánh Đạ Blah.  Năm 1957, bà đã giảng cho hàng trăm thanh niên tại Hội Thánh Đaka.  Trong một lần khác, Hội Thánh Tiah Soh tổ chức một chương trình bồi linh.  Phái đoàn truyền giáo gồm ông bà Giáo sĩ Herbert Jackson, Giáo sĩ Jeffrey, Mục sư Chung Khâm Lộc, và ông bà Mục sư Phạm Văn Năm dự định sẽ đến tham dự.  Vài ngày trước đó, Mục sư Phạm Văn Năm bị té ngựa, phải nằm bệnh viện điều trị.  Bà Phạm Văn Năm phân vân không biết có nên tham dự chương trình bồi linh hay cần ở nhà để chăm sóc chồng. Gia đình đã cầu nguyện, và Chúa đã sắp đặt cho một người bà con ở xa đến thăm vào lúc đó, đã tình nguyện ở lại chăm sóc Mục sư Phạm Văn Năm.  Vì chương trình bồi linh cần có diễn giả, nhưng Mục sư Phạm Văn Năm đang đau, tất cả thành viên còn lại không ai biết nói tiếng sắc tộc, bà Phạm Văn Năm là người duy nhất nói thông thạo tiếng sắc tộc; bà Phạm Văn Năm đã đến Tiah Soh vừa làm thông dịch viên, vừa làm diễn giả cho chương trình bồi linh.

Bên cạnh trách nhiệm hầu việc Chúa, bà Phạm Văn Năm cũng làm trọn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ trong gia đình.  Trong thời gian 13 năm hầu việc Chúa tại Đà Lạt, ông bà Mục sư Phạm Văn Năm có thêm sáu người con.  Trong khi Mục sư Phạm Văn Năm phải bận rộn với rất nhiều trách nhiệm của công tác truyền giáo, bên cạnh việc hổ trợ chồng trong sự hầu việc Chúa, bà không chỉ chăm sóc, nuôi nấng, nhưng đã dạy dỗ mười đứa con lớn lên trong con đường kính sợ Chúa.

RevPhamVanNamFamilyẢnh gia đình Mục sư Phạm Văn Năm (1961-1991)

(Còn tiếp)

Phần 2

Phần 4

Phước Nguyên 

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top