Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Lịch Sử » Tiểu sử Bà Mục sư Phạm Văn Năm – Phần 4

Tiểu sử Bà Mục sư Phạm Văn Năm – Phần 4

Lời Ban Biên Tập

Cách đây một năm, vào ngày 7/1/2014 Thư Viện Tin Lành đăng lại loạt bài Ý Nghĩa Thuộc Linh Của Mẫu Tự Hy-bá-lai đã được đăng trên Thánh Kinh Báo từ năm 1970 do bà Mục sư Phạm Văn Năm biên soạn.  Sáng ngày 5/1/2015, Thư Viện Tin Lành nhận được tin cụ bà Mục sư Phạm Văn Năm, sau 98 năm sống trên đất, đã về với Chúa.  Chúng tôi xin gởi đến bạn đọc bài viết ghi lại vài nét về cuộc đời của một phụ nữ khả kính đã tận hiến cuộc đời mình cho công việc Chúa. Bài viết được đăng làm nhiều kỳ trong những ngày tới.

TKTHV_1961sThánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang – 1961

Sau 15 năm hầu việc Chúa với người sắc tộc (1941-1943; 1947-1960), Đức Chúa Trời có một chương trình khác cho Mục sư và bà Phạm Văn Năm.  Năm 1960, Mục sư Phạm Văn Năm bị đau nặng.  Bác sĩ khuyên ông rời Đà Lạt về Nha Trang tĩnh dưỡng một vài tháng.  Tháng 3 năm 1960, Mục sư Phạm Văn Năm đến Nha Trang dưỡng bệnh.

Trong thời gian này, do nhu cầu đạo tạo thêm người hầu việc Chúa, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam xây dựng Thánh Kinh Thần Học Viện tại Nha Trang. Trước nhu cầu phát triển của trường, Thần Học Viện cần thêm giáo sư; lúc đó, trường vừa mất một giáo sư uy tín là Mục sư Đoàn Văn Miêng vừa được đề cử làm Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.    Mục sư Ông Văn Huyên, Đốc Học của Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, cũng là Viện Trưởng của Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang, đã phác thảo một kế hoạch bổ sung thành viên cho ban giảng huấn từ một số mục sư truyền giáo kỳ cựu như Mục sư Phạm Xuân Tín, Mục sư Phạm Văn Năm, Mục sư Kiều Toản.  Do đó, khi Mục sư Phạm Văn Năm về dưỡng bệnh tại Nha Trang, Mục sư Ông Văn Huyên đã đến mời Mục sư Phạm Văn Năm làm giáo sư cho Thánh Kinh Thần Học Viện.

Cũng trong thời gian đó, do khó khăn về tài chánh, Hội Truyền Giáo quyết định đóng cửa một số trung tâm truyền giáo tại tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lộc, Di Linh, La Ba, và Đơn Dương.  Một số giáo sĩ mới sang Việt Nam được hai năm, đã được triệu hồi về nước.  Vì thiếu ngân sách, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng dự định thuyên chuyển một số nhà truyền giáo từ cao nguyên về đồng bằng.  Trong bối cảnh đó, Mục sư Phạm Văn Năm dự định tình nguyện trở về trung châu hầu việc Chúa giữa vòng các tín hữu người Việt để các mục sư trẻ có cơ hội tiếp tục phục vụ Chúa trong lĩnh vực truyền giáo cho người sắc tộc.

Trước lời mời bất ngờ của Mục sư Ông Văn Huyên, Mục sư Phạm Văn Năm từ chối vì nghĩ rằng ông không đủ kiến thức và khả năng để làm giáo sư Thần Học Viện.  Sau đó, Mục sư Ông Văn Huyên đã đưa Mục sư Phạm Văn Năm đến tham quan cơ sở Thần Học Viện đang được xây cất; và Mục sư Ông Văn Huyên cho biết chỉ trong vài tháng nữa Thần Học Viện sẽ khai giảng khóa đầu tiên; Thần Học Viện cần những người được ơn Chúa, có kinh nghiệm và khả năng để đào tạo một thế hệ mới, bước vào cách đồng truyền giáo.  Trước yêu cầu của một nhà lãnh đạo Hội Thánh, và cũng là vị thầy của mình, Mục sư Phạm Văn Năm miễn cưỡng nhận lời với hy vọng có thể tìm cách từ chối sau đó.

Tháng 5 năm 1960, Tổng Liên Hội bổ nhiệm Mục sư Phạm Văn Năm về làm giáo sư tại Thần Học Viện Nha Trang.  Ngày 19/6/1960, gia đình Mục sư Phạm Văn Năm rời Đà Lạt về Nha Trang bắt đầu một giai đoạn mới.

Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang được xây dựng với dự tính sẽ phát triển thành một trường Đại Học Tin Lành.  Theo quy định của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, để có thể được xét duyệt cho việc công nhận quy chế của một trường đại học, một trong những điều kiện căn bản là Thần Học Viện cần có một ban giáo sư tốt nghiệp từ những đại học và chủng viện uy tín; thêm vào đó, trường cần có một thư viện tương xứng.  Trong những năm sau đó, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã gởi một số mục sư và sinh viên đi du học để chuẩn bị cho việc xây dựng Đại Học Tin Lành trong tương lai.

Trong năm đầu tiên Mục sư Phạm Văn Năm dạy tại Thần Học Viện, bà Phạm Văn Năm được mời làm Quản Thủ Thư Viện; công việc chính yếu là phân loại và sắp xếp sách của trường đã được chuyển từ Đà Nẵng vào Nha Trang; và theo dõi việc cho sinh viên mượn sách.  Công việc tình nguyện đơn giản này đã mở cho bà một cơ hội mới.

Tháng 7 năm 1961, Hội Truyền Giáo Hội Thánh Christian and Missionary Alliance (CMA) thông báo sẽ tổ chức một khóa huấn luyện ngành quản thủ thư viện kéo dài 6-8 tháng tại Chủng Viện Yoatmal tại Ấn Độ.  Hội Truyền Giáo đề nghị Thần Học Viện cử người đi học.  Mục sư Lê Hoàng Phu, lúc đó là Giáo sư của Thần Học Viện và cũng là Thư Ký của Tổng Liên Hội,  đã đề cử bà Phạm Văn Năm đi học để trở về xây dựng thư viện của Thần Học Viện theo tiêu chuẩn của các thư viện đại học quốc tế.

Khi nhận sự đề cử này, bà Phạm Văn Năm đã từ chối với lý do khả năng Anh văn còn giới hạn, bà đã lớn tuổi (44) và con còn quá nhỏ (2 tuổi rưỡi).  Tuy nhiên, sau khi cầu nguyện, bà được sự khích lệ của nhiều người và Chúa cũng sắp đặt để có người lo cho các con; trước nhu cầu xây dựng công việc Chúa lâu dài, bà nhận lời sang Ấn Độ tu nghiệp.

Tháng 9 năm 1961, bà Phạm Văn Năm rời Việt Nam sang Ấn Độ.  Với sự soi dẫn của Chúa và sự tận tình hướng dẫn của các chuyên viên, bà đã học những kiến thức căn bản của ngành quản thủ thư viện và thực tập tại thư viện của Chủng Viện Yoatmal.

Đức Chúa Trời có một chương trình quan trọng hơn khi Ngài đem bà Phạm Văn Năm sang Ấn Độ.  Chúa đã dùng bà giới thiệu công tác truyền giáo tại Việt Nam và giảng Lời Chúa cho một số Hội Thánh và Hội Đồng tại quốc gia này.

Trong thời gian tu nghiệp tại Ấn Độ, bà Phạm Văn Năm được mời đến thăm một số Hội Thánh Ấn Độ.  Có lần, khi đến tham dự chương trình truyền giảng của một hội thánh nọ, Mục sư Rattansingh Chavan, Hội Trưởng của Hội Thánh CMA Ấn Độ nói rằng ông muốn mời bà Phạm Văn Năm giảng cho Hội Thánh trong buổi truyền giảng đó. Rất bất ngờ vì không được thông báo trước để chuẩn bị; dầu vậy, nhờ ơn Chúa, bà đã dùng câu Kinh Thánh Giăng 14:6 để giảng cho hội chúng mà phần lớn là những người chưa tin Chúa biết Đức Chúa Jesus là Con Đường, là Chân Lý và là Sự Sống.  Mục sư Rattansingh Chavan đã thông dịch bài giảng của bà Phạm Văn Năm sang tiếng Marathi. Sau khi nghe bài giảng, năm người đã bằng lòng tin nhận Chúa.

Cuối năm 1961, các giáo sĩ và mục sư CMA tại Ấn Độ họp lại tạ ơn Chúa trong đêm giao thừa.  Trong dịp này, bà Phạm Văn Năm được mời thuyết trình về công việc truyền giáo tại Việt Nam.  Bà Phạm Văn Năm đã trình bày trong tiếng Anh và Giáo sĩ Elmore Eicher, Hội Trưởng Hội Truyền Giáo CMA tại Ấn Độ, thông dịch sang tiếng Marathi.  Sau khi nghe thuyết trình, các giáo sĩ và mục sư tại Ấn Độ được khích lệ rất nhiều cho chức vụ của họ.

Nghe bà Phạm Văn Năm giảng và thuyết trình, các nhà lãnh đạo Hội Thánh CMA tại Ấn Độ nhận biết ân tứ giảng dạy Chúa ban cho bà.   Giáo sĩ Elmore Eicher, Hội Trưởng Hội Truyền Giáo CMA tại Ấn Độ, và Mục sư Rattansingh Chavan, Hội Trưởng của Hội Thánh CMA Ấn Độ, đã gởi thư nhờ Giáo sĩ Mangham, Hội Trưởng Hội Truyền Giáo CMA tại Việt Nam, xin phép Mục sư Phạm Văn Năm và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cho bà Phạm Văn Năm ở lại Ấn Độ thêm một tháng nữa.

Sau đi được chấp thuận từ Việt Nam, Hội Thánh Tin Lành CMA tại Ấn Độ đã mời bà Phạm Văn Năm thực hiện một chuyến truyền giáo kéo dài bốn tuần.  Bà đã đến thăm một số Hội Thánh, làm chứng về việc truyền giáo tại Việt Nam; cầu nguyện chữa bệnh. Bà đã giảng cho Hội Thánh của người Marathi, thuộc giới bình dân, lẫn Hội Thánh của người Hindu, thuộc giới thượng lưu trí thức.  Đặc biệt bà Phạm Văn Năm đã giảng cho một Hội Đồng Liên Hệ Phái, có khoảng một ngàn người tham dự, bao gồm các giáo sĩ, mục sư, và tín hữu từ 7 Hội Truyền Giáo Tin Lành khác nhau đang hoạt động tại Ấn Độ.  Chúa đã dùng một phụ nữ Việt Nam đem lại phước hạnh cho nhiều mục sư và tín hữu tại Ấn Độ.

Ngày 31/3/1962, bà Phạm Văn Năm rời Ấn Độ trở về Sài Gòn.  Vài tuần sau, Mục sư Ông Văn  Huyên mời bà thuyết trình về những ơn phước Chúa ban cho bà tại Ấn Độ. Hai năm sau, Mục sư Rattansingh Chavan, Hội Trưởng của Hội Thánh CMA Ấn Độ, sang thăm Việt Nam.  Mục sư Chavan đã nhắc lại ảnh hưởng tốt đẹp mà Chúa dùng bà Phạm Văn Năm đem đến cho Hội Thánh Ấn Độ.

Trong hồi ký của mình, bà Phạm Văn Năm viết: “Bây giờ tôi mới thấy rõ chương trình của Đức Chúa Trời.  Hội Thánh Tin Lành Việt Nam gởi tôi đi Ấn Độ để học cách phân loại sách trong thư viện, nhưng Chúa đã đổi việc học về thư viện thành một vòng truyền giáo.  Chúa dùng cơ hội này để Hội Thánh Ấn Độ được phục hưng.”

Những điều Đức Chúa Trời dùng bà Phạm Văn Năm thực hiện tại Ấn Độ ít nhiều ảnh hưởng trên Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.  Trong khi đa số tín hữu Tin Lành Việt Nam, theo quan điểm truyền thống dựa vào lời dạy của Sứ Đồ Phao Lô trong I Ti-mô-thê 2:11-12 cho rằng phụ nữ không được phép giảng dạy, và do đó không thể được phong chức mục sư; qua những điều Chúa bày tỏ trong chức vụ của bà Phạm Văn Năm, các nhà lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – dựa trên Lời Chúa trong Giô-ên 2:28-29 đã được Sứ Đồ Phi-e-rơ nhắc lại trong ngày Lễ Ngũ Tuần – trong những năm về sau, đã cho phép một số phụ nữ được ơn Chúa giảng dạy, và trong một số trường hợp đặc biệt, được phép cử hành các thánh lễ như một mục sư.

Năm 1963, Tổng Liên Hội đã cử bà Phạm Văn Năm làm Tổng Ủy Viên Phụ Nữ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.  Trong vai trò này, bà đã đi đến nhiều hội thánh giúp thành lập ban phụ nữ, khích lệ quý bà quý cô hầu việc Chúa trong cương vị của mình.  Bà thường giảng dạy cho phụ nữ và thanh thiếu niên.  Tại một số nơi, quý ông trong Hội Thánh cũng muốn tham dự; và do đó, bà đã giảng cho cả Hội Thánh.

Mặc dầu bà Phạm Văn Năm không hề đấu tranh cho việc bổ nhiệm phụ nữ làm mục sư, Chúa đã dùng bà khích lệ nhiều phụ nữ khác nhận thức được ơn Chúa dùng họ trong sự hầu việc Chúa và đảm nhận vai trò lãnh đạo hội thánh.  Trong những năm đầu của thập niên 1990, Đức Chúa Trời đã dùng hai phụ nữ là bà Đặng Văn Sung và bà Phùng Quang Huyến để quản nhiệm hai Hội Thánh lớn nhất tại hai miền Nam Bắc Việt Nam vào lúc đó là Phước Long và Hải Phòng.

(còn tiếp)

Phần 1

Phước Nguyên 

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top