Ba Ngôi Thiên Chúa: Chương 1b
Ba Ngôi Thiên Chúa
Xác Nhận Bởi Kinh Thánh (Affirmed By Scripture)
Kinh Thánh xác định sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Câu đầu tiên của Kinh Thánh “Ban đầu Đức Chúa Trời” đã đặt cứ điểm cho toàn bộ Kinh Thánh; sau đó không có chỗ nào trong Kinh Thánh phủ nhận hay bàn cãi về sự kiện đó cả. Mỗi trang trong Kinh Thánh đều ghi đậm hình ảnh của Đức Chúa Trời Hằng Sống; vì thế, nếu chấp nhận giáo huấn của Kinh Thánh thì phải xác định chủ nghĩa vô thần là sai. Điều hay nhất mà Kinh Thánh nói về người vô thần là họ là kẻ dại dột bởi vì những lý luận của họ phát xuất từ tấm lòng hơn là từ lý trí (Thi Thiên 14:1, 53:1).
ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ HỮU THỂ HỮU VỊ (God is a Personal Being)
Sự kiện Đức Chúa Trời là một ngôi vị đưa lại những hệ quả quan trọng. Chính vì Ngài là một ngôi vị nên sự mặc khải, sự tương giao, và sự cầu nguyện mới có thể xảy ra, và mới có ý nghĩa. Đức Chúa Trời không phải chỉ là năng lực hay một sức mạnh mù quáng; cũng không phải là tổng hợp của mọi sự vật (pantheism). Nhưng Ngài là một Đấng có thể nói, nghe, truyền, ban phước, và nhiều hoạt động khác nữa. Vì Ngài là một ngôi vị, nên con người có thể tin cậy Ngài, biết Ngài, yêu mến Ngài, tôn thờ Ngài, và phục sự Ngài.
Bằng chứng về Đức Chúa Trời là một ngôi vị được thể hiện rõ trong Kinh Thánh.
Những Luận Cứ Từ Kinh Thánh (The Multitude of Biblical Inferences)
Suốt Kinh Thánh, tên và nhân xưng đại danh từ được dùng để mô tả Đức Chúa Trời; điều đó chứng tỏ Ngài là một đấng (ngôi vị). Thêm vào đó, khắp nơi trong Kinh Thánh mô tả Ngài có ba đặc điểm thiết yếu của một cá tính là trí tuệ, tình cảm và ý chí. Kinh Thánh xác nhận rõ rằng Đức Chúa Trời biết (Thi Thiên 139:1-6), Đức Chúa Trời có cảm xúc (Na-hum 1:2-3, Giăng 3:16) và Ngài có ý muốn (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3; 5:18)
Lời Công Bố Rõ Ràng Của Kinh Thánh (The Explicit Biblical Statement)
(Xuất 3:13-14)
Môi-se được trao sứ mạng loan truyền cho dân Do Thái đang bị nô lệ rằng Đức Chúa Trời của tổ phụ họ phái ông tới giải phóng họ khỏi nô lệ. Môi-se hỏi Đức Chúa Trời: “Nếu họ nói với tôi: Đức Chúa Trời tên gì? Tôi phải trả lời họ làm sao?” Đức Chúa Trời trả lời rằng: “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” Vậy ngươi hãy nói với dân Do Thái rằng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã sai ta tới với các ngươi.”
Danh xưng này tối quan trọng; vì ý nghĩa chính của danh hiệu này là Đức Chúa Trời là một ngôi vị, tự có, và vĩnh cửu. Ngài là Đấng “hiện có, trước đã có, và còn mãi về sau” (Khải Huyền 11:17). Đó là nguồn gốc của chữ Giê-hô-va, là tên gọi Đức Chúa Trời, trong tiếng Do Thái. Cựu Ước nhắc đến tên này hơn sáu ngàn lần. Mỗi lần nhắc là một lời chứng về vị phẩm của Đức Chúa Trời.
ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ HỮU THỂ THẦN LINH (God is a Spirit Being)
Lời Dạy Của Chúa Giê-xu (The Teaching of Christ)
(Lu 24:39; Giăng 4:24)
Câu mà Chúa Giê-xu trả lời cho người phụ nữ Sa-ma-ri “Đức Chúa Trời là thần” là một câu rất đơn giản về văn phạm, nhưng lại rất sâu sắc về thần học. Trong nguyên bản viết bằng ngôn ngữ Hy-lạp không có bất định mạo tự “một.” Ngài không phải là một vị thần, nhưng Ngài là thần linh: Bản thể của Ngài là thần linh.
Ý nghĩa căn bản của chữ “thần linh” được Chúa giải thích rõ trong lời Ngài nói với các môn đồ sau khi Chúa sống lại. Khi họ thấy Ngài, họ kinh hoàng vì nghĩ rằng Ngài là một vị thần hay một bóng ma. Chúa xua tan nỗi lo sợ của họ và nói rằng: “Thần thì không có thịt và xương, mà các ngươi thấy Ta có.” Từ điều này, thật rõ ràng là: thần linh đối lập với vật chất hay thể chất. Chính vì Đức Chúa Trời là thần nên “chẳng có ai từng thấy Đức Chúa Trời bao giờ” (Giăng 1:18).
Điều Răn Thứ Hai
(Xuất 20:4-5; Thi Thiên 145:3) (The Second Commandment)
Muốn hiểu Mười Điều Răn thì phải biết bản thể của Đức Chúa Trời. Điều răn thứ hai minh giải nguyên tắc nầy. Vì Ngài là thần linh nên không một vật chất nào có thể đại diện trung thực cho Ngài được. Một vật hữu hình, dù chạm trỗ tinh vi khéo léo đến đâu, cũng làm lệch lạc nhận thức của người thờ phượng về Đức Chúa Trời. Chẳng những làm lệch lạc mà còn thu hẹp nữa. Điều gì thuộc về vật chất đều bị giới hạn bởi không gian và thời gian; trong khi đó, Đức Chúa Trời là thần linh nên không bị hạn chế trong điều gì cả.
Hình Ảnh Đức Chúa Trời
(II Cô 4:4 Cô-lô-se 1:15) (The Image of God)
Nếu Đức Chúa Trời có bản thể vật chất hay có cơ thể, thì ta có thể mô phỏng hình dạng Ngài được, nhưng Đức Chúa Trời không cùng bản chất với thế giới vật chất bởi vì ta không thể thấy Ngài được với con mắt vật chất (Giăng 1:18). Thực tế, Môi-se còn được chỉ dạy là không ai có thể nhìn vào mặt Đức Chúa Trời mà còn sống nổi (Xuất 33:20).
Nếu Đức Chúa Trời là thần linh thì câu nói “con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời” có nghĩa gì (Sáng Thế Ký 1:27)? Những chỗ khác trong Kinh Thánh cho biết hình ảnh đó bao gồm sự công chính, tri thức, và thánh khiết (Cô-lô-se 3:10; Ê-phê-sô 4:24). Như vậy hình ảnh Đức Chúa Trời nơi con người là phẩm vị, là đạo đức chứ không phải là hình thể vật chất.
ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ HỮU THỂ ĐỘC NHẤT (God is One Being)
Cơ Đốc giáo và Đa Thần giáo
( Phục Truyền 6:4-5, I Các Vua 8:60; Ê-sai 42:8-9; 44:6-8; 45:5-6,14; 46:9; Mác 12:29-30; Giăng 10:30; I Cô-rinh-tô 8:4; Ê-phê-sô 4:6, I Ti-mô-thê 2:5)
Có nhiều lý do khiến điều răn thứ nhất được nhấn mạnh tại đỉnh núi Si-nai. Việc thờ lạy mặt trời – một vật thể nổi bật nhất và có nhiều năng lực nhất trong thiên nhiên – rất phổ biến trong các dân tộc của thế giới cổ. Người Ai-cập nhờ mặt trời dưới danh hiệu thần Ra. Thần Ba-anh của người Phê-ni-xi, Mô-lóc của người Am-môn, Ha-đát của người Sy-ri, Ben của người Ba-by-lôn, đều là những vị thần mặt trời.
Việc thờ lạy mặt trời, mặt trăng và các thiên thể, là một trong những tội bị Kinh Thánh lên án. Một trong những lời cảnh cáo đầu tiên cho dân Do Thái là phải coi chừng “kẻo các ngươi ngước mắt lên trời, thấy mặt trời, mặt trăng và ngôi sao cùng các cơ binh trên trời mà đem lòng thờ lạy, phục sự chúng chăng” (Phục Truyền 4:19). Quốc gia nào vi phạm luật này, sự sụp đổ của quốc gia đó đã được báo trước. Đối với cá nhân cũng vậy, bất kỳ nam, phụ, lão, ấu, nếu thờ lạy mặt trời, mặt trăng hoặc các cơ binh trên trời, thì sẽ bị xử tử vì đã làm một “điều gớm ghiếc dường ấy” (Phục Truyền 17:2-5)
Dân Do Thái sống giữa các quốc gia thờ đa thần (Giô-suê 24:2, 14, 15; Các Quan Xét 10:6; II Các Vua 17:33). Mục đích lớn lao mà họ được kêu gọi, để trở thành một dân tộc được chọn và được biệt riêng ra, là để làm chứng cho tính cách độc nhất của Đức Chúa Trời. Không có chân lý nào nổi bật hơn điều này trong Cựu Ước. Hơn năm mươi khúc Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là một, chẳng có ai khác, và chẳng có ai sánh được với Ngài.
Nếu Đức Chúa Trời là Thần duy nhất, thì điều răn đầu tiên tất nhiên là con người phải tập trung mọi năng lực mà yêu kính Đức Chúa Trời (Phục Truyền 6:4-5; Mác 12:29-30). Một Đức Chúa Trời bất phân ly (undevided God) hẳn nhiên đòi hỏi sự tuân phục, phụng thờ chuyên nhất (undevided allegiance) từ các tạo vật của Ngài. Ngài không chấp nhận bất cứ ai đòi hưởng vinh dự thiên thượng: “Ta chẳng nhường sự vinh hiển Ta cho đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn trọng Ta cho các tượng chạm” (Ê-sai 42:8). Tất cả tôn giáo của con người, không dành cho Đức Chúa Trời sự thờ phượng độc tôn, là điều gớm ghiếc đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta không cần phải bỏ công tìm tòi xem có bao nhiêu cái tốt trong đó. Đức Chúa Trời không chấp nhận một chỗ ngồi giữa hội các thần. Ngài phải là tất cả hoặc không có gì cả.
Cơ Đốc Giáo và Thuyết Độc Vị Nhất Thần (Unitarianism)
(Sáng 1:26, 3:32; Ê-sai 6:8; Mat 3:16-17 ; II Cô 13:14).
Từ những thế kỷ đầu tiên, những người tin Chúa đã nhấn mạnh giáo lý Ba Ngôi. A. H. Strong đã định nghĩa giáo lý ấy như sau: “Trong bản thể của Đức Chúa Trời có ba biệt thể vĩnh cửu (three eternal distinctions) bình đẳng: đó chẳng phải là ba vị trong một, hoặc ba Đức Chúa Trời trong một, cũng chẳng phải Đức Chúa Trời tỏ mình bằng ba cách. Đây là ba biệt thể thiết yếu (three essential distinction) trong sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.”
Trải qua nhiều thế kỷ, những người chủ trương độc vị nhất thần thường tấn công giáo lý Ba Ngôi, cho rằng giáo lý ấy chủ trương tam thần, hay chỉ là giáo lý đa thần ngụy trang tinh vi; và như thế, xúc phạm tính cách độc nhất của Đức Chúa Trời.
Mặc dầu từ ngữ Ba Ngôi không có trong Kinh Thánh, giáo lý Ba Ngôi phát xuất từ Kinh Thánh. Đó là một sản phẩm mặc khải mà trí tuệ con người không tài nào phát minh ra được. Sỡ dĩ chúng ta tin giáo lý ấy vì Kinh Thánh đã dạy nó. Đó là một trong những huyền nhiệm và khó hiểu nhất trong Lời của Đức Chúa Trời. Mặc dầu giáo lý Ba Ngôi ở ngoài tầm hiểu biết và giải thích của trí tuệ con người, nó đã được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh. Về phương diện này, ta không thể đem một cái gì trong thiên nhiên để so sánh với Đức Chúa Trời được. Những thí dụ thường dùng như: vòng tròn chia ba; ánh sáng, nhiệt, và năng lực; ba nốt nhạc hợp thành hòa âm; nước, hơi nước, và nước đá; thân, hồn, thần của con người, tất cả đều không thể làm sáng tỏ hoàn toàn chân lý Ba Ngôi được.
Mặc dầu Cựu Ước không minh thị hẳn như Tân Ước về chân lý này, có những điểm suy diễn chỉ có thể giải thích được bằng giáo lý Ba Ngôi. Đại danh từ số nhiều “chúng ta” trong Sáng Thế Ký 1:26; 11:7; Ê-sai 6:8 không thể nói về các tạo vật như người hay thiên sứ, như vậy phải nói về Đức Chúa Trời. Các khúc sách nói về Đấng Mê-si-a (Ê-sai 9:6, Mi-chê 5:2; Thi Thiên 45: 6, 7) cho thấy Ngài là một với Đức Giê-hô-va mà vẫn khác biệt. Vị Thiên Sứ của Đức Giê-hô-va cũng được mô tả tương tự (Sáng 16:9, 13; 22:11, 16; 31:11-13; 48:15, 16; Xuất 3:2; 4, 5; Các Quan xét 13:20 -22). Chữ Ê-lô-him, tiếng Do Thái để gọi Đức Chúa Trời, là số nhiều, dầu nó thường đi với động từ số ít.
Trong Tân Ước thì lẽ thật này trở nên rõ ràng hơn. Tân Ước dạy rõ về thần tánh của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh mà vẫn phân biệt cả ba. Chỉ có giáo lý Ba Ngôi mới kết hợp được những lời dạy rõ ràng trong Tân Ước.
Kinh Thánh dạy rõ giáo lý Ba Ngôi. Chỉ cần đối chiếu Kinh Thánh với nhau, ta có thể biết được giáo lý ấy, dầu không thể hiểu được hoàn toàn. Trong những bài học sau này, chúng ta sẽ thấy Kinh Thánh dạy, chẳng những Đức Chúa Giê-xu và Đức Thánh Linh có những yếu tính của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, mà còn bình đẳng với Ngài về quyền lực và vinh hiển. Ở đây ta chỉ cần đưa ra một dẫn chứng: Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:7). Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:8). Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:3-4). Cả Tân Ước nhìn nhận mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi đều là Đức Chúa Trời, và nội dung của Tân Ước được đặt trên nền tảng đó.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.