Cầu Thay Cho Nhau
Có một câu chuyện xưa kể rằng tại một xứ nọ có một vị vua mới lên ngôi. Vị vua này rất tàn ác nên dân chúng oán than. Đa số dân chúng mong cho vị vua này chết sớm để họ đỡ khổ. Tại một ngôi làng trong xứ đó có một cụ già sống rất thọ. Cụ được nhiều người kính trọng. Điều đáng ngạc nhiên là cụ già lại van vái cầu mong cho vị vua gian ác đang cầm quyền được sống lâu. Ai nấy ngạc nhiên vì thái độ khác thường của cụ. Nhiều người thắc mắc hỏi nguyên do, cụ già trả lời: “Lão sống đã qua ba bốn đời vua. Lão thấy một điều là sau khi vua cũ qua đời vua mới lại tàn ác hơn. Do đó, lão mong cho vua hiện tại sống lâu để người dân trong tương lai đỡ khổ hơn.” Lời giải thích của cụ già dường như hữu lý nhưng không phải ai cũng đồng ý với cụ.
Theo lịch sử, khi Cơ Đốc giáo mới thành lập trong thế kỷ đầu tiên, những bậc cầm quyền thời đó nhìn người tin Chúa với cặp mắt nghi ngờ. Có người cho Cơ Đốc giáo là một phong trào chính trị trá hình rất nguy hiểm. Có người cho đức tin Cơ Đốc giáo là khờ dại và cuồng tín. Những người tin Chúa lúc đó bị bách hại rất nhiều. Nhiều người bị bắt bớ, giam cầm, đánh đập; tài sản của họ bị tịch thu hoặc thiêu hủy. Nhiều tín hữu bị tử hình bằng cách bị đóng đinh, hỏa thiêu, chém đầu hoặc bị ném cho sư tử phân thây. Nhiều gia đình phải ly tán, trốn từ nơi này sang nơi khác để sống.
Trong hoàn cảnh đó, Sứ Đồ Phao Lô, một lãnh đạo Hội Thánh, một người trước kia đã bách hại nhiều người và sau đó cũng bị nhiều người bách hại, đã khuyên Ti-mô-thê, một mục sư trẻ như sau: “Trước hết, ta khuyên con hãy cầu xin, khẩn nguyện, cầu thay, và cảm tạ cho mọi người, cho các vua và cho mọi người nắm giữ quyền hành, để chúng ta có thể sống một cuộc đời bình an và yên ổn. Đây là điều tốt đẹp và được chấp thuận trước mặt Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Ngài muốn mọi người được cứu rỗi và hiểu biết chân lý” (I Ti-mô-thê 2:1-4).
Trước hoàn cảnh khổ đau của cộng đồng, lời khuyên của Phao Lô có vài điểm tương đồng, nhưng có nhiều điều khác biệt với lời cầu xin của cụ già trong câu chuyện trên. Cụ già cầu xin cho vua hiện tại sống lâu để người dân trong tương lai không phải đau khổ nhiều hơn. Phao Lô, trái lại, khuyên Ti-mô-thê cầu nguyện cho mọi người. Trước hết, hãy cầu nguyện cho những người đang đau khổ. Trước cảnh nhiều người con mất cha, vợ mất chồng, nhiều gia đình khổ sở vì mất tài sản, phải ly tán, …, người tin Chúa không chỉ biết cầu nguyện cho những nhu cầu của chính mình và của gia đình mình, nhưng phải quan tâm cầu nguyện và giúp những người đang khổ đau. Hãy cầu nguyện để mọi người được sống “một cuộc đời bình an và yên ổn.”
Kế đến, Phao Lô muốn Ti-mô-thê hiểu rõ chữ “mọi người” cần được cầu nguyện, không chỉ bao gồm người tin Chúa, người bất hạnh, nhưng cũng bao gồm cả những người có ảnh hưởng có thể thay đổi hoàn cảnh đó. Phao Lô khuyên hãy cầu nguyện “cho các vua và cho mọi người nắm giữ quyền hành.” Lịch sử cho biết một số lãnh đạo đã quyết định nhiều vấn đề cách sai lầm vì họ có nhận thức sai lầm. Quyết định của họ mang đến khổ đau cho hàng triệu người khác. Một số lãnh đạo khác, do nằm trong một hệ thống quyền lực, vì lý do sinh tồn phải hành động trái với lòng mình. Một số khác hành động vì mù quáng tuân lệnh cấp trên. Phao Lô khuyên người tin Chúa phải cầu nguyện cho mọi lãnh đạo để họ có được nhận thức đúng đắn và làm trọn phận sự mà Chúa giao cho họ đó là góp phần xây dựng “một cuộc đời bình an và yên ổn” cho mọi người.
Cầu nguyện “cho mọi người” cũng bao gồm việc cầu nguyện cho những người mình không ưa thích và cầu nguyện cho kẻ thù của mình. Người dân trong câu chuyện cổ tích cầu xin cho vị vua gian ác sớm chết đi. Người tin Chúa không làm như vậy. Họ được Chúa dạy phải cầu nguyện cho kẻ thù với tinh thần yêu thương và tha thứ. Khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự, Ngài đã cầu nguyện cho những người bách hại mình rằng: “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết mình đang làm điều gì.”
Phao Lô viết lời khuyên về sự cầu nguyện cho mọi người từ kinh nghiệm bản thân của ông. Trước kia, Phao Lô là người hiểu sai đạo của Chúa. Ông đã bách hại rất nhiều người. Nhiều gia đình đã tan nát và đau khổ vì Phao Lô. Tuy nhiên, các tín hữu làm theo lời Chúa Giê-xu dạy: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:24); họ đã cầu thay cho Phao Lô, nhờ đó Phao Lô được thay đổi. Từ một người chống đối Chúa, Phao Lô trở thành một sứ giả cho Chúa. Từ kinh nghiệm của mình và dựa trên lời dạy của Chúa, Phao Lô khuyên những người tin Chúa hãy cầu nguyện cho những người bách hại họ, để những người đó cũng được thay đổi như ông.
Thánh Kinh dạy hãy cầu thay cho mọi người. Nếu bạn hay cộng đồng bạn đang sống có nhiều khổ đau, hãy cầu xin với Đức Chúa Trời. Chúa lắng nghe lời cầu xin của người thành tâm cầu khẩn Ngài. Tuy nhiên, “cuộc sống bình an và yên ổn” không phải là mục tiêu tối hậu của sự cầu nguyện cho mọi người. Đó chỉ là khởi đầu. Phao Lô nói rõ: Đức Chúa Trời muốn “mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý.” Hãy tiếp tục cầu nguyện để không phải chỉ một mình bạn, nhưng mọi người sẽ nhận được chân lý và sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời qua Cứu Chúa Giê-xu.
Phước Nguyên
Chân Trời Mới
(08/2009)
Xin đọc, cầu nguyện và giới thiệu www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.