Tiểu Sử Thánh Ca: Ngày Giờ Qua
Tiểu Sử Thánh Ca: Ngày Giờ Qua
Những tín hữu Tin Lành Việt Nam lâu năm chắc chắn biết bài thánh ca Ngày Giờ Qua. Đây là một thánh ca thường được hát vào dịp năm mới. Đây cũng là bài hát cuối cùng được in trong cuốn Thánh Ca do Hội Thánh Tin Lành Việt Nam phát hành vào năm 1950.
Ngày Giờ Qua có lẽ không phải chỉ là bài hát cuối cùng trong trong cuốn Thánh Ca được phát hành vào năm 1950 nhưng cũng là bài hát cuối cùng được sáng tác trước khi in cuốn Thánh Ca đó. Phần lớn các bài hát trong cuốn Thánh Ca (1950) là thánh ca ngoại quốc được dịch sang lời Việt. Tuy nhiên, Ngày Giờ Qua không phải là một thánh ca được dịch từ lời thánh ca ngoại quốc, nhưng là một thánh ca tiếng Việt được viết để dùng với nhạc của một thánh ca ngoại quốc. Lời của bài hát này do Mục sư Ông Văn Huyên sáng tác.
Hoàn Cảnh Sáng Tác
Trong ba thập niên đầu sau khi Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được thành lập (1911), lúc đó do những người Việt Nam có khả năng lãnh đạo trong Hội Thánh rất ít, cho nên các giáo sĩ ngoại quốc đã nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Hội Thánh Việt Nam. Khi Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra, các giáo sĩ ngoại quốc tại Việt Nam bị quân đội Nhật quản thúc tại Mỹ Tho (1943-1945) nên không thể điều hành công việc Hội Thánh trong giai đoạn này. Trong bối cảnh như vậy, Mục sư Ông Văn Huyên đã được đề cử làm quyền Đốc Học của Trường Kinh Thánh Đà Nẵng từ năm 1943 đến khi trường tạm đóng cửa vào năm 1944.
Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, tháng 8/1948 Trường Kinh Thánh Đà Nẵng hoạt động trở lại. Mặc dầu lúc đó có rất nhiều việc cần phải làm, các nhà lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã quyết định thành lập một Ủy Ban Biên Soạn Thánh Ca để thực hiện một cuốn Thánh Ca mới cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Mục sư Ông Văn Huyên đã được đề cử làm trưởng ban.
Do hoàn cảnh khó khăn vào thời đó, Ủy Ban Biên Soạn Thánh Ca không có nhiều tài liệu để soạn thánh ca cho đủ các chủ đề với những sinh hoạt thường xuyên trong Hội Thánh. Một trong những chủ đề thiếu bài hát là chủ đề Năm Mới. Đến lúc đó Ủy Ban Biên Soạn Thánh Ca chỉ soạn được hai bài thánh ca cho Năm Mới. Bài thứ nhất là “Vùn Vụt Năm Cũ Nay Đã Qua”, dịch từ lời tiếng Anh của bài “The Old Year Hath Now Passed Away”, do Catherine Winkworth (1829-1878) dịch từ bài thơ “Das alte Jahr vergangen ist” do Johann Steuerlein (1546-1613) sáng tác vào thế kỷ 16. Bài “Das alte Jahr vergangen ist” đã được in trong cuốn thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Lutheran Đức vào năm 1638. Bài thứ hai là bài “Năm Mới Mời Chúa Vô Nhà”. Bài hát này do Ủy Ban Biên Soạn Thánh Ca đặt lời dựa theo giai điệu của bài thánh ca “Oh, the Deep, Deep Love of Jesus”, mà phần nhạc do Thomas J. Williams sáng tác vào năm 1890.
Trước số lượng thánh ca cho Năm Mới rất ít so với những thánh ca cho Giáng Sinh và Phục Sinh; hơn nữa giai điệu của hai bài thánh ca “Vùn Vụt Năm Cũ Nay Đã Qua” và “Năm Mới Mời Chúa Vô Nhà” hơi chậm và buồn; cho nên trước khi cuốn Thánh Ca (1950) được đem đi in, Mục sư Ông Văn Huyên đã sáng tác bài “Ngày Giờ Qua” và cho in vào cuối cuốn Thánh Ca (1950). Bài hát “Ngày Giờ Qua” được hát với giai điệu tươi sáng của bài Send the Light do Charles Hutchinson Gabriel, một tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý sáng tác vào năm 1890.
Lời Ca
Ngày Giờ Qua là một ca khúc mừng xuân. Nguyên văn lời thánh ca do Mục sư Ông Văn Huyên sáng tác như sau.
Ngày Giờ Qua
1. Ngày giờ qua, qua, qua dường như tên bắn chóng quá
Nước chảy qua, bóng cũ qua
Kìa một năm qua, đâu còn lưu giây phút nấn ná
Cảnh cũ qua, hết thảy qua.
Điệp Khúc:
Kìa tân xuân đến kia, chim ca hoa nghinh
Khắp non sông báo tin bình minh
Cùng nhau ta sống vui trong ơn quang vinh
Chúc cho nhau khúc ca vĩnh sinh.
2. Bầu trời đông mông lung ngày nay đâu có thấy bóng
Chúa tử vong, hết ruổi dong
Bầu trời xuân mênh mông nghìn muôn tia, lớp lớp sóng
Phước mãn song, rất thỏa mong.
3. Ngày hùng thiêng, non sông hùng thiêng, vui hát lớn tiếng
Khắp hải xuyên, hưởng phước thiêng
Nguyện cùng nhau trên con đường thiêng năm mới cứ tiến
Bước chẳng nghiêng, đứng vững yên.
4. Kìa vườn lan tươi xanh, kìa sương mai chiếu lóng lánh
Cảnh tú thanh, ánh vĩnh sanh
Cùng mừng xuân ta vui hòa thanh ca khúc phước khánh
Chúa vĩnh sanh, rất sáng danh.
Sơ Lược Ý Nghĩa Lời Ca
Lời của câu thánh ca thứ nhất lưu ý người nghe thời gian trôi qua thật nhanh. Mục sư Ông Văn Huyên đã dùng những hình ảnh quen thuộc trong các thành ngữ “thời giờ ngựa chạy tên bay” và “thời gian như nước trôi qua cầu” trong văn học dân gian Việt Nam để mô tả khái niệm này. Điệp ngữ “qua, qua, qua” được nhắc lại ba lần dường như để nhắc người nghe rằng thời gian trôi qua rất nhanh – nhanh nhiều hơn chúng ta suy tưởng. Để chứng minh cho nhận định này, câu hát kế tiếp ghi nhận: “Kìa một năm qua, đâu còn lưu giây phút nấn ná”; mới đó mà một năm đã trôi qua rồi, trôi thật nhanh không chút chần chờ, lưu luyến. Phần cuối của câu thánh ca thứ nhất tóm tắt với nhận định: Thời gian đã trôi qua và cảnh vật cũng trôi qua.
Trong câu hát thứ hai, tác giả đã khéo léo chuyển suy tưởng của người nghe từ quá khứ sang thực tại. Trong cuộc sống có nhiều điều chúng ta luyến tiếc nhưng cũng có những điều chúng ta vui mừng khi những điều đó trôi qua. “Mùa đông mông lung” – biểu tự cho những u ám, sầu khổ mênh mông – đã trôi qua. “Chúa tử vong” – tử thần – và bóng dáng của nó cũng không còn nữa. Những hình ảnh này làm người nghe liên tưởng đến câu Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 15:54: “ Tử thần đã bị sự đắc thắng nuốt mất”. Và rồi tác giả hướng người nghe vào một thực tại mới trong khung cảnh mùa xuân với bầu trời tràn đầy những tia nắng ấm, mà mỗi tia nắng là biểu tượng cho một ơn phước Chúa ban. Tác giả nhắc người nghe một sứ điệp được Sứ đồ Phao-lô ghi lại trong Thánh Kinh: “Vậy nếu ai ở trong Ðấng Christ, thì người đó là một tạo vật mới; những gì cũ đã qua đi; nầy, mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).
Trong câu số ba, lời thánh ca nói rằng niềm vui và phước hạnh của mỗi cá nhân đã gom lại thành niềm vui và phước hạnh của Hội Thánh, của cả dân tộc. Khắp nơi từ núi, sông, đến biển cả, mọi người vui hát vì được hưởng ơn phước thiên thượng. Trong năm mới, những người tin Chúa hiệp nhau tiến bước vững vàng trên con đường thiêng liêng được Chúa dẫn dắt.
Trong câu bốn, quang cảnh xinh đẹp trong ánh mai rạng rỡ của vườn lan khiến người tin Chúa liên tưởng đến quang cảnh tươi đẹp vĩnh cửu trên thiên đàng. Mừng xuân người tin Chúa cùng hòa lòng tôn ngợi vinh quang của Đức Chúa Trời Hằng Hữu, là Đấng vĩnh sanh.
Nhạc
Phần nhạc của bài thánh ca Ngày Giờ Qua do Charles Hutchinson Gabriel sáng tác.
Charles Hutchinson Gabriel sinh ngày 18/8/1856 tại Wilton, Muscatinge County, Iowa, trong một gia đình làm nông. Cha mẹ của Charles H.Gabriel là những tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý tại Wilton. Cha của Charles có mở một lớp dạy hát. Từ thuở còn nhỏ, Charles đã bày tỏ lòng yêu thích âm nhạc; tuy nhiên, như đa số trẻ em sống tại miền quê vào lúc đó, Charles H. Gabriel không có cơ hội học âm nhạc chính quy. Dầu vậy, cậu bé Charles được cha dạy hát tại nhà.
Charles H. Gabriel có năng khiếu âm nhạc. Khi cha mẹ của Charles H.Gabriel mua một cây đàn phong cầm để dùng ở nhà. Charles đã tự học đàn và có thể chơi thành thạo đàn phong cầm.
Được sự khích lệ của cha mẹ, năm 16 tuổi, Charles H. Gabriel đã mở một lớp dạy hát riêng. Đến năm 17 tuổi, các lớp dạy hát của Charles H. Gabriel đã lan rộng ra các thị trấn lân cận và Charles phải luân phiên đi đến nhiều nơi để dạy hát.
Bên cạnh việc đàn và hát, Charles H. Gabriel còn sáng tác. Tài năng âm nhạc của Charles H. Gabriel được dân chúng địa phương biết đến. Có một lần, Mục sư N. A. McAulay, quản nhiệm Hội Thánh First Presbyterian Church tại Wilton, đã hỏi cậu thiếu niên Charles H. Gabriel có biết một bài hát nào hay hay và phù hợp với chủ đề của bài giảng mà mục sư sẽ giảng trong Chúa Nhật sắp đến hay không. Mục sư McAulay đã trình bày thêm với Charles H.Gabriel một ít về nội dung của bài giảng. Đến cuối tuần, cậu bé mang đến cho Mục sư N. A. McAulay một ca khúc mới – cả nhạc và lời do chính Charles H. Gabriel sáng tác.
Mục sư N. A. McAulay đã hầu việc Chúa với Hội Thánh Trưởng Lão tại Wilton nhiều năm. Mục sư McAulay kể lại rằng cậu thiếu niên Charles H. Gabriel đã sáng tác nhạc cho một ca khúc do ông viết lời ca. Bài hát có tựa đề là “How Could It Be”, về sau bài hát đã được xuất bản trong cuốn Songs for Service, do Charles H. Gabriel hiệu đính. Trong bản in đó, phần nhạc được ghi là do Charles H. Marsh sáng tác. Charles H. Marsh là một trong rất nhiều bút hiệu của Charles H. Gabriel.
Charles H. Gabriel lập gia đình với Fannie Woodhouse và có một người con. Tuy nhiên cuộc hôn nhân này không kéo dài. Do công việc dạy nhạc, Charles H. Gabriel phải đi nhiều nơi và không có ở nhà thường xuyên. Kết cuộc, Charles H. Gabriel và Fannie Woodhouse quyết định ly dị. Năm 1887, Charles H. Gabriel rời Iowa đến California để bắt đầu cuộc sống mới. Charles H. Gabriel lập gia đình với Amelia Moore, và hai người có một đứa con.
Đầu năm 1890, Charles H. Gabriel bắt đầu làm việc cho Grace Methodist Episcopal Church tại San Francisco, California. Vài tuần trước lễ Phục Sinh, vị đặc trách Trường Chúa Nhật của Hội Thánh Giám Lý tại Giáo hạt San Francisco đã yêu cầu Charles H. Gabriel viết một bài thánh ca trong chủ đề truyền giáo để hát gây quỹ cho công việc truyền giáo vào Chúa Nhật Phục Sinh năm đó. Charles H. Gabriel đã sáng tác bài “Send the Light”. Sáng Chúa Nhật Phục Sinh 6/3/1890, bài hát “Send the Light” chính thức được giới thiệu với công chúng. Bài hát được ca đoàn của Grace Methodist Episcopal Church hát với một tinh thần hăng hái nhiệt thành, kêu gọi và thúc giục gởi người đi truyền giáo. Bài hát đã được người nghe đón nhận nồng nhiệt.
Ca khúc “Send the Light” được yêu thích và loan truyền thật nhanh tại Hoa Kỳ. Một những giáo sĩ dự lễ Phục Sinh tại Grace Methodist Episcopal Church vào ngày 6/3/1890 đã mang bài hát về Á châu, và 60 năm sau đó, giai điệu của bài hát này xuất hiện trong cuốn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
Sự phổ biến ca khúc “Send the Light” khiến tên của Charles H. Gabriel được nhiều người biết đến. Mặc dù Charles H. Gabriel có tài năng, nhưng cho đến lúc đó chỉ có những người ở quê hương của ông và tại Grace Methodist Episcopal Church, nơi ông cộng tác hầu việc Chúa, mới biết khả năng của ông. Trong cuốn hồi ký viết vào những năm về sau, Charles H. Gabriel cho biết trước đó ông ước muốn dành trọn thời gian để viết thánh ca để tôn ngợi Chúa – và đã thử làm điều đó một lần nhưng không đủ sống. Tuy nhiên, sau khi ca khúc “Send the Light” được phổ biến, nhà xuất bản Homer Rodeheaver tại Chicago đã mời Charles H. Gabriel về cộng tác. Năm 1892, Charles H. Gabriel rời San Francisco về Chicago để làm việc với Homer Rodeheaver Publisher. Kể từ đó, Charles H. Gabriel đã dành trọn thời gian trong cuộc đời còn lại của mình cho việc biên soạn và xuất bản thánh ca.
Charles H. Gabriel đã biên tập 35 cuốn Phúc Âm Ca, 8 cuốn bài hát cho Trường Chúa Nhật, 7 cuốn bài hát soạn cho hợp xướng giọng nam, 6 cuốn hợp xướng dàng cho giọng nữ, 10 cuốn bài hát cho thiếu nhi, 19 tuyển tập các thánh ca, 23 cantatas cho hợp xướng, 41 cantatas cho chủ đề giáng sinh, 10 cantatas cho thiếu nhi, rất nhiều sách về âm nhạc và dạy nhạc.
Charles H. Gabriel đã sáng tác khoảng 7000 đến 8000 ngàn bài hát. Có bài ông viết lời, có bài ông viết nhạc, nhưng phần lớn là ông viết cả nhạc và lời. Vì Charles H. Gabriel sáng tác quá nhiều, nhà xuất bản sợ độc giả nhàm chán nên Charles H. Gabriel phải cho in các tác phẩm của mình với nhiều bút danh khác nhau, trong đó có Charlotte G. Homer, H. A. Henry, S. B. Jackson, Charles H. Marsh, và nhiều bút danh khác.
Charles H. Gabriel về với Chúa vào ngày 14/9/1932 tại Hollywood, California. Ông được xem là một trong những người viết thánh ca nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20.
Những bài thánh ca có sự đóng góp của Charles H. Gabriel đã được dịch hoặc đặt lời trong tiếng Việt là:
- Chim Sẻ Mắt Chúa Vẫn Chú Vào (TC HTTLVN #390)
- Chốn Cao Hơn (TC HTTLVNHK #222)
- Chúa Đến Trong Lòng (TC HTTLVNHK #151)
- Chúa Hằng Chăn Giữ Tôi (TC HTTLGL #12)
- Đời Tôi Nay Được Đổi Thay (TC HTTLGL #229)
- Hoa Hồng Sa-rôn (TC HTTLGL #58)
- Lên Chốn Cao Hơn (TC HTTLVN #242)
- Lúc Jesus Ngự Trong Lòng (TC HTTLVN #215)
- Mùa Gặt Đã Đến (TC HTTLVN #414)
- Niềm Vinh Hạnh (TC HTTLVNHK #340)
- Ngài Vực Tôi (TC HTTLVN #208)
- Ngày Giờ Qua (TC HTTLVN #509)
- Sự Yêu Thương Lạ Lùng (TC HTTLVN #456)
- Thương Sao Hi Kỳ (TC HTTLVN #79)
- Tình Yêu Diệu Kỳ
- Vinh Thay Cho Tôi (TC HTTLVN #332; TC HTTLVN #485)
Những bài viết dưới bút hiệu Charles H. Marsh:
- Ha-lê-lu-gia! Vinh Danh Ngài (TC HTTLVN #4)
- Một Ngày (TC HTTLVN #85)
Châu Thanh
Thư Viện Tin Lành (2018)
www.thuvientinlanh.org
Ngày Giờ Qua – Ông Văn Huyên (1950)
Send The Light – Charles H. Gabriel (1890)
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)