Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Điều Không Thấy

Điều Không Thấy

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có một truyện cổ rất lý thú về trâu. Ngày xưa, người Việt tin rằng mọi sinh vật đều nói cùng một thứ tiếng.  Cọp là chúa sơn lâm cai trị muông thú trong rừng.  Lúc đó, cọp có lông màu vàng nhưng không có sọc như bây giờ.  Một ngày nọ, cọp đến bìa rừng, thấy người nông dân đang hướng dẫn trâu kéo cày.  Người nông dân vừa đi vừa hét, một tay cầm cày, tay khác cầm roi đánh trâu.  Vốn là chúa sơn lâm, không hề khuất phục ai bao giờ, cọp ngạc nhiên khi thấy một con trâu vóc dáng to lớn, tướng tá hung tợn với cặp sừng trông thật dữ dằn lại để một người nhỏ bé điều khiển.

Ngày này sang ngày khác, cọp đến bìa rừng tiếp tục thấy cảnh đó.  Cọp rất bực mình thấy trâu cam phận. Tệ hơn thế nữa, trâu dường như an nhiên thanh thản với chuyện đang xảy ra không chút khó chịu.  Không cầm được lòng, một ngày nọ, lúc người nông dân về nhà ăn trưa, cọp ra khỏi rừng hỏi trâu:   “Này trâu, sao ngươi to xác như vậy lại để cho một người nhỏ bé xỏ mũi, la hét, đánh đập? Sao ngươi không chống lại hoặc bỏ đi cho rồi? Sao ngươi cam phận nhục nhã như vậy?”  Trâu trả lời:  “Người, tuy bé nhỏ, nhưng có trí khôn!”   Cọp bèn hỏi: “Trí khôn là gì?”  Trâu trả lời: “Ngươi muốn biết hãy hỏi người.”  Cọp ấm ức không biết trí khôn là gì mà khiến người cai trị được trâu.  Cọp quay vào rừng, nằm chờ đợi.

Một lúc sau, người nông dân trở lại. Cọp từ bìa rừng nhảy ra hỏi:  “Ta nghe trâu nói ngươi có trí khôn. Vậy trí khôn ngươi ở đâu cho ta xem với!”  Người nông dân đáp:  “Trí khôn ta để ở nhà.”  Cọp bảo: “Hãy về nhà lấy trí khôn cho ta xem.”  Người nông dân trả lời:  “Ðược! Nhưng e rằng trong lúc ta vắng mặt, ngươi ăn mất trâu của ta sao! Ngươi có bằng lòng để ta trói lại, rồi ta về nhà lấy trí khôn đem cho ngươi xem không?” Cọp bằng lòng.

Người nông dân bèn lấy dây cột cọp thật kỹ vào gốc cây. Người lấy gậy đánh cọp và nói rằng: “Trí khôn của ta đây này! Trí khôn của ta đây này! ”  Sau đó, người nông dân lấy lửa đốt cọp.  Lửa cháy bén dây.  Cọp vùng vẫy bứt dây, mang thương tích chạy trốn vào rừng.  Thấy vậy, trâu cười ngã nghiêng, đập hàm vào đất làm gãy hàm răng trên. Do đó, loài trâu không có hàm răng trên nữa. Còn loài cọp thì lông bị vằn vện, những sọc đen là dấu tích lông bị cháy.

Đọc xong câu chuyện này, đa số ai cũng cười cho cọp. Cọp khờ dại không hiểu trí khôn là gì nên đòi xem trí khôn hình dung như thế nào.  Cọp vốn sống dựa trên uy quyền và bạo lực. Do đó, cọp không hiểu được rằng có những điều khác không thấy được nhưng có thật và cao quý.   Rất tiếc, nhiều người  ngày nay vô tình đã cư xử như cọp.  Nhiều người do không hiểu Đức Chúa Trời nên đòi hỏi phải thấy Ngài.  Thánh Kinh  cho biết Đức Chúa Trời là Thần.  “Thần thì không có thịt xương” (Lu-ca 24:39).  Nói một cách khác, Đức Chúa Trời không thuộc về thế giới vật chất cho nên chúng ta không thể thấy hoặc rờ Ngài. Do đó, chúng ta không thể dùng khoa học thực nghiệm để nhận biết Đức Chúa Trời.  Hơn thế nữa, vì Đức Chúa Trời không thuộc về thế giới vật chất, nên Ngài không bị hạn chế bởi giới hạn của vật chất.  Đức Chúa Trời tồn tại mãi mãi, trước khi vật chất được hình thành và tồn tại vô biên. Thánh Kinh cho biết:  “Chúa là Đức Chúa Trời.  Đấng hiện có, đã có, và còn đến, là Đấng Toàn Năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga” (Khải Huyền 1:9).

Đọc xong câu chuyện trên chúng ta cũng nhận ra sự sâu sắc của trâu.  Trâu, nhìn bề ngoài tuy chất phát đơn sơ, nhưng lại hiểu được giá trị tinh thần. Dưới con mắt của cọp, trâu là kẻ kiếp nhược.  Tuy nhiên, câu trả lời của trâu cho thấy thật ra trâu không bị khuất phục bởi ngọn roi hay sợi dây của người nông dân nhưng trâu bị khuất phục bởi trí khôn.  Trong Thánh Kinh, sự khôn ngoan là một biểu tượng về Đức Chúa Trời.  Mong rằng trong năm Kỷ Sửu này, chúng ta học sự sâu sắc tinh tế của trâu: khuất phục Đấng mình nên khuất phục.  Đấng đó chính là Đức Chúa Trời.  Thánh Kinh cho biết:    “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ phượng Ngài  thì phải lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ phượng” (Giăng 4:24).

Có lẽ mỗi lần cọp nhìn lại vết thẹo trên thân thể mình cọp nhớ lại nỗi đau.  Tuy nhiên, không rõ nỗi đau đó có giúp cọp hình dung được trí khôn như thế nào hay không.   Trâu không  cần phải học bài học đau đớn đó.  Trâu chấp nhận bước đi trong sự dẫn dắt của trí khôn.  Mong bạn bước vào năm mới với đức tin nơi Chúa và bước đi trong sự dẫn dắt của Chúa.

Phước Nguyên
Tháng 12/2008

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top