Đặng Ngọc Báu: Hội Thánh Và Văn Hóa
Hội Thánh và Văn Hóa
Năm 1980, tôi mua trả góp một máy computer. Sau ba năm dành dụm để trả xong số nợ trên 3.000 đô, chiếc máy đã trở thành lỗi thời. Kỷ thuật trong ngành điện toán cứ cải tiến không ngừng; cho nên những năm gần đây, không những tôi mà nhiều người khác đã tốn khá nhiều tiền để canh tân hóa hoặc đổi computer.
Văn hóa điện tử
Nhiều người cho rằng ngày nay chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mới: nền văn hóa điện tử. Kỹ nghệ điện tử đã dính liền vào cuộc sống chúng ta. Có người cho rằng ngày nay quý bà quý cô sẽ rất khổ tâm nếu trong nhà không có cái microwave oven hoặc cái remote control cho TV, hoặc remote control cho garage.
Con em chúng ta dành nhiều thì giờ với TV, điện thoại, computer và internet hơn là với cha mẹ. Thanh thiếu niên ngày nay thường có pager và cellular phone để liên lạc với nhau. Thường thường các em nghe nhạc với CD và xử dụng những máy móc điện tử trong nhà thuần nhuyễn hơn cha mẹ.
Thế giới của tuổi trẻ, của thế hệ con em chúng ta, trong nhiều phương diện vẫn còn khó hiểu đối với chúng ta. Dù chúng ta sinh chúng ra và nuôi dưỡng chúng, nhưng những người làm cha làm mẹ vẫn không thể hiểu nổi con cái mình.
Nhiều điều con em chúng ta học nơi học đường ngày nay không giống những gì chúng ta đã học mấy chục năm về trước. Có nhiều điều chúng ta phải nhìn nhận là mình không biết bằng chúng. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái do nhu cầu kiếm sống và sự dị biệt văn hóa (văn hóa của người lớn và văn hóa điện tử của con em) đã một ngày một rộng hơn và vô hình chung đã tạo nên những đau thương trong nhiều gia đình.
Hội Thánh cần phải chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu thuộc linh cho thế hệ trẻ nầy.
Một số nhà nghiên cứu về hội thánh tăng trưởng cho rằng vì không thích ứng kịp với nhu cầu của giới trẻ, nhiều hội thánh tại Hoa-kỳ ngày nay đang chết dần chết mòn. Hội thánh đang nhỏ dần, không phải vì chân lý của Phúc Âm hết giá trị, cũng không phải vì Lời Chúa không còn thẩm quyền, nhưng có lẽ vì các hội thánh không cởi mở đủ hoặc thay đổi kịp trong các hình thức sinh hoạt và thờ phượng để thích ứng với nhu cầu của thế hệ trẻ. Cho nên giới trẻ không đáp ứng tích cực với những sinh hoạt của nhà thờ.
Chúng ta thử đơn cử giờ thờ phương Chúa làm một trường hợp điển hình. Chúng ta cần làm sao có thể thay đổi cho giờ thờ phượng Chúa được sống động hơn.
Theo U.S. Bureau os Census 1996, thì 98.3% gia đình người Mỹ có 2.2 máy truyền hình. Con em chúng ta xem truyền hình trung bình từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Hình ảnh trên truyền hình thay đổi từng vài giây một. Các cảnh trên màn ảnh truyền hình cứ thay đổi liên tục, để khán giả khỏi nhàm chán. Trong lớp học cũng vậy, các giáo sư hoặc thầy cô liên tục thay đổi các sinh hoạt dù các em chỉ học một bài. Dường như ít có giáo sư nào giảng bài liên tục trên 50 phút mà không thay đổi bằng các hoạt động khác nhau.
Vì thế chúng ta không lấy làm lạ khi mục sư giảng dài thanh thiếu niên thường tỏ vẻ mệt mỏi, ngao ngán. Không phải vì các em không thích mục sư, nhưng chúng không quen ngồi nghe một người nói đều đều như vậy trong 50 phút.
Thế giới của con em chúng ta đầy những âm thanh nổi, màn ảnh, màu sắc, thay đổi và sinh động. Đây là cách con em chúng ta đã quen và lớn lên. Tiếc thay khi đến nhà thờ thì mọi sự dường như ngược lại. Mọi sự đều phải chậm rãi, quen thuộc, và nghiêm nghị.
Những hội thánh biết nhu cầu nầy của giới trẻ đã cố gắng thích ứng bằng cách sử dụng màn ảnh để phối hợp hình ảnh với âm nhạc trong khi thờ phượng Chúa có thơ, vũ, nhạc, kịch và những tiết mục đầy nét sáng tạo. Nhờ vậy, các lễ thờ phượng nầy đã thu hút được nhiều bạn trẻ đến thờ phượng Chúa hơn.
Chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi nghe có những hội thánh trả lương trọn thời gian cho những người lo âm nhạc, lo phim ảnh để chiếu hằng tuần, lo soạn kịch và tập kịch, hoặc lo tập múa hát trong nhà thờ. Nói một cách khác, sự thờ phượng Chúa luôn luôn là nguồn hứng khởi để phát huy mọi lãnh vực của nghệ thuật, và thường thường những nghệ thuật giá trị của thế giới bắt nguồn từ trong nhà thờ. Phải chăng nghệ thuật thờ phượng Chúa của người Việt Nam chúng ta đã bị một quan niệm thần học nào đó gò bó đến độ không dám sử dụng bộ óc sáng tạo của người Việt mình nữa?
Mới đây, tôi được tham dự một buổi nhóm của các sinh viên. Điều làm tôi vui thỏa nhất là thấy các bạn trẻ ca tụng Chúa hết sức hết lòng. Nhưng điều ngạc nhiên hơn nữa là tất cả những bài thánh ca do các sinh viên hát trong chương trình hôm đó không có trong các quyển thánh ca cũ nào.
Cho nên có thể nói giới trẻ ngày nay thích hát những bài thánh ca mới, những bài này thường nhanh, vui, hoặc cảm động nhưng trong loại nhạc của thế hệ trẻ và được hòa theo bằng guitar điện, keyboard, trống, tambourine v.v.. Trong khi đó người lớn chúng ta lại thích thong thả hát những bài thánh ca viết từ thế kỷ 15 đến 19 với đàn phong cầm hay piano đệm theo.
Đây là cả một thách thức cho những người lớn tuổi. Nhưng nếu muốn giới trẻ còn tiếp tục trưởng dưỡng trong hội thánh, có lẽ người lớn chúng ta cũng phải chấp nhận hy sinh và tập làm quen với những cách thờ phượng mới mẻ của tuổi trẻ.
Thánh Phao-lô đã nói một câu rất chí lý: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu được vài người…” (I Cô-rinh-tô 9:22). Đây là cách cụ thể nhất để thể hiện tình thương. Chúa thương chúng ta, Chúa đã chấp nhận hòa mình với chúng ta. Chúng ta thương giới trẻ trong hội thánh, chúng ta phải ráng nghe loại nhạc chúng nghe, ráng thờ phượng Chúa theo cách chúng thích thờ phượng Chúa. Chúng ta hãy ráng thích ứng với những người trẻ lớn lên trong nền văn hóa điện tử.
Đa văn hóa
Những tiến bộ của khoa học và kỷ thuật đã đem con người lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, và dễ chấp nhận nhau hơn. Thế giới bị thu nhỏ lại như một làng.
Thánh Kinh dạy rằng mọi người đều được tạo nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng 1:26-27). Cho nên, dù chúng ta có khác nhau về màu da, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, v.v.. thì trước mặt Chúa chúng ta cũng có giá trị như nhau. Chúa Giê-xu cũng chết thay cho chúng ta như Ngài đã chết thay cho mọi dân tộc khác.
Do ảnh hưởng từ Kinh Thánh, thế hệ của con em chúng ta đã được giáo dục trong học đường rằng mọi người phải biết tôn trọng người khác bất luận màu da hay chủng tộc của họ. Con em của chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu khi nghe người lớn chúng ta phê bình hoặc chỉ trích người nào đó vì màu da của họ.
Hội thánh của Chúa trong những thành phố lớn tại Hoa-kỳ không thể là một hội thánh chỉ thuần có một sắc dân. Các thành phố lớn tại Mỹ thường có từ vài chục đến cả trăm dân tộc từ khắp nơi trên thế giới về sinh sống. Vì thế, hội thánh của Chúa cũng phải mở rộng lòng, rộng cửa để hoan nghinh những dân tộc khác cùng đến thờ phượng Chúa với chúng ta. Mấy chục năm trước đây, những người Mỹ sống trước chúng ta tại Hoa Kỳ đã tiếp đón chúng ta nồng hậu thể nào thì ngày nay chúng ta cũng nên biểu lộ lòng quảng đại ấy ra với các dân tộc khác cũng thể ấy.
Hơn nữa, nếu tra cứu kỹ Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy hầu hết những hội thánh được nói đến trong thời Tân ước đều là những hội thánh đa văn hóa. Một hội thánh thời Tân ước luôn có các tín hữu là những người chịu ảnh hưởng của văn hóa Do Thái, Hy Lạp, và La Mã.
Tên các hội thánh thời Tân ước thường là tên của thành phố (Phi-líp, Cô-rinh-tô, Rô-ma, v.v..) chứ không bao giờ là tên của một chủng tộc, mặc dù đa số tín hữu thuở ban đầu là người Do Thái.
Hội thánh Wesley của chúng tôi tại San Diego nằm giữa một cộng đồng đa chủng, gồm rất nhiều sắc dân sống chung nhau. Cho nên chúng ta cần phải nhìn xa để thấy rằng hội thánh của chúng ta phải là một hội thánh đa văn hóa mới có thể tồn tại trong thế kỷ 21 được.
Hiện nay trong hội thánh của chúng ta đã có người da trắng, da đen, da vàng đến từ nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau. Chúng ta cần phải tập tìm hiểu và biết tôn trọng các ưu điểm của những con cái Chúa có nền văn hóa khác mình. Vì Nước Trời là của chung của mọi người biết đặt niềm tin nơi Cứu Chúa Giê-xu, bất kể chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và văn hóa.
Vẻ đẹp của hội thánh chúa là dù chúng ta đến từ nhiều văn hóa khác nhau, chúng ta vẫn có thể yêu thương, giúp đỡ, và sống chung trong sự tương kính và quý trọng lẫn nhau. Có lẽ một trong những tội trọng trong hội thánh ngày nay là tội kỳ thị. Trong một định nghĩa hẹp, kỳ thị là không ưa người ta chỉ vì màu da, ngôn ngữ, hoặc văn hóa của họ khác với mình. Tinh thần kỳ thị không bao giờ được chấp nhận trong hội thánh của Chúa.
Kinh Thánh dạy rằng, ngày cuối cùng trên thiên đàng sẽ có “vô số người, không ai đếm được, từ mọi nước, mọi bộ lạc, mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ mà đến đứng trước ngai Chiên Con” mà ca tụng Ngài (Khải-huyền 9:9). Chắc chắn trong số đó sẽ có người Việt Nam chúng ta và những dân tộc do chúng ta đem về cùng Chúa.
Văn hóa thiên quốc
Thánh Phao-lô dạy rằng: “Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ thì nấy là người dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17)
Làm một môn đồ của Chúa, chúng ta đã thành một người mới. Chúng ta bước vào một nền văn hóa mới, một văn hóa luôn luôn đầy sức sáng tạo, sinh động và thích thú. Nền văn hóa đó xoay quanh một trọng tâm. Trọng tâm đó là Đức Chúa Trời (Khải-huyền 9:11). Nền văn hóa mới này đi theo một sách chỉ dẫn. Sách đó là Kinh Thánh. Nền văn hóa mới này bị một năng lực chi phối. Năng lực đó là tình yêu của Chúa Giê-xu. Và nền văn hóa nầy thành hình bởi một niềm hứng khởi đó đến từ Đức Thánh Linh. Đó là văn hóa của thiên quốc. Hội thánh của Chúa vì vậy luôn luôn đóng vai trò dẫn đầu trong mọi nổ lực xây dựng một thế giới tự do, công bình, và hạnh phúc cho muôn người.
Thế giới vẫn tiếp tục biến chuyển. Khoa học và kỷ thuật vẫn tiếp tục tiến bộ. Nhưng Hội Thánh của Chúa không bao giờ bị đào thải. Vì hội thánh biết thích ứng với mọi hình thức của văn hóa và luôn tạo dựng một văn hóa mới. Văn hóa của Nước Trời.
Mục sư Đặng Ngọc Báu
Nguyệt San Linh Lực (1/5/1998)
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.