Mục Sư Đặng Ngọc Báu: Hy Sinh
Hy Sinh
Mùa Hè năm 1937, John Griffin, làm công việc điều khiển chiếc cầu kéo ngang qua sông Mississippi ở Missouri, dẫn cậu con trai 8 tuổi của mình đến sở. Công việc của John tương đối cũng dễ dàng. Bình thường thì ông giữ nhịp cầu nhấc lên cho tàu bè qua lại, rồi gần đến giờ xe lửa đến thì hạ xuống cho xe lửa chạy qua. Công việc chỉ đơn giản có thế. Đang lúc ăn trưa John bỗng nghe tiếng còi xe lửa báo hiệu sắp đến cầu. Ông nhìn đồng hồ thấy 1:07 và biết rằng chuyến xe lửa Memphis tốc hành sắp đến. John vội vàng chạy vào phòng điều khiển để hạ nhịp cầu xuống. Đang khi ông sắp sửa đẩy chiếc cần điều khiển thì thoáng thấy đứa con trai yêu dấu của mình không biết đã vào phòng máy chơi lúc nào mà đang kẹt chân vào giữa hai chiếc bánh xe răng cưa khổng lồ kiềm giữ nhịp cầu. Ông cố gắng gọi con nhưng vô hiệu. Tiếng còi hụ mỗi lúc một gần, hệ thống đường sắt đang rung động báo hiệu chiếc xe nguyên tốc lực đã gần đến. John không đủ thì giờ để chạy xuống phòng máy giúp con nữa. Ông phải chọn lựa, hoặc cứ để cho nhịp cầu mở và sẽ gây nên tai nạn khủng khiếp cho hàng trăm người, hoặc hạ nhịp cầu xuống và phải hy sinh con trai yêu dấu của mình. Ông đau đớn kéo chiếc cần cho nhịp cầu hạ xuống. Và nhịp cầu đã hạ kịp lúc cho chuyến xe lửa tốc hành với 400 hành khách lướt qua. Những hành khách trong tàu hoàn toàn không hề biết chuyện vừa xảy ra ở phòng điều khiển chiếu cầu kéo. Họ vẫn thung dung thoải mái nghỉ ngơi. Người ngắm cảnh, kẻ đọc báo, người uống cà phê, trẻ em vui vẻ chạy tới chạy lui trong các toa. Không ai biết nỗi đau đớn của người cha vừa chọn phải hy sinh con trai mình cho họ.
Hy sinh là nghĩa cử thật cao quý, thế nhưng ngày nay ít ai nhắc đến hai chữ “hy sinh”. Có lẽ người ta đã quá ngán ngẫm khi nhắc đến hai chữ nầy rồi. Bởi vì họ đã bị lợi dụng khá nhiều. Nhiều người đã thật sự hy sinh gần hết cuộc đời cho một lý tưởng, một đại cuộc, để rồi cuối cùng mới đau đớn khám phá ra rằng mình đã bị lợi dụng để phục vụ cho quyền lợi của một thiểu số khéo sử dụng một chiêu bài, một lý thuyết chính trị.
Tuy loài người không tốt có lạm dụng sự hy sinh của người khác, nhưng không vì thế mà đức hy sinh phải bị lãng quên. Sự hy sinh phát xuất từ những động cơ chân chính thì ở bất cứ thời điểm nào cũng luôn luôn có giá trị.
Hy sinh vì tình yêu
Hy sinh là sự biểu lộ tột đỉnh của tình yêu. Đức Chúa Trời yêu nên Ngài đã hy sinh. Sự hy sinh của Ngài không bao giờ mất giá trị vì quan niệm hay thay đổi của loài người. Kinh Thánh chép: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài…” (Giăng 3:16). Đức Chúa Trời yêu chúng ta và Ngài đã hy sinh Con Một Ngài cho chúng ta.
Chúa Giê-xu đã phán: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Chính Ngài đã hy sinh mạng báu của Ngài vì yêu thương chúng ta.
Thánh Phao-lô cũng đã xác định rằng: “Họa hoằn lắm mới có kẻ chịu chết cho người nghĩa; rất hiếm người bằng lòng chịu chết cho người tốt. Thế nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ đã vì chúng ta mà chịu chết” (Rô-ma 5:7-8).
Đây mới chính là tinh túy và vẻ đẹp của Cơ-đốc Giáo. Đang khi chúng ta còn là người có tội thì Chúa đã yêu thương chúng ta và đã hy sinh cho chúng ta (Prevenient Grace). Thế nên, mọi suy tính và hành động của chúng ta đều phải đặt trên căn bản của tình yêu, phát xuất từ tình yêu, rồi âm thầm hy sinh cho người mình yêu, bất kể người ta có biết hay không biết đến.
Khi chúng ta hy sinh, chúng ta đang biểu lộ một trong những nét đẹp giống theo hình ảnh của Thượng Đế còn sót lại trong con người chúng ta. Chúng ta yêu gia đình, yêu Hội Thánh, yêu dân tộc, yêu tha nhân, chúng ta hy sinh. Đó là chúng ta giống Chúa.
Có thể nói sự hy sinh chính là của lễ cao quý nhất mà chúng ta có thể dâng lên cho Chúa. Ngày xưa người Do Thái đem đến đền thờ những của lễ để dâng lên Chúa. Người ta gọi đó là những sinh tế (sacrifices). Những sinh tế đó tuy là thật nhưng chỉ làm hình bóng về Chúa Giê-xu là sinh tế (sacrifices), là Chiên Con của Đức Chúa Trời sẽ đến mà thôi. Ngày nay, sự dâng sinh tế không cần thiết nữa. Những việc hy sinh (sacrifices) phát xuất từ tình yêu thương mới chính là những của lễ có giá trị mà chúng ta có thể dâng lên cho Đức Chúa Trời. Những của lễ đó có thể không ai thấy hoặc không ai biết, nhưng Chúa thấy và biết rõ từng giá trị của chúng.
Có một bà sống rất giản dị và tiện tặn, không mua sắm chi cho mình, nhưng ráng chăm lo mấy luống rau sau vườn để đem ra chợ bán rồi lấy tiền gởi về giúp cho các hội thánh và tôi tớ Chúa nghèo khổ bên quê nhà. Đó là những của lễ, đó là sự hy sinh phát xuất từ lòng yêu mến.
Một ông bà cụ tháng nào cũng lãnh tiền già xong là trả tiền nhà, điện, hơi đốt, dành ít để mua thức ăn, bỏ ít đồng dằn túi, rồi còn bao nhiêu gói ghém gởi về cho con cháu, gởi dâng cho Hội Thánh bên nhà, dâng hiến cho công việc Chúa bên nầy. Những sự hy sinh đó, những của dâng đó có cái chưa bao giờ được đem vào nhà thờ cầu nguyện, nhưng chắc đã được Đức Chúa Trời chấp nhận và ban phước rồi.
Hy sinh vì đức tin
Áp-ra-ham được gọi là tổ phụ của đức tin vì ông đã hoàn toàn tin cậy vào Chúa và hoàn toàn vâng phục Ngài. Ông chờ đợi 25 năm để thấy Chúa làm thành lời hứa của Ngài đối với mình. Khi niềm vui chưa trọn thì Chúa đã bảo ông hãy đem dâng Y-sác là đứa con của lời hứa cho Ngài. Không phải dâng nó để nó đi hầu việc Chúa, làm tiên tri hay thầy tế lễ cho Ngài, mà là dâng con để làm của lễ thiêu cho Chúa. Ai có thể chịu đựng nổi sự thử thách nầy? Tin cậy và vâng lời Chúa hay tìm cách thoái thác? Áp-ra-ham đã chọn lựa con đường tin cậy và vâng lời Chúa. Ông ký thách sinh mạng con ông cho Chúa. Thật cảm tạ Chúa! Những ai tin cậy và vâng lời Chúa quả không hổ thẹn. Không những Y-sác không bị chết mà từ đó trở đi dòng dõi của Áp-ra-ham đã trở thành tuyển dân của Chúa. Chính ông lại được hàng tỷ người trải qua bao thế hệ xưng tụng là ông tổ của đức tin. Đức Chúa Trời quả thật có ban thưởng cho ai tin cậy và vâng lời Ngài vậy.
Truyền thuyết của Hội Thánh kể rằng khi đại đế Nê-rô, một ác vương của đế quốc La-mã, ra lịnh tàn hại Hội Thánh, đang lúc sứ đồ Phi-e-rơ gây dựng Hội Thánh tại thủ đô Rô-ma. Nhận thấy vai trò quan trọng của Phi-e-rơ đối với hội thánh Chúa chung, anh chị em tín hữu khuyên Phi-e-rơ hãy tạm lánh mặt bọn sử dụng bạo quyền để giữ toàn mạng sống hầu có thể tiếp tục gây dựng Hội Thánh về sau. Trước những lời đốc thúc thành khẩn của anh em, Phi-e-rơ xuống đường Appian từ giã thành Rô-ma. Nhưng vừa ra khỏi thành chừng hai dặm thì Phi-e-rơ thấy một khải tượng về Chúa Giê-xu đang đi ngược vô thành. Thấy Chúa, Phi-e-rơ vô cùng mừng rỡ và hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa đi đâu vậy?” “Ta đi vào thành để chịu đóng đinh lần thứ hai.” Chúa đáp xong liền biến mất. Ngay lúc đó, thánh Phi-e-rơ bèn quay lại vào thành để sẵn sàng chịu tuận đạo. Cảm tạ Chúa về gương hy sinh tuận đạo của Phi-e-rơ.
Ngày nay, chúng ta cũng có thể cảm tạ Chúa về những người có thể gia đình ra đi đường đường chính chính nhưng đã chọn ở lại để cùng chia xẻ hoạn nạn với anh chị em. Thật đúng như lời thánh Phao-lô đã dạy: “Cảm tạ Đức Chúa Trời…là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn khó, hầu cho nhơn sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi nhưng kẻ khác trong sự khốn khó nào họ gặp” (II Cô-rinh-tô 1:3-4). Đây chính là những người đang hy sinh vì đức tin, vì yêu mến Chúa; thật đáng kính trọng.
Những gian dối ở đời có thể làm chúng ta chán nản khi nghĩ tới hai chữ “hy sinh”, nhưng Lời Chúa đã cho chúng ta biết hy sinh vì tình yêu và hy sinh vì đức tin bao giờ cũng luôn luôn là đức hạnh cao đẹp nhất của con người. Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ nản lòng khi phải hy sinh vì đức tin và vì lòng yêu mến Chúa. Đó chính là những gì làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa.
Mục Sư Đặng Ngọc Báu
Nguyệt San Linh Lực (01/10/1995)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.