Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ-đốc Giáo – Thần Học Thời Cải Cách (1517-1648)

Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ-đốc Giáo – Thần Học Thời Cải Cách (1517-1648)

 

Giai Đoạn 3

Thần Học Thời Trung Cổ (590-1517)

Đây là một thời kỳ khá dài, bắt đầu từ khi Gregory I (540-604) được lập làm giáo hoàng (590) cho đến khi Martin Luther (1483-1546) khởi đầu phong trào cải cách giáo hội (1517). Chúng ta nên nhớ rằng thời Trung Cổ là một phần lịch sử của Cơ-đốc Giáo, gồm cả Công Giáo, Chính Thống Giáo, và Tin Lành. Do đó người Tin Lành cần phải hiểu rằng đây cũng là lịch sử chung của mình để rút tỉa ra những bài học hầu tránh những khuyết điểm của thời này.

Thời Trung Cổ còn được gọi là “Thời Đen Tối” (Dark Ages) của giáo hội, vì trong giai đoạn gần một ngàn năm này giáo hội thật sự đã chia rẽ và có nhiều băng hoại. Nhiều nhà lãnh đạo giáo hội đã tranh quyền, lạm quyền, và làm nhiều điều sai trái với sự dạy dỗ của Chúa. Ngày nay những người chống đối Đạo Chúa thường trích dẫn những trường hợp tệ hại trong giai đoạn này để chỉ trích và bài bác Đạo Chúa; chẳng hạn như bán bùa xá tội (indulgences), Tôn Giáo Pháp Đình (Inquisition),[i] hoặc Thập Tự Chinh (Crusades),[ii] và biết bao tệ nạn khác. Vì thế chúng ta không nên cho rằng lúc nào giáo hội hữu hình cũng đúng và tốt. Lịch sử đã chứng minh rằng không phải như vậy. Hễ có con người lãnh đạo là có sai lầm mặc dù không ai muốn thấy có sai lầm trong Hội Thánh của Chúa.

Một số tín lý của giáo hội được hình thành trong giai đoạn này vẫn còn thịnh hành ngày nay trong Giáo Hội Công Giáo như ngục luyện tội (purgatory), cầu nguyện với Đức Mẹ, cầu nguyện với các thánh, và Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (Immaculate). Về sau này lại có thêm thuyết Đức Mẹ sống lại và được cất lên trời (assumption of Mary) nữa. Điều này đã được Giáo hoàng Pius XII công bố vào năm 1950, và đã trở thành một phần trong giáo lý của Giáo Hội Công Giáo kể từ đó cho đến nay.

Giáo Hội Phương Tây và Giáo Hội Phương Đông

Trong thời kỳ Trung Cổ này giáo hội bị chia ra làm hai nhánh rõ rệt: Giáo Hội Phương Tây và Giáo Hội Phương Đông.

Giáo Hội Phương Tây đặt trung tâm tại Rô-ma và lấy tiếng La-tinh làm ngôn ngữ chính. Giáo Hội Phương Đông đặt trung tâm tại Constantinople (Istanbul ngày nay) và lấy tiếng Hy-lạp làm ngôn ngữ chính. Các thần học gia của hai giáo hội này bất đồng quan điểm với nhau về nhiều điều.

Một trong những vấn đề được tranh cãi dai dẳng giữa hai giáo hội trong giai đoạn này là vấn đề ảnh tượng (iconoclastic). Giáo Hội Phương Tây chấp nhận cả ảnh và tượng là phương tiện để truyền thông đức tin trong khi Giáo Hội Phương Đông chỉ chấp nhận có ảnh mà thôi (843). Chúng ta có thấy rõ điều này khi bước vào thánh đường của Công Giáo và thánh đường của Chính Thống Giáo ngày nay.

Chúng ta cũng nên hiểu rằng thời đó rất ít người biết đọc biết viết. Ảnh và tượng là hai phương tiện để truyền thông sứ điệp rất hữu hiệu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mặc dù giáo hội liên tục nhắc nhở các giáo dân chỉ nên quý trọng và coi đó là một phương tiện truyền thông mà không được thờ các ảnh tượng đó, nhưng vẫn không thể cản trở các tín đồ chân chất thần thánh hóa các ảnh tượng và có những cử chỉ và thái độ cung kính y như thờ hình tượng. Chẳng hạn như một số người quỳ gối trước ảnh tượng Đức Mẹ Ma-ry hoặc ảnh tượng các thánh mà cầu nguyện với họ.

Hơn nữa Giáo Hội Phương Tây tin rằng cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con phái Đức Thánh Linh đến với chúng ta trong khi Giáo Hội Phương Đông tin rằng chỉ Đức Chúa Cha phái Đức Thánh Linh đến mà thôi.

Ngoài ra trong thời kỳ này các thần học gia thường tranh luận với nhau về mối liên hệ giữa tư tưởng và vật chất. Một số chủ trương rằng tư tưởng hiện hữu ngoài vật chất; một số khác cho rằng tư tưởng không thể hiện hữu bên ngoài não bộ; và một số khác nữa, đặc biệt là các nhà thần học kinh viện (scholastics), lại cho rằng mặc dù những ý niệm như chân lý và thánh thiện có thể hiện hữu mà không cần vật thể nhưng trên thực tế chúng không thể tách biệt được với những hữu thể vật chất.

Về phương diện tội lỗi học (harmatiology) thì cả Anselm (1033-1109) và Thomas Aquinas (1225-1274), hai nhà thần học kinh viện nổi bật nhất trong thời kỳ Trung Cổ, đều chủ trương rằng con người bị ô nhiễm nguyên tội di truyền từ A-đam.[iii]

Trong thời kỳ này giáo hội cổ súy cho bảy phép bí tích mà về sau đã được Công Đồng Florence (1439) hợp thức hóa; đó là phép báp-têm, xác nhận đức tin, tiệc thánh, giải tội, xức dầu chữa bịnh, phong chức thánh, và thành hôn. 

Tuy nhiên độc đáo hơn cả là những nhà trí thức của giáo hội trong giai đoạn này đã cổ súy cho quyền hành của Đức Giáo Hoàng.

Quyền Hành của Đức Giáo Hoàng 

Bernard (1090-1153) ở Clairvaux ở thế kỷ 12 và Thomas Aquinas (1225-1274) ở thế kỷ 13 đã chủ trương rằng Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền cả phương diện thuộc linh lẫn thế tục. Theo Aquinas thì chỉ Đức Giáo Hoàng mới có thể dạy chúng ta những gì phải tin.

Vì thế Giáo Hoàng Innocent III (1160-1216) đã tự cho mình là Người Đại Diện của Đấng Christ (vicar) trên đất và nhận sự tôn xưng là “Bậc Chí Thánh” (Most Holy).

Mặc dù các vị giáo hoàng trước ông cấm giáo dân đọc Kinh Thánh, nhưng đến đời ông, ông ra lịnh rằng hễ ai bị bắt lén đọc Kinh Thánh sẽ bị xử tử bằng ném đá.[iv]

Ông chủ trương rằng Chúa đã ban cho Phi-rơ, vị giám mục đầu tiên của Rome, uy quyền trên khắp đất; do đó ông tự cho mình có quyền trên mọi chính quyền. Ông và các vị giáo hoàng kế tiếp ông cũng tự cho mình có quyền truất phế các vua, nhận triều cống, ban phát lãnh thổ, hình phạt những người chống đối, và hủy bỏ những luật lệ không phù hợp với Tòa Thánh La-mã, chứ không nhất thiết phải phù hợp với lời dạy của Đức Chúa Jesus.

Thật ra thời bấy giờ không mấy ai biết Đức Chúa Jesus đã dạy gì, vì Kinh Thánh bị cấm đọc. Ai không vâng phục giáo hoàng sẽ bị vạ tuyệt thông, tức bị dứt phép thông công, và linh hồn sẽ sa vào hỏa ngục. Vì thế mọi người sợ hãi và phải vâng phục.

Có thể nói vương quốc Đức Chúa Trời đã bị thế tục hóa, và giáo hội đã trở nên cực kỳ băng hoại và thối nát vì tham vọng của những người “mượn đạo tạo đời.”

Có khi giáo hội có tới hai hoặc ba vị giáo hoàng cùng một lúc (Urban VI, Clement VII, và Alexander V). Nhiều người lãnh đạo giáo hội tham quyền, tranh giành chức quyền từ cấp lớn đến cấp nhỏ, chẳng khác gì các chính quyền ở thế gian; trong khi giáo dân thì bị giam hãm trong tình trạng mù tối về kiến thức Lời Chúa. 

Nếu ai có tư tưởng gì khác biệt với những người lãnh đạo giáo hội thì bị khủng bố cả vật chất lẫn tinh thần. Nói nôm na là giáo hội thời bấy giờ luôn luôn muốn kiểm soát tư tưởng của giáo dân, bắt giáo dân phải luôn thuận phục họ, chứ không được phép có tư duy độc lập.

Cho đến bấy giờ những người tin thờ Chúa không biết Lời Chúa thật sự nói gì. Họ chỉ biết tôn trọng, tin tưởng, và vâng phục Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo giáo hội một cách chân thành và mù quáng. Một số người bất mãn nhưng sợ bị chụp mũ là tà giáo, là phù thủy hoặc là kẻ chống đối giáo hội, khiến phải bị đem ra xét xử trước tôn giáo pháp đình (Inquisition) hay các phiên tòa của giáo hội, nên buộc lòng phải im lặng để được an phận và bảo tồn tính mạng.

Trước sự băng hoại của giáo hội như thế, nhiều người đã chán ngán với Cơ-đốc Giáo. Nhiều nơi, giáo hội chỉ có hình thức và lễ nghi tôn giáo nhưng thực chất đạo đức thì quá suy đồi, nếu không nói là tệ hơn những người không có đạo. Nhân cơ hội này Hồi Giáo đã phát sinh (632) và bành trướng mạnh mẽ, đặc biệt trong hai thế kỷ 7 và 8. Hồi Giáo đã khởi xướng và phát triển bởi vì Cơ-đốc Giáo đã bị thế tục hóa, mất bản chất đạo đức, và mất năng lực thuộc linh.  

Trong khi đó ở viễn đông, Thiết Mộc Chân tức Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) đã thành lập Đế Quốc Mông Cổ chiếm trọn cả Trung Hoa, lập ra Nhà Nguyên, và tiến dần về phương tây đến tận Kiev (Ukraine) và Trung Đông. Điều lý thú là mỗi lần con cháu Nhà Nguyên xua quân xâm lăng nước Việt, họ đều thất bại thê thảm và phải rút về. Anh hùng hào kiệt giữa người Việt thời nào cũng có.

Có thể nói trong giai đoạn hơn 900 năm này Cơ-đốc Giáo bành trướng bằng những đường lối và mưu lược của loài

người. Hội Thánh có tăng trưởng số lượng nhưng không phải do người ta thật sự tin Chúa và muốn trở thành môn đồ Ngài, mà là được sinh ra trong gia đình đã theo đạo hoặc bị áp lực xã hội và chính trị mà không có sự chọn lựa nào khác. Một số khác theo đạo vì quyền lợi hơn là thật lòng muốn làm môn đồ của Chúa. Do đó nhiều người có đạo nhưng không có đạo đức và không có linh lực.

Lúc bấy giờ Cơ-đốc Giáo không những đã băng hoại, không giúp ích cho xã hội, mà còn làm trở ngại cho sự phát huy đạo đức và sự cải tiến xã hội. Ngoài ra, quyền hành tuyệt đối cộng với kiến thức kém cỏi và tinh thần bảo thủ cực đoan của những người lãnh đạo giáo hội đã trở thành lực cản cho sự xây dựng xã hội, phát triển khoa học, và văn minh nhân loại. Rõ ràng rằng độc tài không bao giờ tốt, nhất là độc tài trong lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng.

Tài Liêu Tham Khảo:

[i] https://www.britannica.com/topic/inquisition
[ii] http://www.history.com/topics/crusades
[iii] Enns, Paul. The Moody Handbook of Theology. Chicago, Illinois: Moody Publishers, 2014, p. 469-470.
[iv] http://www.vatileaks.com/vati-leaks/why-popes-banned-the-bible

Thư Viện  Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top