Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Bản Tâm Con Người

Điện Thoại Phúc Âm: Bản Tâm Con Người

 

Bản Tâm Con Người

Năm 1961, nhà văn người Anh tên là John Griffin đã xuất bản một cuốn sách làm chấn động dư luận thế giới.  Cuốn sách đó nhan đề là “Đen như tôi”.  Thật sự nhà văn này là người da trắng, nhưng đã tự bôi đen lớp da, sống trà trộn với người da đen bên Nam phi để điều tra cuộc sống đen tối của họ.

Suốt sáu tuần lễ sống dưới màu da đen giả tạo, John Griffin đã chứng kiến nhiều cảnh phủ phàng, và đã kể lại rằng: “Đứng trước những cặp mắt nhìn tôi một cách ghét cay ghét đắng, tôi cảm thấy đau nhói trong tim.  Không phải cái ghen ghét trong ánh mắt của họ làm cho tôi sợ hãi nhưng tôi sợ cái bản tâm vô nhân đạo của con người lộ ra nguyên hình”.

Con người có nhiều cái áo, nhiều lớp vỏ rất đẹp, như giáo dục, luân lý, đạo đức.  Các lớp vỏ này được dùng để che đậy chân tướng con người mà Thánh Kinh mô tả là: “Lòng người ta dối trá hơn mọi vật và rất xấu xa, ai có thể biết được?” Người Trung Hoa cũng có câu tục ngữ nói rằng: Khi vẽ cọp, họa sĩ chỉ vẽ da chứ không vẽ được bộ xương, khi biết người, ta chỉ biết mặt chứ không thể biết lòng.  (Họa hổ họa bì, nan họa cốt; tri nhân tri diện, bất tri tâm.”

Các thứ vỏ giáo dục, luân lý, đạo đức tuy cũng che đậy tâm tính con người, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị một số yếu tố ngoại cảnh, như danh lợi làm nứt rạng và hé lộ ra chân tướng của con người.  Nhưng có lẽ con người bộc lộ chân tướng, hay nói cách khác bản tâm con người lộ ra nguyên hình nhất là khi đứng trước người bị họ kể là kẻ thù.  Như trường hợp dân tộc Đức, tuy quốc gia này đứng đầu thế giới về nhiều ngành khoa học, sản xuất được nhiều triết gia, thi sĩ, nhạc sĩ thượng thặng thế mà khi bị Hitler xúi giục, một số đã trực tiếp hay đồng lõa trong việc sát hại hàng triệu người Do-thái vô tội.  Chẳng những người Đức, mà các dân tộc khác dù có nền văn hóa cao đến đâu, khi đứng trước kẻ thù cũng đều bộc lộ ra chân tướng xấu xa của con người.

John Griffin viết về lòng ghen ghét giữa người với người ở Nam Phi.  Trắng ghét đen, đen ghét trắng vì quyền lợi chính trị kinh tế, vì miếng ăn, nhưng yếu tố chính là lòng xấu xa của con người, theo lời Thánh Kinh chép: “Chẳng có một người công chính, dù một người cũng không.  Chẳng có ai hiểu biết Thượng Đế, không ai tìm kiếm Ngài… Miệng họ phun lời nguyền rũa cay độc, họ nhanh chân đi giết người.  Đến đâu cũng để lại vết điêu tàn, đau khổ.  Họ chẳng biết con đường hạnh phúc an vui, cũng không nể nang kính sợ Thượng Đế.

Khi mô tả chân tướng con người, Thánh Kinh đã dùng từ ngữ rất xác thực.  Con người bắt đầu đi từ chỗ không nhìn nhận Thượng Đế, không tìm kiếm Ngài, rồi đi đến chổ nguyền rủa, cay độc, khôn khéo, lẹ làng trong việc giết người, gây điêu tàn đau khổ.

Ở Nam Phi, người da trắng và da đen đều có tôn giáo, ở Trung Đông người I-ran và I-rắc cũng theo tôn giáo cách nhiệt tình.  Ở Tích Lan, hai giống dân Sinhalese và Tamil đều thuộc về hai tôn giáo cổ nhất Á châu, nhưng Thánh Kinh, Lời của Thượng Đế quả quyết rằng tôn giáo không thể nào thay đổi tấm lòng sa đọa phản nghịch Thượng Đế của con người.  Thánh Kinh cũng cho biết: Chúa Cứu Thế là Thượng Đế Ngôi Hai xuống trần không phải để lập một tôn giáo mới, hay để phổ biến một nền luân lý, một thuyết học, mà mục đích của Ngài khi xuống trần gian để mở con đường sống, đem loài người trở về phục hòa với Thượng Đế, bằng cách xả thân chịu chết trên cây thập tự giá vì tất cả nhân loại.

Các tôn giáo, dù có mang tên Chúa, và các triết học dù có được gọi là triết lý cơ đốc, nếu không nhờ quyền năng của Chúa không thể nào đổi mới tấm lòng xấu xa của con người.  Chỉ người nào đến trực tiếp với Chúa, nhìn nhận tội lỗi mình và xin Chúa lấy huyết thánh của Ngài rửa sạch lòng mình, thì quyền năng của Chúa sẽ biến đổi người ấy thành người mới, theo Lời Chúa đã hứa: “Ta sẽ ban lòng mới cho các con, và đặt thần mới trong các con.  Ta sẽ cất lòng cứng cỏi khỏi các con và ban cho các con tấm lòng mềm mại.”

Điện Thoại Phúc Âm (1983) 

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top