Điện Thoại Phúc Âm: Chôn Giấu Chất Phóng Xạ
Chôn Giấu Chất Phóng Xạ
Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đạt thỏa thuận với các nước Tây Âu để tồn trừ khoảng 4 ngàn tấn chất phế thải có đặc tính phóng xạ do các lò phản ứng nguyên tử bỏ ra. Tin này làm cho nhiều giới chuyên môn rất lo ngại. Các nước Tây Âu như Tây Đức, Thụy-sĩ, Áo, Bỉ, Hòa-lan hiện sử dụng nhiều nhà máy điện nguyên tử có lò phản ứng và hàng năm bỏ ra rất nhiều chất phế thải có đặc tính phóng xạ. Các nước Tây Âu này không có phương tiện để tồn trữ chất phế thải, và có dự án thuê Trung Cộng tồn trữ chất ấy tại sa mạc Cobi, sát nách biên giới Liên-xô, và sẽ trả cho Trung Cộng khoảng 5 hay 6 tỉ đô-la. Trung Cộng rất cần số ngọai tệ này cho các chương trình kỹ nghệ hóa, và các nước Tây Âu cũng cần có nơi chôn giấu chất phế thải phóng xạ, nhưng có ba điều làm cho thế giới lo ngại là:
(1) Trong các chất phế thải do các lò phản ứng nguyên tử loại ra có rất nhiều plutonium, là thứ vật liệu căn bản để chế tạo bom nguyên tử.
(2) Vùng sa mạc Cobi, dù ở xa nơi người ở, cũng chưa hẳn là nơi tồn trữ an toàn. Nếu có cơn động đất hay lỡ xảy ra tai nạn bất ngờ, chẳng những vùng sa mạc Cobi mà nhiều nơi khác cũng có thể bị ô nhiễm phóng xạ.
(3) Việc chuyên chở các chất phế thải từ các nước Âu Châu đến Trung Cộng rất nguy hiểm, và không một quốc gia nào chịu cho tàu bè chở chất phế thải nguyên tử đi vào hải phận của họ. Đây là chưa kể việc chuyên chở các chất này từ bờ biển Trung Cộng đến sa mạc Cobi khi Trung Cộng chỉ có những hệ thống vận tải thô sơ, đi băng qua nhiều tỉnh dân cư đông đúc hàng trăm triệu người. Bất cứ một tai nạn lưu thông nào cũng có thể gây ra những hiểm họa kinh khủng.
Quốc gia nào có nhà máy điện nguyên tử cũng phải lo tìm cách chôn giấu các chất phế thải phóng xạ. Cách đây khoảng 3, 4 chục năm, các nhà máy điện đều chạy bằng các loại nhiên liệu cổ điển, như than đá, dầu cặn, thác nước, nhưng từ khi các nguồn liệu thiên nhiên bắt đầu khan hiếm, nhiều quốc gia đã xây dựng các nhà máy điện có lò phản ứng nguyên tử, và dùng uranium làm nhiên liệu. Nhưng uranium lại tạo ra các loại phế thải phóng xạ rất nguy hiểm cho sinh mạng và sức khoẻ con người. Ảnh hưởng độc hại của các loại phế thải phóng xạ rất dai dẳng, vì theo các nhà khoa học thì có thể cả 10 ngàn năm nữa, các chất này mới giảm bớt đặc tính phóng xạ.
Việc các nước Tây Âu, cũng như tất cả các quốc gia sử dụng nhà máy điện nguyên tử, phải lo tìm cách chôn giấu các chất phế thải phóng xạ rất giống việc con người tìm cách chôn giấu tội lỗi.
Ai cũng biết tội lỗi là xấu xa, và các bản tính căn bản của con người là tìm cách che giấu. Có người trong đầu óc vẫn nuôi dưỡng những hình ảnh đen tối, những tư tưởng bất thiện mà mặt vẫn làm ra vẻ đạo đức mô phạm. Có người thường thốt ra những lời không ngay thật, những câu nói ác độc, mà vẫn tìm cách giải thích chống chế, nói rằng mình “khẩu xà, nhưng tâm phật.” Có người đã có những hành động bất chánh, nhưng lại tìm cách trấn áp lương tâm và viện dẫn lý do này, lý do nọ để chạy tội!
Nhưng họ quên rằng tội lỗi, dù là tội trong tư tưởng, lời nói hay việc làm, đều nguy hại hơn và có ảnh hưởng lâu dài hơn cả các chất phế thải phóng xạ nữa. Nguy hại hơn và có ảnh hưởng lâu dài hơn, vì các chất phóng xạ chỉ có thể giết cơ thể con người và có thể ảnh hưởng trên dưới 10 ngàn năm, còn tội lỗi lại giết chết cả linh hồn và thể xác trong hoả ngục đời đời.
Dù cho sau này khoa học có tìm ra phương pháp để vô hiệu hóa hay để chôn giấu các chất phóng xạ an toàn đi nữa thì con người vẫn không thể nào tiêu trừ hay chôn giấu tội lỗi mình khỏi con mắt của Thượng Đế, theo lời Thánh Kinh đã quả quyết rằng: “Tội lỗi ngươi sẽ bắt kịp ngươi,” và “Tất cả đều sẽ trần trụi và lộ ra trước mắt của Thượng Đế.”
Thánh Kinh còn dạy rằng: nếu muốn được khỏi tội, chẳng những chúng ta không làm theo phản ứng thông thường của con người là che giấu tội, mà còn phải thú nhận tội lỗi mình với Thượng Đế, vì “nếu chúng ta thú tội với Thượng Đế, Ngài sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm chúng ta,” và “Huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Thượng Đế, tẩy sạch tất cả tội lỗi chúng ta.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.