Điện Thoại Phúc Âm: Của Quý Dưới Đất

Của Quý Dưới Đất
Mới đây, bên Anh, cậu Michael Webb dùng một cái máy dò kim khí, giống loại máy dò mìn chúng ta thường thấy quân đội dùng ở Việt-Nam, và tìm được một kho tàng trị giá 2 triệu rưởi mỹ kim. Nhưng cậu Webb và những người dùng máy dò kim khí để tìm của quý chôn giấu dưới đất hiện đang bị một tổ chức khảo cổ học lên án kịch liệt. Tổ chức này yêu cầu chính phủ cấm hẳn việc dùng may dò kim khí. Vì theo họ, quá nhiều người đã dùng máy này để “ăn cắp quá khứ của Anh-Quốc.”
Tổ chức khảo cổ học này nói rằng: hơn 5 ngàn năm nay, nước Anh đã chôn giấu rất nhiều vật dụng bằng vàng bạc và ngọc quý. Họ phải chôn giấu khi nước Anh bị đế quốc La-Mã thống trị, cũng như khi các làng mạc bị những tay hải tặc Vikings lục lạo để hôi của. Các món vật dụng này có một giá trị lịch sử rất quan trọng: Những người không có kinh nghiệm, khi đào các món bảo vật này có thể làm lạc mất nhiều di tích và phá hoại nhiều sự kiện lịch sử. Họ chẳng những là những tay hôi của, mà còn là những tên phá hoại lịch sử nữa! Nhưng có nhiều người không đồng ý với tổ chức khảo cổ học ấy, và lập luận rằng: “nếu không có những người như cậu Michael Webb, thì có rất nhiều món di tích lịch sử không được ai động đến, và có thể cứ nằm mãi dưới đất cả ngàn năm nữa!”
Lập luận của hai bên đưa ra đều có lý cả. Về phía các nhà khảo cổ, thì việc dân chúng dùng máy dò kim khí cách bừa bãi có hại cho khảo cổ học và làm cho nhiều di tích lịch sử bị hư hỏng mất mát. Có nhiều người không chuyên môn khi đào các món bảo vật có tính cách lịch sử đã làm hư hỏng, hoặc có khi để cho các món này vào lò, nấu chảy để lấy vàng, bạc. Nhưng nếu cứ chờ cho các nhà khảo cổ tuần tự đào hết chỗ này đến chỗ khác, thì biết đến bao giờ mới đào hết được những di tích lịch sử hiện còn chôn giấu dưới mặt đất?
Hai phe đều có lý, và cái lý của hai phe rất có thể bổ túc cho nhau, nếu họ tìm một giải pháp dung hòa, tức là cứ để cho một số đông người dùng máy dò kim khí đi dò tìm khắp nước Anh, nhưng phải dò tìm có trật tự, không được bữa bãi. Khi kiếm được kho tàng thì giao lại cho nhân viên của các viện khảo cổ lo việc đào bới.
Có lẽ biện pháp chúng ta nêu lên đây cũng đã được người Anh nghĩ tới từ lâu rồi, nhưng lòng dạ con người, chỉ mới thấy hơi đồng đã nổi lòng tham lên rồi, huống chi là khi đánh hơi vàng bạc châu báu thì làm sao cầm lòng cho được?
Vì lòng tham, con người thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái lợi lâu dài. Một người khi đào được một vật dụng bằng vàng chỉ thấy đây là một tảng vàng nặng mấy chục mấy trăm lạng, mỗi lạng mấy trăm Anh-kim, chớ không thấy rằng món vật dụng ấy có thể là một món vô giá về phương diện lịch sử, khảo cổ, nghệ thuật v.v…
Trong Phúc Âm, Đức Chúa Giê-xu có phán rằng: “Nước thiên đáng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người nọ tìm được, thì giấu đi, vui mừng trở về, bán hết gia tài mình để mua đám ruộng đó. Nước thiên đàng lại giống như một người lái buôn kiếm ngọc châu tốt, khi đã tìm được một hạt châu quý giá thì đi bán hết gia tài mình mà mua hạt châu đó.”
Chúa dùng hai ví dụ để hướng về một mục đích. Mục đích đó là thiên đàng. Thiên đàng dù đem ví với của báu chôn dưới đất, hay với viên ngọc châu quý giá, đều có giá trị hơn cả gia tài của người đã kiếm được nó. Muốn được của báu, hay viên ngọc châu, nhân vật trong câu chuyện Chúa kể đã bán hết gia tài, đã coi tất cả những thứ mình có là nhẹ, nhờ đó mới có được của báu hay hạt châu quý giá kia.
Một cái bình bằng vàng chôn giấu mấy ngàn năm bên Anh quý hơn một tảng vàng cùng cân lượng, quý hơn vì yếu tố thời gian và yếu tố nghệ thuật. Xét theo yếu tố thời gian thì hạnh phúc của trần gian chỉ là ngắn hạn chưa kể đến dư vị cay đắng lúc nào cũng đi đôi với những cái con người gọi là hạnh phúc, còn hạnh phúc của thiên đàng là đời đời vĩnh cửu. Xét theo yếu tố nghệ thuật thì những cái gì đẹp đẻ nhất của con người, dù là những thứ gọi là tuyệt tác, cũng chỉ là những công trình bất toàn do con người bất toàn làm ra, còn thiên đàng là công trình toàn mỹ của Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, là Đấng đã phán rằng: “Ta đi sắm sửa cho các con một chỗ. Khi Ta đã sắm sửa cho các con một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các con đi với Ta, để cho Ta ở đâu, thì các con cũng ở đó.”
Chúng tôi ước mong quý vị nhận thấy Thiên Đàng là của báu vô giá, nhận thấy thế gian với các dục vọng của nó đều chỉ tạm bợ để quý vị tiếp nhận Phúc Âm của Chúa Cứu Thế.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org