Điện Thoại Phúc Âm: Của Thật, Của Giả
Của Thật, Của Giả
Vào năm 1974, Viện Bảo Tàng Mỹ-thuật ở Luân đôn cho trình bày bảy tấm hình mà viện cho là do nhiếp ảnh gia Francis Hetling chụp vào khoảng năm 1840, tức là hơn 140 năm trước đây. Theo các chi tiết được trình bày cho công chúng, thì 7 tấm hình này được ông Graham Ovenden tình cờ tìm ra được.
Mãi đến gần đây, người ta mới khám phá ra những tấm hình đã vàng và dường như cũ hàng trăm năm kia chỉ là những hình giả mạo do ông Ovenden và bạn của ông ta là một chuyên viên nhiếp ảnh tên Grey đã thực hiện. Họ dùng kỹ thuật và vật liệu chụp hình của thế kỷ thứ 19, dàn cảnh cho một số thiếu niên trai và gái ăn mặc quần áo cũ kỹ rách rưới rồi chụp những bức hình để mô tả điều khiển nghèo nàn của xã hội Anh vào giữa thế kỷ thứ 19. Sau khi đã sang hình ra giấy, họ dùng một kỹ thuật đặc biệt để làm cho hình vàng đi và trông như là hình cũ trên 1 thế kỷ, làm cho cả những chuyên viên viện bảo tàng cũng bị mắc lừa.
Nhưng có một chuyên viên, sau khi nghiên cứu chi tiết các tấm hình này đã tuyên bố rằng: tuy mới xem qua ai cũng tưởng là hình rất cũ, nhưng khi nghiên cứu kỹ tôi đã tìm thấy một số khuyết điểm. Như trường hợp một em gái bụi đời trong một tấm hình giả mạo có đeo cà rá ở ngón tay. Việc đeo cà rá là một cách chưng diện gần đây mới có, chứ cách đây 140 năm, trẻ con chưa biết đeo cà rá. Một em lại có hai má mập phinh phỉnh, chứng tỏ em không phải là trẻ con bụi đời thứ thật. Ngoài ra, phương pháp dùng ánh sáng cũng tiết lộ cho các nhà chuyên môn biết các tấm hình đó đã được chụp vào thời kỳ nào.
Chúng ta thường nghe những thứ của giả gần giống hệt của thật đã làm cho nhiều người bị lừa gạt. Vàng giả, giấy bạc giả, hột xoàn giả, bằng cấp giả, chức tước giả, rồi bây giờ đến tranh ảnh nghệ thuật giả.
Ngược lại trong đời cũng có bao nhiêu thứ thật đã bị nghi ngờ hay vu cáo là của giả. Người đạo đức khiêm tốn bị vu khống là “ngụy quân tử”, người hi sinh của cải để giúp người khác thì bị đời gán cho cái tôi: lấy tiền hối lộ để mua chuộc cảm tình.
Nhưng có lẽ trong lịch sử nhân loại, thứ bị loài người vu khống là của giả cách kiệt liệt nhất và dai dẳng nhất là cuốn Thánh Kinh.
Đã có những ông vua tàn ác ra lệnh đốt và tận diệt cuốn Thánh Kinh. Đã có bao nhiêu người tự xưng là nhà bác học, học giả lên tiếng chỉ trích Thánh Kinh, không công nhận Thánh Kinh là sách của Thượng Đế, mà là của những nhà văn Do Thái viết ra hay cóp nhặt qua các thời đại.
Họ đặt ra nhiều câu hỏi như câu: Sách Sáng Thế Ký chép về trận đại hồng thủy, tức là cơn lục vĩ đại đã tiêu diệt hầu hết nhân loại, làm gì có chuyện đó! Sách này cũng nói về cái tháp Ba-bên là nơi loài người bị Thượng Đế làm cho lộn xộn tiếng nói rồi tản lạc ra khắp đất, làm gì có tháp Ba-bên! Sách Giô-suê chép về câu chuyện dân Do Thái đi vòng quanh thành Giê-ri-cô bảy ngày, rồi họ chỉ cần la lên thì bức tường kiên cố xung quanh thành đó đổ xuống, làm gì có chuyện đó!
Họ còn có nhiều câu hỏi nữa, nhưng rất tiếc họ đã hỏi quá sớm, vì mấy chục năm gần đây nhiều bộ môn khoa học kể cả khoa khảo cổ học, địa chất học và khoa vật lý học với kỷ thuật dùng phóng xạ và cát-bon để tính số năm, v.v.. đã tìm ra được những bằng chứng không chối cãi được. Khoa địa chất học đã tìm được bằng chứng của trận đại hồng thủy, chẳng những ở vùng Trung đông, mà còn ở khắp các nơi trên thế giới. Người ta cũng đã đào được di tích tháp Ba-bên ở Irak, và dưới những lớp tro tàn bụi cát, các nhà khảo cổ đã đào tìm thấy di tích của bức tường thành Giê-ri-cô và biết được rằng bức tường đó không bị người phá, mà bị một cơn động đất làm cho sập đổ.
Mặc dù bị vu khống là sách giả mạo, Thánh Kinh vẫn vững như núi Thái Sơn, vì Thánh Kinh là Lời hằng sống của Thượng Đế. Thánh Kinh không phải là một sách khoa học, mặc dù Thánh Kinh không đi ngược với khoa học. Quảng 3 ngàn năm trước các nhà thiên văn Copernicus, Galileo và Newton ra đời và tìm ra được sự thật là quả đất chỉ là một quả banh ở trong khoảng không vô tận, và được giữ bằng những sợi dây vô hình gọi là “hấp lực”, thì sách Gióp chương 26 câu 7 đã chép rằng: “Chúa trải bắc cực ra trên vùng trống, treo trái đất trong khoảng không”.
Thánh Kinh là sách của Thượng Đế và tất cả các lời lẽ trong Thánh Kinh đều được hướng về Đức Chúa Giê-xu, theo lời Ngài phán rằng: “Cả Thánh Kinh đều làm chứng về Ta” Thánh Kinh nói về Đức Chúa Giê-xu, bắt đầu bằng những lời tiên tri về việc Chúa nhập thể làm người, về kế hoạch cứu rỗi nhân loại qua cái chết của Chúa Giê-xu khi Ngài chịu treo thân trên thập giá. Mục đích chính của Thánh Kinh là chỉ cho nhân loại con đường sống, và con đường ấy chính là Đức Chúa Giê-xu.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.