Điện Thoại Phúc Âm: Cứu Cánh Và Phương Tiện
Cứu Cánh Và Phương Tiện
Từ năm 1973, Tây Đức có treo một giải thưởng dành cho các nhà bác học nghiên cứu về gan, và các chứng bệnh gan. Nhưng vào đầu năm 1984, bác sĩ Howard Spiro, thuộc phân khoa Y-khoa, Việc Đại Học Yale, đã cho điều tra và biết rằng giải thưởng ấy mang tên bác sĩ Hans Eppinger, là một nhà bác học Đức có liên hệ đến việc tàn sát nhiều tù binh Đồng Minh ở trại tập trung Dachau vào thế chiến thứ hai. Bác sĩ Eppinger là một chuyên viên về các chứng bệnh tim và gan. Nhưng bác sĩ này cũng tham dự vào việc tìm một phương pháp mới, dùng chất hóa học berkalite để biến nước biển thành nước ngọt. Trong khi thí nghiệm, bác sĩ Eppinger đã bắt buộc nhiều người Do-thái và tù binh Đồng Minh uống nước có pha chất hóa học này, và làm cho họ phải thiệt mạng.
Sau khi có đủ bằng cớ, bác sĩ Howard Spiro đã lên tiếng phản đối với các nhà hữu trách Tây Đức, và giải thưởng mang tên bác sĩ Hans Eppinger đã bị bãi bỏ vào trung tuần tháng 11 năm 1984.
Nghiên cứu cách biến nước biển thành nước ngọt là một cố gắng rất đáng khuyến khích, vì trên thế giới có nhiều chỗ thiếu nước ngọt để uống và để trồng trọt. Tuy nhiên, không phải vì cố gắng thực hiện một mục đích tốt mà người ta có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào, kể cả phương tiện tàn ác, hại người được đâu. Bác sĩ Eppinger đã áp dụng một nguyên tắc hiện đang thông dụng, đó là nguyên tắc “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện,” tiếng Anh nói là “the end justifies the means.”
Khi áp dụng nguyên tắc này, người ta lập luận rằng: vì họ có một cứu cánh hay một mục đích tốt, họ có thể áp dụng những phương pháp bất chính, hay thiếu ngay thẳng, miễn là đạt được mục đích họ cho là cao đẹp.
Ở đây chúng ta không bàn đến chủ trương của một số chính trị gia nói rằng họ phải hy sinh một ngàn người để cứu một vạn người, phải hy sinh một thế hệ để mưu cầu hạnh phúc cho hàng trăm thế hệ về sau; hay hành động của những người chỉ biết có tiền, đã dùng thủ đoạn để tiêu diệt những người có thể cản trở họ thu lợi cho nhanh, cho nhiều. Chúng ta chỉ bàn đến cuộc sống hằng ngày của người muốn sống cách nhơn đức, muốn thực hành những Chúa dạy trong Thánh Kinh.
Khi còn ở Việt Nam, chúng tôi có một ông bạn quyết định mở một cơ sở làm ăn không được trong sạch, đúng theo đường lối của Phúc Âm. Sau khi lấy tình bạn bè khuyên lơn, chúng tôi được nghe người bạn cho biết: “Có nhiều việc cần phải làm, như việc truyền bá Phúc Âm, nhưng không đủ tiền. Cơ sở làm ăn này được thiết lập với mục đích kiếm tiền để làm các việc hữu ích đó.” Chúng tôi biết ngay lời ấy chỉ là một lời ngụy biện, vì Thượng Đế Thánh Thiện Công Minh không thể nào chấp nhận các phương tiện dơ bẩn. Cuối cùng ông bạn của chúng tôi đã thất bại.
Rất có thể có người áp dụng nguyên tắc “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà thành công, nhưng cái thành công của họ chỉ là thành công vật chất, vì khi họ thu được nhiều tiền của, họ sẽ mất Thượng Đế, mất lòng bình an, mất mối tương giao thân mật giữa người tin Chúa với Chúa, như tình cha con thân mật đậm đà.
Có một số đồng bào tị nạn đã ngạc nhiên khi thấy người tin Chúa không chịu nói dối, khai dối để giúp họ nhận thêm tiền cứu tế, trợ cấp, v.v. Họ nói với người tin Chúa rằng: anh chị cứ khai giúp chúng tôi. Anh chị có mất mát gì đâu, và có ai biết đâu. Nhưng người trung tín với Chúa thường trả lời: chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ đồng bào, nhưng chúng tôi không thể nói hay làm điều gì không ngay thẳng, vì Thượng Đế biết. Thượng Đế Toàn Tri biết tất cả, vì Kinh Thánh dạy rằng: “Chúa biết người thuộc về Ngài, và ai kêu cầu danh Chúa đều phải xa lánh điều gian ác.”
Thượng Đế biết ai thuộc về Ngài, ai trung tín với lời Ngài dạy dỗ mà xa lánh tất cả những điều gian ác, những phương tiện thiếu tiêu chuẩn thánh thiện. Ai nhất quyết kính sợ Thượng Đế thì không áp dụng nguyên tắc “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện” của người đời.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.