Điện Thoại Phúc Âm: Đời Là Thế

Đời Là Thế
Anh Little được đưa vào bệnh viện Barnes là một bệnh viện tư ở St. Louis vì trong lúc cãi lộn với bạn bè, anh đã bị một người lấy dao đâm vào lưng, và con dao nằm dính sát xương sống. Bệnh viện này đem anh Little chiếu điện và thực hiện một vài trắc nghiệm khác, nhưng khi nghe thân nhân của anh nói rằng anh không có bảo hiểm và gia đình không có tiền trả bác sĩ giải phẫu, thì bác sĩ từ chối không chịu mổ để lấy con dao ra. Khi đó anh Little cảm thấy chân trái bắt đầu tê liệt, không còn cảm giác gì nữa, và người ta phải đưa anh qua bệnh viện đô thành cấp cứu. Nhân viên bệnh viện Barnes viện lý do rằng: bệnh viện đô thành mới có trách nhiệm lo cho những trường hợp như trường hợp anh Little. Nhưng bác sĩ Wettack của bệnh viện đô thành đã cho biết rằng để con dao trong lưng anh Little là điều rất nguy hiểm, nhất là trong lúc chuyên chở anh từ bệnh viện Barnes đến bệnh viện đô thành, vì lưỡi dao có thể đâm vào sâu hơn và có thể nguy đến tính mạng.
Người ta đem việc này trình với vị bác sĩ trưởng ngành y tế của thành phố St. Louis thì bác sĩ cho biết rằng: việc bệnh viện Barnes không giải phẩu cho anh Little là “một sự kiện đã được chấp nhận.” Bác sĩ này dùng chữ “một sự kiện đã được chấp nhận” là một lối nói rất thông thường của người Mỹ, tương tự như câu “c’est la vie” của người Pháp mà người Anh-Mỹ mượn dùng luôn không cần dịch ra, còn người Việt dịch là “đời là thế.” Người ta dùng hai câu “sự kiện đã được chấp nhận,” hay “đời là thế” khi đứng trước một việc không thỏa đáng, không đủ tiêu chuẩn luân lý hay không được lịch sự cho lắm nhưng người ta buộc phải chấp nhận. Ví dụ, khi nghe chuyện vợ chồng bỏ nhau hay nghe có một người tai to mặt lớn nào đó bị bắt quả tang vì đã phạm một tội đáng xấu hổ, thì người ta thường nhún vai nói “đời là thế.” Lại có nhiều bậc cha mẹ Việt-Nam than thở con cái ở đây không chịu vâng lời cha mẹ, và kết luận “cái xã hội này nó là thế.”
Trong khi xã hội phải chấp nhận những sự kiện thiếu nhân đạo, thiếu tiêu chuẩn luân lý, như trường hợp anh Little bị mời ra khỏi bệnh viện tư vì không có bảo hiểm thì chúng ta có nên làm ngơ, mặc nhiên chấp nhận những điều đó, hay chúng ta nên theo gương một số người khác lợi dụng cơ hội, dùng câu “đời là thế” như là một lý do đúng đắn, không đủ tiêu chuẩn lương thiện để thu lợi cho mình?
Đã có bao nhiêu người mang danh là môn đệ của Đức Chúa Giê-xu cũng đã đi con đường ấy, đã làm những việc không ngay thẳng, đã sống cuộc đời thiếu tiêu chuẩn đạo đức mà vẫn tự bào chữa rằng đấy là “sự kiện được chấp nhận,” hay “đời là thế.”
“Người đời có thể giống đời,” tức là nếu “đời là thế, thì người đời cũng thế,” nhưng bất cứ người nào thực sự tin theo Đức Chúa Giê-xu không thể chấp nhận lối sống như vậy được. Hay nói cách khác, nếu người này tự cho minh là môn đệ của Đức Chúa Giê-xu mà sống theo tiêu chuẩn “đời là thế,” thì chắc chắn người đó chỉ là những ki-tô-hữu giả hiệu, cơ đốc nhân hữu danh vô thực, những người mang danh Chúa chỉ để làm xấu hổ danh Chúa.
Chúng tôi nhắc lại câu chuyên của anh Little trước hết để so sánh tiêu chuẩn của người, tiêu chuẩn “đời là thế” với tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa đặt vào lòng vào trí con cái thật của Ngài, như lời Đức Chúa Giê-xu phán rằng: “Các con phải trở nên trọn vẹn như Cha các con ở trên trời là trọn vẹn.”
Chúng tôi nhắc đến câu chuyện anh Little để chúng ta nhận thấy rằng người ta đã sai khi gọi xã hội này là xã hội Cơ-Đốc, và tên các bệnh viện – như ông thánh này, bà thánh nọ – không đủ để biến nhân viên bệnh viện thành ra những người tốt. Con cái thực của Chúa ở đâu cũng có, và ở xứ này chúng ta đã gặp khá nhiều người xứng đáng gọi là môn đệ Đức Chúa Giê-xu. Nhưng một khi xã hội nào còn nhiều người theo tiêu chuẩn “đời là thế” thì xã hội đó chưa có thể gọi là xã hội Cơ-Đốc được.
Giả sử chính chúng ta là đại diện của bệnh viện Barnes, và người ta chở đến trước mặt chúng ta anh Little với con dao đang cắm sâu vào lưng, thì chúng ta nghĩ sao? Nếu chúng ta cho rằng chúng ta là “người văn minh coi trọng sinh mạng con người,” tôi xin đóng khung mấy chữ “người văn minh coi trọng sinh mạng con người” trong ngoặc kép thì chúng ta vẫn chưa đủ tiêu chuẩn của Chúa Cứu Thế, vẫn có thể bị ảnh hướng của tiêu chuẩn “đời là thế,” vẫn có thể bị tiền bạc, đố kị, thù hận, hay màu da chủng tộc làm cho chúng ta mời anh Little ra khỏi cửa. Nhưng nếu chúng ta vừa nhìn nạn nhân Little, vừa nghe tiếng Chúa phán “các con hãy yêu thương lẫn nhau,” thì chắc chắn chúng ta sẽ hành động đúng theo tiêu chuẩn yêu thương của Chúa.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org