Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Huấn Luyện

Điện Thoại Phúc Âm: Huấn Luyện

Điện Thoại Phúc Âm: Huấn Luyện

 

Huấn Luyện

Trong các đại hội thể thao, như Thế Vận Hội Olympic, đại hội thể thao Á-Châu, đại hội thể thao toàn quốc, v.v… môn chạy đua chiếm một địa vị rất quan trọng. Chúng ta gọi chung là “môn chạy đua,” chứ thực sự có nhiều cuộc chạy đua khác nhau, và các cuộc chạy đua này được sắp làm ba loại: loại chạy nước rút, loại chạy với khoảng cách trung bình, và loại chạy đua đường trường. Khoảng cách các cuộc chạy đua nước rút rất ngắn, điển hình nhất là khoảng cách 100 mét, còn các cuộc chạy đua đường trường lại được tổ chức trên những quãng đường rất xa, như cuộc đua 10 cây số, cuộc đua marathon trên 40 cây số.

Theo khoa học thì các lực sĩ được bẩm sinh để chạy nước rút, hay để chạy đường trường là tùy theo các thớ ở bắp thịt chân. Các bắp thịt chân của người ta có hai loại thớ, một loại là “thớ co rút nhanh” và loại kia là “thớ co rút chậm.” Đa số người ta đều có cả hai loại thớ này, với số lượng bằng nhau. Nhưng các lực sĩ chạy đường trường lại có thể có đến 80 phần trăm thớ co rút chậm, còn các lực sĩ chạy nước rút lại có thể có đến 75 phần trăm thớ co rút nhanh. Các thớ co rút nhanh co dãn rất nhanh chóng và tạo ra một năng lượng rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Ngược lại, các thớ co rút chậm co dãn rất thong thả, tạo ra ít năng lượng, nhưng lại cứ tiếp tục co dãn rất lâu.

Theo bác sĩ Saltin người Đan-Mạch, thì một lực sĩ chạy nước rút có thể đuợc huấn luyện để trở thành một lực sĩ chạy đường trường, mặc dù việc huấn luyện này đòi hỏi rất nhiều cố gắng và thời gian. Nhờ huấn luyện đúng cách, các thớ bắp thịt co rút nhanh có thể co rút chậm lại, và cuối cùng biến thành thớ có rút chậm. Nhưng cũng theo bác sĩ này, người ta không thể nào huấn luyện cho các lực sĩ chạy đường trường trở thành lực sĩ chạy nước rút, vì các thớ co rút chậm không thể nào trở thành thớ co rút nhanh, dù cho có huấn luyện đến mấy cũng không thành công.

Chúng ta đều đã biết rằng học tập, hay huấn luyện là điều hết sức quan trọng cho người nào muốn trở thành người hữu dụng cho gia đình và xã hội. Người Á-Đông chúng ta thường so sánh việc học tập với việc mài dũa một viên ngọc quí. Người Trung-Hoa thì nói rằng: “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý,” còn các cụ ta thường nói: “ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi!”

Có người khi nghe Phúc Âm nhấn mạnh chân lý: “được cứu rỗi nhờ đức tin,” đã vội kết luận rằng: như vậy người theo Chúa Giê-xu không cần học tập, huấn luyện Phúc Âm gì cả. Phúc Âm không bao giờ bác bỏ việc học tập, huấn luyện. Mặc dù không một ai có thể nhờ học tập mà có thể tự cứu lấy mình, tự biến mình từ địa vị tội lỗi trở thành địa vị thánh thiện, và mặc dù Phúc Âm luôn luôn nói rằng: Phúc Âm cũng cho ta thấy những gương học tập, huấn luyện hết sức quan trọng. “Ấy là nhờ ân phúc của Đấng Tạo Hóa và do đức tin mà chúng ta được Chúa cứu. Điều đó không do chúng ta, nhưng là một ân phúc, Chúa ban cho nhưng không.”

Trong bức thư gửi cho các môn đệ ở thành Phi-líp, thánh Phao-lô có nói rằng: “Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã học tập cả, dù no hay đói, dù dư hay thiếu cũng được. Tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào cũng thỏa lòng cả.”

Là một người con, do công ơn cha mẹ sinh thành, chúng ta không có thể nói rằng: tôi có quyền kiểm soát việc tôi ra đời, tôi có quyền sinh ra là người Việt hay người Mỹ, tôi có quyền sinh ra là con trai hay con gái. Những cái quyền đó không ai có cả, cũng như quyền sinh chúng ta làm con cái của Đấng Tạo Hóa là quyền của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, chúng ta có quyền ăn những món ăn bổ dưỡng để nuôi thân thể, cũng như có quyền huấn luyện thể thao, tập chạy đua để thân thể chúng ta mạnh khỏe v.v… và trên hết là quyền tự do chọn lựa giữa thiện ác, hay chọn lựa họa phúc đời đời.

Đấng Tạo Hóa có rất nhiều trường huấn luyện con cái Ngài để con cái Ngài khiêm nhường hơn, nhẫn nại hơn, yêu mến người khác hơn, và nhất là càng ngày càng giống Chúa hơn. Đời xưa, Đấng Tạo Hoá muốn dùng Giô-sép để cứu hàng triệu người ở Ai-Cập và vùng Trung-Đông khỏi chết đói, trong số ấy có cả gia đình cha mẹ của Giô-sép. Nhưng Đấng Tạo Hóa không giao cho Giô-sép những trách nhiệm và quyền hạn quan trọng mà không có huấn luyện. Giô-sép đã bị bán đi làm một tên nô lệ, đã trải qua nhiều cơn cám dỗ thử thách, và cuối cùng khi đã qua hết các trường huấn luyện của Đấng Tạo Hóa, thì được Ngài trao cho trọng trách. Thánh Phao-lô cũng đã đi con đường ấy nên đã nói rằng: “Tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào cũng thỏa lòng cả.”

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top