Điện Thoại Phúc Âm: Nếu Chúa Giê-xu Không Sống Lại – Phần 1
Nếu Chúa Giê-xu Không Sống Lại – Phần 1
Hàng năm, thế giới kỷ niệm ngày giáng sinh và ngày sống lại của Chúa Cứu Thế. Lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh được tính theo dương lịch nên chúng ta thấy ngày đó không thay đổi, vì cứ đến ngày 25 tháng 12 dương lịch là các công tư sở đều đóng cửa để tưởng niệm ngày Thượng Đế nhập thể làm người.
Lễ kỷ niệm Chúa sống lại, ta gọi là Lễ Phục Sinh, lại tính theo lịch Do-thái nên có thể xê dịch, nhưng năm nào lễ ấy cũng nhằm vào một ngày Chúa nhựt. Thực ra, khi nói đến công cuộc cứu rỗi Chúa Cứu Thế Giê-xu thực hiện, chúng ta phải kể tất cả bốn biến động quan trọng, hay bốn cột trụ của Phúc Âm, đấy là việc Chúa Cứu Thế là Thượng Đế Ngôi Hai nhập thế, Chúa xả thân trên thập tự giá, Chúa sống lại, và Chúa sẽ trở lại trần gian lần thứ hai. Chúa nhập thể được kỷ niệm vào lễ Giáng Sinh, Chúa sống lại được kỷ niệm vào lễ Phục Sinh, Chúa chịu chết cũng được nhiều người tưởng niệm vào ngày thứ sáu, trước Chúa nhựt Phục Sinh, còn việc Chúa trở lại trần gian là việc xảy ra trong tương lai.
Việc Chúa giáng sinh đã được ghi trong lịch sử nhân loại, việc Chúa chịu chết trên thập tự giá cũng đã được ghi nhận và được hàng ngàn vạn người chứng kiến trong số đó có các nhà chức trách dân sự và quân sự La-mã, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái, dân chúng thủ đô Giê-ru-sa-lem và nhiều người đã từ các quốc gia quanh vùng Địa-trung-hải về đây để dự lễ Vượt Qua.
Nhưng sau khi Chúa Cứu Thế được chôn cất trong mồ mã ba ngày rồi sống lại, các nhà lãnh đạo Do-thái họp mật nghị rồi đem tiền hối lộ mấy người lính đã canh gác mộ Chúa và căn dặn họ rằng: “Các anh cứ phao tin rằng giữa đêm khi các anh đang ngủ, môn đệ đã lén vào lấy trộm xác Giê-xu. Nếu nội vụ, tới tai ông tổng trấn, chúng tôi sẽ tìm cách giải thích để các anh khỏi bị liên lụy.” Mấy người lính nhận tiền và làm theo chỉ thị. Tiếng đồn đãi đó vẫn còn nghe giữa vòng dân Do-thái đến ngày nay. Vì có việc phao tin giả dối đó, nên chúng ta thử đặt câu hỏi: Nếu Chúa Cứu-Thế không sống lại thì sao?
Trước hết chúng ta áp dụng câu hỏi này vào các môn đệ đã theo Chúa trong ba năm trời, họ đã bỏ Chúa vào giờ phút Chúa bị bắt, cũng có người đã sợ hãi mà chối Chúa khi nghe mấy người nữ nô tì tố cáo.
Cả bốn sách Phúc Âm, nhất là Phúc Âm Mác đã nhắc đi nhắc lại lời Chúa phán cả năm, trước khi chịu khổ hình rằng: “lên đến Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ bị phản bội, bị bắt nộp cho các thầy trưởng tế và dạy luật, họ sẽ lên án xử tử Ta, rồi giao nộp Ta cho người La-mã. Người La-mã sẽ chế diễu, phỉ nhổ, đánh đập và giết Ta, nhưng ba ngày sau, Ta sẽ sống lại.” Nhưng cứ mỗi lần Chúa báo trước về sự chết và sự sống lại của Ngài, các môn đệ Chúa đều bỏ ra ngoài tai, vì chẳng những họ không hiểu nổi mà cũng không chịu tin và không chịu xin Chúa giải thích.
Vì có thái độ đó, nên khi quân lính đem gươm giáo đến bắt Chúa vào giữa đêm khuya tại cảnh vườn Ghết-sê-ma-nê, họ đã thất đảm kinh hồn, bỏ chạy tán loạn. Những người yếu đuối nhát gan như vậy không thể nào có đủ can đảm đụng vào ấn tín của thống đốc La-mã đóng trước cửa mộ, vì luật La-mã sẽ xử tử hình người nào liều lĩnh, đụng đến ấn tín đó.
Các môn đệ Chúa không bao giờ dám bạo gan đi trộm xác Chúa, nhưng sau khi Chúa sống lại, họ lại trở thành những người can đảm nói cho mọi người, kể cả những người đã bắt giết Chúa rằng: “Chúa Cứu-Thế thật đã sống lại. Chính mắt chúng tôi đã thấy Ngài, tai chúng tôi đã nghe Ngài, tay chúng tôi đã sờ đến thân thể Ngài. Tử thần không thể nào cầm giữ Ngài, vì Ngài đã đánh bại tử thần và sống lại cách vinh hiển.”
Nếu Chúa Cứu-Thế Giê-xu đã không sống lại, sự rao giảng Phúc Âm của Chúa đã bị chìm vào quên lãng, chứ không thể nào là “Phúc Âm thể hiện quyền năng của Thượng Đế để cứu rỗi mọi người tin nhận” như lời Thánh Kinh quả quyết được.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.