Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Nguyễn Du Và Chúa Jesus

Điện Thoại Phúc Âm: Nguyễn Du Và Chúa Jesus

Nguyễn Du Và Chúa Jesus

Truyện Kiều là một tác phẩm văn chương được gọi là sự kết hợp chặc chẽ giữa thể thơ và tiểu thuyết trong thể loại truyện thơ, vừa có tính cách bác học vừa có tính cách dân gian.  Với truyện Kiều, ngôn ngữ Việt-Nam đã được cô đọng đến mức phong phú chính xác, đẹp tuyệt vời, mang những xúc cảm tế nhị nhất làm rung động lòng người Việt-Nam.  Mời bạn nghe chúng tôi trích đọc vài lời giới thiệu của nhà văn Hà Huy Giáp nói về tác giả truyện Kiều để bạn có dịp nhớ lại nhà văn lớn của chúng ta.

Khi Nguyễn Du nằm xuống trên giường bệnh, căn bệnh sầu não của một người bất đắc chí, Nguyễn Du không chịu uống thuốc, và trước giờ nhắm mắt ông bảo người nhà sờ tay chân.  Khi người nhà bảo tay chân đã lạnh, Nguyễn Du chỉ nói “Được” và chết, không trối lại một câu.  Chữ “Được”của Nguyễn Du mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.  Nó nói lên điều Nguyễn Du mong ước đã thành sự thật, đó là chết cho thoát khỏi cảnh đời đầy đọa đau khổ.  Một chữ “Được” ngắn ngủi nhưng cho ta thấy Nguyễn Du đã thốt ra như một lời tự nhủ, đồng thời cũng nói cho người thân thích biết điều ẩn ức trong tâm hồn mình.  Nguyễn Du chết rất trẻ, chỉ có 55 tuổi, nhưng cuộc đời mười mấy năm gió bụi đã làm ông chán ngán như một người lão đại, ông không muốn nhìn thấy cuộc đời nữa.  Ông muốn cho thân thích biết rằng sở dĩ ông từ chối uống thuốc là chỉ mong sao được đến chỗ chết càng sớm càng tốt cho khỏi phiền lụy người khác.

Sự nghiệp Nguyễn Du để lại cho hậu thế chỉ là truyện Kiều, ngoài ra có thể nói cuộc đời ông tận cùng bằng một chữ “Được.”  Được chết, được thoát khỏi cuộc đời.  Ngày xưa khi Chúa Giê-xu bị treo lên thập tự giá cũng đã nói “mọi việc được trọn” trước khi Ngài chết.  Hay nói ngắn hơn, Chúa chỉ nói “Xong.”  Nguyễn Du nói “Được” trước khi chết. Chúa Giê-xu nói “Xong” trước khi chết.  Hai câu nói, hai cuộc đời.  Một cuộc đời sinh ra, sống vất vả và chết tức tưởi–dù là cái chết bình thản của một người bệnh.  Chúa Giê-xu, một cuộc đời sinh ra nghèo khổ, từ lúc sinh đến lúc chết đã gây bao nhiêu sóng gió cho xã hội, nhân loại, khi chết, bị đóng đinh trên thập tự giá và chết trong thỏa mãn.  Cái thỏa mãn của lòng hy sinh, của nhiệm vụ cứu chuộc cả nhân loại khỏi tội ác.

Nguyễn Du là thi hào của dân tộc chúng ta, Chúa Giê-xu là vị Cứu Tinh của cả nhân loại. Nhà thi sĩ có thể chết theo kiểu lãng mạn hay chán đời.  Nhà Cách Mạng chết mà biết được rằng cái chết của mình đem lại giải phóng cho nhân loại, cho xã hội. 

Truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ trích cuộc đời bất công, một lời than thở cho thân thế và sự nghiệp của mình.  Chúa Giê-xu để lại cho nhân loại một con đường giải phóng ra khỏi bất công, và mọi thói hư tật xấu của xã hội.  Con đường ấy là con đường trở về với Thiên Chúa.  Cái chết của Nguyễn Du là một chấm than to lớn cho nền văn học Việt Nam, nhưng cuộc đời hy sinh của Chúa Cứu Thế là con đường mới đưa nhân loại đến với Thiên Chúa, con đường của hy vọng, và hạnh phúc vĩnh cửu.  Người ta khóc Nguyễn Du, nhưng không ai khóc Chúa Cứu Thế, vì cái chết của Chúa không đượm màu tuyệt vọng.  Chúng ta còn phải biết rằng Chúa đã thắng tử thần và Ngài đang sống để đưa dắt mọi người đi trên con đường niềm tin, hy vọng và thương yêu của Ngài.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top