Điện Thoại Phúc Âm: Nợ Và Tội
Nợ Và Tội
Đồng bào Việt-nam ta ở Mỹ ít lâu đã quen với cái lối sống nợ nần lút đầu của người Mỹ. Mua nhà nợ 30 năm, mua xe hơi nợ từ 3 đến 4 năm, mua hàng trả góp bằng “credit card” có thể trả hàng tháng hay trả dài dài.
Cái ngạc nhiên của một số đồng bào khi lần đầu tiên làm đơn vay tiền mua nhà, hay mua xe, là việc hiểu lầm chữ “credit” của người Mỹ. Khi điền đơn đến mục “credit,” nhiều người bị lúng túng, không biết nên ghi thế nào, và hỏi nhân viên ngân hàng nhờ giúp đỡ thì được trả lời: “Ông hay bà có món nợ nào không? Nếu có thì ghi vào đây tên chủ nợ, tổng số nợ và số chương mục.” Khi nghe hỏi: “Ông có nợ không?” thì hầu hết đều hãnh diện trả lời: “Không! tôi không nợ ai cả!”
Sau câu trả lời vừa quả quyết vừa kiêu hãnh đó, người đi vay tiền bị một câu trả lời như gàu nước lạnh xối vào mặt: “Đơn quí vị bị bác.” Đơn vay tiền bị bác vì người xin vay không có nợ. Lý do các ngân hàng Mỹ không chấp nhận đơn xin vay tiền của người không có nợ là vì khi chưa có nợ, ngân hàng không biết người xin vay là ai cả, nên không được ngân hàng tín nhiệm.
Sau khi được giải thích, chúng ta mới miễn cưỡng chấp nhận cái lý do của ngân hàng là khi một người chưa có nợ, ngân hàng không biết người đó là ai, vì không có hồ sơ lý lịch để điều tra. Người đã có nợ và đã trả xong nợ, hay đang trả đều đều, là người sòng phẳng và được ngân hàng tín nhiệm.
Người Việt-nam ta thường có quan niệm “nhất tội, nhì nợ,” trong khi ở Mỹ, người ta quan niệm: phải có món nợ thứ nhứt, mới có thể vay món nợ thứ nhì. Trên thực tế, khi đã có món nợ thứ nhứt, thì chẳng những món nợ thứ nhì, mà món nợ thứ ba, thứ tư cũng đến rất nhanh, đến một cách đáng sợ!
Đối với tội lỗi, chúng ta càng phải sợ hơn nữa, vì tội luôn luôn dẫn đến tội, cũng như tội nhỏ thường dẫn đến tội lớn, như tục ngữ của Pháp có nói rằng: “ai ăn cắp một cái trứng, sẽ ăn trộm một con bò.”
Ở Mỹ, trong khi hầu hết mọi người đều có nợ, như nợ mua nhà, mua xe hơi, dùng credit card, v.v… vẫn có một số người cố gắng đi ngược trào lưu và giữ để khỏi bị vướng vào nợ. Nhưng tội lỗi là một thứ nợ ở trong xương tủy, ở tận trong đáy lòng con người, nên không một ai tránh thoát tội cả. Một giáo chủ kiêm triết gia rất nổi danh của Á-Đông ta có nói rằng: “Ngộ vị kiến thiện nhơn,” tức là tôi không thấy có ai thánh thiện cả. Thánh Kinh còn nói một cách mạnh mẽ hơn nữa là: “Chẳng một ai thánh thiện cả dù một người cũng không! Vì mọi người đều có tội, và thiếu hụt tiêu chuẩn thánh thiện của Đấng Tạo Hóa.”
Người Á-Đông ta ai cũng quan niệm: không ai là không có tội với Trời. Từ cái quan niệm đó, chúng ta cần phải tiến thêm một bước nữa, là bước xưng nhận tội mình với Trời, theo lời Thánh Kinh rằng: “Nếu chúng ta xưng nhận tội mình với Đấng Tạo Hóa, thì Ngài là Đấng Thành-Tín Công-Minh sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta, và tẩy chúng ta sạch hết mọi gian ác.”
Thánh Kinh nói rất rõ ràng khi đã nhận biết tội, chúng ta phải xưng tội với Đấng Tạo-Hóa, chứ không xưng với ai cả, vì chỉ Đấng Tạo Hóa biết lòng chúng ta, và chỉ Ngài mới có quyền tha thứ tội lỗi chúng ta.
Đấng Tạo Hóa muốn nghe một lời thành thật thốt ra từ đáy lòng quí vị: Lạy Chúa, con có tội với Chúa, xin Chúa tha thứ cho con, như lời Ngài đã hứa.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org