Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Quay Lại Và Nhìn Xem

Điện Thoại Phúc Âm: Quay Lại Và Nhìn Xem

Quay Lại Và Nhìn Xem

Trước nay đã có nhiều bức tranh giả mạo được vẽ giống hệt các bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng để đánh lừa các viện bảo tàng và các nhà sưu tầm nghệ thuật.

Nhưng có lẽ chưa có trường hợp giả mạo nào đã làm chấn động thế giới nghệ thuật cho bằng các bức tranh giả của một người Hòa Lan tên là Van Meegeren. Mấy năm trước thế chiến thứ hai, Van Meegeren đem chưng bày một bức tranh và bảo đó là tranh của Vermeer, là một danh họa Hòa Lan đã sống vào thế kỷ thứ 17. Khi vừa thấy bức tranh này, một số nhà phê bình nghệ thuật Âu Châu, nổi tiếng nhất là nhà phê bình Abraham Bredius đã không ngớt tiếng khen ngợi và nói rằng: đây chắc chắn là bức tranh tuyệt tác của Johannes Vermeer!

Khi quân đội Đức Quốc Xã chiếm đóng Hoà Lan trong thời kỳ thế chiến thứ hai, thống chế Herman Göring là tư lệnh không quân Đức đã bỏ rất nhiều tiền để mua tranh Vermer giả, mà ông cứ đinh ninh là tranh thật. Đến khi quân đội Đức đầu hàng, chính phủ Hòa Lan đem Van Meegeren ra tòa xử về tội phản quốc, vì đã đem các bức tranh Vermeer mà chính phủ Hoà Lan gọi là “kho tàng quý giá của quốc gia” đem ra bán cho quân thù. Theo cáo trạng, Van Meegeren có thể bị lên án tử hình. Lúc tòa xử các chuyên gia phê bình nghệ thuật, trong số đó có nhà phê bình Abraham Bredius đã ra tòa làm nhân chứng, và quả quyết khai rằng: tranh đã đem bán cho thống chế Hermann  Göring đều là tranh thật của Vermeer. Cuối cùng Van Meegeren phải đưa ra đầy đủ bằng chứng và phải khai rõ tất cả những kĩ thuật bí mật ông đã dùng để tạo ra những bức tranh Vermeer giả, lúc đó tòa án mới không buộc cho ông tội phản quốc, nhưng vẫn lên án ông một năm tù ở về tội giả mạo nghệ thuật.

Các bức tranh Vermeer giả mà Van Meegeren đã vẽ, thoáng nhìn đều rất giống tranh Vermeer thật, nhưng có một chi tiết mà ai chịu khó quan sát đều có thể thấy được là những nhân vật trên các bức tranh giả đều như xác không hồn, tức là thiếu những nét linh hoạt của tranh Vermeer thật. Có người cho rằng rất có thể nhà phê bình nghệ thuật nổi danh là Abraham Bredius cũng đã thấy rõ chi tiết đó, nhưng vì ông ta đã lỡ chấp nhận bức tranh giả đầu tiên là tranh thật, nên ông không muốn mất thể diện và cứ tiếp tục quả quyết mấy bức tranh giả Van Meegeren đã bán cho thống chế Hermann Göring là tranh thật của họa sĩ Vermeer.

Sau khi chịu khó nghiên cứu Thánh Kinh là lời hằng sống của Thượng Đế, nhiều người đã thấy rõ con đường cứu rỗi, biết Chúa Cứu Thế Giê-xu là Thượng Đế, là Trời trong thể xác của con người, là Trời đã nhập thể làm người để cứu rỗi nhân loại, nhưng họ vẫn chưa chịu tin nhận Chúa Cứu Thế.

Đây không phải là vấn đề thể diện như trường hợp của nhà phê bình nghệ thuật Abraham Bredius, một khi đã lỡ chấp nhận tranh của Van Meegeren là tranh thật của Vermeer thì khó đổi ý kiến, nhưng các vị này thường nói: tôi đã lỡ chọn một con đường, nay không đành bỏ con đường tôi đã theo từ bao nhiêu năm nay.

Chúng tôi rất kính trọng quyền tự do lựa chọn của mọi người, là thứ quyền thiêng liêng và quý giá nhất của Thượng Đế ban cho con người, nhưng chúng tôi cũng xin nhắc lại lời của chính Thượng Đế đã phán rằng: “Hỡi hết cả nhân loại ở khắp trên mặt đất, hãy nhìn xem Ta để được cứu rỗi, vì Ta là Đấng Tạo Hóa, chẳng có Cứu Chúa nào khác.”

Với câu này, Thượng Đế nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ một mình Ngài là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên vũ trụ, muôn loài vạn vật, và tất cả mọi người đã sinh ra trên trần gian này; ngoài Thượng Đế ra, vũ trụ không có Đấng Tạo Hóa nào khác. 

Thượng Đế kêu gọi chúng ta nhìn xem. Động từ này vừa có nghĩa là: quay đầu lại, và có nghĩa là ngắm nhìn, chiêm ngưỡng. Thượng Đế kêu gọi tất cả mọi người dù ở phương trời nào, dù đang ngắm nhìn vào ai, hay vào vị giáo chủ nào, cũng cần quay đầu lại để ngắm nhìn chính Đấng Tạo Hóa, chiêm ngưỡng công cuộc cứu rỗi Thượng Đế Ngôi Hai đã thực hiện qua cái chết của Ngài, vì đó là con đường cứu rỗi duy nhất cho toàn thể nhân loại.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top