Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Thiên Vị

Điện Thoại Phúc Âm: Thiên Vị

Thiên Vị

Jack Abbott mới 37 tuổi mà đã ở tù hết 25 năm. Nhưng nhờ có tài viết văn, Abbott đã cho xuất bản một tuyển tập những bức thư anh viết ra, và nhờ đó đã nổi tiếng. Nhà văn Norman Mailer cùng một số người có thế lực khác nhận biết tài của Abbott liền đứng ra vận động cho Abbott được hưởng án treo. Nhưng chỉ ít lâu, sau khi được thả ra, anh ta cải vã dữ dội với một thanh niên trong một hiệu ăn ở thành phố Nữu-ước. Sau đó người ta thấy thanh niên này bị chết vì nhiều lát dao đâm, còn Abbott thì biến mất dạng. Hai tháng sau cảnh sát theo dõi và bắt được Abbott đang sống lẫn lút ở tiểu bang Louisiana, khi anh đang làm lao công ở một giếng dầu hỏa.

Câu chuyện thật đáng buồn, một người mới 37 tuổi mà đã ở tù hết 25 năm, và rồi sẽ ở tù không biết bao nhiêu lâu nữa về tội sát nhân. Nhưng câu chuyện này có hai điểm đáng cho chúng ta lưu ý. Điểm thứ nhất là: nhà tù, dù đã có lần được gọi là “cải hối thất,” hay “trại cải tạo” cũng không làm cho ai cải hối, hay có thể biến đổi cho con người trở thành tốt hơn. Điểm thứ hai là: con người lúc nào cũng thiên vị.  Anh Jack Abbott được đổi án, từ án cấm cố đã trở thành án tù treo là nhờ có những người có thế lực như nhà văn Norman Mailer can thiệp. Trong khi đó có hàng vạn người tù khác, có lẽ tội còn nhẹ hơn tội anh Abbott mà vẫn cứ bị giam giữ vì không có ai can thiệp giùm.

Điểm thứ nhất tức là: nhà tù chỉ có thể làm cho con người xấu hơn, chứ không cải tạo được ai cả, và những biện pháp trừng trị khắc khe đã không làm cho tấm lòng con người trở thành tốt hơn. Điểm này đã được chứng minh nhiều lần, chúng ta không cần lập lại nữa. Điểm thứ hai là: tính thiên vị của con người. Người ta thường thiên vị. Trong gia đình, cha mẹ có con cưng, con ghét. Thời xưa, khi trai còn năm thê bảy thiếp, thì có cảnh nuông chiều và cảnh hất hủi lạnh lùng. Ở trường học cũng có trò yêu, trò ghét. Các tổ chức công, tư, quân đội, hay bất cứ tổ chức nào, hoạt động xã hội nào cũng có cảnh thiên vị, có khi bộc lộ rõ rệt, có khi ngấm ngầm nhưng ai cũng thấy rằng cảnh thiên vị đang có ở đấy.

Với bản tính đó, người ta không thể nào chấp nhận lời Chúa dạy rằng: “Chớ hề dối mình, Thượng Đế không chịu khinh dễ đâu, vì hễ ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” Vì quá quen thuộc với cảnh thiên vị của người đời, nên người ta cũng tưởng rằng Thượng Đế cũng thiên vị, cũng có con cưng, con ghét, và do đó người nào cũng nghĩ rằng: nếu Thượng Đế có phạt thì phạt ai chứ không bao giờ phạt tôi.

Nhưng theo lời Chúa thì ai nghĩ như vậy tức là tự lừa dối, và phạm tội khinh rẻ Đấng Tạo Hóa. Ngay trong đời này, người nào vu khống một vị quan tòa thanh liêm là tham nhũng, thì có thể bị truy tố về tội mạ lỵ. Như vậy làm sao chúng ta dám khinh dễ Đấng Tạo Hóa, mà cho rằng Ngài cũng lệch lạc thiên vị như loài người?

“Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” Người ta cũng đã biết như vậy, khi nói rằng ai gieo gió thì gặt bão, nhưng biết thì biết, người ta vẫn coi thường điều mình gieo ra. Gieo trong tâm trí một tư tưởng tàn ác, gieo ra một lời nói giả dối, gieo ra một hành động bất chính, sẽ gặt lấy cái chết đời đời, vì tư tưởng tà ác, lời nói giả dối hay hành động bất chính đều là tội lỗi, và Kinh Thánh đã tuyên bố rằng: “Công giá của tội lỗi là sự chết. Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” Ai gieo ra tội lỗi phải gặt lấy công giá của tội lỗi là sự chết đời đời trong hỏa ngục, chứ đừng nói rằng: tôi gieo ra tư tưởng lời nói và hành động bất thiện, nhưng có những vị có thế lực sẽ can thiệp giúp cho tôi. Thượng Đế không chịu khinh dễ đâu, vì Thượng Đế không phải là loài người mà thiên vị, không phải như những vị quan tòa đã nể nang nhà văn Norman Mailer mà cho Jack Abbott hưởng án treo. Nhưng câu “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” không phải chỉ là một lời cảnh cáo nghiêm khắc, mà còn là một lời hứa bảo đảm sự sống đời đời cho ai tiếp nhận Đức Chúa Giê-xu. Câu ấy là lời cảnh cáo nghiêm khắc cho ai gieo ra tội lỗi, Nhưng đối với người gieo trong đức tin, thì câu ấy bảo đảm sự cứu rỗi đời đời, theo lời Chúa hứa rằng: “Ai tin Con Thượng Đế thì được sự sống đời đời.”

Người gieo trong đức tin, tức là người đem hết lòng tin đặt vào Chúa, vào công cuộc cứu rỗi Đức Chúa Giê-xu đã thực hiện trên thập giá, vì “Đức Chúa Giê-xu đã đến trong thế gian để cứu rỗi những người có tội. Ấy là lời chắc chắn, đã đem lòng tin mà nhận lấy.” Tất cả nhân loại, trong số đó có quý vị và chúng tôi, đã gieo ra tội lỗi và đã phải gặt lấy cái chết đời đời. Nhưng Đức Chúa Giê-xu đã đến trong trần gian, đã chịu chết vì người đã gieo ra tội lỗi, để chúng ta có con đường ăn năn, quay về với Thượng Đế.

Kính mời quý vị gieo đức tin vào Con Thượng Đế, là Đức Chúa Giê-xu, là Đấng đã gánh vác tội lỗi của chúng ta mà chịu chết. Một khi đã gieo hết đức tin vào con Thượng Đế, quý vị chắc chắn sẽ gặt lấy sự sống đời đời trong thiên đàng hạnh phúc, vì Thượng Đế đã bảo đảm rằng: “Ai tin Con Thượng Đế thì được sự sống đời đời.”

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top