Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Thượng Đế Yêu Thương Và Thánh Khiết

Điện Thoại Phúc Âm: Thượng Đế Yêu Thương Và Thánh Khiết

Thượng Đế Yêu Thương Và Thánh Khiết

Khi chúng tôi gặp đồng bào để trình bày Phúc Âm tức là Tin Mừng của Chúa Cứu Thế, thì chúng tôi nghe được hai ý kiến gần như tương phản nhau.  Ý kiến thứ nhất nói rằng: Thượng Đế là Đấng nhân từ bác ái, chắc Ngài chỉ lấy hình phạt để cảnh cáo, đe dọa người đời cho họ ăn ngay ở lành thôi chứ Thượng Đế không phạt ai hết, và ai cũng sẽ được chấp nhận về Nước Trời cả. Ý kiến thứ nhì là: có nhiều người tội lỗi chồng chất, đã gây họa không biết bao nhiêu cho đồng bào đồng loại, làm sao Thượng Đế có thể tha thứ cho họ được.

Chúng ta thấy hai ý kiến đều có lý cả, lý lẽ rất vững theo cách luận lý của loài người. Nhưng chúng ta quên rằng Thượng Đế hay Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, là Đấng có phán rằng:  Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cao hơn đường lối các người bấy nhiêu, và ý tưởng Ta cũng cao hơn ý tưởng của các ngươi bấy nhiêu.

Thánh Kinh cho ta biết Thượng Đế “Yêu Thương” cũng là Thượng Đế “Thánh Khiết.” Tình thương của Đức Chúa Trời là tình thương tuyệt đối, và Đức Thánh Khiết của Đức Chúa Trời cũng tuyệt đối. Chúa yêu thương loài người nên muốn cho tất cả đều được cứu rỗi, và Chúa là Đấng Thánh Khiết nên phải trừng phạt tội lỗi.  

Để thỏa mãn cả đức tính yêu thương và thánh khiết, Thượng Đế đã có một giải pháp độc nhất, tức là thập tự giá vì thập tự giá là hình phạt theo lời Thánh Kinh chép rằng: “Đáng rủa sả thay cho người bị treo trên cây gỗ.” Khi bị treo trên cây gỗ, Chúa Cứu Thế đã bị rủa sả, đã bị hình phạt.  Chúa Cứu Thế là Đấng vô tội đã gánh hết tội lỗi nhân loại để chịu hình phạt thay thế cho nhân loại.  Như vậy việc Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh trên thánh giá đã thỏa mãn được đức thánh khiết, đồng thời cũng thỏa mãn được đức yêu thương của Thượng Đế, vì Thánh Kinh chép rằng: “Thượng Đế đã bày tỏ tình thương của Ngài đối với chúng ta trong lúc chúng ta còn là người có tội thì Chúa Cứu Thế đã vì chúng ta chịu chết.” Ngôn ngữ của loài người không thể trình bày cho hết ý nghĩa của cây thập tự, nên chúng ta chỉ tạm gọi là: Việc Chúa Cứu Thế xả thân trên cây thập tự là giải pháp duy nhất để quân bình hai đức tính Thương Yêu và Thánh Khiết của Thượng Đế.

Chúng tôi không dám dùng chữ trung dung hay dung hòa, vì trung dung hay dung hòa có thể làm cho ta nghĩ rằng: Thượng Đế phải bớt yêu thương hay bớt thánh khiết để dung hòa cả hai bản tính này.

Thánh Kinh cho ta biết rằng Thượng Đế vẫn yêu thương hoàn toàn, và thánh khiết hoàn toàn.  Tại thập tự giá, Thượng Đế đã hình phạt tội lỗi để có thể yêu thương tha thứ hoàn toàn cho ai thừa nhận ơn cứu rỗi tha thứ của Chúa. Chúng ta được tha thứ không phải vì các lỗi lầm của chúng ta được ém nhẹm đi, hoặc được che đậy lại, nhưng chúng ta được tha thứ là vì tội lỗi của chúng ta đã bị hình phạt trong thân thể Chúa Cứu Thế. Chính Chúa Cứu Thế đã phán rằng: “Ai tin con Thượng Đế thì được sống đời đời, ai không chịu tin con Thượng Đế thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Thượng Đế vẫn ở trên người đó.”

Không một ai có thể tự sức mình đạt được tiêu chuẩn thánh thiện tuyệt đối Thượng Đế đòi hỏi, vì Thánh Kinh xác nhận rằng:  “Không có một ai thánh thiện cả, dù một người cũng không.” Vì vậy Chúa Cứu Thế là Đấng Thánh Thiện Vô Tội, đã tình nguyện lãnh lấy địa vị tội lỗi chúng ta khi Ngài chịu chết trên cây thập tự, để nhường cho chúng ta địa vị thánh thiện trọn vẹn của Ngài.  Khi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Chúa Cứu Thế, chúng ta liền được Thượng Đế tiếp nhận và kể là chúng ta đã đạt được tiêu chuẩn thánh thiện tuyệt đối, vì chúng ta được tiếp nhận trong địa vị của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chúng tôi đã đặt niềm tin vào Chúa Cứu Thế, đã hưởng được sự cứu rỗi, mặc dù chúng tôi cũng đáng bị Thượng Đế hình phạt đời đời như bao nhiêu người khác.  Chúng tôi được cứu rỗi hoàn toàn nhờ ơn khoan hồng tha thứ của Thượng Đế và nhờ huyết của Chúa Cứu Thế tẩy sạch tội lỗi chúng tôi.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top