Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Xưng Ra

Điện Thoại Phúc Âm: Xưng Ra

Điện Thoại Phúc Âm: Xưng Ra

 

Xưng Ra

“Nếu người ta không biết anh đau đớn, anh cứ việc nhăn mặt, rên rỉ và khóc to lên.” Mới nghe lời này, chúng ta cứ tưởng là lời các em nhỏ rũ nhau nhỏng nhẻo, khóc nhè để người lớn để ý, không dè đây là lời bác sĩ Laurel Copp, viện trưởng viện y khoa điều dưỡng của đại học đường North Carolina khuyên các bệnh nhân đang điều trị ở nhà thương. Bác sĩ Copp còn nói rằng: “bác sĩ và y tá chỉ chú ý đến bệnh nhân khi bệnh nhân nhăn nhó, rên rỉ và la khóc.”

Người Việt-Nam chúng ta thường trầm lặng và chịu đựng, có đau cũng cắn răng mà chịu chứ đâu có rên rỉ khóc lóc, coi sao được? Dù vậy, chúng ta cũng có câu “con có khóc, mẹ mới cho bú,” và các nhà phân tâm học cũng thường nói rằng: việc dồn ép các nỗi đau đớn, lo lắng, buồn bã chỉ làm tổn hại cho tinh thần và thể xác, chi bằng cứ bộc lộ ra bằng cách rên rỉ khóc lóc, nó sẽ với đi. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không kính trọng những người gan dạ, cắn răng chịu đau, không than khóc tỉ tê như thường tình nhi nữ. Nhưng ở đây chúng tôi không thể bàn sâu vào các vấn đề thể xác hay tâm lý, mà chỉ tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của động từ bộc lộ ra, tức là xưng ra mà Kinh Thánh thường dùng. 

Kinh Thánh nói đến việc bộc lộ hay “xưng ra” rất nhiều lần, nhưng đặc biệt nhất là trong hai câu sau đây. Câu đầu được chép trong sách Châm Ngôn nói về việc xưng tội như sau: “Người nào che giấu tội mình sẽ không được may mắn, nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót.” Câu thứ hai là lời Đức Chúa Giê-xu phán về việc công khai xưng nhận, hay bày tỏ mình là người theo Chúa. Lời Chúa phán rằng: “Ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ xưng người đó ra trước mặt Cha Ta ở trên trời.” 

Hai câu đều dùng chữ “xưng,” tức là bộc lộ ra, phơi trần ra, có gì thì nói nấy, và câu đầu nói về việc xưng cả lỗi lầm của mình ra với Chúa. Khi dạy chúng ta: “đừng che giấu tội lỗi, nhưng phải xưng ra và lìa bỏ,” Kinh Thánh không nói như các nhà phân tâm học khi các vị này bảo người ta đừng che giấu, đừng dồn ép mà phải bộc lộ ra cho nhẹ cho vơi. Họ chỉ bảo rằng cứ nói ra, cứ thổ lộ ra với ai cũng được, cốt là để cho tâm sự được trút ra là đủ. Nhưng đấy không phải là lời Chúa dạy, vì Chúa phán rằng: nếu chúng ta muốn được Đấng Tạo Hóa thương xót và tha thứ, chúng ta phải xưng tội ra với Chúa, không giấu những tư tưởng không ngay thẳng, những lời nói thiếu thật thà, và những hành động bất thiện. Sau khi xưng ra như vậy, chúng ta cũng còn phải có thái độ dứt khoát là phải lìa bỏ tội lỗi thì chúng ta mới được Đấng Tạo Hóa thương xót và tha thứ. Xưng ra một phần thì chưa phải là xưng, còn chỉ xưng mà không lìa bỏ thì cũng chỉ là một thái độ đùa bỡn, diễu cợt mà thôi. 

Những người thành thật xưng nhận và lià bỏ tội lỗi được hưởng một ân huệ đặc biệt của Đấng Tạo Hóa, vì chẳng những Ngài tha thứ mà Ngài còn làm cho tấm lòng người đó trong trắng, theo lời Kinh Thánh rằng: “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Chúa là Đấng Thành Tín và công minh sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta, và sẽ làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” Như vậy, trong câu “ai xưng tội ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót,” động từ “xưng” phải đi liền với động từ lìa bỏ,” và kết quả là: được thương xót, tha thứ và trong trắng.

Còn trong câu “Ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ, Ta cũng xưng người ấy trước mặt Cha Ta ở trên trời.” Động từ “xưng” được dùng hai lần. Lần đầu, động từ này cho ta thấy là: nếu chúng ta xưng nhận cách công khai chúng ta là người theo Chúa, thì chúng ta sẽ được Đức Chúa Giê-xu đem trình diện với Đấng Tạo Hóa và được chấp nhận làm con cái của Ngài.

Có người hỏi: tôi tin Chúa trong lòng cũng được rồi, cần chi phải xưng nhận Chúa công khai trước mặt thiện hạ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể hỏi lại: “Tại sao tôi không xưng nhận Chúa cách công khai? Có phải tôi mắc cỡ vì theo Chúa, hay tôi sợ bạn bè chê cười không? Nếu chúng ta mắc cỡ hay sợ bạn bè chê cười, chúng ta cũng chẳng khác gì cậu học sinh được ông cha nhà quê cho lên tỉnh học. Khi cha đến trường thăm con, cậu học sinh thấy cha mình lem luốc nên nói với bạn bè: đấy là ông hàng xóm ở dưới làng lên. 

Đức Chúa Giê-xu thực sự đã chịu lem luốc, mình mẩy đầm đìa cả máu, đã chịu người ta khinh dể khi Ngài chịu chết thay thế chúng ta trên cây gỗ hình chữ thập. Nhưng đấy là hình ảnh mà người tin Chúa phải hãnh diện, phải đem rao báo cho người khác biết rằng “Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì gian ác chúng ta mà bị thương.” Bác sĩ Copp khuyên người bịnh bộc lộ đau đớn bằng cách kêu khóc, còn Chúa bảo chúng ta phải xưng tội để bày tỏ lòng ăn năn và phải xưng nhận Chúa cách công khai để tỏ lòng biết ơn Chúa đã chịu chết vì mình, và cũng để bày tỏ tình yêu của Chúa cho đồng bào đồng loại mình.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top