Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Trang Chính » Giống Tốt – Đất Tốt

Giống Tốt – Đất Tốt

Bài Dự Thi Viết Truyện Ngắn Hướng Đi

LuaXanh

Giống Tốt – Đất Tốt

Tấn là người Quảng Ngãi, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Sài Gòn. Đã nhiều năm qua, cậu làm việc cho một hãng thời trang nổi tiếng tại Sài Gòn, công việc của Tấn là vẽ áo dài. Những năm 90 tại Sài Gòn áo dài vẽ bằng tay là mốt rất thịnh hành. Tấn vẽ rất đẹp và nhiều mẫu mới lạ, hiện đại lẫn truyền thống, nên lương của Tấn rất cao. Có khi Tấn nhận thêm về nhà vẽ trong ban đêm nữa.

Vợ Tấn là Hương tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Họ cưới nhau sau khi ra trường và đang có một bé gái hai tuổi – cháu Misa. Hương nghỉ dạy sau khi sinh con, chỉ một mình Tấn bươn chãi giữa Sài Gòn để nuôi sống gia đình. Họ thuê phòng trọ, nhưng cũng đã dành dụm được tiền để mua một mảnh đất nhỏ trong hẻm và tiến hành xây nhà.

Người Quảng Ngãi có tính cần cù, nhẫn nại, dè xẻn chi tiêu. Phần đông những người Quảng Ngãi khi tha phương cầu thực đều có vốn liếng sau những năm gian khổ. Những người Quảng nói chung đều chịu khó “cày” ở các thành phố. Họ có câu nói rất chí lý: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Ai chịu khó làm việc vài năm thì thế nào cũng đổi đời.

Họ sẵn sàng làm đủ mọi công việc. Bán hủ tíu gõ, bán cháo lòng dạo khắp hang cùng, ngõ hẻm, bán vé số, bán hàng nhậu vỉa hè trên những cái mẹt tre, thu mua ve chai trên những chiếc xe đạp, làm thợ hồ… Cũng có những ông chủ các cửa hàng lớn và trung tại Sài Gòn là người xứ Quảng. Hai vợ chồng Tấn là một trong rất nhiều những người Quảng Ngãi như vậy. Tuy là người Quảng Ngãi, nhưng Tấn và Hương nói giọng Miền Nam, vì họ xa quê đã lâu và thường tiếp xúc với người Miền Nam.

Mảnh đất nhỏ của Tấn khoảng hai mươi mét vuông. Tấn có thể xây một nhà có một tầng trệt và một gác gỗ, gọi là nhà cấp bốn. Trước ngày khởi công, Tấn không tìm được ai trong xóm cho câu điện và nước trong suốt thời gian xây dựng. Tấn và Hương loay hoay không biết phải làm cách nào, thì người hàng xóm sát vách với Tấn xuất hiện. Như thể anh ấy đang biết được nổi lo lắng của Tấn, vì chính anh cũng đã như vậy khi cất nhà trước đó một năm, anh gọi Tấn vào nhà. Tấn và vợ vô cùng vui mừng như kẻ đang đuối sức giữa dòng sông, chộp được chiếc phao cứu sinh.

Sau khi hoàn tất ngôi nhà, Tấn và Hương đến gặp anh hàng xóm nói lời cám ơn. Tấn cũng chìa ra cái bao thư và nói rằng: “Đây là số tiền nhỏ, không đáng là bao, vợ chồng em muốn phụ với anh chị tiền điện, nước trong thời gian xây nhà. Nếu không có anh chị giúp thì chúng em không biết phải làm sao! Công ơn nầy chúng em không bao giờ quên.”

Anh hàng xóm mỉm cười và nói: “Anh chị là người Quảng Nam, cũng là dân xứ Quảng với hai em. Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co… giúp hai em một chút, đừng bận tâm. Hai em cất tiền đi, xem như anh chị mừng tân gia là được rồi!”

Là người Quảng Nam, nhưng anh hàng xóm không thuộc nhóm người “hay cãi.”. Anh hàng xóm nói với Tấn là anh đã thay đổi cách sống sau khi tin Chúa Giê-xu. Anh cũng đã trải qua những tháng ngày gian khổ khó khăn, nên rất thông cảm với hoàn cảnh của mọi người, nhất là người sinh sống nơi đất khách quê người. Bây giờ nếp sống của anh khác với trước đây. Anh luôn giúp người khác trong khả năng sẵn có của mình. Chúa Giê-xu ban cho anh lòng nhịn nhục chịu đựng và tinh thần san sẻ với mọi người.

Buổi tối rảnh rỗi anh qua nhà thăm Tấn và kể cho Tấn nghe lúc mới xây nhà cách đây một năm. Người chủ đất bán mảnh đất cho anh, căn nhà của bà là nhà lá, có một cây đòn tay chìa ra ngoài, nằm trong phạm vi đất đã bán cho anh. Khi anh xây nhà bà không chịu cắt cây đòn tay ấy, bà tìm mọi cách gây khó khăn và vòi vĩnh tiền bạc. Bà ấy rất ghét người Quảng vì người con rể của bà là người Quảng. Không biết người con rể đã đối xử với bà thế nào, mà bà có ác cảm, định kiến với người Quảng. Sau khi anh xây nhà, vách tường nhà và mái nhà của bà có một khe hở rất nhỏ, đáng ra bà phải tự tìm cách để ngăn nước mưa không giọt vào. Con gái của bà la lối lớn tiếng rằng tại anh xây nhà nên nhà bà bị ướt mỗi khi trời mưa.

Anh không nói gì, nhưng yên lặng mua tôn chắn vào khe hở ấy. Khi bà bị bịnh anh mua thức ăn cho bà. Lúc thì phở, khi thì hủ tíu, sữa đậu nành. Anh đối xử với bà như người mẹ của mình, dù bà đã gây khó khăn cho anh từ ngày anh về ở đây. Sau một thời gian, bà nói với mấy người hàng xóm rằng: “Tôi có hai đứa con trai và một con gái, nhưng chưa đứa nào tốt với tôi như chú người Quảng này”.

Tấn và Hương mải mê nghe câu chuyện của anh hàng xóm. Sự quen biết đã dần dần sâu đậm, nên anh bắt đầu nói rõ hơn về Chúa Giê-xu cho Tấn và Hường. Anh biết là rất khó làm chứng cho những người có kiến thức, có trình độ tin nhận Chúa Giê-xu, nhưng bước đầu tiên là anh vừa làm quen vừa nói và xin Chúa cho có nhiều cơ hội để bày tỏ bằng hành động. Khi Hương sinh đứa con thứ hai. Tấn đi làm, Hương ở nhà chuyển dạ sinh con. Hương được người em gái đưa đến bịnh viện, nhưng không có một chuẩn bị nào cho em bé. Không tả lót, không bình sữa, không khăn, không vớ, không mũ…tất cả là không. Vợ anh hàng xóm biết tin, chị chạy ngay vào bịnh viện và đã mua đầy đủ mọi thứ cho cháu bé. Trong bịnh viện, vợ anh hàng xóm cũng bày tỏ về lòng thương xót của Chúa Giê-xu đối với Tấn và Hương.

Suốt hai năm sống gần Tấn và Hương, anh chị hàng xóm xem gia đình của Tấn như người thân của mình. Anh chị hàng xóm sẵn sàng san sẻ cùng gia đình Tấn những gì mình có thể. Vừa san sẻ những nhu cầu, vừa động viên Tấn và Hương, vừa kêu gọi Tấn và Hương tin Chúa Giê-xu. Tấn cũng lấy làm lạ, trong khi mọi người chung quanh chẳng thân thiện với mình, duy chỉ có gia đình anh hàng xóm người đồng hương nầy là khác biệt với mọi người. Nhưng Tấn và Hương không chịu tin Chúa, dù đã nhiều lần anh chị hàng xóm kêu gọi, khuyên lơn.

Từ khi sanh đứa con thứ hai, Tấn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hãng thời trang giảm bớt công việc. Thu nhập của Tấn cũng giảm theo, trong khi nhu cầu gia đình tăng lên. Hai cháu bé bị suy dinh dưỡng nặng, nay ốm mai đau. Có lúc hai vợ chồng xung đột nhau rất mãnh liệt vì quẫn trí. Hai vợ chồng Tấn xem đứa con thứ hai nầy như là nguyên nhân của những bất ổn trong gia đình. Anh chị hàng xóm luôn luôn là người hòa giải, hàn gắn những bất đồng của hai vợ chồng. Tấn bắt đầu đốt nhang nhiều hơn, trong nhà có một bàn thờ nhỏ lúc nào cũng nhang khói nghi ngút. Phía trước cửa Tấn treo một hình bát quái để trừ tà ma. Thỉnh thoảng có treo một bó lá cây từ khi xanh cho đến lúc rũ tàn vẫn cứ treo lủng lẳng trước nhà. Khi làm nhà, Tấn luôn luôn muốn làm trổi hơn nhà anh hàng xóm. Mái tôn nhà của Tấn cao hơn ba mươi phân, nền nhà cao hơn ba mươi phân, vách dựng mặt tiền trồi hơn một phân. Tri thức khoa học và kiến thức hiện đại như vậy, mà Tấn và Hương rất mê tín. Dù bằng cách nào Tấn vẫn không thoát khỏi tình trạng hiện tại. Tấn vùng vẫy trong mớ bòng bong vô hình đang quấn quanh người. Càng vùng vẫy bao nhiêu thì càng rối bấy nhiêu. Một sáng nọ, anh hàng xóm ngạc nhiên nhìn thấy tấm bảng nhỏ treo phía trước nhà của Tấn: “Bán Nhà”.

Giấc Chiêm Bao

Từ ngày gia đình Tấn bán nhà dọn đi nơi khác, anh hàng xóm đầy lòng trắc ẩn cho cuộc đời của Tấn. Anh luôn cầu nguyện xin Chúa giải cứu gia đình của Tấn. Anh xin Chúa giải cứu cuộc đời tăm tối của hai vợ chồng Tấn. Lúc ấy điện thoại di động chưa được sử dụng rộng rãi, việc liên lạc rất khó khăn. Anh hàng xóm cứ thở dài không biết Tấn, Hương và hai cháu nhỏ bây giờ ra sao? Sinh sống như thế nào? Là người dưng nước lã, chỉ là tình đồng hương, nhưng hai năm sống gần nhau, anh hàng xóm thấy ray rứt vô cùng. Giữa Sài Gòn đông đúc thế nầy việc tìm kiếm là điều không dễ. Không hiểu sao anh hàng xóm lại cưu mang một gia đình như vậy? Dường như có sợi dây vô hình đang ràng buộc tấm lòng anh hàng xóm với gia đình của Tấn. Anh thấy như xa cách một người thân, mà không hy vọng có thể gặp lại.

Biền biệt một thời gian dài, bỗng một hôm vào lúc 21 giờ Tấn chở vợ và hai con đến thăm gia đình anh hàng xóm. Ôi! họ vui mừng như thể hai anh em ruột lâu ngày xa cách gặp nhau. Anh hàng xóm hỏi thăm Tấn rất nhiều. Tấn đã thuê nhà ở quận Gò Vấp. Tấn không nói rõ đang làm việc gì, cuộc sống cũng tạm bợ qua ngày. Cháu Misa đã đi học mẫu giáo, còn cháu nhỏ thì đen thui, rất còm cõi.

Sau những giây phút vui mừng hội ngộ, Tấn kể cho gia đình anh chị hàng xóm nghe về một giấc chiêm bao thật kỳ lạ. Giấc chiêm bao ấy đã khiến Tấn mấy đêm không ngủ được. “Em thấy em đang đi thì bị rơi xuống một hố sâu thăm thẳm, chung quanh em tối đen như mực. Em quờ quạng trong hang tối ấy, nhưng chẳng có cảm giác rằng có thể thoát khỏi nơi rùng rợn nầy. Em thất vọng và ôm mặt khóc nức nở. Thình lình em nhìn thấy một lối đi lờ mờ hư ảo. Phía xa xa cuối con đường kia có một đóm sáng hiện lên. Theo bản năng sinh tồn, em tiến về đóm sáng ấy dù chẳng biết lành hay dữ. Càng đi tới đóm sáng lớn dần, sáng tỏa cả con đường. Em nhìn kỹ thì thấy một người đang đứng trong ánh sáng ấy dang hai tay ra về phía em, như thể gọi em hãy đến mau!”.

Giọng nói của Tấn như khàn đặc lại vì xúc động. Mọi người trong gia đình anh hàng xóm yên lặng chăm chú lắng nghe. Tấn uống một ngụm nước rồi kể tiếp. “Người đứng trong ánh sáng đó là Chúa Giê-xu mà anh chị đã kể cho em nghe trước đây”- Tấn quả quyết. “Nhưng làm sao em biết là Chúa Giê-xu? Em chưa thấy Ngài mà?”- Anh hàng xóm hỏi. “Nhiều lần đi qua những nhà thờ Công Giáo em thấy hình Chúa Giê-xu, trong chiêm bao em thấy y như vậy, không sai gì cả”- Tấn khẳng định. “Lại thêm tối nay cháu Misa nằng nặc đòi chở xuống thăm bác, em không muốn đi, nhưng nó khóc lóc lớn tiếng, đòi phải đi thăm bác cho bằng được”- Tấn nói thêm.

Dựa vào giấc chiêm bao ấy, anh hàng xóm giải thích cho Tấn và Hương nghe về cuộc đời của Chúa Giê-xu. Anh hàng xóm cũng liên kết giữa giấc chiêm bao và hoàn cảnh thật của gia đình Tấn trước lúc bán nhà đi nơi khác. Anh cũng nhắc đến việc cháu Misa đột nhiên đòi đi thăm bác. Kết nối các sự việc ấy anh hàng xóm kết luận rằng Chúa đang mong chờ Tấn đến với Ngài. Tấn không thể thoát khỏi bóng đêm tăm tối của cuộc đời nầy. Tiền bạc của cải chỉ là “của đồng lần thiên hạ tiêu chung” mà thôi. Chúa Giê-xu là ánh sáng của Tấn, Ngài đến để dẫn Tấn ra khỏi tình trạng rùng rợn của trần gian.

Anh hàng xóm nói tiếp: “Tuy nhiên, Chúa không bao giờ ép em phải tin nhận Ngài, Ngài đang dang tay ra và chờ em quyết định. Em mới là người có quyền quyết định cho cuộc đời của mình. Chúa chỉ khuyên mời “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta”. “Bây giờ em phải làm gì?” – giọng Tấn khẩn thiết. “Nếu hai em bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu tối nay thì anh mời hai vợ chồng quì gối xuống đây, chúng ta cầu nguyện”- anh hàng xóm tha thiết.

Giọng nói ôn tồn, đầy chất vỗ về, thân thiết, yêu thương của anh hàng xóm, Tấn và Hương bắt đầu khóc. Mỗi lúc một lớn dần, cháu Misa nhìn thấy ba mẹ khóc, cháu cũng khóc theo. Những giọt nước mắt đã làm cho tâm hồn của Tấn và Hương dịu lại và vơi đi những nỗi nhọc nhằn. Họ cảm thấy có điều gì rất mới lạ. Họ cảm nhận sự nhẹ nhàng thư thái, như vừa mới trút bỏ một gánh nặng trên lưng. “Em có thể cảm nhận sự cô quạnh, băng giá đã biến mất, bây giờ em thấy ấm áp và nhẹ nhàng trong tâm hồn” – Tấn vui vẻ bắt tay anh hàng xóm.

Tiễn gia đình Tấn ra về, anh hàng xóm nói thêm với Tấn và Hương. Với đôi mắt đỏ ngầu, Tấn và Hương lắng nghe không sót một lời. “Có thể hoàn cảnh của gia đình em không thay đổi gì sau khi em tin Chúa. Những khó khăn vẫn còn đó, nhưng thái độ, phản ứng của em đối với nghịch cảnh sẽ thay đổi. Đó là sự thay đổi quan trọng đầu tiên trong tiến trình theo Chúa. Chúa đang nhìn xem em sẽ thay đổi như thế nào. Một viên kim cương được đưa ra khỏi lòng đất, giá trị của nó chưa có. Nhưng khi qua tay người thợ kim hoàn, giá trị của nó được xác lập” – Anh hàng xóm mỉm cười nói cách cương quyết.

“Anh hi vọng Tấn sẽ là viên kim cương ấy” – Anh hàng xóm nói thêm khi kéo cánh cổng sắt.

Hạt Giống Đang Nẩy Mầm

Người dẫn chương trình mời Mục Sư quản nhiệm lên cầu nguyện và giảng luận. Tấn và Hương ngạc nhiên khi thấy Mục Sư quản nhiệm bước lên lại chính là anh hàng xóm của họ. Họ chụm đầu lại nói nhỏ với nhau điều gì đó rồi cả hai cùng cười nhẹ. “Tôi xin giới thiệu cùng quí ông bà và anh chị em một gia đình thành viên mới trong Hội Thánh. Cả gia đình đã tin Chúa cách đây mấy hôm” – Mục Sư dõng dạc tuyên bố. Tấn và Hương bế hai cháu trên tay đứng lên cúi chào Hội Thánh. Cả Hội Thánh vỗ tay chào mừng gia đình của Tấn. Mục sư mời Tấn tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân và gia đình. Không một chút rụt rè hay bỡ ngỡ, Tấn đã làm cho Hội Thánh vui mừng khi kể lại suốt quá trình nghe về Chúa Giê-xu và đã tin Ngài như thế nào.

Mấy tuần liên tiếp sau đó, Mục sư đã đến tận nhà để giúp Tấn và Hương hiểu biết thêm về Chúa Giê-xu cùng những sinh hoạt trong Hội Thánh. Tấn và Hương tiếp thu và hiểu biết Kinh Thánh rất nhanh. Họ thuộc nhiều câu Kinh Thánh. Mục Sư đã dành nhiều thời gian giải đáp những thắc mắc của họ về các tôn giáo, những quan niệm và những chủ thuyết của con người.

“Bây giờ em mới sáng tỏ và nhận ra được Chúa Giê-xu là quan trọng thế nào đối với em” – Tấn hân hoan nói với Mục Sư. Sau mấy tháng vừa học giáo lý, vừa sinh hoạt trong Hội Thánh, Tấn và Hương trưởng thành về đức tin cùng hiểu biết chân lý của Chúa rất nhanh. Lễ Báp-têm của họ và một số tân tín hữu khác được tổ chức tại bãi biển Vũng Tàu.

Mục Sư đã giới thiệu Tấn học Kinh Thánh của trường Calvary, do chính Mục Sư dạy tại Sài Gòn. Đức tin của Tấn và Hương càng được củng cố nhiều hơn qua chương trình học Kinh Thánh nầy. Họ đã trở thành những nhân sự trong Hội Thánh. Những kỳ bồi linh, những buổi giao lưu, thông công cùng anh em trong các Hội Thánh khác đã làm cho Tấn và Hương càng vững mạnh hơn theo năm tháng.

Đặc biệt nhất là cha của Tấn là đảng viên và Nam, em trai cũng đã tin Chúa. Hải là em trai của Hương cùng với vợ đã tin Chúa. Tấn nói rằng, bây giờ em mới thật sự hiểu câu Kinh Thánh nói rằng “một người tin cả nhà được cứu.”

Một Quyết Định Táo Bạo

Tấn và Hương là đôi vợ chồng đã trưởng thành về tuổi đời. Họ không còn là những con người bồng bột, nóng nảy, nông cạn, thiếu suy xét. Những năm tháng theo Chúa và tiếp cận với Kinh Thánh khá sâu sắc đã làm cho đời sống của họ có chiều sâu trong tâm linh. Điều gì họ cũng kiên nhẫn cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt. Họ không còn là đứa trẻ thơ lang thang, lạc lõng giữa cuộc đời. Họ có Chúa làm chủ và lo toan cho cuộc sống.

Được thông công với các tín hữu, trò chuyện với các Mục Sư nên tầm nhìn của Tấn và Hương rộng hơn về Hội Thánh và những kêu gọi của Chúa. Đó là một sự khác biệt mà khi chưa tin Chúa Tấn và Hương không có được. Họ biết quan tâm đến những người chưa được cứu. Họ biết phải làm gì để giúp đỡ những người đang đau khổ trong đời sống tâm linh và cuộc sống vật chất. Lòng họ đang có một sự thôi thúc dấn thân để hầu việc Chúa. Họ nghĩ rằng hầu việc Chúa là cách để biết ơn Chúa đã giải cứu họ. Hầu việc Chúa là tìm đến với những người không có Chúa. Hầu việc Chúa là chìa đôi tay mình ra để san sẻ với mọi người. Hầu việc Chúa là hàn gắn những vết thương của người khác và đem họ đến cùng Chúa.

Biền biệt mấy tháng liền không có tin tức nào của gia đình Tấn. Mục Sư quản nhiệm hỏi thăm những anh em quen biết Tấn, vẫn chẳng nắm được thông tin nào. Hội Thánh cứ tiếp tục cầu nguyện cho gia đình Tấn. Tấn đã trả lại căn phòng trọ cho người chủ, và người em trai của Hương cũng đi ở chỗ khác. Mọi thông tin về gia đình Tấn đều không có. Mục Sư quản nhiệm loại suy những tình huống để mong tìm ra câu giải đáp thích hợp, nhưng vẫn bất lực về sự “mất tích” kỳ lạ nầy.

Hội Ngộ

Một buổi sáng, Mục Sư quản nhiệm vừa vui vừa giận khi đọc email của Tấn. Vui là vì biết được tình hình về gia đình của Tấn, buồn là vì Tấn lặng lẽ ra đi mà không một lời từ giã Mục Sư và Hội Thánh. Tấn hẹn tuần sau sẽ gặp Mục Sư và Hội Thánh để trực tiếp giải thích về “cuộc đào tẩu”. Trong thư Tấn cho biết hiện đang ở Phnom Penh, đang hầu việc Chúa giữa vòng người Việt Nam.

“Sở dĩ em không bày tỏ cùng Mục Sư về chuyến đi là vì sợ Mục Sư sẽ ngăn cản ý định của em” – Tấn rụt rè nói. Mục Sư quản nhiệm tuy có buồn, nhưng niềm vui lấn át cả nỗi buồn. Không ngờ Tấn lại trưởng thành vượt bậc như vậy. Rất nhiều người tin Chúa trong chức vụ của Mục Sư, nhưng không có ai đứng vững vàng và trưởng thành như vậy.

Hiện nay Tấn đang chăm sóc một Hội Thánh địa phương và quản lý một cơ sở rộng lớn của giáo hội tại Phnom Penh. Tấn cũng là người đại diện hợp pháp của Giáo hội tại Phnom Penh. Mỗi khi có những buổi bồi linh, hội nghị, thông công của các anh em Việt Nam, Tấn là người điều phối hữu hiệu. Tấn đưa đón, lo chỗ ăn, chốn ở cho các anh em thật chu đáo. Hương dạy chữ cho các trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Qua công tác giáo dục tại nhà, Hương có nhiều cơ hội tiếp cận với các phụ huynh và làm chứng về Chúa Giê-xu cho họ.

“Em đã thỏa nguyện lắm rồi, được hầu việc Chúa là ước mơ lớn nhất của em. Chúa đã ban cho em tất cả, ngay cả những điều em chẳng dám cầu xin”- Tấn nói trong tin tưởng. “Gia đình em rất cám ơn Mục Sư và Hội Thánh đã cưu mang gia đình em trong những ngày khó khăn nhất. Mục Sư và Hội Thánh là chỗ dựa của gia đình em còn hơn cha mẹ và anh em trong gia tộc của em” – Tấn bùi ngùi xúc động.

Mục Sư quản nhiệm tràng ngập niềm vui trong lòng. Ông thấy được hạt giống ngày xưa tưởng đã bị chim trời phá hại, hay gai gốc làm nghẹt ngòi, nhưng hạt giống ấy đã phát triển mạnh mẽ trong một mảnh đất tốt. Tạ ơn Chúa!

(Viết thêm: Hồi 20g22 ngày 19.12.2012 Tấn điện thoại cho Mục Sư quản nhiệm báo rằng: Tấn cùng vợ và hai con đang trên đường từ Phnom Penh về Việt Nam để thọ tang cho cha tại Quảng Ngãi. Ông cụ bị tai biến, tưởng rằng Tấn sẽ về kịp, nhưng ông đã ra đi lúc 11g ngày 19.12.2012, hưởng thọ 84 tuổi. Lễ tang được tổ chức tại nhà của Nam, em trai của Tấn, theo nghi thức Tin Lành. Trước đó ông cụ đã bị tai biến nhẹ, Tấn đã về chăm sóc 10 ngày, sau đó Tấn qua lại Phnom Penh để cùng Hội Thánh tổ chức chương trình Giáng Sinh. Lần nầy ông bị nặng hơn và không hồi tỉnh. Trưa hôm nay 20.12.2012 thì Tấn sẽ về đến nhà).

Đại Lộc

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top