Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Tiểu Sử: Grace Hazenberg Cadman (1876-1946) – Dịch Giả Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925

Tiểu Sử: Grace Hazenberg Cadman (1876-1946) – Dịch Giả Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925

Lời Ban Biên Tập:

Năm 2023 là dịp kỷ niệm 100 năm Bản Dịch Tân Ước Việt Ngữ được Thánh Kinh Hội phát hành. Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc vài nét về tiểu sử của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman (1876-1946), người chịu trách nhiệm chính trong việc phiên dịch Tân Ước cũng như  toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt. 

Tiểu Sử
Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman (1876-1946)
Dịch Giả Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925 

Nguyên Quán

Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman sinh ngày 27 tháng 9 năm 1876 tại Fulton – một thị trấn nhỏ nằm bên bờ sông Mississippi, thuộc về Whiteside County tại miền tây bắc của tiểu bang Illinois và giáp ranh với tiểu bang Iowa. Thị trấn Fulton cách Chicago 136 dặm về phía tây.  

Gia Thế

Dòng họ Hazenberg của Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman có nguồn gốc từ Hòa Lan.  Cha của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman là Mục sư Willem Hazenberg, và mẹ của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman là Lammigje (Lemine) Visscher [1].

Mục sư William Hazenberg – Thân phụ của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg

Mục sư Willem Hazenberg sinh ngày 10/3/1840 tại Surhuizum – một thị trấn nhỏ tại miền nam của nước Hòa Lan. Ông là con trai của Pieter Willems Hazenberg và bà Trijntje Lubbes van der Leij. Đến tuổi thanh niên, Willem Hazenberg theo học thần học tại Kampen – một trường thần học của Giáo hội Reformed Ly Khai tại Hòa Lan. Sau khi học xong tại Kampen, thanh niên Willem Hazenberg di cư sang Hoa Kỳ, rồi theo học thần học tại Western Theological Seminary ở Holland, Michigan. Chủng viện Western Theological Seminary được thành lập vào năm 1866.  Sinh viên Willem Hazenberg tốt nghiệp vào mùa hè năm 1875 [2].

Bà Lammigje Visscher, mẹ của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman, sinh ngày 9/2/1844 tại Genemuiden, Hòa Lan.  Bà là con gái của Jan Visscher và Geesje van der Haar [1]. Ông bà Jan Visscher và Geesje van der Haar được sinh ra và lớn lên tại Genemuiden, Hòa Lan, nhưng ông bà đã đem hai người con là Arend và Lammigje di cư sang Hoa Kỳ, sống tại Holland, Michigan, là một thị trấn do di dân người Hòa Lan sáng lập.

Nhà thờ First Reformed Church tại Fulton, Illinois
Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman được sinh ra tại Fulton khi cha của bà hầu việc Chúa tại đây.

Cha mẹ của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman kết hôn với nhau vào ngày 10/8/1875 tại Holland, Michigan [1], chỉ 12 ngày trước khi Mục sư Willem Hazenberg được bổ nhiệm đến nhận nhiệm sở tại Fulton, Illinois

Nữ Giáo sĩ Grace Hazenburg Cadman được sinh tại thị trấn Fulton thuộc tiểu bang Illinois vào ngày 27/9/1876 trong thời gian cha của bà hầu việc Chúa tại đây. Mục sư Willem Hazenberg đã hầu việc Chúa tại Fulton, Illinois chỉ có 18 tháng.  Sau đó, ông đã rời khỏi Fulton vào ngày 18/2/1877 để đến hầu việc Chúa tại Passaic, Wisconsin từ năm 1877 đến 1880, và sau đó được thuyên chuyển đến Passaic, New Jersey từ năm 1880 đến 1883 [3]. 

Họ và tên

Tên vào lúc mới sinh của nữ Giáo sĩ Cadman là Gezina Hazenberg [1]. Trong tiếng Hòa Lan, Gezina có nghĩa Grace, cho nên tên thời con gái của nữ Giáo sĩ Cadman trong tiếng Anh là Grace Hazenberg.

Theo phong tục tại một số quốc gia Tây Phương, phụ nữ khi lập gia đình phải mang họ của chồng, cho nên tên Grace Hazenberg đã trở thành Grace Hazenberg Cadman [4]. Đây là tên đã được dùng trong nhiều văn bản khi viết về nữ Giáo sĩ Cadman.

Sống tại Nam Phi

Trong thời gian hầu việc Chúa tại New Jersey (1880-1883), Mục sư Willem Hazenberg, cha của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg, đã chịu ảnh hưởng của Mục sư William Taylor [5], là một mục sư của Hội Thánh Giám Lý.  Mục sư William Taylor là người đã đề xướng phong trào tự túc, tự trị, và tự truyền giáo theo gương của Sứ đồ Phao-lô trong Kinh Thánh [5], [6]. Khó khăn của những nhà truyền giáo tự túc là họ không nhận được sự hổ trợ tài chính từ một cơ quan truyền giáo nào, nhưng họ hoàn toàn nương dựa vào sự tiếp trợ của Chúa và sự trợ giúp từ những người biết tâm tình hầu việc Chúa của họ.  Thuận lợi của những nhà truyền giáo tự túc là họ được tự do thực hiện những mục vụ theo sự hướng dẫn của Chúa mà không bị ràng buộc quá nhiều hay bị điều khiển bởi các cơ quan truyền giáo.   

Theo tài liệu của Hội Thánh Tin Lành Reformed Hoa Kỳ, Mục sư Willem Hazenberg đã từ chức quản nhiệm Hội Thánh để trở một nhà truyền giáo tự túc tại Nam Phi từ ngày 2/7/1883  [3]. Mục sư Willem Hazenberg đã cùng gia đình đến Nam Phi để truyền giáo cho những sắc dân địa phương tại Nam Phi và cũng để hầu việc Chúa giữa vòng người Afrikaner tại đây.  Cô bé Grace (Gezina) Hazenberg đã theo cha mẹ rời Hoa Kỳ sang Nam Phi đi truyền giáo khi cô bé gần được 7 tuổi.

Vào thế kỷ 19, người Afrikaner được gọi là người Boers.  Đây là cộng đồng của những người da trắng sống tại Nam Phi mà phần lớn là những người có nguồn gốc từ Hòa Lan.  Theo lịch sử của Nam Phi, từ năm 1652 Công Ty Đông Ấn Hòa Lan đã thành lập cơ sở của họ tại Nam Phi để làm trạm trung chuyển tiếp tế cho những thương thuyền của họ đi lại giữa Âu châu, Á châu và Nam Mỹ. Theo chân các thương nhân Hòa Lan, nhiều tín hữu Tin Lành Hòa Lan đã rời Hòa Lan đến định cư tại Nam Phi từ giữa thế kỷ 17.  Sau đó, các tín hữu Tin Lành bị bách hại tại Pháp (Huguenot) và một số tín hữu Tin Lành tại Đức cũng đến Nam Phi để sinh sống.  Vì Nam Phi có đất đai rộng rãi, trù phú, thời tiết lại ấm áp, và có một cộng đồng Tin Lành phát triển tại đó cho nên rất nhiều người từ các quốc gia Bắc Âu chịu ảnh hưởng của Tin Lành, như Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, đã dọn đến Nam Phi để sinh sống. Sau hơn hai thế kỷ sống ở Nam Phi, thế hệ con cháu của những người này đã họp lại với nhau, tạo thành một cộng đồng gọi là người Boers. Về sau trong thế kỷ 20 họ được gọi là người Afrikaner, Afrikaander, Afrikaaner, hay Africaander.

Ngôn ngữ của người Afrikaner chủ yếu khoảng 90-95% là tiếng Hòa Lan (Dutch), cộng thêm một số từ ngữ có gốc từ tiếng Đức và tiếng Pháp, cùng với một ít từ ngữ trích từ các ngôn ngữ Mã-lai, Bồ Đào Nha, Khoisan (ngôn ngữ của một sắc dân tại Nam Phi), và Bantu (ngôn ngữ phố biến tại vùng Trung Phi, Đông Phi, và Nam Phi).  Cô bé Grace Hazenberg đã lớn lên trong một cộng đồng sử dụng nhiều ngôn ngữ như vậy, cho nên từ thời thơ ấu cô bé Grace Hazenberg đã biết rất nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, tiếng Hòa Lan, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Boers, và tiếng Khoi Khoi, là ngôn ngữ phổ thông của người bản địa Nam Phi. Khả năng thông thạo ngôn ngữ này đã giúp cho Giáo sĩ Grace Hazenberg rất nhiều khi bà đảm nhiệm công tác phiên dịch Kinh Thánh trong những năm về sau, bởi vì bà có thể nhanh chóng đọc cùng một câu Kinh Thánh trong các ngôn ngữ khác nhau để xem bản dịch sang tiếng Việt có gần với nguyên bản hoặc mang ý nghĩa tương tự như trong các bản dịch Kinh Thánh mà bà đã biết hay không. 

Trong thời gian đầu khi mới đến Nam Phi, Mục sư Willem Hazenberg đã gặp khó khăn trong việc truyền giáo cho các sắc dân địa phương bởi vì khả năng ngôn ngữ của ông còn giới hạn. Đức Chúa Trời đã dùng một số người giúp đỡ Mục sư Willem Hazenberg, trong số đó có Mục sư Andrew Murray là người về sau trở thành một trong những mục sư nổi tiếng tại Nam Phi. Ba năm sau khi Mục sư Willem Hazenberg đến Nam Phi (1886), cơ hội truyền giáo tốt hơn đã được mở ra. Mục sư Willem Hazenberg đã được phép đi vào trong nội địa của Nam Phi để tổ chức những chương trình rao giảng Phúc Âm, cầu nguyện chữa bệnh cho cả người Boers và dân bản xứ [7].  Trong lời tựa của cuốn sách Pen Pictures of Annam and Its PeoplePhác Họa Về Annam và Dân Chúng Của Quốc Gia Này của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg, Mục sư Robert  H. Glover thuật lại rằng Grace Hazenberg đã nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ trong thời thơ ấu, khi cô bé được cùng cha mẹ là Mục sư và bà Willem Hazenberg ngồi trên những chiếc xe bò lăn bánh đi vào những làng mạc tại Nam Phi để rao giảng Lời Chúa. Đức Chúa Trời đã huấn luyện cho cô bé Grace Hazenberg từ nhỏ để thi hành chức vụ giáo sĩ mà Ngài đã dùng cô trong những năm về sau [8].

Đến tuổi thanh niên, Grace Hazenberg theo học đại học và tốt nghiệp cử nhân tại Nam Phi. Năm 1899, chiến tranh giữa người Anh và người Boers xảy ra. Cuộc chiến này trong lịch sử Nam Phi được gọi là Boer War (1899-1902).  Trong thời gian chiến tranh, gia đình Mục sư Willem Hazenberg đã phục vụ tại Kimberley Military Hospital để giúp đỡ những bệnh nhân và những người bị thương vì chiến tranh [7].
  

Trở về Hòa Lan

Một thời gian sau, cả gia đình Mục sư Willem Hazenberg đã trở về Hòa Lan. Đức Chúa Trời thật thành tín.  Những nhà truyền giáo tự túc đã ra đi bởi đức tin không có gì nhiều, dầu vậy họ không những không bị thiếu thốn khi hầu việc Chúa tại Nam Phi, nhưng họ đã trở về cách dư dật.  Sau gần 20 năm hầu việc Chúa tại Nam Phi, Mục sư và bà Willem Hazenberg đã bán những tài sản của họ tại Nam Phi, rồi dùng số tiền đó để mua hai khu nhà khá lớn tại Apeldoorn, là một thành phố ở giữa nước Hòa Lan.  Ông bà đã đem những người bị bệnh không có phương tiện chữa trị đến đó ở, rồi cầu nguyện để Chúa chữa lành cho họ [1].

Trong những năm về sau, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman cũng học hỏi điều này từ cha mẹ của mình. Vào đầu thế kỷ 20, ông bà William Cadman đến hầu việc Chúa tại Hà Nội khi thành phố này đang phát triển.  Ông bà đã dùng số tiền dành dụm của mình để mua vài căn phố cho thuê.  Sau khi ông bà về với Chúa, tài sản này đã được hiến tặng cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.  Số tiền bán tài sản của ông bà Cadmans đã được dùng để mua đất và xây dựng Cô Nhi Viện Nha Trang giúp đỡ các trẻ em mồ côi trong thời gian chiến tranh diễn ra tại Việt Nam [10].

Trở lại Hoa Kỳ

Theo tài liệu của dòng họ Hazenberg, sau một thời gian sống tại Hòa Lan gia đình Mục sư Willem Hazenberg đã ra nước ngoài để hầu việc Chúa nhưng không rõ tại quốc gia nào, có lẽ họ đã trở lại Nam Phi.  Sau đó, họ trở về lại Hòa Lan một thời gian nữa, rồi ra đi lần cuối cùng vào năm 1907. Theo tài liệu của dòng họ Hazenberg, Mục sư Willem Hazenberg cùng vợ và người con gái Grace Hazenberg có tên trong danh sách những hành khách của tàu Statendam rời Rotterdam, Hòa Lan đi Hoa Kỳ vào ngày 21/12/1907 [1].  

Sau khi trở lại Hoa Kỳ, gia đình Mục sư Willem Hazenberg đã sống tại Holland, Michigan, là nơi mẹ của Grace Hazenberg đã sống từ lúc còn nhỏ. Sau đó, Grace Hazenberg đã theo học cao học (MA) ngành cổ ngữ tại University of Toronto, Canada.  Trường đại học này không quá xa Holland, Michigan, là nơi cha mẹ cô đang sinh sống.  Với văn bằng cao học về cổ ngữ, sinh viên Grace Hazenberg đã được trang bị thêm tiếng Greek và Hebrew, là hai ngôn ngữ đã được dùng để viết Kinh Thánh.  Ngoài ra cô cũng biết tiếng Latin, là ngoại ngữ căn bản của những người có học thức vào thời đó [10].  Việc chọn học cao học về ngành cổ ngữ cho thấy Grace Hazenberg đã suy nghĩ về trách nhiệm phiên dịch Kinh Thánh từ trước khi cô bước vào chức vụ giáo sĩ.

Năm 1911, Mục sư Willem Hazenberg, cha của Giáo sĩ Grace Hazenberg, về với Chúa vào ngày 21/7/1911 tại Holland, Michigan, thọ 71 tuổi.  Gần hai năm sau, mẹ của Giáo sĩ Grace Hazenberg là Leimine Visscher về với Chúa vào ngày 27/5/1913 tại Holland, Michigan, hưởng thọ 69 tuổi.  Bà được an táng bên cạnh chồng của mình là Mục sư Willem Hazenberg vào ngày 29/5/1913 tại nghĩa trang Pilgrim Home, Holland, Michigan [1].

Trở thành giáo sĩ tại Việt Nam

Vào thế kỷ thứ 17, rất nhiều người Hòa Lan đã đến sống và kinh doanh tại Việt Nam lúc đó bị chia thành Đàng Ngoài (Tonkin) và Đàng Trong (Annam).  Rất nhiều tài liệu lịch sử tại châu Âu và Việt Nam cho biết đã có những cộng đồng Hòa Lan được hình thành từ nhiều thế kỷ trước tại Kẻ Chợ (Hà Nội), Tiên Lãng (Hải Phòng), và Hội An (Quảng Nam) [25]. Vì vậy con cháu của những thương nhân Hòa Lan đã từng sống tại Việt Nam đã biết ít nhiều về Việt Nam.  Lúc còn sống, bà Leimine Visscher, mẹ của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg, thường xuyên cầu nguyện xin Chúa mở cửa cho việc truyền bá Tin Lành cho vương quốc Annam. Trong lời đề tặng của tác phẩm Pen Pictures of Annam and Its People xuất bản vào năm 1920, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cho biết tấm lòng của mẹ cô là lý do khiến cô đã hiến dâng đời sống của mình để làm giáo sĩ tại Annam và quyết định chọn đất nước này làm quê hương của mình [8].

Bia mộ cha mẹ của nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg tại Holland, Michigan

Sau khi an táng mẹ vào ngày 29/5/1913, Grace Hazenberg đã nộp đơn xin làm giáo sĩ cho Annam. Noi gương cha mẹ của mình, Grace Hazenberg đã yêu cầu được làm giáo sĩ tự túc.  Nhờ xin làm giáo sĩ tự túc, yêu cầu của cô đã được chấp thuận nhanh chóng. Ngày 8/8/1913, Hội Đồng Quản Trị của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (CMA) tại New York đã chấp thuận cho Grace Hazenberg được làm giáo sĩ tại Việt Nam, với ghi chú trong biên bản là “Cô tự lo liệu cho chính mình” [11].

Một tháng sau, vào ngày 11/9/1913, Grace Hazenberg lên tàu rời San Francisco đi Hong Kong [12]. Tháng 10 năm 1913, Grace Hazenberg đã rời Hong Kong đến Việt Nam [13]. Grace Hazenberg là giáo sĩ CMA thứ tư được bổ nhiệm đến hầu việc Chúa tại Việt Nam.  Ba giáo sĩ đến Việt Nam trước Grace Hazenberg là Mục sư Paul Hosler cùng với vợ là Elizabeth Carothers Hosler, và Mục sư Frank A. Soderberg.
 

Hình chụp sáu giáo sĩ CMA đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 1914
(Tài liệu: Alliance Weekly – May 23, 1914)

Cuối năm 1913, nữ Giáo sĩ Florence Russell, là người lẽ ra cùng đi chung với nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg từ Hoa Kỳ nhưng cô đã bị trễ tàu tại San Francisco, cuối cùng cũng đến Đà Nẵng.  Ngày 25/1/1914, Giáo sĩ Henry Birkel đến Việt Nam. Như vậy, đến đầu năm 1914 Hội Truyền Giáo CMA đã có sáu giáo sĩ tại Việt Nam [14]. 

Trong khoảng thời gian đó, Đệ Nhất Thế Chiến xảy ra, nước Đức tấn công rất nhiều quốc gia tại Âu châu. Chính quyền Pháp tại Đông Dương tình nghi các giáo sĩ mang tên có nguồn gốc từ Đức, là điệp viên của Đức, vì vậy công việc truyền giáo đã bị người Pháp gây khó khăn.  Đến cuối năm 1915, ông bà Giáo sĩ Paul Hosler, Giáo sĩ Henry Birkel và Giáo sĩ Frank Soderberg bị buộc phải rời khỏi Đông Dương [8], [26].   Vì vậy, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã trở thành giáo sĩ CMA kỳ cựu nhất tại Việt Nam. 

Học tiếng Việt

Sau khi đến Đà Nẵng vào mùa thu năm 1913, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg bắt đầu học tiếng Việt.  Giáo viên dạy tiếng Việt cho cô là bà Võ Thị Thu, một phụ nữ thuộc dòng dõi quan lại và đã được học chữ Nôm từ nhỏ.  Chồng của bà cũng là một vị quan nhỏ tại Huế, nhưng bà bằng lòng vào Đà Nẵng để dạy tiếng Việt cho nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg. 

Trong thời gian học tiếng Việt, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã kể cho bà Võ Thị Thu nghe những chuyện tích trong Kinh Thánh và những lời dạy dỗ của Đức Chúa Jesus.  Sau một thời gian, bà Võ Thị Thu đã tin nhận Chúa. Bà Võ Thị Thu nhận lễ Báp-têm vào mùa thu năm 1914.  Lúc mới đến Đà Nẵng, cụ Võ Thị Thu sống tại nhà người con rễ của mình.  Tuy nhiên sau khi cụ Thu tin Chúa, người con rễ không cho cụ ở chung trong nhà nữa, vì vậy cụ đã đến ở trong một căn phòng tại trung tâm truyền giáo Đà Nẵng.  Bên cạnh việc dạy tiếng Việt cho nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg, cụ Thu cũng nhận trách nhiệm phân phối Kinh Thánh, cũng như đọc và giải nghĩa Kinh Thánh trong chữ Nôm cho những người chưa biết Chúa.  

Cụ Võ Thị Thu là phụ nữ Việt Nam đầu tiên đã tin Chúa qua các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo CMA. Qua cụ Võ Thị Thu, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg có dịp chia sẻ Phúc Âm của Chúa cho những phụ nữ khác và các em thiếu nhi trong những năm đầu trong chức vụ của nữ Giáo sĩ Grace tại Việt Nam [9]. 

Phục vụ tại Đà Nẵng

Sau khi đến Việt Nam được sáu tháng, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã trình bày những cảm nhận đầu tiên của cô về cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam qua một bài viết mang tựa đề Annam and Its Opportunities được đăng trên tờ Alliance Weekly ngày 23/5/1914.  Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cho biết Annam là một đất nước xinh đẹp. Mặc dù có một số người chống đối đạo của Chúa nhưng cũng có rất nhiều người muốn tìm hiểu về Chúa.  Trong bài viết, Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã thuật lại một câu chuyện rằng cô đã chứng kiến tang lễ của một bà cụ mà cô và giáo viên dạy tiếng Việt của mình đã từng trò chuyện với bà cụ này. Bà cụ đã nghe nữ Giáo sĩ nói về sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus, tuy nhiên bởi vì bà cụ chưa hiểu rõ về Chúa cho nên chưa tiếp nhận Chúa.  Giờ đây, rất tiếc bà cụ đã qua đời.  Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cho biết tại Đông Dương có hơn 20 triệu người.  Cô ước gì các giáo sĩ Tin Lành đã đến sớm hơn, ước gì có nhiều giáo sĩ hơn, ước gì các giáo sĩ có khả năng trình bày Phúc Âm cách rõ ràng hơn để nhiều người Việt Nam hiểu rõ về tình thương của Chúa để họ tin nhận Ngài, và không phải bị hư mất như bà cụ này [16].

Trong những năm đầu tại Đà Nẵng, bên cạnh việc học tiếng Việt, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cũng cố gắng chia sẻ về Chúa cho những người mà cô có cơ hội gặp gỡ. Có lần nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg và cụ Võ Thị Thu được mời đến thăm gia đình của một vị trưởng làng.  Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cho biết cô đã đọc Phúc Âm Mác chương 16 trong chữ Nôm, và cụ Võ Thị Thu đã giải thích ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh này cho tất cả những người trong gia đình của vị trưởng làng [9]. 

Qua công tác truyền giảng của sáu giáo sĩ đang có mặt tại Đà Nẵng vào lúc đó, một số người Việt đã tin Chúa. Lúc đó, chính quyền Pháp chưa cho phép các giáo sĩ xây cất nhà thờ, bởi vì theo luật xây dựng trong thành phố Đà Nẵng, các kiến trúc quan trọng phải được xây bằng đá hoặc gạch. Bởi vì Hội Truyền Giáo CMA chưa có thể thực hiện việc xây cất nhà thờ kiên cố cho nên các giáo sĩ đã xin lập một nhà nguyện – là một căn nhà làm bằng tranh và cột tre, với kích thước lớn hơn một căn nhà bình thường. Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Đà Nẵng đã nhóm lại trong một nhà nguyện như vậy [16].

Trong bài báo Annam and Its Opportunities, nữ Giáo sĩ Grace Cadman cũng nhắc đến những người sắc tộc sống trên những vùng núi gần Đà Nẵng.  Cô cho biết những dân tộc này hoàn toàn chưa biết gì về Chúa và họ cũng chưa có chữ viết.   Nữ Giáo sĩ Grace Cadman lưu ý các độc giả rằng đây là cơ hội rất lớn cho những người dám dấn thân đến sống với các dân tộc này, học ngôn ngữ của họ, đặt chữ viết, dịch Kinh Thánh, rồi giới thiệu Chúa cho họ [16].

Quan tâm đến nhu cầu phổ biến Kinh Thánh và văn phẩm Cơ Đốc trong tiếng Việt

Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cũng nói đến ảnh hưởng của Kinh Thánh và văn phẩm Cơ-đốc trong tác truyền giáo.  Cô kể lại rằng vào một buổi chiều cô đang trình bày về Chúa tại một ngôi làng gần Đà Nẵng, có một người ở làng khác tình cờ có mặt vào lúc đó.  Người này đã mời cô Chúa Nhật tuần sau đến làng của mình để nói về Chúa cho những người tại đó.  Kể từ đó, cô thường đến thăm ngôi làng này vào mỗi Chúa Nhật. 

Vào Chúa Nhật trước khi cô viết bài Annam and Its Opportunities, cô đã gặp một ông cụ tại làng này. Từ nhiều năm về trước, ông cụ đã mua Phúc Âm Giăng từ các nhân viên của Thánh Kinh Hội, ông cụ đã đọc Phúc Âm Giăng cho nên ông cụ hiểu một ít về Kinh Thánh.  Ông cụ đã tình nguyện thuật lại những gì cô nói trong tiếng Việt một cách rõ ràng để những người nghe tại làng đó để họ hiểu rõ hơn về những gì mà cô đang chia sẻ.  Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cầu nguyện xin Chúa soi sáng để ông cụ đó cũng như nhiều người khác biết rõ hơn về Đức Chúa Jesus để họ tin nhận Ngài và nhận được sự cứu rỗi [16]. 

Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cũng cho biết Kinh Thánh chữ Hán chỉ có những người có học thức mới có thể đọc được mà thôi. Nhiều người Việt muốn mua Kinh Thánh chữ Nôm nhưng văn phòng truyền giáo tại Đà Nẵng lúc đó chỉ còn vài cuốn Phúc Âm Mác bằng chữ Nôm cho nên không thể tặng hay bán được.  Lúc đó, văn phòng của cơ quan truyền giáo cũng không có các sách giải thích niềm tin nơi Chúa trong tiếng Việt cho nên các giáo sĩ không thể giúp được gì nhiều cho những người bình dân muốn tìm hiểu.  Cô cầu nguyện ước gì có một nhà in nhỏ ngay tại Annam để in thật nhiều Kinh Thánh và những sách vở trong tiếng Việt để phân phối cho những người muốn tìm hiểu về Chúa [16].

Những điều mà nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg trình bày trong những bài viết nói trên dường như rút ra từ kinh nghiệm của cha cô.  Trong những năm đầu khi Mục sư Willem Hazenberg đến hầu việc Chúa tại Cape Town, Nam Phi, không mấy ai biết ông.  Sau đó Mục sư Willem Hazenberg đã in những sách nhỏ rồi phân phát tại nhiều nơi trong thành phố Cape Town.  Vì vậy, sau đó rất nhiều người tại Cape Town đã biết Mục sư Willem Hazenberg và mục vụ của ông, nên họ đã tiếp xúc với ông [7].

Sau đó, trong một bài viết khác đăng trên tờ Alliance Week vào ngày 1/5/1915, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã nhắc lại tầm quan trọng của việc phổ biến văn phẩm Cơ-đốc trong giai đoạn đầu của công tác truyền giáo.  Cô viết: “Trong lúc nầy, chúng tôi thấy rằng ưu tiên hàng đầu đó là cần có một nhà in nhỏ để có thể cung cấp những văn phẩm Cơ-đốc cho những người biết đọc, và bằng cách này chuẩn bị cho những công việc sẽ được thực hiện trong tương lai”. Giáo sĩ Grace Hazenberg đã kêu gọi các độc giả của tờ Alliance Weekly dâng hiến cho mục vụ này [17].

Thêm vào đó, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg cũng nhấn mạnh đến nhu cầu phổ biến Kinh Thánh cho dân chúng trong ngôn ngữ đại chúng như sau: “Hiện tại có rất ít tác phẩm văn học trong tiếng Việt. Nếu có thể cung cấp Kinh Thánh cho dân chúng trong ngôn ngữ phổ thông, nó sẽ đem lại kết quả cho người Việt giống như Kinh Thánh Hán Văn đã làm cho ngôn ngữ đó, và bản dịch Kinh Thánh tiếng Đức của Luther đã làm cho quốc gia đó. Hãy cung cấp cho dân chúng tác phẩm văn học trong ngôn ngữ phổ thông, để không phải chỉ có những người có học, nhưng cả những người dân bình thường cũng hiểu được” [17].

Trong một bài viết đăng trên Alliance Weekly số ra ngày 11/11/1916,  nữ Giáo sĩ Grace Cadman tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của Kinh Thánh và văn phẩm Cơ Đốc như sau: “Thậm chí nếu cả xứ sở được mở ra cho chúng ta, các giáo sĩ cũng không thể nào tiếp xúc với phần lớn dân chúng được.  Tuy nhiên sứ điệp Phúc Âm được in ra sẽ đi đến khắp nơi: từ những ngỏ hẻm, qua những cánh đồng, xuyên qua rừng rậm, vượt những ngọn núi, … Vâng, chúng sẽ đi khắp nơi, và bởi sự chúc phước của Chúa, nhiều linh hồn sẽ được cứu” [18].

Lập gia đình

Tháng 7 năm 1914, sáu giáo sĩ CMA tại Đà Nẵng đã sang Ngô Châu để họp hội đồng chung với các giáo sĩ CMA tại Hoa Nam, Trung Hoa.  Trong dịp này, Giáo sĩ William C. Cadman lần đầu tiên đã gặp nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg.  Hai người có dịp làm quen với nhau. Giáo sĩ William Cadman đã ngỏ lời cầu hôn và được chấp thuận.

Khác với những giáo sĩ khác đang có mặt tại Việt Nam vào lúc đó, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg lúc đó không còn trẻ, nhưng đã là một phụ nữ chín chắn và chững chạc.  Nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 36 trên chuyến tàu từ San Francisco đến Hong Kong và bây giờ cô sắp sửa được 37 tuổi.  Trong khi đó Giáo sĩ William Cadman lúc đó mới được 31 tuổi.

Tuy nhiên Grace Hazenberg và William Cadman có vài điểm chung.  Hai người đã từng theo học tại Toronto, Canada.  William Cadman đã học tại Toronto Bible College – bây giờ là Tyndale University; còn Grace Hazenberg thì theo học tại University of Toronto và đã tốt nghiệp bằng Cao Học về cổ ngữ tại đó. Hai người đều quan tâm đến việc phổ biến niềm tin nơi Chúa qua văn phẩm và cả hai đều muốn làm giáo sĩ tại Việt Nam. Vào năm 1910, Giáo sĩ William Cadman đã được Hội Truyền Giáo bổ nhiệm sang Ngô Châu để chờ cơ hội vào truyền giáo tại Việt Nam – bởi vì lúc đó chính quyền Pháp chưa cho phép các giáo sĩ Tin Lành vào Việt Nam. Sau đó, do nhu cầu của công việc Chúa tại Ngô Châu, Giáo sĩ William Cadman bị kẹt luôn tại đó. Trong khi đó nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã may mắn hơn: Cô đã được bổ nhiệm thẳng đến Việt Nam vào năm 1913 khi cánh đồng truyền giáo tại Đông Dương lúc đó đã được mở cửa.

Thông thường khi một phụ nữ lập gia đình thì người vợ sẽ thuyên chuyển về nơi chồng sinh sống và làm việc; tuy nhiên Giáo sĩ Grace Hazenberg và William Cadmand đã yêu cầu Hội Truyền Giáo chuyển Giáo sĩ William Cadman sang Việt Nam.   Trước khi trở thành giáo sĩ, thanh niên William Cadman đã hành nghề thợ in tại nước Anh.  Năm 1914, cơ quan truyền giáo tại Hoa Nam quyết định xuất bản tờ báo Thánh Kinh Báo và sẽ phát hành hằng tháng. Cơ quan truyền giáo tại Hoa Nam đã mua máy in, hiện đang lắp đặt tại Ngô Châu (1914), và trong kế hoạch của Ủy Ban Truyền Giáo tại Hoa Nam, Giáo sĩ William Cadman sẽ là người điều hành nhà in này.  Nếu Hội Truyền Giáo tại New York cho phép Giáo sĩ William Cadman sang Việt Nam thì chương trình phát hành Thánh Kinh Báo tại Trung Hoa sẽ gặp trở ngại.  Hơn nữa Giáo sĩ Paul Hosler là giáo sĩ đầu tiên tại Việt Nam cũng không muốn cho Giáo sĩ William Cadman sang Việt Nam, bởi vì ông sợ Giáo sĩ William Cadman sẽ cạnh tranh với ông trong công việc phiên dịch Kinh Thánh [27], bởi vì ngoài tiếng Anh, Giáo sĩ William Cadman đã học chữ Hán và tiếng Pháp.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã có cách của Ngài để dùng ông bà Mục sư William Cadman cho công việc truyền giáo tại Việt Nam.  Trong lúc cơ quan truyền giáo CMA đang lo lắng về chuyện điều hành nhà in tại Hoa Nam thì có một giáo sĩ đang ở tại Trung Hoa, không thuộc Hội Truyền Giáo CMA, nhưng đã ngỏ lời muốn cộng tác với Hội Truyền Giáo CMA. Vị giáo sĩ này cũng biết nghề in.  Bởi vì đã có người thế cho Giáo sĩ William Cadman điều hành nhà in tại Ngô Châu cho nên Hội Truyền Giáo đã chấp thuận cho Giáo sĩ William Cadman chuyển sang Việt Nam từ tháng 1 năm 1915 [19]. Về phần Giáo sĩ Paul Hosler, người không muốn cho Giáo sĩ William Cadman đến Việt Nam, cuối năm 1915 Giáo sĩ Paul Hosler đã bị chính quyền Pháp buộc rời khỏi Đông Dương vì chính quyền Pháp tình nghi Giáo sĩ Paul Hosler là gián điệp Đức do tên của ông có nguồn gốc từ Đức [8], [26].

Trong khoảng thời gian đó, thủ tục hộ tịch của Pháp tại Đông Dương dành cho người ngoại quốc rất phức tạp vì vậy các giáo sĩ thường đến tòa lãnh sự của Hoa Kỳ tại Trung Hoa để làm thủ tục hộ tịch. Giáo sĩ William Cadman và Grace Hazenberg đã đến Vân Nam để làm lễ thành hôn vào ngày 27/7/1915 [24]. Sau khi thành hôn, ông bà Cadmans đã trở lại Đà Nẵng và tiếp hầu việc Chúa tại đó với các giáo sĩ Frank Soderberg và Henry Birkel. Tuy nhiên vài tháng sau đó, hai người này cũng phải rời khỏi Việt Nam, cho nên đến đầu năm 1916, chỉ có ông bà William Cadman hầu việc Chúa tại Đà Nẵng.  Trong khi đó vào mùa thu năm 1915, ông bà Paul Hosler, Giáo sĩ Irwin, nữ Giáo sĩ Florence Russel, và nữ Giáo sĩ Marie Morganthaler đã dọn ra Hải Phòng để mở mang công việc Chúa tại đó.   

Trong những năm đầu hầu việc Chúa tại Việt Nam, nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg là một giáo sĩ tự túc. Bà không nhận phụ cấp từ Hội Truyền Giáo CMA nhưng tự lo cho chính mình [11].  Đến năm 1919, sau khi ông bà trở về Hoa Kỳ trình bày nhu cầu của công việc Chúa tại Đông Dương và trách nhiệm hầu việc Chúa của mình, Giáo phận East Conference của Hội Thánh Mennonites tại Pennsylvania đã nhận ông bà William Cadmans làm giáo sĩ của Mennonites để hoạt động tại Việt Nam, phục vụ thông qua Hội Truyền Giáo CMA. Hội Thánh Mennonites đã hổ trợ ông bà Cadmans hầu việc Chúa tại Việt Nam từ năm 1919 cho đến khi cả hai người về với Chúa [20], [24]. 

Tham gia công tác phiên dịch Kinh Thánh

Sau khi đến Việt Nam vào năm 1911, Giáo sĩ Paul Hosler đã hiệu đính Phúc Âm Mác trong chữ Nôm mà Thánh Kinh Hội đã dịch từ nhiều thập niên về trước.  Sau đó  Giáo sĩ Paul Hosler tiếp tục hiệu đính Phúc Âm Giăng trong chữ Nôm.  Tuy nhiên đến cuối năm 1915, Giáo sĩ Paul Hosler cùng với một số giáo sĩ khác có tên mang nguồn gốc Đức đã bị chính quyền Pháp trục xuất khỏi Đông Dương. Vì vậy, từ đầu năm 1916 nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg trở thành giáo sĩ kỳ cựu nhất tại Việt Nam.  Bà là người biết tiếng Việt giỏi hơn các giáo sĩ khác vào lúc đó cho nên nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg đã đảm nhận công tác phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.

Năm 1916, khi nữ Giáo sĩ Grace Hazenberg Cadman chính thức đảm nhận trách nhiệm phiên dịch Kinh Thánh, ông bà tiếp tục học tiếng Việt nhưng đã cùng với cụ Nho, một học giả người Việt, dành thì giờ hoàn thành việc hiệu đính bảy sách trong Kinh Thánh đã được Thánh Kinh Hội dịch sang chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ từ trước. Đó là bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, Công Vụ, thư Rô-ma, và sách Sáng Thế Ký [20]. Phúc Âm Mác được in vào năm 1917.  Phúc Âm Giăng và sách Công Vụ được in vào năm 1918.

Sau khi hoàn tất việc hiệu đính bảy sách trong Kinh Thánh nói trên, Thánh Kinh Hội yêu cầu các giáo sĩ tập trung vào việc phiên dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc Ngữ mà thôi, không dịch thêm Kinh Thánh sang chữ Nôm nữa.  Đây là một quyết định đúng đắn đã đem lại những kết quả tốt đẹp lâu dài cho những năm về sau.

Năm 1919, ông bà Cadmans trở về Hoa Kỳ nghỉ phép. Sau khi trở lại Việt Nam, trong khoảng thời gian từ năm 1920-1922, ông bà Cadmans cùng với học giả Phan Khôi dịch phần còn lại của Tân Ước.  Thánh Kinh Tân Ước đã được in vào tháng 5/1923.  Ngay sau khi in xong, Thánh Kinh Tân Ước đã được tặng cho Tạp Chí Nam Phong.  Ban Biên Tập Nam Phong đã viết lời cảm ơn, đồng thời khen các nhà phiên dịch Kinh Thánh đã khéo léo chọn từ ngữ của cả ba miền để dịch Kinh Thánh [21]. Năm 1924, một cuốn Kinh Thánh Tân Ước đã được Giáo sĩ E. F. Irwin và Giáo sĩ D. I. Jeffrey tặng cho Hoàng đế Khải Định [22].

 

Bản Dịch Tân Ước 1923

Sau khi dịch xong Tân Ước, từ năm 1923-1924, ông bà Cadmans cùng với học giả Phan Khôi đã dịch một số sách trong Cựu Ước từ Giê-rê-mi cho đến Ma-la-chi [23]. Trong khi đó, Giáo sĩ John Olsen và ông Trần Văn Dõng đã dịch các sách từ Sáng Thế Ký cho đến Ê-sai. Toàn bộ Kinh Thánh tiếng Việt trong chữ Quốc ngữ đã được in lần thứ nhất và lần thứ nhì tại Thượng Hải vào năm 1925.  Một ấn bản khác đã được in tại Hà Nội vào năm 1926.

Bản Dịch Toàn Bộ Kinh Thánh
Bản in lần thứ nhất vào năm 1925 tại Thượng Hải

Sau đó, bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước trong chữ Quốc ngữ đã được cung hiến tại Hội Đồng các giáo sĩ Đông Dương vào tháng 5 năm 1926.  Sau đó, Mục sư và bà William Cadman đã mang một ấn bản của bản dịch Kinh Thánh này để tặng cho Hội Truyền Giáo tại New York.

 

Hình chụp Mục sư và bà William Cadman tại
Lễ Cung Hiến Kinh Thánh vào tháng 5/1926
(Tài liệu lưu trữ – CMA Achive) 

Hầu việc Chúa tại Hà Nội

Như đã nói ở trên, tháng 12 năm 1915, Toàn Quyền Đông Dương đã ra lệnh hạn chế hoạt động của các giáo sĩ tại Đà Nẵng.  Hệ quả là bốn giáo sĩ CMA phải rời khỏi Đông Dương. Đến đầu năm 1916, tổng số các giáo sĩ tại Đông Dương chỉ còn lại năm người là ông bà William Cadmans, ông bà Franklin Irwins, và nữ Giáo sĩ Florence Russell.

Tháng 4 năm 1916, Mục sư Robert Jaffray đã đến gặp Toàn Quyền Đông Dương Ernest Nestor Roume trình bày những khó khăn của các giáo sĩ Tin Lành tại Đông Dương.  Toàn Quyền Ernest Nestor Roume cho biết bởi vì miền Bắc và miền Trung là nhượng địa cho nên người Pháp phải tôn trọng Hiệp Ước 1874 và họ chỉ cho phép Giáo hội Công giáo được hoạt động tại hai nơi nầy mà thôi.  Tuy nhiên, sau đó Toàn Quyền Đông Dương đã gởi thư cho Mục sư Robert Jaffray cho phép các giáo sĩ Tin Lành được hoạt động tại tất cả những khu vực thuộc quyền người Pháp cai trị, đó là các thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, và toàn miền Nam [30]. 

 

Nhà Thờ Tin Lành Của Hội Thánh Pháp tại Hải Phòng

Mùa thu năm 1916, năm giáo sĩ tại Đông Dương đã cùng với Mục sư Robert Jaffray họp Hội Đồng các giáo sĩ lần thứ ba từ ngày 31/8-4/9/1916 tại nhà thờ Tin Lành Pháp tại Hải Phòng.  Tại Hội Đồng này, ông bà William Cadmans được bổ nhiệm đến hầu việc Chúa tại Hà Nội [31].  Có lẽ các giáo sĩ lo ngại tình hình có thể thay đổi, bởi vì chỉ hơn một tuần sau khi viết thư cho phép các giáo sĩ Tin Lành được hoạt động trong lãnh thổ thuộc quyền người Pháp kiểm soát, Toàn Quyền Ernest Nestor Roume đã từ chức Toàn Quyền Đông Dương. Vì vậy, ngay sau Hội Đồng tại Hải Phòng, ông bà Giáo sĩ William Cadman đã vội vàng đến Hà Nội để bắt đầu giáo vụ mới mặc dù Hội Truyền Giáo CMA chưa có cơ sở gì tại đó [32], [33].

Khi đến Hà Nội, bên cạnh trách nhiệm phiên dịch Kinh Thánh đang thực hiện, ông bà Cadmans đã đảm nhận thêm trọng trách mở mang công việc Chúa cho toàn cả miền Bắc, mà khởi đầu là tại Hà Nội.  Ngoài ra, có một công tác cấp bách mà ông bà  phải thực hiện đó là thành lập một nhà in để xuất bản Kinh Thánh và sách báo phục vụ cho công tác truyền giáo.  Đây là những công tác rất lớn và khó khăn, tuy nhiên đó là những điều mà hai ông bà đã mơ ước, cho nên ông bà đã dấn thân để hoàn tất tất cả những trách nhiệm này.  

Sau khi đến Hà Nội, nữ Giáo sĩ Grace Cadman chú tâm vào công việc phiên dịch Kinh Thánh.  Về phần Mục sư William Cadman, trước hết ông mướn một căn phố để có nơi trình bày Phúc Âm của Chúa cho người Việt, sau đó ông tập trung vào việc mua đất, xây dựng trung tâm truyền giáo, thành lập nhà in, giảng dạy mở mang công việc Chúa tại Hà Nội. 

Đức Chúa Trời đã ban phước cho những đầy tớ trung tín của Ngài. Ngày 4/5/1917, Mục sư William Cadman đã mua được khu đất rất tốt từ chính quyền Pháp bán đấu giá để xây dựng trung tâm truyền giáo tại Hà Nội. Một thời gian sau đó nhà in đã được thành lập. Trong năm 1917, nhà in Tin Lành Hà Nội đã in cuốn thánh ca đầu tiên của các tín hữu Tin Lành tại Việt Nam. Cuốn thánh ca này có tên là Thơ Thánh, mà  phần lớn lời ca là do Giáo sĩ Grace Cadman dịch.  Thêm vào đó, những sách trong Kinh Thánh được dịch xong đã được in với số lượng khá lớn, mỗi lần ít nhất 5000 cuốn.  Thánh Kinh Hội cũng đồng ý cho in Phúc Âm Giăng song ngữ Pháp-Việt. Ngoài ra, những sách nhỏ giới thiệu về nội dung của Kinh Thánh và niềm tin nơi Đức Chúa Jesus đã được in rất nhiều. Như đã nói ở những phần trên, Kinh Thánh Tân Ước sau khi dịch xong đã được in tại Hà Nội vào năm 1923, và toàn bộ Kinh Thánh đã được in tại Hà Nội vào năm 1926.  Theo thống kê chính thức, trong khoảng thời gian từ năm 1917-1942, nhà in Tin Lành tại Hà Nội đã in từ một triệu rưỡi đến bảy triệu trang giấy mỗi năm.

Về công tác truyền giảng, ngoài địa điểm chính tại trung tâm truyền giáo, Mục sư William Cadman đã mướn một căn phố trong khu vực có đông người Việt, mỗi tuần ông tổ chức ba hay bốn chương trình truyền giảng tại đó.  Thêm vào đó, Mục sư William Cadman cũng tổ chức những buổi trò chuyện riêng cho những người muốn tìm hiểu kỹ hơn về niềm tin nơi Đức Chúa Jesus. Trong năm 1917, tại Hà Nội đã có một số người tin nhận Chúa, trong số đó đã có bốn người nhận báp-têm.  Sang năm 1918, Hội Thánh tại Hà Nội đã có mười tín hữu thật vững vàng trong đức tin.  Một số người trong số đó là những người có ảnh hưởng tại Hà Nội.  Hội Thánh tại Hà Nội tiếp tục phát triển trong những năm sau đó. 

Hướng dẫn thiếu nhi

Trong thời gian hầu việc Chúa tại Việt Nam, Giáo sĩ Grace Cadman đã bắt đầu mục vụ dành cho thiếu nhi.  Ngay từ những năm đầu hầu việc Chúa tại Đà Nẵng, Giáo sĩ Grace Cadman và Giáo sĩ Florence Russell đã tổ chức những lớp học Kinh Thánh dành cho các thiếu nhi.  Tại những lớp học này, các em được nghe kể những chuyện tích trong Kinh Thánh, hát thánh ca, được dạy dỗ về đạo đức, và tham dự những trò chơi.  Một số thánh ca cho thiếu nhi như “Chúa Yêu Em”“Huyết Chúa Mầu Nhiệm Biết Bao” đã được phiên dịch trong những năm đầu tiên này [27].  

Trong bài viết Late Eventide in Annam – Đêm Khuya Tại Annam, Giáo sĩ Grace Cadman đã kể cho độc giả của tờ Alliance Weekly rằng trong những đêm khuya tại Việt Nam, cô thường nghe những người mẹ hoặc người chị hát ru cho em bé ngủ.  Điều này làm cho cô nhớ đến trách nhiệm hướng dẫn các thiếu nhi Việt Nam.  Giáo sĩ Grace Cadman cho biết trẻ em Việt Nam rất dễ thương. Điều đáng tiếc là gần như tất cả các em đều không biết đọc và biết viết vào lúc đó.  Cô ước gì các giáo sĩ có thể làm được giống như những nơi khác trên thế giới là mở trường dạy học cho trẻ em Việt Nam.  Tuy nhiên, luật của chính quyền Pháp tại Đông Dương không cho các giáo sĩ Tin Lành mở trường dạy cho trẻ em Việt Nam, vì vậy các giáo sĩ không có cách nào khác hơn là mời các em đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật để dạy cho các em một ít về chuyện tích trong Kinh Thánh và đạo đức. Bởi vì đây là sinh hoạt thuần túy tôn giáo chứ không thuộc về lĩnh vực giáo dục cho nên chính quyền Pháp không thể áp dụng luật lệ để ngăn cấm được [27].

Giáo sĩ Grace Cadman cho biết lúc đầu, cha mẹ của các em cũng lo lắng không biết các giáo sĩ dạy con mình điều gì, vì vậy họ đã theo các em vào trong nhà thờ để quan sát.  Sau vài tuần như vậy, họ tin tưởng các giáo sĩ. Khi các em ở trong lớp học không chú ý hay không giữ trật tự, chính các phụ huynh đang hiện diện đó đã kỷ luật các em, nhắc nhở các em hãy giữ trật tự.   Giáo sĩ Grace Cadman cho biết các bậc cha mẹ tại Việt Nam không ngần ngại đánh con của mình, và  họ tin rằng vua Sa-lô-môn hiểu rõ vấn đề khi ông viết trong Kinh Thánh rằng:  “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó” (Châm Ngôn 13:24).

Cuối bài viết, Giáo sĩ Grace Cadman trích dẫn câu Kinh Thánh “đến buổi chiều sẽ có sự sáng” (Xa-cha-ri 14:7), cô nhận xét rằng hiện trạng của Việt Nam giống như đêm khuya vẫn còn đen tối, nhưng cô tin chắc rằng ánh sáng của tình yêu, của hy vọng, của sự cứu rỗi sẽ chiếu rọi trên đất nước nầy [27]. Giáo sĩ Grace Cadman mong chờ một tương lai tươi sáng cho thiếu nhi Việt Nam.  

Giáo sĩ Grace Cadman đã khởi đầu mục vụ cho thiếu nhi tại Đà Nẵng và tại Hà Nội. Sau đó, những người kế nhiệm cô đã tiếp tục hướng dẫn các thiếu nhi trong những năm sau đó.  Theo báo cáo thường niên của Mục sư Robert Jaffray, trong năm 1917 mặc dầu số tín hữu người lớn tại Đà Nẵng và Hà Nội không đông nhưng đã có 400 thiếu nhi thường xuyên tham dự các buổi nhóm hằng tuần tại hai Hội Thánh Đà Nẵng và Hà Nội [33].  

Phiên dịch Thánh Ca

Như đã trình bày ở trên, Giáo sĩ Grace Cadman là người chịu trách nhiệm chính trong việc phiên dịch và xuất bản cuốn Thơ Thánh, là cuốn thánh ca đầu tiên của các tín hữu Tin Lành tại Việt Nam. Cuốn Thánh Ca này có 100 bài hát.  Đến năm 1923, Giáo sĩ Grace Cadman đã được đề cử để cùng với các Giáo sĩ Edith Frost, Ivory Jeffrey, Allan Grupe, và John Olsen biên soạn một cuốn thánh ca mới có 200 bài thánh ca.  Một lần nữa, đến năm 1931, nữ Giáo sĩ Grace Cadman đã giúp Giáo sĩ William Cadman, Homera Emilie Homer-Dixon, John Olsen, và Paul Carlson biên soạn cuốn Thơ Thánh Có Nốt Đờn, gồm 200 bài thánh ca với phần hòa âm bốn giọng cho alto, soprano, tenor, và bass.

Viết sách giới thiệu Việt Nam

Trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20, có rất ít tài liệu về Việt Nam trong các sách báo tiếng Anh. Nhằm giúp cho các độc giả nói tiếng Anh trên thế giới có những hiểu biết chính xác hơn về Việt Nam, mặc dù rất bận rộn trong công tác phiên dịch Kinh Thánh, nữ Giáo sĩ Grace Cadman đã dành thì giờ để viết cuốn Pen Pictures of Annam and Its People – tạm dịch Phác Họa Về Annam và Dân Chúng Của Quốc Gia Này. Nội dung của cuốn sách dài 192 trang trình bày khái quát về đất nước, lịch sử, chính quyền, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, và con người Việt Nam [8]. Sách Pen Pictures of Annam and Its People đã xuất bản vào năm 1920.  Khi viết tác phẩm này, Giáo sĩ Grace Cadman đã làm công việc giống như một đại sứ thiện nguyện cho Việt Nam. Cuốn sách đã giúp cho độc giả nói tiếng Anh khắp thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam, qua cái nhìn của một người đã sống nhiều năm tại Việt Nam chứ không phải từ lăng kính của một nhà nghiên cứu, chỉ dựa vào sách vở.  Hiện nay tác phẩm Pen Pictures of Annam and Its People vẫn còn được lưu giữ tại thư viện của nhiều trường đại học trên thế giới để làm tài liệu nghiên cứu về tình hình Việt Nam trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. 

Chủ bút tờ Tiếng Gọi Đông Dương

Viết một cuốn sách để cung cấp thông tin cho độc giả khắp nơi biết về Việt Nam là điều cần thiết, tuy nhiên nhu cầu cung cấp thông tin từ cánh đồng truyền giáo tại Đông Dương cho các tín hữu khắp nơi thế giới, biết để họ có thể kịp thời cầu nguyện và hổ trợ cho các giáo sĩ là điều quan trọng không kém.  Mặc dầu Hội Truyền Giáo tại New York đã có tờ tuần báo Alliance Weekly, tuy nhiên những bài viết về Đông Dương khi được gởi đến tờ báo này, có khi phải chờ đợi sáu tháng đến một năm mới được đăng.  Vì vậy các giáo sĩ tại Đông Dương quyết định phát hành tờ báo Call of French Indo-China – tạm dịch là Tiếng Gọi Đông Dương – để cung cấp những thông tin mới nhất về công việc truyền giáo tại Đông Dương cho độc giả khắp nơi. Các giáo sĩ đã đề cử nữ Giáo sĩ Grace Cadman giữ chức vụ Chủ Bút bởi vì bà có trình độ học vấn cao nhất và có khả năng viết tiếng Anh lưu loát nhất trong số các giáo sĩ tại Đông Dương vào lúc đó. 

Tờ Tiếng Gọi Đông Dương phát hành số đầu tiên vào tháng 10 năm 1922 và sau đó phát hành mỗi năm bốn số.  Tờ Tiếng Gọi Đông Dương tiếp tục phát hành cho đến năm 1953 thì đổi thành Call for Vietnam. Tờ báo tiếp tục xuất bản cho đến năm 1965 rồi đổi thành tờ Việt Nam Today.  Nữ Giáo sĩ Grace Cadman đã điều hành tờ Tiếng Gọi Đông Dương trong những năm đầu. Tờ Tiếng Gọi Đông Dương không chỉ kêu gọi độc giả cầu nguyện hoặc dâng hiến nhưng tờ báo đã kêu độc giả cung hiến chính đời sống của họ cho công cuộc truyền giáo. Một số độc giả của tờ Tiếng Gọi Đông Dương trong những năm đầu, về sau đã trở thành những giáo sĩ tại Đông Dương. 

Thánh Kinh Báo

Ngoài trách nhiệm viết báo trong tiếng Anh, nữ Giáo sĩ Grace Cadman cũng là thành viên trong Ban Biên Tập của Thánh Kinh Báo trong tiếng Việt.  Thánh Kinh Báo là tờ báo đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Thánh Kinh Báo phát hành số đầu tiên vào tháng Giêng năm 1931 và số cuối cùng vào tháng Tư năm 1975.  Với thời gian phát hành tổng cộng hơn 40 năm, Thánh Kinh Báo là tờ báo Việt ngữ có tuổi thọ lâu nhất cho đến lúc đó.

Là một người thông thạo nhiều ngoại ngữ và giỏi tiếng Việt, nữ Giáo sĩ Grace Cadman đã dành rất nhiều thì giờ cho việc phiên dịch, biên tập, và hiệu đính Thánh Kinh Báo.   Bà đã đóng góp rất nhiều công sức để tờ báo phát hành được đều đặn, ban đầu là 10 số và sau đó là 12 số báo mỗi năm.   

Sau khi tờ báo được phát hành, Thánh Kinh Báo đã được học giả Phan Khôi khen.  Học giả Phan Khôi nhận xét cách hành văn trong Thánh Kinh Báo thật đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, và dễ hiểu. Ông nghĩ rằng đây là một mô hình rất tốt để góp phần xây dựng nền tảng cho văn viết trong chữ Quốc Ngữ vào lúc đó: “Cái chỗ tôi mừng rỡ hơn nữa, là văn chương của Thánh Kinh báo còn có phần giúp ích cho văn quốc ngữ ta trong lúc mới lập nền. Bởi vì văn chương của Thánh Kinh báo đặt một cách thật rõ, thật gọn mà lại dễ hiểu nữa, rất hiệp với cái lối bình dân văn học.” Phan Khôi viết thêm: “Lối văn của Thánh Kinh báo bài nào cũng đại khái như vậy. Cái sở trường ở chỗ dùng lời nói thường mà đạt được ý cao sâu. Câu nào câu nấy rắn rỏi, già giặn, không có cái bịnh quá rườm rà, nhiều lời ít lẽ.” Ngoài ra Phan Khôi cũng cho biết: “Thánh Kinh báo lại có một cái giá trị đáng quý nữa là viết chữ đúng”.  Phan Khôi đã khen Thánh Kinh Báo là một trong những tờ báo viết đúng chính tả và chấm câu chuẩn xác mà nhiều tờ báo Việt ngữ khác đã không được như vậy [36]. 

Thánh Kinh Từ Điển

Nữ Giáo sĩ Grace Cadman cũng là một học giả biên soạn từ điển.  Sau khi Kinh Thánh được dịch xong, rất nhiều khái niệm trong Kinh Thánh vẫn còn xa lạ với đại đa số người Việt, vì vậy Mục sư và bà William Cadman đã thực hiện việc biên soạn bộ Thánh Kinh Từ Điển.  Bộ sách gồm hai quyển, dày 2101 trang, được phát hành lần đầu vào năm 1953, sau khi ông bà William C. Cadman đã về với Chúa.  Sau đó, sách được tái bản rất nhiều lần tại trong nước và hải ngoại.  Trong các bản in Thánh Kinh Từ Điển, nhà xuất bản chỉ ghi tên tác giả là Wm. C. Cadman cho nên độc giả nghĩ rằng tác giả của bộ sách này chỉ là Mục sư William C. Cadman.

Tuy nhiên lúc còn sống, trong một bài viết đăng trên tờ Alliance Weekly ngày 30/11/1946, Mục sư William Cadman cho biết cả hai ông bà đã cùng biên soạn bộ Thánh Kinh Từ Điển [34]. Ông bà đã bắt đầu công trình này từ năm 1938 [35]. Tuy nhiên lúc đó vì phải đảm nhận nhiều trách nhiệm trong Hội Thánh như biên soạn và xuất bản Thánh Kinh Báo hằng tháng, điều hành nhà in Tin Lành, giảng dạy cho các Hội Thánh, và mở mang công việc Chúa tại khắp miền Bắc cho người Việt cũng như cho người sắc tộc, chuẩn bị cho những chương trình truyền giáo tại Lào, cho nên công việc biên soạn Thánh Kinh Từ Điển tiến triển rất chậm. 

Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã có phương cách của Ngài. Năm 1943, cùng với các giáo sĩ khác, Mục sư và bà William Cadman đã bị người Nhật quản thúc tại Mỹ Tho.  Sau hai tháng bị giam, Mục sư William Cadman đã mạnh dạn nộp đơn xin người Nhật cho ông đem một người thư ký của ông là ông Đặng Đình Cư từ Hà Nội vào trại giam tại Mỹ Tho để ông bà Cadman có thể tiếp tục thực hiện công trình biên soạn Thánh Kinh Từ Điển.  Điều kỳ lạ là những người có trách nhiệm của quân đội của Nhật tại Đông Dương đã chấp thuận yêu cầu này. Vì vậy, mỗi ngày sáu giờ đồng hồ, ông Đặng Đình Cư đã vào trại giam tại Mỹ Tho để làm việc với ông bà Cadman.  Mục sư William Cadman cho biết 29 tháng sau đó, một bản thảo dài hơn 2000 trang đánh máy với hơn một triệu rưỡi chữ đã được hoàn tất. Ông nói thêm đây chỉ là bản thảo và cần ít nhất 2 năm nữa để hiệu đính và phân loại cho chính xác trước khi in. Tuy nhiên vì hoàn cảnh khó khăn sau khi chiến tranh chấm dứt cho nên ông không biết khi nào công trình này mới được hoàn tất.  Mục sư William Cadman kêu gọi độc giả của tờ Alliance Weekly cầu nguyện cho dự án này [34].

Theo lời của chính Mục sư William Cadman, công trình biên soạn Thánh Kinh Từ Điển tiếng Việt là của cả ông và vợ của ông.  Vì vậy, các bản in trong tương lai nên ghi rõ tác giả là William C. Cadman và Grace H. Cadman.  Có một chi tiết khác cũng liên quan đến công việc hoàn tất bộ Thánh Kinh Từ Điển đầu tiên trong tiếng Việt này, đó là theo những văn thư được lưu giữ trong thời kỳ này, ngoài ông Đặng Đình Cư còn có Mục sư Trương Văn Tốt, lúc đó còn là một tín hữu tại Mỹ Tho, đã giúp ông bà William Cadman để thực hiện bản thảo Thánh Kinh Từ Điển khi ông bà Cadman bị giam tại Mỹ Tho.     

Những công việc khác

Có rất nhiều công việc khác mà Giáo sĩ Grace Cadman đã làm trong những năm bà hầu việc Chúa tại Việt Nam. Bà đã dành thì giờ phiên dịch và biên soạn rất nhiều tài liệu và sách vở cho nhu cầu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, cũng như góp phần với ông trong việc mở mang công việc Chúa tại miền Bắc. Tuy nhiên do khuôn khổ giới hạn của bài viết, những chi tiết này không thể được trình bày cách đầy đủ trong dịp nầy.          

Về với Chúa

Tháng 7 năm 1941, quân đội Nhật tiến vào Đông Dương. Sau đó, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã đầu hàng nước Nhật.  Một số gia đình giáo sĩ đã rời khỏi Đông Dương [37]. Tháng 4 năm 1943, tất cả các giáo sĩ ngoại quốc còn lại tại Đông Dương đã bị quản thúc tại Mỹ Tho,  ngoại trừ gia đình Giáo sĩ Jean Funé vì có quốc tịch Pháp cho nên không bị quản thúc vào lúc đó. 

Trại Tập Trung Mỹ Tho – Nơi Giam Cầm Các Giáo Sĩ Từ Năm 1943-1945
(Hình chụp vào đầu thập niên 1950)

Trong thời gian bị giam trong tù, nữ Giáo sĩ Grace Cadman bị tai biến mạch máu nhẹ vào năm 1943 [19].  Tháng 8 năm 1945,  Nhật đầu hàng quân đội Đồng Minh.  Sau đó mãi đến tháng 11 năm 1945, Mục sư và bà William Cadman cùng với các giáo sĩ khác mới được quân đội Hoàng Gia Anh đến giải cứu và được trả tự do [34].  Sau đó, tất cả các giáo sĩ khác đã về nước nghỉ ngơi một thời gian để phục hồi lại sức khỏe sau hơn ba năm bị giam cầm. Tuy nhiên, chỉ riêng có Mục sư và bà William Cadman là quyết định ở lại Việt Nam [19].

Mặc đầu được trả tự do, bệnh tình của nữ Giáo sĩ Grace Cadman không thuyên giảm.  Ngày 26/4/1946, bà về với Chúa, hưởng thọ 69 tuổi.  Bà đã cống hiến gần phân nửa cuộc đời của mình trong suốt 33 năm để hầu việc Chúa tại Việt Nam (1913-1946).  Thi hài của nữ Giáo sĩ Grace Cadman được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.  Sau năm 1975, di cốt của nữ Giáo sĩ Grace Cadman được cải táng tại nghĩa trang Ân Từ Viên.

Khi biết Giáo sĩ Grace Cadman đã về với Chúa, Giáo sĩ E. F. Irwin, người đã cùng bà hầu việc Chúa trong những năm đầu tại Đà Nẵng đã viết như sau: “Grace Cadman đã trung tín cho đến chết.  Cô trung tín với Chúa, trung tín với công việc của mình, trung tín và tận tụy giúp chồng của mình. Cô luôn đứng bên cạnh chồng với sự kiên định.  Bất cứ trách nhiệm nào được giao cho họ, thì đều đã được hoàn thành với mục đích đem vinh quang về cho Đức Chúa Trời. Việc mở cánh đồng truyền giáo mới tại Đông Dương, mở mang công cuộc truyền giáo tại thủ đô Hà Nội, thành lập và điều hành nhà in Hà Nội, phiên dịch Kinh Thánh tiếng Việt, biên soạn cuốn thánh ca Việt ngữ đầu tiên chỉ là một số mục vụ mà bà Cadman đảm trách phần lớn trách nhiệm, và bà đã trung tín cho đến cuối cùng. … Nữ Giáo sĩ Grace Cadman đã lìa khỏi chúng ta nhưng công việc của bà vẫn còn ở lại với chúng ta.  Bà sẽ được tưởng nhớ, không phải chỉ bởi những người đã cùng làm việc với bà, nhưng cũng bởi những người được đưa dẫn đến với Chúa qua cuộc đời của bà và những mục vụ mà bà đã làm” [19].

Thật vậy, gần 100 năm đã trôi qua, Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ mà nữ Giáo sĩ Grace Cadman đã cống hiến một phần cuộc đời của bà để phiên dịch vẫn được sử dụng và trân trọng bởi hàng triệu tín hữu Tin Lành Việt Nam khắp nơi trên thế giới, và giá trị lịch sử của Bản Dịch Kinh Thánh này cũng sẽ được trân trọng bởi những thế hệ tiếp theo.    

Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

 
Tài Liệu Tham Khảo:

  1. Hazenberg Book – Gia Phả Dòng Họ Hazenberg.
  2. Western Theological Seminary Catalog: 1911-1912.
  3. A History of the Classis of Paramus of the Reformed Church in America: Containing the Proceeding of the Centennial Meeting of the Classis, the Historical Discourse, and the Addresses, Statistical History and the Histories of the Individual Churches.
  4. Alliance Weekly: March 2, 1912, p. 390
  5. Willliam Taylor, Pauline Methods of Missionary Work (Philadelphia: Grant, Faires & Rodgers, Printers, 1879).
  6. David Bundy, “Taylor, William,” in Biographical Dictionary of Christian Missions, ed. Gerald H. Anderson (New York: Macmillan Reference USA, 1998), p. 660
  7. Du Plessis, “The Life of Andrew Murray of South Africa”, (1919), chapter 15
  8. Grace Hazenberg Cadman, Pen Pictures of Annam and Its People, (New York: The Christian Alliance Publising Co., 1920).
  9. Alliance Weekly: May 1, 1915, p. 73
  10. Lê Văn Thái. Bốn Mươi Sáu Năm Trong Chức Vụ. Sài Gòn (1970).
  11. Alliance Weekly: June 1, 1946, p. 343
  12. Board of CMA Meeting Minutes, August 6-8, 1913.
  13. Alliance Weekly: October 18, 1913, p. 42
  14. Alliance Weekly: November 22, 1913, p.114
  15. Alliance Weekly: April 4, 1914, p.15
  16. Alliance Weekly: May 23, 1914, p.121-122
  17. Alliance Weekly: May 1, 1915, p.73
  18. Alliance Weekly: November 11, 1916
  19. Alliance Weekly: June 1, 1946
  20. Jasper Abraham Huffman. History of the Mennonite Brethren in Christ Church. New Carlisle, Ohio: The Bethel Publishing Company (1920), p.199
  21. Lê Hoàng Phu. Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo (2010).
  22. Nam Phong (10/1923), Quyển 13, Số 76, 348
  23. Minutes of the Tenth Annual Conference Meeting, 1924
  24. Alliance Weekly: January 8, 1949.  24
  25. Đặng Ngọc Phúc. Những Người Tin Lành Tại Việt Nam Trong Giai Đoạn Thăm Dò. San Diego, California (2011). 84-233.
  26. F. Irwin, With Christ in Indochina, Christian Publication Inc., PA (1937), 32.
  27. Alliance Weekly: October 23, 1915.
  28. South China Executive Committee Minutes – July 17, 1914, 447
  29. Alliance Weekly: June 17, 1916. 185-186
  30. Alliance Weekly: August 12, 1916. 313-314
  31. Alliance Weekly: November 25, 1916. 121
  32. Alliance Weekly: May 5, 1917. 65
  33. Alliance Weekly: June 23, 1917. 184-185
  34. Alliance Weekly: November 30, 1946. 744
  35. William C. Cadman. Thánh Kinh Từ Điển. Đà Lạt: Nhà Tin Tin Lành (1953).
  36. Phan Khôi. Giới Thiệu Và Phê Bình Thánh Kinh Báo, Cơ Quan Của Hội Tin Lành Xuất Bản Tại Hà Nội. Sài Gòn: Phụ Nữ Tân Văn, Số 74 (16.10.1930).
  37. Irving Stebbins. 46 Năm Hầu Việc Chúa Với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Akron, Ohio: Spiritual Light Ministry (2004).

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top