Giới Thiệu Sách: Hạ Xuyên Phong Ngạn – Toyohiko Kagawa

Lời Giới Thiệu
Vào đầu thế kỷ 20, một số nhà ái quốc Việt Nam đã tổ chức phong trào Đông Du, tìm cách đưa người đến Nhật để học hỏi phương cách cứu nước. Lúc đó, tại Nhật có một thanh niên cũng muốn tìm cách cải cách quốc gia mình. Người đó là Mục sư Toyohiko Kagawa (1888-1960).
Mục sư Toyohiko Kagawa (賀川 豊彦) tin rằng giá trị của niềm tin Cơ Đốc không đặt trên lý thuyết nhưng trong hành động. Sống vào nửa đầu của thế kỷ 20, khi đối diện với vấn đề tranh chấp quyền lực giữa những quan điểm chính trị và khuynh hướng xã hội khác nhau đã dẫn đến Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, Mục sư Toyohiko Kagawa đã đề nghị một mô hình mới, bao gồm một cộng đồng được xây dựng trên niềm tin Cơ Đốc kết hợp với phong trào hợp tác xã và phong trào đấu tranh hòa bình, như là một giải pháp để thay thế cho chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa phát-xít.
Mục sư Toyohiko Kagawa đã sống phần lớn cuộc đời với những người nghèo khổ tại Kobé và Tokyo để giúp đỡ họ. Mục sư Toyohiko Kagawa được thế giới biết đến như là một nhân vật tranh đấu cho hòa bình, cho quyền lợi của công nhân, nông dân, cho sự bình đẳng trong xã hội. Ông đã thực hiện nhiều cải tổ để giúp người nghèo, phụ nữ, và nông dân Nhật. Mục sư Toyohiko Kagawa là người đã thành lập Liên Đoàn Lao Động Nhật vào năm 1928.
Vào đầu thập niên 1940, khi mầm mống chiến tranh giữa Nhật và Hoa Kỳ bộc phát, Mục sư Toyohiko Kagawa là người đã sang Hoa Kỳ để vận động cho một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, giới quân phiệt Nhật quyết định đưa nước Nhật vào chiến tranh, và sau đó Nhật Bản đã thất bại. Khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, chính phủ Nhật và Nhật Hoàng đã mời Mục sư Toyohiko Kagawa làm cố vấn để xây dựng lại nước Nhật theo một đường hướng mới. Mục sư Toyohiko Kagawa được xem là vị lãnh đạo tinh thần của nước Nhật hiện đại.
Mục sư Toyohiko Kagawa đã xuất bản hơn 150 cuốn sách: từ sách trình bày niềm tin Cơ Đốc đến đến sách nghiên cứu xã hội học, chính trị, văn học và tiểu thuyết. Mục sư Toyohiko Kagawa được hai lần đề cử cho giải Nobel Văn Chương (1947, 1948) và hai lần đề cử cho giải Nobel Hòa Bình (1954, 1955). Mục sư Toyohiko Kagawa về với Chúa vào năm 1960. Sau khi ông qua đời, Mục sư Toyohiko Kagawa được Nhật Hoàng trao tặng huân chương cao quý nhất của nước Nhật; 103 người quen biết đã viết lại những kỷ niệm về mục sư tạo thành một bộ tiểu sử dày hai tập.
Vài năm trước khi Mục sư Toyohiko Kagawa qua đời, nữ văn sĩ Charlie May Simon, vợ của nhà thơ John Gould Fletcher – người đoạt giải Pulitzer vào năm 1939 – đã sang Nhật nghiên cứu và viết tiểu sử của Mục sư Toyohiko Kagawa. Sách được xuất bản vào năm 1958 với tựa đề A Seed Shall Serve: The Story of Toyohiko Kagawa, Spiritual Leader of Modern Japan. Sách được Hoàng Bá lược dịch sang tiếng Việt với tựa đề Hạ Xuyên Phong Ngạn – Vị Lãnh Tụ Tinh Thần Của Nước Nhật Tân Tiến. Bản dịch Việt ngữ được đăng làm nhiều kỳ trên tạp chí Hừng Đông vào các năm 1962-1963.
Bản dịch Việt Ngữ tiểu sử Mục sư Toyohiko Kagawa được phát hành đã hơn 50 năm. Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu tác phẩm Hạ Xuyên Phong Ngạn với bạn đọc. Sách sẽ được đăng làm nhiều kỳ trong những tuần lễ tới.
Ban Biên Tập
Hạ Xuyên Phong Ngạn
Vị lãnh tụ tinh thần của nước Nhật tân tiến
Tác giả: Charlie May Simon
Dịch giả: Hoàng Bá
Lời Tựa:
Tôi (lời tác giả) không thể quên được cuộc gặp gỡ Bác sĩ Hạ Xuyên Phong Ngạn, con người đã được cả thế giới biết tiếng và kính yêu, con người đã được người ta mệnh danh là nhà lãnh đạo tinh thần, cũng có người xưng là một vị thánh của hiện đại. Tôi cũng không sao quên được những giờ mà Bác sĩ đã dành để tiếp tôi, những giờ của một ngày mà Bác sĩ vô cùng bận rộn.
Khi chúng ta nhớ lại câu Kinh Thánh “Con Người đã đến không phải để được người ta phục vụ, bèn để phục vụ người ta”, chúng ta mới có thể hiểu ý nghĩa chân chính của sự cao trọng. Những nhân vật như Bác sĩ Albert Schweitzer và Bác sĩ Hạ Xuyên Phong Ngạn, những người đã từng hiến cả cuộc đời của mình để phục vụ đồng loại, mới thật là những con người cao trọng.
Lần đầu tiên tôi có ý nghĩ viết quyển sách này về Bác sĩ Hạ Xuyên Phong Ngạn là khi tôi ở tại bệnh viện của Bác sĩ Schweitzer tại Phi Châu. Lúc ấy, cùng với tôi còn có hai người khách khác: hai vợ chồng một vị Bác sĩ Nhật Bản. Tất cả chúng tôi cùng ngồi dùng bữa nơi chiếc bàn dài trong phòng ăn của bệnh viện chung với các bác sĩ, y tá và công nhân của bệnh viện. Chúng tôi vừa được tin Bác sĩ Schweitzer, sau khi trở về Âu Châu một vài tháng, sắp trở qua Phi Châu. Bấy giờ tất cả chúng tôi đều có cảm tưởng muốn gặp ông ta, vì trong câu truyện giữa chúng tôi đều có nhắc nhở đến ông. Trong câu chuyện, chúng tôi cũng có nhắc đến tên của Hạ Xuyên Phong Ngạn, và chúng tôi có yêu cầu hai vị khách Nhật Bản kể thêm cho chúng tôi nghe về Bác sĩ Phong Ngạn.
Không thể nào có hai nhân vật khác nhau như Bác sĩ Albert Schweitzer và Hạ Xuyên Phong Ngạn, khi họ bắt đầu công tác của đời sống mình, nhưng rồi hai con đường của hai người đã chạy song song với nhau một cách lạ lùng và rốt cuộc đều tiến về cùng một định hướng. Albert Schweitzer, sinh trưởng ở Alsace (hiện thuộc Pháp), con của một vị Mục-sư, và cũng là cháu ngoại của một vị Mục-sư. Từ khi còn thơ ấu đến lúc thanh xuân, Schweitzer đã sống một cuộc đời khỏe mạnh và sung sướng. Và cũng chính vì thế mà Schweitzer đã cảm thấy mắc nợ tất cả những người xấu số hơn mình. Kể từ năm ba mươi tuổi ông đã quyết định cung hiến cuộc đời mình để phục vụ cho hạnh phúc của đồng loại; và ông đã ra đi đến một địa điểm mà ông cảm thấy có cần đến ông hơn hết: trung tâm Phi Châu.
Còn Hạ Xuyên Phong Ngạn sanh trưởng tại Nhật Bản, con của một nhà võ sĩ đạo giàu có, mẹ ông là một hầu thiếp vốn là một ca kỷ (geisha) Nhật. Năm mới lên bốn tuổi cậu đã phải mồ côi mẹ, phải về ở với dì ghẻ tức bà vợ lớn của cha mình. Từ khi thơ ấu cho đến tuổi thanh niên, Phong Ngạn vốn gầy cồm ốm yếu, lại bị ho lao, cậu chẳng hề cảm biết tình thương là gì. Chính vì vậy, khi từ bỏ Phật giáo để trở nên tín đồ Đấng Christ, Phong Ngạn đã cung hiến trọn cuộc đời mình để phục vụ hạnh phúc của đồng bào, để đem lại cho họ tình thương và sự chăm sóc ân cần là những điều mà chính ông thiếu thốn. Năm hai mươi tuổi, mặc dù bị suy yếu vì bệnh tật đến nỗi ông nghĩ rằng mình không còn sống bao lâu nữa, Phong Ngạn vẫn đến giữa những xóm nhà lụp sụp bẩn thiểu của thành phố Kobé, nơi chôn nhau cắt rốn của ông, sống cùng với những phường trộm cắp, hành khất và đĩ điếm, với mục đích hướng dẫn họ tiến đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cả hai bác sĩ Albert Schweitzer và Hạ Xuyên Phong Ngạn đều đã tận dụng mọi khả năng tiềm tàng vĩ đại vốn có trong mỗi người chúng ta: thể lực, trí lực và linh lực…
Chính tại nước Nhật đây, tôi đã thấy những nhà giữ trẻ của Bác sĩ Hạ Xuyên Phong Ngạn đã xây dựng để nuôi những con em nhà nghèo, tôi cũng đã thấy những tế bần viện để giúp những người thất nghiệp, những bệnh viện, cô nhi viện và trường học cho nông dân. Dầu rằng so sánh với nhu cầu vĩ đại của cả Á Châu thì đây chỉ là còn ít oi quá; nhưng tôi đã có cùng một cảm nghĩ cũng như khi tôi đã gặp Bác sĩ Schweitzer tại Phi Châu: Những nghĩa cử mà hai nhân vật nầy đã hành động không phải có tác dụng trên một số ít con người đã được thụ hưởng, bèn là ảnh hưởng đến cả thế giới, và tất cả chúng ta đều được hưởng thụ vậy. Chính sự kiện họ lìa bỏ cuộc đời sung túc, đầy đủ tiện nghi và có lẽ xa hoa sung sướng để đi phục vụ đồng loại mình tại nơi có cần đến họ đã đem lại cho chúng ta một sự khích lệ và một lòng tin tươi mới.
Charlie May Simon
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.