Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kinh Thánh » Cùng Học Kinh Thánh: II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-2

Cùng Học Kinh Thánh: II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-2

Cùng Học Kinh Thánh: II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-2

Cùng Học Kinh Thánh
II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-2

Câu Hỏi Gợi Ý

  1. Có bao giờ bạn cùng đứng tên với những người khác trong một văn kiện quan trọng để gởi cho những người khác hay không? Văn kiện đó nói về điều gì? Tại sao bạn và những người đó cùng ký tên với nhau?

Câu Hỏi Thảo Luận

  1. Ai là những người đã gởi bức thư nầy cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca (1:1a; II Cô-rinh-tô 1:19; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1)? Nhân vật thứ hai đã cùng gởi bức thư này có tên trong tiếng La-tinh là gì (1:1a)? Người nầy có mối quan hệ như thế nào với Sứ đồ Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 5:12)? Người nầy đã cùng với Sứ đồ Phao-lô truyền giảng tại đâu (II Cô-rinh-tô 1:19)? Ngoài tên Sin-vanh được viết trong tiếng La-tinh (II Cô-rinh-tô 1:19), ký thuật trong sách Công Vụ cho biết tên của ông được viết trong tiếng Hy-lạp (Greek) là gì (Công Vụ 18:1-5)? Các nhà lãnh đạo Hội Thánh thời ban đầu đã nhận xét gì về nhân vật nầy (Công Vụ 15:22)?  Ông đã được trao cho trách nhiệm nào (Công Vụ 15:27)? Ông có ân tứ nào và đã dùng ân tứ đó như thế nào (Công Vụ 15:32)? Ông có quốc tịch nào (Công Vụ 16:19-39)? Sau khi đến thăm Hội Thánh An-ti-ốt, ông đã quyết định làm gì (Công Vụ 15:35)? Ông đã cộng tác trong trách nhiệm quyền giáo với Sứ đồ Phao-lô từ khi nào (Công Vụ 15:40-41)? Ông đã cùng với Sứ đồ Phao-lô bị bách hại như thế nào (Công Vụ 16:40-41)? Ông đã cùng với Sứ đồ Phao-lô hầu việc Chúa như thế nào (Công Vụ 17:1-10)?  Chúng ta học được gì về nhân vật nầy?
  2. Nhân vật thứ ba đã cùng gởi bức thư này cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca là ai (1:1a)? Kinh Thánh cho biết điều gì về nhân vật nầy (Công Vụ 16:1-3)? Ai là người đã hướng dẫn ông đức tin nơi Chúa (II Ti-mô-thê 1:5)? Ông đã bắt đầu học Kinh Thánh từ lúc nào (II Ti-mô-thê 3:15)? Ở lứa tuổi nào thì người nầy bắt đầu chức vụ hầu việc Chúa (Công Vụ 16:1-3)? Tánh tình của người nầy như thế nào (I Cô-rinh-tô 16:10)? Người nầy thường được trao cho trách nhiệm gì (Công Vụ 17:14, 19:22; I Cô-rinh-tô 4:17; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:5-6)? Về sau ông đã làm gì (I Ti-mô-thê 1-6; II Ti-mô-thê 1-4)? Ông đã từng chịu khổ vì danh Chúa như thế nào (Hê-bơ-rơ 13:23)?
  3. Sứ đồ Phao-lô đã chúc cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca những điều gì (1:2c; Rô-ma 1:7; I Cô-rinh-tô 1:3; II Cô-rinh-tô 1:2; Ga-la-ti 1:3). Kinh Thánh cho biết ân điển đến từ đâu (Rô-ma 1:5, 1:7, 16:20, 16:24; II Cô-rinh-tô 13:14; Ga-la-ti 1:3) và gắn liền với ai (II Ti-mô-thê 4:22))? Ân điển của Đức Chúa Trời đem lại phước hạnh nào cho người tin Chúa (Rô-ma 3:24, 5:16-17, 6:14; Ê-phê-sô 1:7, 2:5, 2:8)?  Tại sao điều nầy là quan trọng cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca cũng như cho những người tin Chúa ngày nay (II Sa-mu-ên 7:15; Rô-ma 6:14-15; Ê-phê-sô 2:5)?
  4. Kinh Thánh cho biết bình an là một trong những bản chất của ai (Ga-la-ti 5:19)? Ai có thể ban cho chúng ta sự bình an (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:15, Phi-líp 4:7; Giăng 14:27)? Làm thế nào để người tin Chúa có thể nhận được sự bình an (Ê-sai 48:18, 32:17; II Cô-rinh-tô 13:12; Ga-la-ti 5:19)? Tại sao khi tấm lòng và ý tưởng của chúng ta được đặt ở trong Đấng Christ, điều đó sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an (3:15; Phi-líp 4:7d, 4:9; Ê-sai 26:3; Giăng 14:27)?

Câu Hỏi Suy Gẫm

  1. Sin-vanh (La-tinh) hay Si-la (Hy-lạp) là một nhân vật có uy tín trong Hội Thánh Thời Ban Đầu tại Jerusalem (Công Vụ 15:22). Ông được cử đến An-ti-ốt để giải thích quan điểm của Hội Thánh cho những tín hữu ngoại quốc (Công Vụ 15:27). Sau đó, ông đã quyết định ở lại An-ti-ốt (Công Vụ 15:35) rồi trở thành một nhà truyền giáo cho người ngoại quốc.  Có bao giờ bạn suy nghĩ đến việc lìa bỏ một chỗ ở tốt đẹp (như thủ đô Jerusalem), hay địa vị quý trọng của mình trong một Hội Thánh địa phương để mở mang công việc Chúa tại những nơi xa xôi hay không?  Sứ đồ Phao-lô có quốc tịch La-mã, Si-la cũng có quốc tịch La-mã (Công Vụ 16:19-39). Sứ đồ Phao-lô có ơn giảng dạy, Si-la cũng có ơn giảng dạy (Công Vụ 15:32). Bạn đang có những ân tứ, đặc quyền, hay khả năng nào? Có bao giờ bạn sử dụng những điều đó cho việc đưa dẫn người đến với Chúa hay không?
  2. Bạn mong ước điều gì cho con cháu của mình? Bạn có ưu tư về đời sống của con cháu mình trong xã hội hiện nay hay không? Con cháu của bạn hiểu gì về niềm tin nơi Chúa? Kinh Thánh cho biết Ti-mô-thê là một thanh niên, con lai, sinh trưởng ở ngoại quốc (Công Vụ 16:1-3), được hướng dẫn Kinh Thánh từ thời thơ ấu (II Ti-mô-thê 3:15). Ti-mô-thê đã tiếp tục theo gương đức tin nơi Chúa của mẹ và bà ngoại mình (II Ti-mô-thê 1:5). Ông đã trở thành người hầu việc Chúa trong lứa tuổi thanh niên và sau đó trở thành một mục sư uy tín trong Hội Thánh thời ban đầu.  Cuộc đời của Ti-mô-thê nhắc nhở bạn và tôi điều gì trong trách nhiệm dạy Kinh Thánh cho con cháu của mình từ nhỏ?  Bạn có mong ước con cháu của mình trở thành người hầu việc Chúa hay không? Bạn cần làm gì từ bây giờ để chuẩn bị cho điều đó?
  3. Ân điển và bình an là những phước hạnh đến từ Chúa (1:2b, 3:15; Rô-ma 3:24, 5:16-17, 6:14; Ê-phê-sô 1:7, 2:5, 2:8; Phi-líp 4:7; Giăng 14:27). Bạn đã nhận ân điển và bình an của Chúa như thế nào? Bạn đã dùng ân điển và bình an của Chúa như thế nào? Làm thế nào bạn có thể đem ân điển và bình an của Chúa đến cho những người khác (Hê-bơ-rơ 12:14; Gia-cơ 3:17-18; Công Vụ 20:24)?

Kinh Thánh: II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-2

Bản Dịch Việt Ngữ

  1. Phao-lô, Sin-vanh, và Ti-mô-thê gởi đến Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca, trong Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta, và trong Chúa là Đức Chúa Jesus Christ.
  2. Nguyện ân điển và bình an từ Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta, và từ Chúa là Đức Chúa Jesus Christ, đến cùng anh em.
Bản Dịch 1925

  1. Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, là Hội thánh ở trong Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa: 2. nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ!

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Đọc thêm: 

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top