Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Jesus Cứu Chúa Tôi – Quyển 1: Ma-ri – Mẹ Chúa – Biết Suy Nghĩ

Jesus Cứu Chúa Tôi – Quyển 1: Ma-ri – Mẹ Chúa – Biết Suy Nghĩ

Jesus Cứu Chúa Tôi
Quyển 1
Ma-ri – Mẹ Chúa – Biết Suy Nghĩ

Thiên-sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi. Ma-ri nghe nói thì bối-rối, tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì.” (Lu-ca 1:28-29).

Nếu chúng ta ở trong hoàn-cảnh Ma-ri, chắc chúng ta nhanh-nhảu đáp lời thiên-sứ theo cách thông-thường: Dạ, không dám.

Ma-ri thấy thiên-sứ, nàng sợ nhưng không “bối-rối”. Nàng chỉ “bối-rối” khi nghe thiên-sứ phán cùng nàng: “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi, Chúa ở cùng ngươi”. Nàng không e-thẹn theo nhi nữ thường tình khi được khen-ngợi. Nàng  bị “bối-rối” (was troubled), một trạng-thái lo-nghĩ không phân-định được.

Một thiếu nữ ngây-thơ yêu trộm nhớ thầm một người lòng mình yêu-mến, mà có người bắt gặp nhận ra, đủ khiến cho người thiếu-nữ “bối-rối” ngay. Tình yêu Ma-ri dành cho Ðức Chúa Trời nào có ai hay. Nàng yêu mến Chúa “hết lòng, hết linh-hồn, hết ý” (Ma-thi-ơ 22:37) hẳn Chúa đẹp lòng. Thiên-sứ chứng-nhận nàng “được ơn” trước mặt Chúa. Tình yêu nàng đối với Chúa, Chúa biết. Nàng “bối-rối” trong mối tương-quan thắm-thiết – Chúa lưu tâm đến nàng. Ðiều này thật sao?

“Mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi”. Nàng càng “bối-rối”. Theo nguyên văn Greek, chữ “bối-rối” (tarassò) được dùng rất nhiều lần trong kinh Tân-ước. Nhưng chữ “bối-rối” (diatarassò) chỉ dùng có một lần trong cả Tân-ước, mô-tả sự “bối-rối” của Ma-ri. Một loại “bối-rối” động não, suy-nghĩ. Nàng “tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì”.

Nàng không xa-lạ với lời “Chúa ở cùng ngươi”. Nàng đã được dạy Kinh-Thánh. Bao nhiêu người trong lịch-sử dân-tộc nàng đã được nghe lời này và cuộc đời người đó bước vào một ngã rẽ quan-trọng, để ý-định của Ðức Chúa Trời, chương-trình của Ðức Chúa Trời được thể-hiện. Nàng thấu-hiểu ý-nghĩa “Chúa ở cùng ngươi” trong lịch-sử, nhưng nay lời đó được phán trực-tiếp với nàng thì có “nghĩa gì” đây.

Ma-ri là người “biết” suy-nghĩ. Khi Ma-ri sanh hạ Chúa Jêsus, được các gã chăn chiên thuật lại cho biết thể nào thiên-sứ đến báo tin Chúa Cứu-thế ra đời. “Ai nấy nghe bọn chăn chiên nói, đều lấy làm lạ. Còn Ma-ri thì ghi nhớ mọi lời ấy và suy-nghĩ trong lòng” (Lu-ca 2:18-19).

Suy-nghĩ là điều người ta không còn ưa-thích ở thời-đại này. Sống trong một thời-đại có “fast food”, có cà-phê “espresso” có “mì ăn liền”, có computer quyết-định giùm thì làm sao chúng ta lại phải tốn thì-giờ suy-nghĩ. Suy-nghĩ chi cho mệt trí. Trí-óc trống-rỗng, nếu có tác-động thì nghĩ bậy.

Biết bao thảm-cảnh trong gia-đình, ngoài xã-hội phần lớn do thiếu suy-nghĩ. Từ lời nói thiếu suy-nghĩ đến hành-động thiếu suy-nghĩ. Dường như con người chỉ hành-động theo cảm-xúc thất tình: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục – mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn.

Chẳng lẽ chúng ta phải ôn lại lời dạy:

Làm người suy chín, xét xa

Cho tường gốc ngọn, cho ra vắn dài

Làm người phải đắn, phải đo

Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.

Làm người mà chẳng biết suy

Ðến khi nghĩ lại còn gì là thân

Làm người ăn tối lo mai

Việc mình hồ dễ để ai đo lường.

Ca-dao

Cơ-đốc nhân phải suy-nghĩ. Nhứt là phải suy-nghĩ Lời Chúa dạy trong Kinh-Thánh. Chính Ðức Chúa Trời truyền-lịnh cho người thuộc về Ngài: “Quyển sách luật-pháp này (Kinh-Thánh) chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may-mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:8).

Ngày nay, trong các buổi thờ-phượng Chúa, chúng ta thường nghe: “Chúa ở cùng anh chị em” như là một lời cầu-chúc mà không cần suy-nghĩ. Chúng ta biết “Chúa ở cùng” chúng ta, nhưng chúng ta cũng không suy-nghĩ sự-kiện Chúa “ở cùng” chúng ta. Nếu chúng ta chịu suy-nghĩ sự-kiện phước-hạnh “Chúa ở cùng”, chắc-chắn, chúng ta sẽ được Chúa tỏ cho chúng ta biết phần việc, trọng-trách mình phải làm. Nào chúng ta thử suy-nghĩ xem.

Mục sư Phan Thanh Bình

Mục Lục
Chương Trước
Chương Sau

Thư Viện  Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top