Bảy Lời Nói Cuối Cùng Của Đức Chúa Jesus Trên Thập Tự – Lời Thứ Năm
Lời Thứ Năm: “Ta khát” (Giăng 19:28)
Trải qua gần suốt một ngày bị bắt bớ, bị đánh đập, bị bêu riếu trên đường phố, bị đóng đinh trên thập tự, những vết thương từ trên trán, trên lưng, trên tay, và chân của Chúa đã tuôn rất nhiều máu. Thêm vào đó, sau nhiều giờ Chúa bị căng ra, bị treo lơ lững, bị phơi giữa trời, thân thể Chúa mất nhiều nước. Phúc Âm Giăng ghi lại trong hoàn cảnh đó Đức Chúa Jesus đã nói: “Ta khát” (Giăng 19:28).
Khi thân thể bị mất máu và nước, khát là điều tự nhiên. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao Đức Chúa Jesus – là Đức Chúa Trời quyền năng – là Đấng đã khiến Môi-se đập vào hòn đá để tuôn nước ra cho dân Do Thái uống (Xuất Ê-díp-tô ký 17:1-7), là Đấng đã hứa với người phụ nữ tại Sa-ma-ri rằng “Ai uống nước nầy sẽ khát lại, nhưng ai uống nước Ta cho sẽ không bao giờ khát nữa. Nước Ta cho sẽ thành một mạch nước trong người ấy tuôn ra đến sự sống đời đời.” (Giăng 4:13-14); là Đấng đã công bố “Người nào khát hãy đến với Ta mà uống” (Giăng 7:37), mà giờ đây chính Ngài phải thốt lên “Ta khát”?
Phúc Âm Giăng đã ghi lại câu trả lời cho câu hỏi đó: “Sau đó Ðức Chúa Jesus biết mọi sự đã hoàn tất, và để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Ngài nói: “Ta khát.”” (Giăng 19:28).
Vào thế kỷ thứ nhất, những người theo Trí Huệ phái đã chủ trương rằng Đức Chúa Trời là thần cho nên Đức Chúa Trời không thể tồn tại trong một thân xác. Bởi vì Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời cho nên Đức Chúa Jesus thực ra không hề tồn tại trong một thân xác, và do đó Ngài không hề biết đói khát, đau đớn, … như một con người bình thường.
Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời thành người. Đức Chúa Jesus có đầy đủ bản chất của Đức Chúa Trời và có bản chất của con người. Trong bản chất của con người, Đức Chúa Jesus đã kinh nghiệm sự đau đớn, sự cô đơn, và đói khát.
Nếu đọc kỹ câu chuyện Chúa bị hành hình, có hai lần những người lính La Mã đã cho Đức Chúa Jesus uống. Lần đầu, sau khi Chúa được dẫn đến đồi Gô-gô-tha, và trước khi Chúa bị đóng đinh, những người lính La Mã đã cho Đức Chúa Jesus uống rượu với mật đắng nhưng Ngài từ chối “Họ cho Ngài uống rượu pha mật đắng. Ngài nếm nhưng không uống” (Ma-thi-ơ 27:34). Đức Chúa Jesus đã từ chối bởi vì lúc đó một số lời tiên tri trong Kinh Thánh liên hệ đến sự hy sinh của Ngài chưa được hoàn thành. Lần thứ hai xảy ra sau khi Đức Chúa Jesus đã chịu đóng đinh và khi một số lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước như Thi Thiên 22:1-18 đã được ứng nghiệm. Sứ đồ Giăng viết: “Sau đó Ðức Chúa Jesus biết mọi sự đã hoàn tất, và để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Ngài nói: “Ta khát.”” (Giăng 19:28).
Phúc Âm Giăng viết rất rõ: Lý do Đức Chúa Jesus đã nói “Ta khát” là để “lời Kinh Thánh được ứng nghiệm”. Thánh Kinh Cựu Ước đã chép gì về việc Chúa bị khát?
Thi Thiên 22:15 đã viết như sau: “Sức lực con khô hạn, như đất sét bị nung, lưỡi con dính chặt vào hàm, Ngài đã đặt con vào chốn tro bụi của sự chết.” (Thi Thiên 22:15). Thi Thiên 69 viết tiếp: “Những lời sỉ nhục làm tan nát lòng con. Con trĩu nặng. Con trông sự cảm thông nhưng chẳng thấy. Con tìm người an ủi nhưng chẳng có ai. Họ đã đưa mật đắng cho con làm thức ăn. Khi con khát, họ trao giấm cho con uống.” (Thi Thiên 69:20-21).
Thi Thiên 22:15 mô tả cái khát về thể chất: khát vì khô, vì nóng, vì sức lực cạn kiệt. Tuy nhiên, chữ “khát” mà Chúa nói không chỉ diễn tả sự khát nước về thể chất, nhưng còn diễn tả sự khao khát tinh thần. Trong bối cảnh vừa bị Đức Chúa Trời lìa bỏ, Đức Chúa Jesus kinh nghiệm sự cô đơn tột cùng. Thi Thiên 69:20 mô tả rằng lúc đó Đức Chúa Jesus nhìn chung quanh nhưng không nhận được một ánh mắt cảm thông nào.
Khi đó, toán lính La Mã đang ồn ào đánh bạc giành quyền chiếm y phục của Chúa (Giăng 19:23-24). Những lãnh đạo Do Thái, thỏa mãn vì hoàn thành âm mưu giết Chúa, đang đứng chung quanh cười nhạo báng Ngài (Ma-thi-ơ 27:41-43; Mác 15:31-32). Nhiều người trong đám đông hiếu kỳ đến xem tử tội bị hành hình cũng mắng nhiếc Ngài (Mác 15:29-30). Lúc Đức Chúa Jesus chịu thống khổ trong vườn, Chúa cần sự cảm thông, nhưng lúc đó tất cả các môn đồ của Chúa đều ngủ say (Mác 14:32-42); và chúng ta không ngạc nhiên đến khi Chúa bị xử hình, đa số các môn đồ của Ngài đã chạy trốn. Giăng có mặt tại đó nhưng có lẽ ông đang bàng hoàng sững sờ về những diễn biến đang xảy ra; còn những phụ nữ yêu mến Chúa thì đang sầu muộn và khóc lóc.
Tiên tri Ê-sai mô tả thái độ của loài người với Đức Chúa Jesus lúc đó như sau: “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau đớn, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.” (Ê-sai 53:6).
Sứ đồ Giăng viết tiếp, tại đó có một bình giấm, và người ta đã nhúng giấm vào một miếng xốp (“bông đá” – BD 1925; “bọt biển” – Bản Hiệu Đính 2010) cột vào cây ngưu tất rồi đưa lên miệng Ngài. “Tại đó có một bình đựng đầy giấm. Vậy họ lấy một miếng xốp, thấm đầy giấm, cột vào đầu nhánh cây ngưu tất, và đưa lên miệng Ngài.” (Giăng 19:28-29).
Chúng ta không rõ vì sao những người lính La Mã mang giấm đến bên thập tự vào lúc đó. Có thể họ mang giấm theo để chấm bánh ăn trưa như phong tục của nhiều dân tộc tại các quốc gia trong vùng Địa Trung Hải (Ru-tơ 2:14). Có thể họ mang giấm theo để sát trùng tay chân khi họ phải tiếp xúc với thương tích và tử thi của các tử tội. Chúng ta không biết động lực nào khiến những người lính La Mã mang giấm theo; tuy nhiên, việc họ đưa giấm cho Chúa uống đã làm ứng nghiệm lời tiên tri đã được Thi Thiên 69:20-21 viết khoảng 1000 năm trước đó.
Cây ngưu tất, mà họ dùng để đưa giấm lên cho Chúa nếm, được nhắc đến hai lần trong Thánh Kinh Tân Ước: một lần trong Giăng 19:29, và một lần trong Hê-bơ-rơ 9:19. Chữ ngưu tất được viết trong tiếng Hy Lạp là ὑσσώπου. Tác giả thư Hê-bơ-rơ cho biết cây ngưu tất được dùng trong nghi lễ thanh tẩy trong thời Cựu Ước. “Khi Môi-se công bố mọi điều răn của luật pháp cho dân chúng, ông lấy máu của bò con và dê đực, với nước, dây nhung đỏ tía, và nhành ngưu tất rảy trên sách cùng trên cả dân chúng, và nói: Đây là huyết của sự giao ước mà Đức Chúa Trời đã dạy các ngươi. Và cùng cách ấy, người lấy huyết rảy trên đền tạm cùng mọi vật dụng thờ phượng. Theo luật pháp hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được tinh sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” (Hê-bơ-rơ 9:19-22).
Dựa vào mô tả trong Hê-bơ-rơ 9:19, cây ngưu tất trong Tân Ước chính là cây kinh giới (אֵז֗וֹב) trong Cựu Ước. Kinh giới là một loại cây – hoặc bụi cây – nhỏ có thể mọc ra từ vách tường (I Các Vua 4:33). Trong lễ Vượt Qua đầu tiên người Do Thái đã dùng một bó kinh giới nhúng vào huyết chiên con để bôi lên ngạch cửa và cột cửa (Xuất Ê-díp-tô 12:22) để đánh dấu những người trong căn nhà đó thuộc về Chúa. Các thầy tế lễ dùng nhành kinh giới để rẩy huyết trong nghi thức xác nhận người phung được lành (Lê-vi-ký 14:4-6) và trong lễ chuộc tội (Dân Số Ký 19:6). Vua Đa-vít đã nhắc đến nhành kinh giới trong Thi Thiên 51 khi vua cầu xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của mình (Thi Thiên 51:7).
Khi người lính La Mã dùng cây ngưu tất đưa giấm lên cho Chúa nếm, máu từ khuôn mặt của Chúa, bị đâm thủng bởi mão gai, đã thấm vào đầu cây ngưu tất. Như người Do Thái đã thấm máu chiên con trên đầu cây ngưu tất trong lễ Vượt Qua đầu tiên, cây ngưu tất của người lính La Mã thấm máu Chiên Con của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khác với máu của chiên con trong lễ Vượt Qua của người Do Thái mỗi năm phải thực hiện một lần, Huyết của Chiên Con Đức Chúa Trời đó có công dụng đền tội cho cả nhân loại một lần đủ cả. Tác giả thư Hê-bơ-rơ giải thích điều đó như sau:
“Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà đạt sự chuộc tội đời đời. Vì nếu huyết của dê đực bò đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì vít cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, để hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!” (Hê-bơ-rơ 9:12-14)
Chiều hôm đó, trước khi cho phép mang xác Chúa đem chôn, một người lính La Mã đã dùng ngọn giáo đâm vào thân Đức Chúa Jesus. Sứ đồ Giăng kể lại rằng, từ vết đâm đó, huyết và nước chảy ra (Giăng 19:36).
Huyết là biểu tượng của sự cứu chuộc và nước tượng trưng cho sự thanh tẩy. Thánh lễ thành lập trên ý nghĩa của huyết là Tiệc Thánh và thánh lễ thành lập trên ý nghĩa của nước là Báp-têm. Rượu nho trong lễ Tiệc Thánh tượng trưng cho huyết của Đức Chúa Jesus đã đổ ra để chuộc tội cho loài người; và như Hê-bơ-rơ 9:12-14 giải thích: dòng huyết của Đức Chúa Jesus có giá trị thanh tẩy tội lỗi của nhân loại một lần đủ cả. Nước trong lễ Báp-têm biểu tượng cho ân điển tha thứ của Đức Chúa Trời dành cho những người tin nhận Đức Chúa Jesus. Bên cạnh ý nghĩa thanh tẩy, lễ Báp-têm đánh dấu khởi đầu của một cuộc sống mới trong Chúa: “Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đều đã chịu phép báp tem trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là chịu phép báp tem trong sự chết của Ngài sao? Chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, như Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:3-4)
Khi bị Đức Chúa Trời và loài người xa lánh Ngài, Đức Chúa Jesus đã phải chịu khát. Nhưng khi Đức Chúa Jesus chết, Ngài đã đem tội nhân trở về cùng Đức Chúa Trời. Người tin Chúa đã nhận báp-têm trong danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19). Trong 20 thế kỷ qua, dòng huyết cứu chuộc và dòng suối ân điển lưu xuất từ thân Chúa đã đem sự sống mới và đã trở thành nguồn sinh lực cho hàng tỷ người trên thế giới.
Lời nói thứ năm của Chúa trên thập tự là “Ta khát”. Lời này được Đức Chúa Jesus nói để làm ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh về Chiên Con của Đức Chúa Trời đã chết để đền tội cho cả nhân loại. Bên cạnh việc làm hoàn tất những lời tiên tri trong Kinh Thánh, tác giả thơ Hê-bơ-rơ đã giải thích rằng Đức Chúa Jesus, trong bản chất con người, đã kinh nghiệm sự đau đớn, sự cô đơn, và bị khát, để qua đó Ngài cảm thông với những khổ đau của con người, và Ngài có thể giúp những người bị đang cám dỗ: “Vì vậy Ngài phải trở nên giống như các em mình trong mọi phương diện, để có thể trở thành Tế Lễ Thượng Phẩm thương xót và thành tín trong sự thờ phượng Ðức Chúa Trời, hầu chuộc tội cho dân; bởi vì chính Ngài đã bị cám dỗ trong khi chịu đau đớn, nên Ngài có thể giúp đỡ những người đang bị cám dỗ.” (Hê-bơ-rơ 2:17-18).
“Thật vậy, vì chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời – tức là Đức Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời – nên hãy bền giữ đạo mà chúng ta đã nhận tin. Chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm không có thể cảm thương sự yếu đuối của chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc như chúng ta, nhưng chẳng phạm tội. Vì vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, để nhận ơn thương xót và tìm được ân sủng để giúp chúng ta khi cần.” (Hê-bơ-rơ 4:14-16).
Phước Nguyên (2015)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
4. Lời Thứ Tư
6. Lời Thứ Sáu
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (2)