Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Kiến Thức: Đức Chúa Jesus Giáng Sinh Năm Nào

Kiến Thức: Đức Chúa Jesus Giáng Sinh Năm Nào

Đức Chúa Jesus Giáng Sinh Năm Nào

Đức Chúa Jesus giáng sinh vào năm nào?  Đây là một câu hỏi đơn giản nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa có một câu trả lời xác định.  Dương Lịch mà chúng ta dùng hiện nay được đặt căn bản trên lịch Gregorian đã được Giáo hoàng Gregory XIII công bố vào năm 1582.  Trước khi lịch Gregorian được áp dụng, lịch Julian đã được dùng tại Âu Châu.  Lịch Julian do Hoàng đế Julius Cesar thiết lập vào năm 46 TC.

Lịch Gregorian đã chọn năm Đức Chúa Jesus giáng sinh làm khởi điểm. Trong lịch Gregorian và Dương Lịch chúng ta dùng hiện nay, để có thể biết năm đã xảy ra trước năm Đức Chúa Jesus giáng sinh, bên cạnh con số để xác định năm, còn có dòng chữ Anno Domini (AD) trong tiếng Latin, hay Before Christ (BC) trong tiếng Anh, Trước Công Nguyên (TCN) trong tiếng Việt, hoặc Trước Chúa (TC) trong các văn bản Việt Ngữ của người tin Chúa.  Năm đầu tiên của lịch Gregorian là năm thứ 754 của lịch Julian.

Cách Tính Niên Lịch Của Linh Mục Dionysius Exiguus

Các nhà làm lịch Gregorian đã tính năm Đức Chúa Jesus giáng sinh căn cứ trên một bản liệt kê những ngày lễ Phục Sinh do Linh mục Dionysius Exiguus công bố vào thế kỷ thứ 6. 

Linh mục Dionysius Exiguus sinh vào khoảng năm 480 tại Scythia Minor, là một vùng đất gần Dobruja, thuộc Romania và Bulgaria ngày nay.  Vào khoảng năm 500, Linh mục Dionysius Exiguus đến làm việc tại Rome.  Linh mục Dionysius Exiguus là một học giả, ông đã phiên dịch rất nhiều tài liệu từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin.

Năm 525, Linh mục Dionysius Exiguus trình bày một bản liệt kê những ngày lễ Phục Sinh cho 100 năm kế tiếp; tuy nhiên bản liệt kê của Linh mục Dionysius Exiguus chỉ bao gồm những ngày lễ Phục Sinh từ năm 532 cho đến năm 626, bởi vì những ngày lễ Phục Sinh cho các năm 437-531 đã được Giáo phụ Cyril tại Alexandria, Ai Cập công bố từ năm 440.  Linh mục Dionysius Exiguus cho biết ông đã dựa trên cách tính của người Ai Cập – tức là bản liệt kê vào năm 440 của Giáo phụ Cyril – để thực hiện bản liệt kê của mình.  Trong khi đó, bản liệt kê của Giáo phụ Cyril tại Alexandria lại căn cứ trên một phương pháp tính những ngày lễ Phục Sinh do Giáo phụ Theophilus đã công bố tại Alexandria từ năm 390.      

Khi Linh mục Dionysius Exiguus thực hiện công trình nghiên cứu của mình, vì lúc đó chưa có lịch Gregorian cho nên Linh mục Dionysius Exiguus đã dùng niên lịch Julian để đối chiếu.  Năm của lịch Julian được xác định dựa theo nhiệm kỳ của các nhiếp chính tại La Mã.  Mỗi năm, Nghị Viện La Mã đã bầu hai vị nhiếp chính, với nhiệm kỳ một năm, và nhiệm sở bắt đầu vào ngày 1 tháng Giêng. Chức vụ nhiếp chính có thể được tái đề cử hằng năm.  Hai vị nhiếp chính luân phiên nhau, mỗi tháng một lần, điều hành công việc của Cộng Hòa La Mã dưới sự cố vấn của Nghị Viện La Mã.

Trong một chú thích trên bản liệt kê của mình, Linh mục Dionysius Exiguus cho biết năm mà ông công bố công trình nghiên cứu của mình như sau: “In praesenti namque tertia indictio est, consulatu Probi junioris,…” Lược dịch: “Hiện tại là năm thứ ba của Nhiếp chính Probi Junioris, …”  Trong một chú thích khác trong công trình nghiên cứu của mình, Linh mục Dionysius Exiguus đã trình bày cách ông tính năm Đức Chúa Jesus giáng sinh: “Si nosse vis quotus sit annus ab incarnatione Domini nostri Jesu Christi, computa quindecies XXXIV, fiunt DX; iis semper adde XII regulares, fiunt DXXII; adde etiam indictionem anni cujus volueris, ut puta, tertiam, consulatu Probi junioris, fiunt simul anni DXXV. Isti sunt anni ab incarnatione Domini.”  Lược dịch: “Nếu bạn muốn tính năm từ lúc Đức Chúa Jesus của chúng ta giáng trần, hãy tính bằng cách nhân 15 với 34, chúng ta có 510; luôn luôn cộng 12 vào để điều chỉnh, sẽ thành 522; cộng thêm năm đã được công bố mà bạn cần, ví dụ năm thứ ba của Nhiếp chính Probi Junioris, kết quả là năm 525.  Đây là những năm kể từ lúc Chúa của chúng ta giáng trần.

Mặc dù Linh mục Dionysius Exiguus đã trình bày cách ông tính năm Đức Chúa Lesus giáng sinh nhưng ông không nói rõ vì sao ông tính toán như vậy. Thực tế cho thấy, phương pháp mà Linh mục Dionysius Exiguus đã khai triển dựa trên phát minh của những học giả tại Ai Cập, khi được đem đối chiếu với những tài liệu lịch sử liên hệ đến năm Đức Chúa Lesus giáng sinh, đã có sự chênh lệch vài năm.  Có rất nhiều lý do đã dẫn đến sai lệch trong cách tính năm đầu tiên trong kỷ nguyên Cơ Đốc.  Vài lý do tiêu biểu như sau:

  • Bản liệt kê danh sách những Nhiếp chính tại Nghị Viện La Mã có những sai sót.
  • Có những lẫn lộn về thời gian các hoàng đế trị vì.
  • Năm mới của niên lịch Julian bắt đầu vào ngày 1 tháng 1, trong khi đó năm mới trong cách tính của Linh mục Dionysius Exiguus bắt đầu vào ngày 29 tháng 8; hoặc 30 tháng 8 nếu năm đó là năm nhuận trong lịch Julian.
  • Có sự khác biệt trong quan điểm về thời điểm Đức Chúa Jesus nhập thể là vào lúc thiên thần báo tin cho Mary và bà mang thai, hay là lúc Đức Chúa Jesus giáng sinh tại Bethlehem. Tương tự như cách người Việt tính tuổi ta, trong 5 thế kỷ đầu tiên sau khi Đức Chúa Jesus giáng sinh, những người chấp nhận quan điểm Chúa nhập thể khi Mary mang thai, thường thêm một năm vào những sự kiện mà họ ghi chép, trong khi những người khác không ghi như vậy, cho nên khi đối chiếu những tài liệu với nhau đã dẫn đến lẫn lộn.

Vài Khảo Cứu Về Năm Chúa Giáng Sinh

Dựa trên các ký thuật trong Kinh Thánh và dựa trên các tài liệu lịch sử hiện có, phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng Đức Chúa Jesus đã giáng sinh trong khoảng thời gian từ năm thứ 7 TC cho đến năm thứ 1 TC; tuy nhiên các nhà nghiên cứu không thể xác định là năm nào vì những sự kiện liên hệ chỉ được ghi lại một cách tổng quát.  Dưới đây là vài ví dụ mà những nhà nghiên cứu và phê bình Kinh Thánh đã tra cứu tìm cách xác định năm Đức Chúa Jesus giáng sinh.

Phúc Âm Ma-thi-ơ 2:1 chép rằng Đức Chúa Jesus đã được sinh ra tại làng Bethlehem vào thời vua Hê-rốt trị vì.  Tác giả Phúc Âm Ma-thi-ơ cho biết vua Hê-rốt đã ra lệnh tàn sát trẻ thơ tại Bethlehem khi vua biết tin Chúa chào đời (Phúc Âm Ma-thi-ơ 2:16).  Như vậy, Đức Chúa Jesus phải giáng sinh trước khi vua Hê-rốt qua đời. Do đó, việc xác định niên đại vua Hê-rốt qua đời là khởi điểm đầu tiên cho việc tìm năm Đức Chúa Jesus giáng sinh. 

Vua Hê-rốt chết năm nào?  Titus Flavius Josephus, một sử gia La Mã, người gốc Do Thái, sống trong thế kỷ thứ nhất, đã ghi lại một số chi tiết về cái chết của vua Hê-rốt, tuy nhiên Josephus không ghi rõ vua Hê-rốt đã chết vào năm nào.   Sử gia Josephus cho biết vua Hê-rốt đã qua đời sau khi có một nguyệt thực xảy ra và trước khi dân Do Thái kỷ niệm lễ Vượt Qua vào năm đó.

Dựa vào những chi tiết trên, các nhà nghiên cứu đã đi tìm những tài liệu thiên văn liên hệ đến nguyệt thực tại Do Thái, và họ cho biết rằng từ năm thứ 5 TC đến năm thứ 1 TC, có bốn lần nguyệt thực đã xảy ra trước lễ Vượt Qua tại Do Thái.  Trong số đó có 2 lần xảy ra trong năm thứ 5 TC, 1 lần trong năm thứ 4 TC, và 1 lần trong năm thứ 1 TC.  Phần lớn các học giả cho rằng vua Hê-rốt đã qua đời vào năm thứ 4 TC, bởi vì trong năm đó vua Hê-rốt đã gởi một bản chúc thư xin Hoàng đế La Mã Augustus phê duyệt về việc phân chia quyền hành và lãnh thổ cho các con trai của vua sau khi vua chết.  Vì vậy, một số nhà nghiên cứu tin rằng Đức Chúa Jesus đã được sinh chậm nhất là vào đầu năm thứ 4 TC, hoặc trước đó.  Tuy nhiên, vẫn có một số nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng vua Hê-rốt có thể chết sau lần nguyệt thực vào năm thứ 1 TC.

Bên cạnh việc đối chiếu với năm vua Hê-rốt băng hà, các nhà nghiên cứu cũng dùng những chi tiết mà Kinh Thánh đã nhắc về tuổi của Đức Chúa Jesus để tìm năm sinh của Ngài.  Tác giả Phúc Âm Lu-ca cho biết Đức Chúa Jesus bắt đầu chức vụ vào khoảng 30 tuổi (Lu-ca 3:23). Trong khi đó, tác giả Phúc Âm Giăng đã ghi lại nhận xét của những người Do Thái đã gặp Đức Chúa Jesus và nhận xét về Ngài; những người đó cho rằng Đức Chúa Jesus chưa đến 50 tuổi khi Ngài giảng cho họ (Giăng 8:57).

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã chính thức khởi hành chức vụ sau khi Ngài nhận báp-têm bởi Giăng Báp-tít.  Tác giả Phúc Âm Lu-ca tường thuật rằng Giăng Báp-tít đã thi hành chức vụ của ông vào năm thứ 15 khi Hoàng đế La Mã Tiberius đang trị vì (Lu-ca 3:1).  Dựa vào những chi tiết trên, các nhà nghiên cứu cho rằng Đức Chúa Jesus khoảng 30 tuổi vào năm thứ 15 của triều đại Tiberius.

Tiberius Caesar, người mà Phúc Âm Lu-ca nhắc đến, là Tiberius Claudius Nero, hoàng đế của La Mã, cai trị từ năm 14-37 SC.  Hoàng đế Tiberius được đặt tên giống y như tên cha của mình. Người cha được các sử gia gọi là Nero, hay Tiberius Nero, là một chính trị gia quyền lực tại La Mã.  Người con được gọi vắn tắt là Tiberius.  Tiberius đã được Hoàng đế Augustus nhận làm con nuôi, và được Hoàng đế Augustus chọn làm người kế vị để trở thành hoàng đế La Mã.     

Tiberius chính thức lên ngôi vào năm 14, do đó năm thứ 15 thuộc vương triều của ông là năm thứ 28 hay 29.  Nếu Đức Chúa Jesus đúng 30 tuổi vào năm 28, dựa trên các tài liệu lịch sử của người La Mã, Đức Chúa Jesus đã sinh vào năm thứ 2 TC.  

Tuy nhiên, có một chi tiết khác liên hệ đến vương quyền của Hoàng đế Tiberius.  Theo các tài liệu lịch sử La Mã hiện có, Hoàng đế Tiberius đã được đồng trị vì với Hoàng đế Augustus một thời gian, không rõ bắt đầu lúc nào, nhưng chậm nhất là năm 13.  Nếu tác giả Phúc Âm Lu-ca ghi nhận năm Đức Chúa Jesus giáng sinh kể từ lúc Hoàng đế Tiberius đồng trị tại La Mã, Đức Chúa Jesus có thể đã sinh vào năm thứ 3 TC, hay trước đó một vài năm.

Có một chi tiết khác mà tác giả Phúc Âm Lu-ca ký thuật đã gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu.   Nguyên văn Phúc Âm Lu-ca 2:1-2 như sau “1. Ἐγένετο  δὲ  ἐν  ταῖς  ἡμέραις  ἐκείναις  ἐξῆλθεν  δόγμα  παρὰ  Καίσαρος  Αὐγούστου  ἀπογράφεσθαι  πᾶσαν  τὴν  οἰκουμένην.  2. αὕτη  ἀπογραφὴ  πρώτη  ἐγένετο  ἡγεμονεύοντος  τῆς  Συρίας  Κυρηνίου.” Bản Kinh Thánh Việt ngữ năm 1925 đã dịch: “1. Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. 2. Việc lập sổ dân nầy là trước hết, và nhằm khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri.”

Trong thế kỷ 19, những người chỉ trích Kinh Thánh cho rằng tác giả Phúc Âm Lu-ca viết sai vì không có một nhân vật nào trong lịch sử tên là Qui-ri-ni-u (Quirinius) làm quan tổng đốc tại Syria.  Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, sau khi tham khảo nhiều bản văn, các nhà nghiên cứu cho biết Quirinius là một nhân vật có thật, tên của ông trong tiếng Hy Lạp là Κυρήνιος dịch sang tiếng Latin là Cyrenius; và theo cách phát âm của từng địa phương còn được viết là Quirinius.  Sự khác biệt này cũng giống như cách viết theo địa phương trong tiếng Việt như Huỳnh và Hoàng, Chu và Châu, Vũ và Võ, …, trong tiếng Việt. Publius Sulpicius Quirinius là một nhà quý tộc La Mã.  Tên của ông, Cyrenius hoặc Quirinius, đã được nhắc trong các văn bản của Josephus, Tacitus, Dio Cassius, Suetonius, và Florus. Quirinius đã giữ nhiều chức vụ khác nhau trong quân đội lẫn trong chính quyền La Mã.  Quirinius đã được bổ nhiệm đến Syria để làm tổng đốc vào năm thứ 6. Một trong những trách nhiệm của Quirinius tại Syria là hoàn tất cuộc thống kê dân số cho người La Mã. Ý kiến phê bình về nhân vật Quirinius không có thật, xuất phát từ những người phê bình chỉ đọc bản dịch Kinh Thánh trong Anh ngữ hay Pháp ngữ nhưng không tìm hiểu trong các bản văn gốc trong tiếng Hy Lạp và Latin – là những ngôn ngữ mà Kinh Thánh và các tài liệu lịch sử đã ký thuật – đã được các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ.

Mặc dầu nhân vật Quirinius được xác nhận có thật trong lịch sử, nhưng có một vấn đề mới lại mở ra.  Quirinius được bổ nhiệm làm tổng đốc tại Syria vào năm thứ 6 SC, trong khi vua Hê-rốt có lẽ đã qua đời vào khoảng năm thứ 4 TC, như vậy có một khoảng thời gian sai biệt là 10 năm.  Cho dù vua Hê-rốt chết vào năm thứ 1 TC, vẫn có một khoảng thời gian khác biệt là 6 năm.  Làm thế nào có thể giải thích về sự sai biệt khá lớn này?

Có vài ý kiến khác nhau về lời ký thuật liên quan đến Tổng đốc Quirinius trong Lu-ca 2:1-2. 

Ý kiến thứ nhất: Tác giả Phúc Âm Lu-ca đã viết sai lịch sử.  Dựa trên những tài liệu lịch sử mà chúng ta hiện có, ý kiến này thật hiển nhiên; tuy nhiên quan điểm này không được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận.  Lý do là vì trong gần 2000 năm qua, rất nhiều công trình nghiên cứu và phê bình về hai sách Lu-ca và Công Vụ đã được thực hiện.  Hai sách này được các nhà nghiên cứu cho rằng có cùng một tác giả. Các học giả ghi nhận rằng Phúc Âm Lu-ca và sách Công Vụ đã được viết rất cẩn thận. Những chi tiết ký thuật trong hai sách này, như các nhân vật và địa danh, đã được những nhà nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ kiểm chứng và xác nhận là chính xác; như vậy, lẽ nào một trong những chi tiết lịch sử quan trọng liên quan đến thời điểm Đức Chúa Jesus giáng sinh, tác giả Phúc Âm Lu-ca lại viết sai.  Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những khám phá mới về các tài liệu lịch sử trong tương lai sẽ giúp làm sáng tỏ sự khác biệt này.

Ý kiến thứ hai: Nội dung Phúc Âm Lu-ca ký thuật bị hiểu sai.  Chữ πρώτη trong Lu-ca 2:2 đã được dịch sang tiếng Anh là “first – trước hết” – trong nguyên văn Hy Lạp chữ πρώτη bên cạnh ý nghĩa “first – trước hết” chữ này còn có nghĩa là “before – trước khi”.  Vì các bản dịch Anh văn đã dịch πρώτη là “first – trước hết” nên đã gây ngộ nhận và gây tranh luận.  Nếu dịch πρώτη là “before – trước khi” thì câu Kinh Thánh Lu-ca 2:1-2 được đọc như sau: “1. Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. 2. Việc lập sổ dân nầy trước khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri” thì không có gì sai với những tài liệu lịch sử liên hệ đến Tổng đốc Quirinius mà các sử gia đã ghi nhận.   Những học giả Kinh Thánh giỏi về tiếng Hy Lạp ủng hộ quan điểm này.

Ý kiến thứ ba: Có hai lần kiểm tra dân số vào thời đó, và Tổng đốc Quirinius được bổ nhiệm đến Syria vào năm thứ 6 để hoàn tất và thu thập kết quả của một cuộc thống kê dân số mà ông đã được ủy nhiệm  để thực hiện từ nhiều năm về trước.   

Để có thể tìm hiểu vấn đề trong bối cảnh của việc này, có vài điều chúng ta cần lưu ý về về xã hội lúc Đức Chúa Jesus ra đời.

Thứ nhất, việc giao lưu và truyền thông vào thời đó không nhanh như hiện nay.  Trong những điều kiện thuận lợi nhất, phải mất nhiều tháng mệnh lệnh của hoàng đế mới được truyền từ Rome đến Syria; và sau đó, lệnh từ Syria truyền đến từng địa phương phải mất thêm nhiều thời gian nữa.  Đôi khi, mệnh lệnh không đến nơi vì sứ giả bị thiệt mạng vì tai nạn dọc đường.  Thêm vào đó, do nhiều hoàn cảnh, các viên chức tại địa phương có thể trì hoãn không thực hiện mệnh lệnh một thời gian khá lâu; hoặc do tình hình chính trị thay đổi đã không hoàn tất mệnh lệnh.  Một thí dụ điển hình của trường hợp này là việc Hoàng đế Caligula (12-41) đã ra lệnh dựng tượng của hoàng đế tại Jerusalem.  Viên tổng trấn La Mã tại Do Thái biết rằng nếu thực hiện lệnh của hoàng đế, dân Do Thái sẽ nổi dậy chống đối; ông tìm cách trì hoãn bằng cách viết một bức thư xin Hoàng đế Caligula hãy cân nhắc về quyết định này. Hoàng đế Caligula cương quyết buộc viên tổng trấn tại Judea phải thực hiện mệnh lệnh của hoàng đế, và đã sai sứ giả xuống tàu mang chỉ thị đến Jerusalem.  Thư qua, thư lại và việc họp bàn thảo luận mất nhiều thời gian. Thông thường, phải mất ba tháng để thực hiện một chuyến hải hành từ Rome đến Jerusalem.  Chuyến tàu mang quyết định của Hoàng đế Caligula bị bão nên bị chậm trễ.  Trong khoảng thời gian đó, Hoàng đế Caligula bị ám sát.  Một chuyến tàu khác, mang thông báo rằng vương triều của Hoàng đế Caligula đã kết thúc, khởi hành sau đó, nhưng đã đến trước chuyến tàu đầu tiên 27 ngày.    

Thứ hai, cách đây 2000 năm, việc thống kê dân số không dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay.  Công tác thống kê có khi kéo dài hàng chục năm mới hoàn thành, bởi vì nhà cầm quyền La Mã đã gặp phải sự chống đối của dân chúng địa phương.  Một thí dụ của trường hợp này là Julius Caesar, trước khi nắm quyền tại La Mã, ông đã đến xứ Gaul – thuộc Âu Châu hiện nay – để chinh phục vùng đất này.  Sau đó, Hoàng đế Augustus đã thực hiện một cuộc thống kê dân số tại Gaul để đóng thuế.  Cuộc thống kê dân số tại xứ Gaul kéo dài 15 năm, từ 27 TC đến 12 TC, mới hoàn tất.  Trường hợp việc thống kê dân số kéo dài hang chục năm có thể đã xảy ra tại tổng trấn Syria, nơi Đức Chúa Jesus đã giáng sinh. 

(còn tiếp)

Phước Nguyên (2015)

Bài viết cho Bách Khoa Từ Điển Tin Lành

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top