Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 1b

Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 1b

jib

Tác Động Của Cơ Đốc Hóa Trung Quốc

Rõ ràng là Cơ Ðốc giáo đã thấm vào các tầng lớp của xã hội Trung Quốc.  Nhưng điều này có nghĩa gì?  Trong vòng 3 tháng nghiên cứu về tình hình Hội Thánh Trung Quốc trong năm 2002, tôi rất ngạc nhiên khám phá ra những khía cạnh khác của sự phát triển của Cơ Ðốc giáo tại Trung Quốc rất quan trọng.  Ðó là cách thế giới đáp ứng lại sự khủng bố do quân Hồi giáo quá khích gây ra sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001.

Một tờ báo do các Hội Thánh tư gia phát hành lậu xác nhận là có một số người Hoa đã ủng hộ cuộc tấn công giết hại thường dân Hoa Kỳ, song họ cũng cho biết một cách đúng đắn là một số người Hoa (trong số công dân của 77 quốc gia) cũng đã chết tại tòa nhà đôi tại New York Trade Center.  Vì vậy việc Tổng Thống Bush tuyên chiến chống lại quân đội khủng bố là để bảo vệ công lý là đúng với Thánh Kinh.

Ða số tín hữu trong các nhà thờ tư gia, rất ủng hộ Mỹ và ra sức truyền giáo cho người trong thế giới Hồi giáo, một điều mà người Mỹ rất ngần ngại không làm với tất cả can đảm.  Tín hữu Trung Quốc tin, và một số người trong họ tin đó là sự kêu gọi từ Ðức Chúa Trời, là Cơ Ðốc nhân tại Trung Quốc phải đem Phúc Âm đến cho các quốc gia trong thế giới Hồi giáo.

Một tín hữu Trung Quốc nói thẳng: “Người Hồi giáo thích người Trung Quốc hơn người Mỹ.”  Ông cho biết tại sao người Cơ Ðốc Trung Quốc sẽ thành công trong địa hạt mà người Mỹ đã thất bại.  Một trong các lý do là chính phủ Trung Quốc ủng hộ các mục tiêu chống Mỹ của các nhóm chính trị Trung Ðông “vì vậy các quốc gia Hồi giáo ủng hộ Trung Quốc.   Ngoài ra, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm  về bắt bớ.”  Tín hữu Cơ Ðốc đã học nhiều qua các kinh nghiệm khó khăn “nơi nào chúng tôi đến, chúng tôi luôn luôn tìm đường trốn thoát tốt nhất.”

Người tín hữu này bày tỏ quan điểm của các tín hữu Trung Quốc là họ tin họ sẽ đem Phúc Âm trở về Trung Ðông.  “Chúng tôi tin rằng các giáo sĩ Trung Quốc sẽ là một phần tử của con đường dẫn về Giê-ru-sa-lem.”

Một Trung Quốc Cơ Ðốc sẽ chiếm địa vị thay đổi không những Cơ Ðốc Giáo toàn cầu, và còn có khả năng thay đổi thế giới Hồi Giáo.

Thời Điểm Thuận Lợi Cho Cơ Đốc Gíao

Phát Triển Kinh Tế Và Ðường Lối “Cửa Mở”

Trung Quốc chưa bao giờ cởi mở về đời sống tri thức và triết lý cho thế giới bên ngoài như ngày hôm nay.  Ðặng Tiểu Bình, người lên cầm quyền năm 1978, mở cửa cho làn sóng năng lực sáng tạo từ bên trong cũng như từ thế giới bên ngoài với chính sách “cửa mở” nổi tiếng của ông.  Ðể sử dụng năng lực sáng tạo và tài năng đáng kể của các thương gia và công nhân, chế độ quyết định giảm bớt sự kiểm soát đã đặt để trên đời sống xã hội và dân sự trong nhiều thập niên trước.

Chẳng hạn, cho đến năm 1980, mọi người tại Trung Quốc đều phải ở trong địa điểm làm việc của họ, danwei một hệ thống kiểm soát quyết định chổ ở, công việc, có lúc còn quyết định là hôn nhân có được phép hay không.  Khi sự đòi hỏi công việc tăng, hệ thống làm việc này bị phá vỡ, dầu một vài nơi trong nước vẫn còn giữ.

Vì Trung Quốc cần nhiều kiến thức cao hơn là họ đã từng nhận lãnh từ thế giới bên ngoài để cạnh tranh kinh tế trong một thị trường toàn cầu, cho nên người Trung Quốc cần tiếp cận với người ngoại quốc khi họ du lịch nước ngoài, và gần đây tiếp cận tin tức từ bên ngoài, ngay cả các tin tức về Trung Quốc qua Internet, đôi lúc với sự tiếp tay của các chủ hãng Internet ngoại quốc.  Song nhìn tổng quát chính quyền Trung Quốc cho phép người dân nhiều tự do chưa từng có trong việc nghiên cứu tri thức, hoạt động xã hội tại các nơi từng bị hạn chế trong các thập niên qua.

Một người Trung Quốc tò mò ngày nay có thể tìm được tên của vị Thủ Tướng nước Montenegro không khó khăn gì, ngay cả ngân sách của bộ quốc phòng Mỹ, hoặc cả các vấn đề thần học trong cuộc tranh cãi giữa Arius và Athanasius ở thế kỷ thứ tư.  Một người Trung Quốc quan tâm đến tôn giáo có thể tham dự các buổi nhóm của các nhà thờ Tin Lành hoặc Công Giáo đã được công nhận mà không sợ hậu quả gì.  Họ có thể mua sách giải thích đôi lúc đồng ý với niềm tin Cơ Ðốc, hoặc mua Kinh Thánh (chỉ trong nhà thờ Tam Tự, chứ không phải tại các tiệm sách công cộng nào), và có thể tra hỏi Mục sư về sự khác biệt giữa quan điểm Tiền Thiên Hy Niên và Lai Thế Học của thuyền thống Cải Cách.

Tiền bạc, khả năng kỹ thuật và quản lý từ ngoại quốc đã tràn vào trong nước.  Từ 1979 cho đến cuối thập niên 90, GDP tổng số thu nhập quốc gia phát triển 9,5 phần trăm mỗi năm, có năm lên đến 14 phần trăm.  Tình hình kinh tế có thuyên giảm bớt trong những năm qua song không nhiều lắm.  Con số chính thức cho việc tăng trưởng kinh tế năm 2005 là 9,8 phần trăm.

Song việc phát triển kinh tế nhanh đã đem lại bất lợi kể cả việc phá sản của các công ty, thị trường chứng khoán lên xuống bất thường, sự khác biệt về lợi tức của các thành phố ven biển và các tỉnh nghèo trong vùng nội địa.  Việc di cư từ các vùng quê ra thành thị được xem là hiện tượng một dân số nổi tại Bắc Kinh và các thành phố khác.  Họ đã làm giảm thiểu lương công nhân trong các hãng xưởng tại nhiều nơi trong nước.

Tình trạng làm việc tại nhiều hãng xưởng Trung Quốc có thể là tồi tệ hơn bất cứ thời nào trong lịch sử (Cộng Sản Trung Quốc).  Tham nhũng là một điều được xác nhận, thường bị chỉ trích, từ những người có địa vị cao nhất của các cấp lãnh đạo.  Hầu hết mọi thương gia Mỹ làm việc tại Trung Quốc đều đối đầu với tham nhũng.  Ngoài việc bắt xử và tử hình một vài người có địa vị cao, chưa có gì thay đổi đáng kể trong vấn đề nầy.

“Tại Trung Quốc bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn nếu có tiền.  Ðiều bạn không làm được là điều bạn không thể nghĩ ra để làm.”   Ðó là câu nói của một người Trung Quốc sống tại Mỹ hằng năm trở về Trung Quốc nhiều lần.  Một trong những người bạn của ông ta là một chánh án tại một tỉnh nội địa, ông cho biết là nếu có 30.000 – 50.000 nhân dân tệ (vào khoảng 3750 – 6250 Mỹ kim) ngay cả người bị lên án tử hình cũng có thể được tự do.  Ngay cả nếu án giảm xuống còn 15 năm, người đó cũng không cần phải ở tù lâu như vậy.  Ông chánh án này còn nói, nhiều người Pháp Luân Công Trung Quốc sẵn sàng đi tù thay thế cho người khác nếu được trả US $30 mỗi ngày.

Cộng Sản Trung Quốc sẵn sàng dập tắt người nào bày tỏ chống lại đời sống chính trị, như những người thuộc nhóm Pháp Luân Công đã biết trong khoảng thời gian 1998-2001.  Tại địa phương, quan chức có thể xử dụng luật cho nhiều mục đích không chính đáng.  Cho đến năm 2006, Cơ Ðốc nhân họp lại nếu không có phép hoặc không đăng ký có thể bị bắt, đánh đập, tra tấn bởi công an địa phương mà không chút hối hận.(2)

Nếu so sánh với tình trạng cô lập của chế độ độc tài xã hội áp chế đời sống tư tưởng và văn hóa Trung Quốc trong các năm từ 1950 cho đến 1978, ngày nay tự do tri thức và tự do dân sự có chiều khá hơn nhiều.

Những yếu tố này, phát triễn kinh tế, cung cấp tin tức, tự do dân sự và nhu cầu chống lại các tệ nạn của thịnh vượng, cộng chung lại với nhau đã tạo một cơ hội cho Cơ Ðốc giáo tại Trung Quốc phát triển như một phong trào, một ý thức hệ.

Lấp Ðầy Chỗ Trống Về Ý Thức Hệ

Ðiều quan trọng là Cơ Ðốc giáo phát triển tại Trung Quốc trong thời điểm khi Trung Quốc đang trải qua một khoảng trống về ý thức hệ trong xã hội với sự đổ vỡ của lòng tin nơi tư tưởng Mác-Lê.

Cuộc cách mạng văn hóa của Mao Chủ Tịch đã làm mất tất cả lòng tin của người Trung Quốc về lý thuyết Cộng Sản.  Thật khó tìm một người thật lòng tin vào chân lý của lý thuyết chính trị chính thức của Trung Quốc hiện tại, thường gọi là “Tư tưởng Mác-Lê Mao Trạch Ðông.”  Lý thuyết Mác-xít đã được thí nghiệm trong hai thập niên thực tập đường lối kinh tế và xã hội không tưởng (1958-1970), và người ta đã thấy nó tạo nên các tác hại không sửa được.

Ðảng Cộng Sản đã tìm cách nắm giữ quyền hành trong hơn một thập niên sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989, mặc dù có người tiên đoán là nó sẽ biến mất nhanh chóng sau đó.  Dầu vậy nó vẫn còn vì hai lý do chính: Bất hành động và sợ hãi trong vòng dân chúng về một sự hỗn loạn, một tình trạng hỗn loạn vô trật tự mà người ngoại quốc cho là tình trạng bình thường của Trung Quốc trong hai thế kỷ qua.  Gần bốn năm sau cuộc giết hại năm 1989, vào năm 1993, tôi nói chuyện với một số các nhà tri thức tại các Viện Ðại Học.  Ðiều họ đồng ý là dân chủ, tốt, song xin đừng xảy đến tuần tới.  Họ không muốn thay đổi chính trị xảy đến quá nhanh tại Trung Quốc.

Ðặng Tiểu Bình đưa ra đường lối “cửa mở” để cải cách bên trong và cho Trung Quốc nhận tiền đầu tư cũng như kỹ năng từ ngoại quốc, người Trung Quốc nắm lấy cơ hội nhanh chóng, và quan điểm kinh tế tư bản đã trở thành lý thuyết Trung Quốc chọn lựa để trở thành cường quốc.  Với bộ mặt không chút hổ thẹn, chế độ gọi hệ thống mới này là “chế độ xã hội với bản chất Trung Quốc.”

Câu nói này làm mờ đi một điểm quan trọng: Người Trung Quốc phải có cách nhìn nào về đời sống thường nhật?  Tư tưởng Mác-Lê không còn nữa, Khổng Giáo, một hệ thống đạo đức mà các triều vua chúa và dân chúng đã tìm cách làm theo thật là một hệ thống đáng ngưỡng mộ vì nó nhấn mạnh đến gia đình và trách nhiệm, song hầu hết người Trung Quốc cho đó là một hệ thống cũ kỹ không thay đổi xã hội được.  Sáng tạo tư bản và thành công trong kinh doanh là điều cần trong thế giới kinh tế cạnh tranh toàn cầu.

Nhiều người Trung Quốc hỏi: “Chế độ tư bản có phải chỉ là cách làm ăn, hay là nó dựa trên nền tảng đạo đức triết học căn bản.  Nhiều nhà xã hội học Trung Quốc nhận xét tại thành phố ven biển Ôn Châu (Wenzhou) tỉnh Triết Giang (Zhejiang) phía Nam Thượng Hải, Cơ Ðốc giáo trong thập niên 1980 đã phát triển theo sự tiến triển thành công của các nhà buôn Ôn Châu khi họ kiếm ra tiền.  Thật ra hơn một thập niên trước, một số người Trung Quốc khi nghĩ về chế độ tư bản, Cơ Ðốc giáo và Ôn Châu đã nối kết tôn giáo và sự phát hiện của tư bản lại với nhau, đây là đề tài chính của R. H. Tawney trong cuốn sách ảnh hưởng của ông với đề tài: Tôn Giáo và Sự Phát Hiện Của Chế Ðộ Tư Bản.(3)

Một số người Trung Quốc suy nghĩ, Cơ Ðốc giáo, một tôn giáo hùng mạnh, dầu chưa được hiểu nhiều, là một yếu tố đã làm cho văn minh Tây Phương thịnh vượng, nó có thể là nền tảng siêu hình, một vũ trụ quan, có thể giúp cho Trung Hoa tìm được đường đi vào thế kỷ 21.  Có thể nó sẽ giúp cho người Trung Quốc nhìn qua một lăng kính mới để họ hiểu lịch sử của họ với nhiều hiểu biết mới mà từ xưa họ chưa từng có.

Một Vũ Trụ Quan Cho Người Trung Quốc 

Vào đầu các thập niên 1990 có một số người Trung Quốc mới xuất hiện tại các viện Ðại Học và các viện nghiên cứu:  Cơ Ðốc nhân văn hóa (Cultural Christians).  Nhiều người không công nhận danh hiệu đó, như sau nầy chúng ta sẽ thấy, họ thích tên “Học giả Trung Quốc mới biết về Cơ Ðốc Giáo.”  Nhưng hiện tượng này rất rõ ràng, những người Trung Quốc có học cao, họ không thỏa lòng về cách giải thích tôn giáo của Mác-xít hay cách hiểu biết của Tây Phương theo quan điểm Darwin, họ cho các lý thuyết này không giải thích được tình trạng của con người nói chung và tình trạng của người Trung Quốc nói riêng.

Không phải chỉ ở các viện đại học với các giáo sư được đào tạo tại Tây Phương hoặc các thanh niên tại Thượng Hải mà họ đã bàn luận các ý tưởng này.  Vào đầu năm 2002, chủ tịch nhà nước Trung Quốc và lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Giang Trạch Ðông (Jiang Zemin) tham dự một bữa tiệc tại tư gia của một nhân viên chính trị cao cấp tại Trung Tâm Bắc Kinh.  Câu chuyện hướng về Ðại Hội thứ 16, một đại hội Ðảng xảy ra 5 năm một lần được tổ chức vào mùa thu năm 2002.  (Ðại hội thực sự được tổ chức vào ngày 7-15 tháng 11 năm 2002).

Trong bữa ăn cởi mỡ, mọi người vui vẻ.  Một người hỏi: Ðồng chí Giang, nếu trước khi rời khỏi chức vụ đồng chí có thể ra một nghị định mà đồng chí nghĩ là tất cả mọi người Trung Quốc sẽ làm theo, nghị định đó là gì?  Giang cười, nhìn quanh phòng và nói đó là “Tôi sẽ quyết định là Cơ Ðốc Giáo là tôn giáo chính thức của Trung Quốc.”(4)  Tại đại hội  lần thứ 6 ông Giang đã trao quyền hành cho Hồ Cẩm Ðào (Hu Jintao), và nếu ông muốn thực hiện điều ông nói, ông cũng không còn ở địa vị để làm được và nếu ngay cả ông chỉ nói đùa thôi với khách thì câu nói của ông cũng gợi một ý gì.

Năm 1949, quốc gia đông dân nhất thế giới đã chấp nhận lý thuyết duy vật của một triết gia thế kỷ 19 tại Ðức và một người Nga thế kỷ thứ 19 trong cố gắng tìm sự thịnh vượng và quyền lực sau bao nhiêu năm bị ngoại bang xâm chiếm chính quyền văn hóa.  Lý thuyết đó từ nay đã phá sản và Trung Quốc đang tìm một cái gì mới để thay thế.  Cơ Ðốc Giáo chưa được người Trung Quốc công nhận để thay thế cho lý thuyết đó, nhưng ngày nay Cơ Ðốc Giáo đang ở vị thế có thể làm được.

Người nước ngoài, đặc biệt là người Cơ Ðốc, trong nhiều thế kỷ qua đã mong ước một thay đổi về hướng đi tại Trung Quốc, mà họ cho là lợi ích cho cả người Trung Quốc và cho họ.  Nhiều lúc những mơ ước và hy vọng này trở nên hão huyền và ngớ ngẩn.  Nhưng Trung Quốc, hoặc có thể trở thành một nước Cơ Ðốc, hoặc chọn một hướng đi khác đang thay đổi trước mặt chúng ta.  Chính yếu tố Cơ Ðốc của sự thay đổi này và tiềm năng đặc biệt trong đó là mục đích tôi viết cuốn sách này.

Chú thích:

(1)  China Daily, December 18,2002.

(2)  Vì cớ bạn có thể mua bất cứ cái gì tại Trung Quốc nếu bạn có tiền.  Có hình ảnh của quan chức với tên của họ đã làm điều này.  Hình ảnh này có thể xem trên website: http//www.china21.org/simpchinese/new/031503pics/02.htm (trích July, 2006)

(3)  R.H. Tawney, Religion and the Rise of Capitalism (Tôn Giáo và sự Xuất Hiện của Tư Bản) (New York: Translation Publishers, 1998).  Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1926, sách của ông nhận diện mối quan hệ giữa sự thay đổi tôn giáo tại Anh Quốc ở thế kỷ 16 và 17 và biến đổi kinh tế ở Châu Âu.  Sự biến đổi này dẫn đến sự phát triển tư bản.  Max Weber cũng đã đưa ra luận đề tương tự vào năm 1904 (The Protestant Ethic and the Spint of Capitalism – Ðạo Ðức Tin Lành và Tinh Thần Tư Bản).  Luật đề này cho  rằng tư bản phát xuất từ của cải các Tin Lành.  Tawney quan niệm là Tin Lành Lutheran thích ứng với sự phát triển của kinh tế tư bản đang diễn tiến lúc bấy giờ.  Nhiều học giả Trung Quốc nghiên cứu vai trò Cơ Ðốc Giáo và sự bành trướng của Tây Phương chấp nhận hoàn toàn luận đề của Weber, một điểm nối kết với sự phát triển của Ôn Châu trong sách China Rising, Nationalism and Interdependence Trung Quốc vùng lên, tinh thần ái quốc và tương lập) London: and New York: Routledge, 1996) footnote 50 cho trang 40.

(4)  Tôi không thể nêu tên người kể câu chuyện này, song tôi đã gặp ông và ông cũng kể câu chuyện này cho hai người ngoại quốc khác và hoàn  toàn không liên hệ nhau.

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top