Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 2.a

Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 2.a

jibChương Hai                                                                            

 NHỮNG NHÀ TIỀN PHONG

Vào một buổi chiều mùa hạ, Bảo Tàng Viện Forest of Steles (trước kia là Bảo Tàng Viện Tỉnh Thiểm Tây) nằm ở trung tâm của thành phố Tây An (Xi’an) tỉnh Thiểm Tây, đang mơ ngủ trong sức nóng khi nhiệt độ lên rất cao, hàng chục du khách với dáng điệu mệt nhọc qua lại giữa tiếng mời gọi của những người bán hàng rong.  Họ bán quạt, nước lạnh và thiệp bưu điện.

Nằm trong phía Nam của tường thành phố Tây An là một thư viện, thư viện này thật sự nằm trong khuôn viên của Ðền Thờ Khổng Tử.  Một trong những điều làm cho nó nổi tiếng vì nó là một Bảo Tàng Viện được thành lập lâu đời nhất tại Trung Quốc và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.  Một loạt những tảng đá khắc chữ đã được dựng lên hơn 900 năm trước đây, năm 1090, khi nhà  Tống (Song) tìm cách bảo vệ các bản thảo của các sásh cổ điển của Trung Quốc tất cả đã được khắc trên đá hơn hai thế kỷ trước vào đời nhà Ðường.  Các tảng đá này vẫn còn được trưng bày tại các phòng triển lãm.

Bảo Tàng Viện Forest of Steles không phải nổi tiếng nhất của thành phố Tây An.  Danh dự này dành cho Bảo Tàng Viện Qin Shi Huang ở ngoài thành phố.  Các đoàn du lịch đến Tây An thì họ đi ngay đến địa điểm đặc biệt này.  Những người lính bằng đá (Terra Cotta Warriors) được sắp hàng theo thứ tự, nói lên thành quả của một trong những nhà lãnh đạo sáng suốt và tàn bạo nhất của thời cổ đại.  Tần Thủy Hoàng, người sáng lập của một triều đại quá ngắn ngủi (221-226 TC).  Ông ta chinh phục sáu vương quốc, ông dùng các thủ đoạn kiên nhẫn và tàn bạo, để thống nhất các nước này thành Trung Quốc và biến nó thành một trong các trung tâm văn hóa lớn của lịch sử nhân loại.  Ông xây dựng Vạn Lý Trường Thành, giết hàng ngàn người bị cưỡng ép làm phu, hoàn thành hệ thống chữ viết, hệ thống cân đo và chôn sống hàng ngàn học giả của nền văn hóa trước, cũng như những người chống đối chính trị để ông có thể bắt đầu trở lại.

Những năm trước tôi đã thăm bảo tàng viện của những người lính này.  Lần này tôi trở lại Tây An để đến xem một bia đá trong Bảo Tàng Viện Forest of Steles, bia đá này là trọng tâm của một câu chuyện làm sao Cơ Ðốc Giáo thâm nhập vào Trung Quốc: Bia đá Nestorian.  Một tảng đá nặng 2 tấn cao 9 thước Anh rộng 3 thước,  với 1900 chữ được khắc mỹ thuật trên đó.  Ðó là bài viết về công cuộc truyền giáo đầu tiên tại Trung Quốc, một sự kiện xảy ra vào năm 635 SC, 17 năm sau khi Nhà Ðường (618-907) bắt đầu một thời kỳ sáng lạng nhất của Trung Quốc.

Bia đá nầy được khắc vào năm 781 theo lệnh của vua Dezong.  Suốt 8 thế kỷ rưỡi, nó bị chôn một cách huyền bí trong vùng nhà quê phía ngoài thành Tây An.  Cho đến năm 1623, khi các nông dân đào nền của một cái nhà thì họ mới khám phá ra bia đá đó.(1)  Bởi một tình cờ lịch sử, quan cai trị vùng nơi bia đá được tìm thấy, quen biết với một nhóm học giả Tây Phương và một vài linh mục, cộng đồng Dòng Tên đang sống tại Bắc Kinh.  Nhận thấy là bia đá liên hệ đến sự xuất hiện sớm nhất của Cơ Ðốc Giáo tại Trung Quốc, ông gửi cho họ một bản giấy đã được cà trên bản đá đó.  Họ rất vui và ngạc nhiên khi biết đó là bài lược thuật chính thức ghi rõ sự xuất hiện của các người Cơ Ðốc Giáo thuộc phái Nestorian gần 1000 năm trước.

Bia đá dựng trên lưng một con rùa được giữ trong một hộp kiếng.  Một thập tự trên một đóa hoa sen, trên đầu của bia đá hình cung.  Ở dưới là một hàng chữ Hoa lớn với đề tựa: Lược thuật về sự truyền bá “Tôn Giáo Của Sự Sáng từ Vùng Tây Trung Quốc”.  Các chữ tiếp theo ghi lại không những điều các người du lịch Cơ Ðốc Nestorian này tin, mà còn ghi lại câu chuyện thế nào họ được nhà vua tiếp đón tại Tràng An, nơi mà ngày nay gọi là Tây An.

Theo bia đá, một phái đoàn đông người ngoại quốc đến thành phố Tràng An, thủ đô của nhà Ðường vào năm 653.  Người lãnh đạo của họ là một đại diện của một tôn giáo hoàn toàn mới đối với người Trung Quốc.  Ông ta mặt một áo dài trắng và theo sau là những người mang ảnh tượng (có lẽ là các thập tự có hình Chúa và hình bà Mary).  Tên của nhà lãnh đạo đó là Alopen (đôi lúc được viết là Alouhen) ông ta từ Ba Tư đến qua con đường tơ lụa, con đường buôn bán chính qua nhiều năm giữa Trung Quốc và thế giới vùng Ðịa Trung Hải.  Ðối với những người trong triều Ðường, Alopen đến từ miền Tây.  Vào khoảng thời gian Alopen đến Trung Quốc vào năm 635, cũng theo bảng đá, tại Da Qin, danh từ để gọi Trung Quốc, lúc đó trải dài từ miền Tây Trung Quốc cho đến Trung Á, có nghĩa là từ Ba Tư, đã có một cộng đồng Cơ Ðốc đông người và mạnh mẽ.

NGƯỜI NESTORIAN TỪ MIỀN TÂY

Cộng đồng Cơ Ðốc mà Alopen đại diện không phải là Cơ Ðốc miền Tây, hoặc Công Giáo La Mã, hoặc Chính Thống.  Ðó là một nhánh của Cơ Ðốc Giáo gọi là Giáo Hội miền Ðông, cũng còn gọi là Giáo Hội Nestorian.  Một giám mục ở Constantinople gọi là Nestorius (390-451) bị cách chức vào khoảng 431 SC tại Giáo Hội nghị Ephesus.  Ông chống lại Giáo Hội vì Giáo Hội dùng chữ Mẹ của Ðức Chúa Trời (Theotokos trong tiếng Hy Lạp) để chỉ bà Mary, và ông tin là nhân tánh và thần tánh của Chúa Christ không hiệp nhất ở trong một người như những người Cơ Ðốc chính thống tin, song gồm có hai phần khác nhau.  Netorius bị lưu đày tại sa mạc Libyan, song những người theo ông di dân đến Ba Tư, nơi đó họ chiếm các giáo hội và đổi tên thành Giáo Hội miền Ðông.  Ngôn ngữ chính của họ là Syriac, và cộng đồng của họ hiện nay có cả trăm người thường được gọi là giáo hội Assyrian.  Giáo hội này hiện ở tại Iraq.(2)

Những người tín hữu Giáo Hội miền Ðông thường được gọi là người Nestorian.  Họ là những nhà truyền giáo mạo hiểm, nhiệt tâm.  Họ đem Cơ Ðốc giáo đến nhiều nơi khó khăn ở miền Trung Á dọc theo đường lụa, rồi đến miền Tây các vùng nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ mà ngày nay Trung Quốc chiếm gọi là vùng Tân cương (Xingjiang).  Chữ Syriac được đọc từ trên xuống dưới thay vì từ trái qua phải được gọi là chữ Uighur.  Chữ này trở thành chữ chính thức của người Turkic của vùng Tây Trung Quốc, người Uighur, rồi đến người Mông Cổ, sau đó là người Mãn Châu, đây là người chiếm Trung Quốc lần cuối.

Bia đá Nestorian cho biết cách rõ ràng là mục đích của cuộc viếng thăm của Alopen và phái đoàn không phải là để triều cống, mục đích truyền thống của các phái đoàn ngoại quốc viếng thăm một hoàng đế.  Mục đích chính của ông là giới thiệu cho Trung Quốc một tôn giáo mới được ghi bằng tiếng Hoa là Jing Jiao thường được dịch là tôn giáo của sự sáng, tôn giáo sáng láng.  Bảng đá ghi lại các điều những khách từ Ba Tư tin.  Quả thật là đúng như những tín điều của người Cơ Ðốc tin.

Bia đá ghi: “Buổi đầu là một sự yên lặng tự nhiên, một nguyên thủy yên lặng, một sự trống không, không có Ðấng Toàn Năng.  Sau đó thần linh của khoảng không xuất hiện như là Chúa Toàn Năng, hành động một cách huyền bí để thắp sáng những gì đã cũ mòn.  Ngài chính là Joshua (có nghĩa là Jesus).  Ngài là Chúa thật của tôi.  Ngài hiện thân trong ngôi ba vị và Ngài bị lên án chết trên Thập tự giá để mọi người từ bốn phương có thể được cứu.”  Các lời dạy dỗ nầy còn nói về ảnh hưởng của Satan (trong vườn Ê-đen) và “Chúa của tôi Giê-su (Jesus) Ðấng hiện thân trong ba ngôi vị.  Ngài trở nên người,  Ngài đến trong danh của Chúa Trời giảng dạy tin mừng.  Một gái đồng trinh sinh ra mang Ðấng Thánh trong ngôi nhà trong thời đế quốc Da Qin.”(3)

Rõ là bia đá nói về Cơ Ðốc Giáo, nhưng trong từ ngữ và văn chương của bia đá có đủ bằng chứng cho biết đây là một Cơ Ðốc Giáo trộn lẫn với các niềm tin khác.  Một học giả Anh chuyên nghiên cứu về bia đá Nestorian, Martin Palmer, cho biết là Cơ Ðốc giáo do Alopen đem đến triều đình nhà Ðường đã bị ảnh hưởng của Lão Giáo.(4)  Palmer cho là văn chương bóng bẩy, hoa mỹ của bia đá cũng như biểu tượng hoa sen trên đó cho biết là các tín hữu Nestorian đã sử dụng các ý niệm của Ðạo Lão dầu họ đã đem Tôn Giáo Của Sự Sáng đến triều đình Trung Quốc.

Bia đá nầy cũng ghi lại cách thờ phượng của tín hữu Cơ Ðốc ở thế kỷ thứ 8 này.  “Ðến 7 giờ (buổi tối) chúng tôi họp lại để thờ phượng, cầu nguyện cho sự cứu chuộc của mọi người.  Cứ mỗi thứ 7 ngày chúng tôi triều kiến với Trời.  Chúng tôi dọn sạch lòng và trở về với con đường chân lý đơn giản và tự nhiên.”(5)

Cũng theo bia đá, cộng đồng Nestorian được triều thần và nhà vua ưa chuộng.  Bia đá ghi: “Khi Hoàng Ðế nghe các điều dạy dỗ này, Ngài biết là những người này giảng dạy chân lý.”  Hoàng Ðế liền ra chiếu chỉ: “Hãy rao giảng những lời dạy dỗ này khắp nơi để cho mọi người được cứu.  Alopen là một người phúc đức từ quốc gia Da Qin.  Người đến kinh đô của chúng ta từ một xứ xa để trình bày các sự dạy đỗ và ảnh tượng của tôn giáo họ.  Sứ điệp của ông ta huyền nhiệm và tuyệt diệu ngoài sự hiểu biết của chúng ta.”(6)  Từ đó các lời giáo huấn này được dịch ra tiếng Trung Quốc, và cộng đồng Cơ Ðốc được thiết lập khắp Trung Quốc của Hoàng Ðế Ðường.

Cũng theo bia đá, 150 năm truyền giáo tại Trung Quốc là một khoảng thời gian được tín nhiệm và kết quả tốt.  Dầu trong năm 698 là một khoảng thời gian khó khăn khi những người theo đạo Phật Giáo nhận thấy sự phát triển của Cơ Ðốc Giáo bắt bớ tín hữu Cơ Ðốc.  Cũng theo bia đó vào khoảng đầu thế kỷ thứ 8.  Tín hữu Nestorian được phục hưng sau trận bắt bớ và tình trạng trở nên tốt đẹp hơn.  Trong thời nhà Ðường, Hoàng Ðế Xuanzong, đã ra lệnh cho một vị tướng cao cấp tham dự lễ khánh thành một ngôi nhà thờ gần Tây An được gọi là Nhà Thờ Của Năm Vị Thánh.  Ðiều này xảy ra vào năm 742 SC khi bia đá này được dựng lên và các sự kiện được ghi vào bia đó.  Lúc này giáo hội Cơ Ðốc Nestorian đã đạt đến cao đỉnh.

Liền sau đó tai họa xảy đến.  Tại Trung Á, tôn giáo mới là Hồi Giáo bắt đầu bành trướng nhanh và chinh phục nhiều vùng trên thế giới.  Năm 751 quân Hồi Giáo chiến thắng quân Trung Quốc tại Trung Á.  Nhưng vương quốc Uighur nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trước kia là những vùng Cơ Ðốc, nay bị quân Hồi Giáo chiếm đóng.  Con đường lụa mà Alopen phái đoàn của ông đã từng đi qua, nằm trong tay những người không thân thiện với Cơ Ðốc Giáo.  Trong khi đó ở Trung Quốc triều đình nhà Ðường phản ứng mạnh chống lại tất cả các tôn giáo ngoại lai.  Năm 845, một lệnh từ Hoàng Ðế chống lại tất cả các tôn giáo bị xem là “ngoại lai”, người ra lệnh cho 3,000 tu sĩ thuộc “Tôn Giáo của Ánh Sáng” và Zorastrian một tôn giáo cũng đến Trung Quốc qua đường lụa, hoàn tục để họ không làm nhơ tập quán của Trung Quốc. (7)

Ai đã ghi vào bia đá và tại sao bia đá bị chôn ở dưới đất hàng tám thế kỷ.  Chính bia đá cho biết một tu sĩ Jingling của tu viện Da Qin đã khắc bản đá đó.  Nhà học giả Palmer của nước Anh đoán là tấm bia Nestorian được khắc để tưởng niệm việc thành lập tu viện, một sự kiện quan trọng.  Học giả Nhật P.Y. Saeki, chuyên nghiên cứu về lịch sử Cơ Ðốc Giáo trong thời cổ đại vẽ một bản đồ vào các năm 1930 cho biết là thật có một tu viện Da Qin, hoặc phần còn lại của một tu viện tương tự, ngày nay vẫn còn vào khoảng 50 dặm về phía Tây Nam Tây An.

Năm 1998 ông Palmer sử dụng bản đồ của học giả Saeki tìm lại được tu viện Da Qin, tu viện này có thể ở phía Tây của một tu viện Lão Giáo.   Ðó là một tòa nhà cao nghiêng theo kiểu tòa nhà Pisa, gồm 5 tầng.  Tu viện này không được ghi lại trong bất cứ sách du lịch nào, và trong nhiều năm qua nhiều người nghĩ đó là một tu viện Lão Giáo.  Một tu sĩ Phật Giáo sống trong một căn nhà chòi gần tu viện, Palmer cho biết trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ông là tu viện này đã được các tu sĩ Lão Giáo chiếm, nhưng tu viện này trong buổi đầu đã được thành lập bởi các “tu sĩ đến từ miền Tây, và họ là người tin vào một Ðức Chúa Trời.” (8)

Một năm sau Palmer về thăm khu này với một số nhân viên chính quyền địa phương, các nhà khảo cổ, các sử gia.  Họ trèo lên tu viện để khảo sát hai bức tượng, cả hai bức tượng này đã hư hỏng, song vẫn còn nói đến việc tu viện được xây dựng ở thế kỷ thứ tám.  Một trong các bức tượng đó là Nữ Ðồng Trinh với người con, và bức tượng kia là Giô na từ Thành Ni-ni-ve.  Palmer nhận biết là ông đã khám phá ra nhà thờ cổ nhất vẫn còn lại của Trung Quốc hơn 12 thế kỷ trước.  Bảng đá Nestorian được khám phá vào năm 1623 có lẽ được đem đến từ địa điểm này nhằm kỷ niệm việc thành lập tu viện này.

Hè năm 2002, tôi thuê một người hướng dẫn du lịch để đi đến Da Qin, vào khoảng 90 phút đi xe từ Tây An.  Chúng tôi không được phép lái xe lên đồi để đến tu viện, vì vậy chúng tôi đậu xe dưới chân đồi và thuê hai con ngựa mỗi con 1.50 đô la để chúng tôi lên đồi.  Thật là một hành trình lý thú đi lên đồi trên một đường đất chung quanh là các vườn bắp và kiwi.  Trên đường đi tôi được biết là mỗi năm có hàng trăm người ngoại quốc đến thăm nơi thờ phượng Cơ Ðốc đầu tiên này của Trung Quốc.  Một tu sĩ Phật Giáo không răng đang chăm sóc một ngôi chòi nhỏ trong khuôn viên tu viện này, từ trong chòi đi ra đòi tôi phải mua một bó hương trước khi tôi vào viện.

Tại một căn phòng được dùng làm Bảo Tàng Viện gần tu viện, người ta thấy một số báo của Anh và Hồng Kông, tờ báo The Independent có đề tựa: “Không tin được, một người Anh đã tìm ra một khám phá khảo cổ quan trọng nhất của thế kỷ.”  Người trông coi Bảo Tàng Viện là một người đàn ông, đầu tóc rối bù, râu xè xòa, quần áo dơ dáy gọi là Li Huixiong, cho tôi biết là chúng tôi có thể vào tu viện đó nếu chúng tôi cho họ biết trước một ngày và bằng lòng trả cho họ $50 để họ có thể dựng cái thang cho chúng tôi đi lên.  Tôi không biết tin tức này.

Tôi hỏi ông Li điều gì đã xảy ra cho tòa nhà ở gần tu viện hàng bao nhiêu thế kỷ.  Ông trả lời là Vệ Binh Ðỏ đã phá hủy tòa nhà đó, ông muốn nói về các biến cố xảy ra trong các năm 1960-1967 khi các Vệ Binh Ðỏ của Mao Chủ Tịch đã tìm cách hủy diệt mọi tàng tích tôn giáo tại Trung Quốc.  Các bạn trẻ của Mao Chủ Tịch đã hoàn toàn phá hủy các tàn tích của tu viện Da Qin, song ngay cả họ cũng không dám và không thể phá hủy ngôi nhà thờ Cơ Ðốc.

Người Nestorian không những sống sót sau các cơn tai biến của đời nhà Ðường, song họ vẫn sống sót sau cuộc chinh phục của quân Mông Cổ vào thế kỷ thứ 12 và 13.  Marco Polo và các nhà thám hiểm từ miền Tây cho biết sự hiện diện của các tín hữu Nestorian ở nhiều nơi tại Trung Quốc.  Một trong số các tín hữu nổi tiếng của nhóm Nestorian là Rabban Sauma.  Ông là người thuộc nhóm Turkic sống tại Trung Quốc trong thời kỳ Mông Cổ cai trị.  Ông đi khắp Âu Châu kêu gọi các nước Âu Châu ủng hộ Mông Cổ để giải phóng Jerusalem khỏi tay người Hồi Giáo.  Rabban được vua Edward I của nước Anh và Giáo Hoàng Nicholas IV tiếp đón nhiệt tình.  Cả vua và Giáo Hoàng cũng nhận thánh lễ từ Rabban Sauma.  Ðiều này cho thấy là ít ra trong khoảng thời gian này “Giáo Hội Nestorian của miền Ðông chưa bị xem là tà giáo.”

Cả La Mã lẫn Byzantium, hai trung tâm Cơ Ðốc của Giáo Hội miền Ðông và miền Tây cũng không biết Giáo Hội Nestorian đã làm được những gì cho đến khi quân Mông Cổ xâm chiếm Âu Châu.  Một nhà lãnh đạo của đám dân du mục Mông Cổ, Temujin (1167-1227) đã thống nhất các bộ lạc Mông Cổ vào năm 1206 và lấy tên là Ghengis Khan (Thành Cát Tư Hãn) có lúc đánh vần là Ghengis Khan, có nghĩa là người cai trị toàn cầu, ông và các người con, người cháu của ông đã tổ chức các cuộc chinh phục mà thế giới chưa từng biết. Năm 1215 Chengis đã xâm chiếm Bắc Trung Quốc.  Năm 1219 người Mông Cổ chiếm Ba Tư.  Dầu Ghengis chếr vào năm 1227, con của ông là Jochi, Chagatai, Ogedei, Tolui và cháu của ông là Guyuk, Mongke và Kublai (Hốt Tất Liệt) tiếp tục bành trướng đế quốc Mổng Cổ về phía Ðông và phía Tây.  Quân Nga bị đánh bại vào năm 1222 song Mạc Tư Khoa không bị chiếm cho đến cuộc chinh phục của quân Mông Cổ lần thứ hai vào năm 1238.  Thành phố Kiev bị chiếm vào năm 1240.  Năm 1240 tại một Liegnitz liên quân Ba Lan-Ðức bị đánh bại, quân Hung Gia Lợi cũng bị đánh bại vào năm 1242 tại trận Mohi.  Nơi nào Mông Cổ chiếm đóng, chúng tàn sát hàng triệu đàn bà, trẻ con.  Sau khi chiếm Herat tại Ba Tư chúng giết 1 triệu 6 người, tại Khoresm 1.2 triệu người, tại Merv 1 triệu 3 và tại Nishapur 1 triệu 7.  Chưa có đoàn quân nào giết nhiều như thế trong khoảng thời gian ngắn cho đến thế kỷ thứ 20.

Năm 1242, Âu Châu lại chuẩn bị cho những cuộc tấn công mới của đám quân dã man này từ Trung Á.  Song Âu Châu không bị chiếm khi Ogedei con của Thành Cát Tư Hãn (Chengis Khan) qua đời, và quân đội cần chọn người kế vị, tất cả phải trở về thủ đô Mông Cổ để chọn một lãnh tụ mới.  Âu Châu được cứu khỏi sự tàn phá của quân Mông Cổ.

Vào năm 1243, vị Giáo Hoàng mới Innocent IV được bầu lên tại La Mã.  Ông đưa ra một chương trình truyền giáo cho người Mông Cổ với sứ điệp Cơ Ðốc trước khi họ trở lại xâm chiếm Âu Châu.  Ông chọn một tu sĩ Franciscan, một người mập mạp, thông minh, đầy tinh thần truyền giáo tên là Giovanni Plano đem một bức thư đến cho Guyuk Khan, một lãnh tụ đang lên của Mông Cổ, và cảnh cáo ông cho ông biết là ông sẽ bị Ðức Chúa Trời phạt nếu ông tấn công các người Cơ Ðốc tại Âu Châu.

Ông đi đường bộ, chân không vì ông thuộc dòng khuất sĩ.  Plano Carpini và người đồng hành là một tu sĩ tên Benedict từ Ba Lan khởi hành từ Ý vào năm 1245 và đến Karakorum, thủ đô của quân Mông Cổ vào năm 1246 vừa đúng lễ đăng quang của Guyuk Khan.  Tu sĩ Franciscan này dâng thư của Giáo Hoàng cho Guyuk, và tìm cách thuyết phục Guyuk theo đạo.  Dầu ông từ chối, Guyuk cũng phái Plano Carpini về lại La Mã với bức thư riêng, với lời lẽ hăm dọa của ông cho Giáo Hoàng.  Ông viết: “Nếu ông không nghĩ đến lời truyền cho Chúa tôi, tôi sẽ xem ông là kẻ thù.  Nếu ông không chịu làm theo, Chúa biết điều tôi biết.  Người nào công nhận và vâng phục con của Trời, Chúa của thế giới, Khan vĩ đại sẽ được cứu, người nào không chịu vâng phục sẽ bị tiêu diệt.” (9)

Nhờ mối chia rẽ nội bộ trong Ðế Quốc Mông Cổ, Âu Châu được giải thoát, Guyuk chết vào năm 1248, sau khi Plano Carpini bắt đầu hành trình khó nhọc trở về Âu Châu, và sau đó có nhiều tranh chấp ai sẽ thừa kế Guyuk.

7 năm sau vào năm 1253 vua Pháp Louis IX có sáng kiến gửi một thầy tu Dòng Franciscan đến Mông Cổ, ông này tên là Willem de Rubruck, một quan sát viên thông minh và là nhà tranh luận hùng biện.  Ông từng tháp tùng vua Louis IX trong cuộc viễn chinh lấy lại thành Acre thuộc xứ Thánh.  Mục đích ngoại giao của Rubruck khác với mục đích của Plano Carpini.  Louis tin rằng ông có thể chiêu mộ người Mông Cổ để cộng tác với các nước Tây Âu chống lại người Saracens.

Rubruck được mời đến một cuộc tranh luận tôn giáo với sự có mặt của Khan vào cuối tháng năm 1254.  Ông Khan từ chối tất cả các cố gắng của sứ thần Rubruck muốn cái đạo ông, và gửi ông trở về Âu Châu, song không có sứ điệp như Plano Carpini đã đem về cho Giáo Hoàng.  Khi trở về Âu Châu, ông phúc trình là các người Cơ Ðốc thuộc phái Nestorian đã giữ các địa vị cao trong triều đình của Guyuk.  Vào khoảng thời gian này, người Nestorian đã mất uy thế và địa vị mà họ mới đến Trung Quốc vào các thế kỷ trước.  Rubruck mô tả họ như những người tồi tệ, thường uống rượu say sưa và có nhiều vợ. (10)

Người Tây Phương tiếp theo đã gặp được lãnh tụ của người Mông Cổ là ông Marco Polo.  Nhà thám hiểm trẻ từ thành Venice.  Lần đầu tiên ông gặp Hốt Tất Liệt (Kublai Khan), cháu trai của Thành Cát Tư Hãn vào năm 1266 tại vùng Bắc Bắc Kinh.  Dầu không phải là giáo sĩ, ông được hai giáo sĩ Dominican tháp tùng.  Hai người này được Giáo Hoàng cử đi.  Hai tu sĩ này sợ và bỏ cuộc, song Marco Polo trở về Âu Châu với lời yêu cầu đặc biệt của Hốt Tất Liệt.  Ông muốn Âu Châu gửi đến Trung Quốc 100 giáo sĩ “những người khôn ngoan học thức cao về tôn giáo và giáo lý Cơ Ðốc.”  Những người này phải biết về “bảy nghệ thuật” có nghĩa là biết về học thuật và khoa học.  Những người này phải có khả năng dạy người Trung Quốc và người Mông Cổ.  Họ phải biết cách lý luận và cho Hốt Tất Liệt và những người thờ hình tượng và những người thuộc các tầng lớp khác biết là tôn giáo của họ là sai lầm, Cơ Ðốc Giáo và đức tin Cơ Ðốc là tốt hơn các tôn giáo của họ và chân thật hơn các tôn giáo khác.  Hốt Tất Liệt hứa là nếu Giáo Hoàng có thể gửi đến những người như vậy thì ông và bộ hạ của ông sẽ trở thành người của Giáo Hội. (11)

Dầu đối đầu với cơ hội có một không hai trong lịch sử, La Mã chần chờ.  Thay vì gửi 100 giáo sĩ theo như lời yêu cầu của Hốt Tất Liệt, Giáo Hoàng gửi một tu sĩ Franciscan cô độc tên Giovanni of Monte Corvino (1246-1329).  Ông ta đến Bắc Kinh vào thời gian được gọi là Khanbalik (còn gọi là Cambaluc) vào năm 1294.  Sau khi Hốt Tất Liệt qua đời, người kế thừa của Hốt Tất Liệt là người cháu tên là Timur Oljeitu (cai trị từ 1294-1307) và Hoàng Thân George of Onguts.  Ông này đã cải đạo về với Công Giáo La Mã từ đức tin Nestorian nguyên thủy của ông.  Dầu bị các người Nestorian chống đối, các người Công giáo La Mã tạo được căn cứ tại Bắc Kinh.  Monte Corvino xây một nhà thờ vào năm 1299, và sáu năm sau tuyên bố là sáu ngàn người Trung Quốc và Mông Cổ đã nhận phép tẩy.  Vào năm 1307, Giáo Hoàng lúc bấy giờ là Clement V, phong ông làm Tổng Giám Mục Bắc Kinh.  Một số tu sĩ được gửi từ La Mã về để tiếp viện, các người Công Giáo tại Trung Quốc đã tạo được một cộng đồng tại Quảng Châu, (12) trên vùng biển tỉnh Phúc Kiến miền Nam Trung Quốc.

Song làn sóng chống lại các người Cơ Ðốc lại xuất hiện tại Trung Quốc.  Nền hòa bình Mông Cổ (Pax Mongolica) đã giúp cho sự đi lại giữa Âu Châu và Á Châu (với sự cho phép của Mông Cổ) từ buổi đầu đã thân thiện với Cơ Ðốc Giáo, đã thay đổi từ bên trong vì nhiều người Mông Cổ theo Hồi Giáo.

Dầu người Nestorian có những cộng đồng lớn và mạnh cho đến triều Nguyên (1279-1368) (Mông Cổ), song đến đời nhà Minh họ áp chế rất nhiều vì sự phục hưng của tinh thần quốc gia bài ngoại của Trung Quốc khi nhà Minh thay thế người Mông Cổ.  Nhà Minh lên cầm quyền sau khi nông dân nổi lên chống đối dưới sự lãnh đạo của Zhu Yuazhang.  Ông trở thành Hoàng Ðế đầu tiên của nhà Minh.  Zhu trước đó đã góp phần vào cuộc nổi loạn Mũ Ðỏ (Red Turbans) và những người nổi loạn cho sự thay đổi của triều đại có thể đưa đến việc xuất hiện của Maitreya Buddha,  một vị Phật có uy tín là một nhà Mê-sia có thể cai trị Trung Quốc và cả thế giới.

Ngoài ra có thể nói là hầu hết người Trung Quốc tin là Cơ Ðốc Nhân tại Trung Quốc là những người theo tôn giáo ngoại lai, vì họ được một triều đại ngoại lai ủng hộ, và tiếp tục nhận sự ủng hộ của các người ngoại quốc bên trong bên ngoài Trung Quốc.  Vào khoảng thời điểm quân nhà Minh tiến vào Bắc Kinh vào năm 1368, văn hóa  Trung Quốc đã bước vào một thời kỳ bài ngoại có khuynh hướng chống Cơ Ðốc Giáo dưới hình thức của người Nestorian hoặc dưới hình thức Công Giáo vừa thâm nhập Trung Quốc.  Vào cuối thế kỷ 14, Cơ Ðốc Giáo hoàn toàn biến mất tại Trung Quốc.  Dầu không phải đây là lần cuối Cơ Ðốc Giáo biến mất tại Trung Quốc.

Mặt dầu buổi đầu có khuynh hướng bài ngoại,  Triều đại nhà Minh tại Trung Quốc đã làm cho thế giới ngạc nhiên với các hành trình thám hiểm vượt đại dương.  Ấn Ðộ, Nam Trung Quốc và nếu các sách gần đây đúng, họ đã vượt Thái Bình Dương và Ðại Tây Dương đến Mỹ Châu vào năm khoảng 1405-1433 dưới sự lãnh đạo đề đốc hoạn quan Trịnh Hòa (Zheng He), (13).  Các tàu buôn vĩ đại, có tàu đến 400 thước Anh, (14) đã vượt đại dương đem nhiều đồ quí của Trung Quốc đến những thương cảng họ thăm viếng và họ đem về Trung Quốc các thứ lạ, đá quí và đại sứ của các nước đến thăm viếng.  Nhưng đến năm 1433, các cuộc viễn chinh này tự nhiên chấm dứt, các thuyền vượt đại dương bị hủy phá, và các bản thảo ghi lại các cuộc hành trình cho biết Trung Quốc lại tự quay về chính mình.

(Còn tiếp)

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top