Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 3.b
Viên Hương Thành (Allen Yuan)
Một nhà lãnh đạo nữa cũng có uy tín về lòng trung tín cương trực dưới sự bắt bớ là Viên Hương Thành (Yuan Xiangchen), được nhiều người biết qua tên Allen Yuan. Ông giảng và làm báp-têm cho hàng trăm tín hữu, đem họ về với Cơ Ðốc giáo tại một con sông không xa thành phố Bắc Kinh cho đến khi ông qua đời vào năm 2005.
Viên Hương Thành trở nên nổi tiếng vào năm 1998, khi chính quyền Trung Quốc quyết định là không một người nào trong số 2.000 phóng viên ngoại quốc tháp tùng Tổng Thống Clinton trong chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông có thể gặp ông già 87 tuổi này. Cảnh sát Bắc Kinh nói: “Có 2.000 phóng viên ngoại quốc tại Bắc Kinh, và tất cả mọi người đó đều muốn gặp ông.”
Dầu không phải đó là tất cả các phóng viên, song cũng thật là nhiều. Ông là một nhà bất đồng chính kiến mà một người ngoại quốc nào cũng có thể gặp tại Trung Quốc, đặc biệt là khi chính quyền đã thanh trừng cộng đồng chống đối nhỏ vừa mới ra đời trong cuộc biểu tình tại Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Ông là người còn sống sót sau 22 năm tù cải tạo các nhà tù Trung Quốc, vì ông nhất quyết từ chối tham gia Phong Trào Tam Tự, dầu khi ông được trả tự do vào năm 1979.
Nhiều người ngoại quốc đã đến viếng thăm Viên Hương Thành, kể cả Mục sư Billy Graham vào năm 1994. Tôi gặp ông một lần vào thập niên 1990, khi một người bạn giúp tôi tìm đến nhà ông qua các hẻm của khu Xicheng tại Bắc Kinh, một nơi gần tượng Phật lớn màu trắng. Tháng 8 năm 1998, tôi lại đến thăm ông cùng với một phóng viên người Mỹ khác tên là Mark O’Keefe, anh ta đang viết một loạt bài cho tờ báo The Oregonian về sự bách hại tín hữu Cơ Ðốc trên khắp thế giới.
Trong căn phòng đơn giản của ông được trang trí với một bức hình của Billy Graham, phòng này rộng độ 16 thước vuông từ 6:30 sáng, 16 người đã đến dự buổi thờ phượng và cầu nguyện không chính thức hàng tuần của ông “Chúng tôi có một câu nói tại Bắc Kinh” ông nói với tôi “nếu chúng tôi dám giảng, dân chúng sẽ tin. Tại Hồng Kông và Ðài Loan, họ có mọi sự, tại đây chúng tôi không có gì hết, giống như thời kỳ các Sứ Ðồ.”
Mặc dù ông trở nên nổi tiếng khi Tổng Thống Clinton thăm Trung Quốc vào năm 1998, ông cho chúng tôi biết ông sẽ tiến hành lễ báp-têm hằng năm vào ngày 1 tháng 8 cho những người đã tin Chúa tại các buổi nhóm của ông. Ông và các tín hữu trong Hội Thánh không đăng ký của ông thuê 2 giờ tại một hồ tắm tại Bắc Kinh. Khi xong lễ Mục sư Viên lúc đó đã 84 tuổi làm phép Báp-têm cho 316 người, nhận chìm xuống nước từng người một. Ông giải thích “chúng tôi có nhiều hạn chế về những điều chúng tôi có thể làm, nhưng công việc ngày nay giống như công việc của các Cơ Ðốc nhân đầu tiên.”
Trong khi chúng tôi nói chuyện, nhiều người tiếp tục đến, không những chỉ người Trung Quốc đến dự buổi lễ thờ phượng vào lúc 7 giờ tối, nhưng còn có các giáo sĩ từ Na-uy. Ông nói: “Bắt bớ là những đau đớn trong tiến trình lớn mạnh. Ðiều này tốt cho Hội Thánh.”
Giờ ca ngợi Chúa bắt lúc đầu 7 giờ tối, với một số các thánh ca do người Hoa sáng tác, sau đó là những bài quen thuộc đối với những người ngoại quốc đang tham dự như bài “Thập Tự Xưa.” Âm điệu quen thuộc, song họ hát bằng tiếng Trung Quốc. Mục sư Viên giải thích “Bài hát này có nhiều ý nghĩa cho tôi vì cớ tôi ở tù 21 năm. Tại đó không có Kinh Thánh, không có thông công, chỉ có hai bài hát khích lệ tôi: “Một bài là Thi Thiên 27, và bài kia là Thập Tự Xưa.”
Viên, 14 tuổi nhỏ hơn Vương Minh Ðạo, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi người cha tinh thần này. Ông sinh năm 1914 tại tỉnh An Huy. Viên cùng gia đình dọn đến Bắc Kinh khi Viên là một em bé, ông đã để tâm nhiều đến các câu hỏi tối quan trọng của đời sống và ông đã bỏ thì giờ để nghiên cứu Phật giáo, Khổng giáo tìm xem các tôn giáo này có cung cấp các câu giải đáp mà ông đang tìm kiếm không. Song những tôn giáo này không giúp được gì cho ông. Rồi một buổi tối nọ, tại nhà ông ở Bắc Kinh, Viên Hương Thành nhận được một khải tượng “Ðức Chúa Trời khải thị lòng tôi và ban cho tôi đức tin để tôi tin Ngài,” sau này ông ghi lại [8].
Một năm sau, một giáo sĩ Ngũ Tuần, người đã góp phần vào cuộc phục hưng tại tỉnh Sơn Ðông cầu nguyện cho ông. Tại một buổi nhóm mà Viên Hương Thành cho là đã thay đổi cuộc đời của ông, ông khóc nức nở rồi sau đó ông cười với niềm vui ông nhận được.
Sau khi học xong Trung Học cấp 2, Viên Hương Thành quyết định đi học tại Viện Thần Học Viễn Ðông (Far East Theological Seminary), một trường Tin Lành thuần túy tại Bắc Kinh. Ðiều này làm cho cha mẹ ông buồn. Tại đây ông thường dự nhóm tại nhà thờ của Vương Minh Ðạo, ông tránh không liên hệ gì với tổ chức và tài chánh với các nhóm ngoại quốc. Trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, ông không kể gì nguy hiểm khi chọc giận các người Nhật chiếm đóng, ông đi khắp nơi trong tỉnh Hà Bắc rao giảng Phúc Âm.
Khi chiến tranh chấm dứt, Viên Hương Thành trở về Bắc Kinh và bắt đầu hoạt động giảng dạy lại. Ông thuê một căn nhà đã được một mục sư Nhật sử dụng trong thời chiến tranh. Khi Cộng Sản thành lập Phong Trào Tam Tự và bắt đầu ép các mục sư Tin Lành tham dự, Viên cũng như Vương Minh Ðạo từ chối. Ông đưa ra ba lý do. Thứ nhất, ông luôn chủ trương hội thánh không nhận trợ cấp và kiểm soát từ bên ngoài. Thứ hai, ông xem Chúa Giê-xu là đầu của Hội Thánh chứ không phải một nhóm chính trị nào. Thứ ba, ông ghét khuynh hướng thần học tân phái mà các nhà lãnh đạo Phong Trào Tam Tự chấp nhận.
Vì cớ ông trẻ và chưa được nhiều người biết đến như Vương Minh Ðạo, cho nên nhà cầm quyền lúc đầu nghĩ ông có thể “tha được” và không cần phải bắt. Nhưng trong chiến dịch bắt bớ những người chống lại Phong Trào Tam Tự, căng thẳng chính trị càng ngày càng gia tăng tại Trung Quốc trong chiến dịch “Chống Hữu Phái” do Mao Trạch Ðông chủ xướng vào các thập niên 1950, Viên Hương Thành bị bắt lúc nửa đêm 19 tháng 4 năm 1958, và họ đã giam ông trong các trại tù và trại lao động trong suốt 22 năm. Ðó là một tháng bận rộn đối với công an Bắc Kinh khi họ đối phó với Cơ Ðốc nhân. Mười ngày sau, họ bắt Vương Minh Ðạo.
13 năm trong số 22 năm Viên Hương Thành ở tù, ông bị giam tại các trại lao động thuộc vùng Ðông Bắc tỉnh Hắc Long Giang, không xa biên giới Nga lắm. Chính tại đây ông tự khuyến khích mình trong các giờ “nghỉ hút thuốc” bằng cách đi qua đi lại và hát bài “Thập Tự Xưa.” Dầu ông có gặp Vương Minh Ðạo một lần ngắn ngủi tại một buổi họp trong tù ở Bắc Kinh, những người Cơ Ðốc duy nhất ông gặp là bốn linh mục Công Giáo và một giáo dân trẻ khi họ chuẩn bị đem ra xét xử.
Mục sư Viên Hương Thành, cũng như Vương Minh Ðạo bị tra tấn trong tù, đặc biệt là trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, Viên bị nhốt trong một căn phòng không cửa sổ suốt 6 tháng, dây nịt và nút của ông bị lấy đi để ông không tự tử được.
Khi được thả vào năm 1979, Viên Hương Thành tiếp tục hướng dẫn cầu nguyện và thờ phượng tại nhà ông ở Bắc Kinh, và tiếp tục từ chối không liên hệ với Phong Trào Tam Tự. Dầu nhiều lần được công an thăm viếng, ông từ chối không đăng ký Hội Thánh tư gia của ông, và tiếp tục tiếp đón khách ngoại quốc, giúp môn đệ hóa và làm báp-têm cho các tân tín hữu từ các nhóm sinh viên và chuyên gia tại Bắc Kinh. Năm 1999, ông dời buổi lễ báp-têm đông người, buổi lễ này thường tổ chức vào đầu tháng 8, đến một sông và hồ tại tỉnh Hà Bắc cách Bắc Kinh vào khoảng 2 giờ. Viên cho tôi biết trong một bữa ăn tối tại một tiệm ăn ở Bắc Kinh, ông nói: “Nếu một người muốn nhận báp-têm, tôi sẽ làm cho họ, nhiều đảng viên đã trở thành tín đồ.”
Dĩ nhiên chính quyền biết những hoạt động bất hợp pháp của Viên. Khi ông dời đến một căn hộ lớn thoải mái hơn tại một khu khác của thành phố vào năm 2001, họ đập cửa, dọa sẽ bắt ông nếu ông cho phép người ngoại quốc và phóng viên báo chí đến thăm ông. Khi ông nói là không, họ đáp lại: “Được, ông cứ tiếp tục.” Vào năm 2002 số người đến dự có thuyên giảm, nhưng cụ già này đã 88 tuổi, khuôn mặt tròn của ông đã để nhiều vết nhăn khi ông cười, khả năng nghe của ông cũng giảm thiểu nhưng ông vẫn nhiệt tình như ngày nào. Ông nói: “Dầu khi chúng ta già rồi, chúng ta vẫn hầu việc Ngài cho đến khi Ngài đến.”
(Còn tiếp)
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.