Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Lịch Sử » Chúa Jesus Tại Bắc Kinh – Chương 3c

Chúa Jesus Tại Bắc Kinh – Chương 3c

jibLâm Tường Cao (Samuel Lamb)

Còn một người khác không khác gì Việt Hương Thành đã kiên quyết giữ Hội Thánh không đăng ký mà vẫn hoạt động, tiếp đón khách ngoại quốc, mà vẫn không bị tù.  Vị mục sư đó là Lâm Tường Cao, được nhiều người ngoại quốc biết dưới tên Samuel Lamb, 82 tuổi.

Lâm Tường Cao sinh tại Macao vào năm 1924 con của một mục sư Báp-tít.  Ông theo học tiểu học tại Quảng Châu và sống với gia đình tại đảo Chương Châu, Hồng Kông trong các tháng hè.  Ông theo học Ðại Học tại Queen College trong khoảng thời gian ngắn, nhờ đó ông nói tiếng Anh giỏi.  Khả năng nói tiếng Anh đã giúp cho ông gặp hàng trăm phóng viên báo chí, nhà ngoại giao, mục sư và các chuyên gia ngoại quốc tại ngôi nhà đơn sơ của ông ở Quảng Châu và cũng là Hội Thánh của ông.

Câu chuyện về cuộc đời Lâm Tường Cao cũng giống như câu chuyện của Vương Minh Ðạo và Viên Hương Thành.  Khó khăn của ông bắt đầu với 16 tháng bị giam vào năm 1955 và 20 năm cầm tù bắt đầu từ tháng 5 năm 1958, một vài tuần sau khi Vương Minh Ðạo và Viên Hương Thành bị bắt.

Dầu Lâm Tường Cao miễn cưỡng tham dự Phong Trào Tam Tự, tin rằng tổ chức này sẽ không xen vào công tác mục vụ Hội Thánh của ông tại quận Dongshan tỉnh Quảng Châu, song chính quyền đã tìm cách bắt ông.  Họ tố ông là phản cách mạng, một phần vì ông có gặp Vương Minh Ðạo.  Họ cho ông là chống lại Nga vì ông có giảng một bài trong đoạn 37, 38 của sách Ê-xê-chi-ên nói về một cuộc tấn công vào Israel từ phía Bắc.  Họ còn tố là ông gián tiếp liên hệ với CIA vì ông nội của ông đã làm việc tại Mỹ và chính ông cũng đã cộng tác với các giáo sĩ vào các thập niên 1940.  Những nhân viên điều tra cộng sản cho là điều này cũng giống như cộng tác với ngoại quốc nhằm lũng đoạn và nô lệ hóa Trung Quốc.

Thời gian đầu, Mục sư Lâm Tường Cao bị tù tại tỉnh Quảng Châu.  Dầu công việc nhọc nhằn song khí hậu gần nhiệt đới và cây rừng xanh tươi của vùng đất thích hợp với tâm tính của ông.  Khoảng thời gian an bình này đột ngột chấm dứt khi ông cố gắng chép lại bằng tay bản Tân Ước mà một tù nhân khác đã đem được vào trong tù.  Ðược các cai tù đánh thức nửa đêm để chuyển ông đến mỏ than Taiyuan Xiyu thuộc tỉnh Sơn Tây vào năm 1963, tận miền Bắc với khí hậu khắc nghiệt.  Chính tại đây mà ông đã sống 15 năm, tháo xếp hàng ngàn xe chở than trên đường rầy dưới hầm.  Ông được cứu thoát một cách lạ lùng khi các xe không thắng tay được, chạy quá nhanh, gây tai nạn.  Một số các tù nhân khác mất tay, chân, và chết song Lâm không bị thương tích gì hoặc bị bệnh gì.

Năm 1978, đúng 20 năm sau khi bị bắt vào năm 1958, ông được thả về Quảng Châu.  Nhưng thời điểm thật tàn ác và oái oăm.  Cha ông qua đời năm 1971 và vợ ông Lin Huiling, người ông không được gặp từ khi ông bị bắt cũng đã qua đời 2 năm trước.  Ông sống với bà mẹ đau yếu được 11 tháng và bà cũng qua đời.

Là một người có cảm xúc và tinh thần mạnh, ông luôn nghĩ ngợi về sự mất mát của 20 năm trong cuộc đời ông.  Ông bắt đầu dạy tiếng Anh tại Quảng Châu vào năm 1980 và chỉ trong vòng vài tuần ông đã đem nhiều sinh viên tin nhận Chúa.  Họ trở thành nồng cốt cho Hội Thánh của ông.  Con số lên từ chục người cho đến hàng trăm người, ông cho đặt máy chiếu hình để cho hội chúng có thể nghe ông giảng từ các góc của căn nhà nhỏ trên phố Damazhan.  Nhà này về sau bị hủy phá vì chương trình qui hoạch thành phố.  Khi nhiều người mới đến tham dự các buổi nhóm, ông bắt đầu làm lễ báp-têm, theo ông con số lên đến 1.000 người từ năm 1980-1990.  Ông tổ chức hệ thống thâu băng cho các bài giảng của ông và dùng một nhà in tư để in tài liệu dạy dỗ bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.

Uy tín của Mục sư Lâm Tường Cao được đồn ra.  Ðây là một mục sư tư gia tổ chức thờ phượng nhiều lần mỗi tuần, phân phát văn phẩm, tiếp đón khách du lịch Quảng Châu, làm như không có hạn chế nào cho các Hội Thánh tư gia.  Tháng Giêng 1986, một nhân viên từ Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Reagan đến thăm và tặng cho ông một cây bút, món quà từ Tổng Thống.  Phi hành gia Jim Irwing có đến và chào thăm hội chúng tại nhà thờ vào năm 1988, và nhà truyền giáo Billy Graham cũng viếng thăm ông vào năm 1988.

Nhà cầm quyền biết về những điều này, và bắt đầu chú ý nhiều đến ông cũng như các khách ngoại quốc, song là một chú ý không thoải mái lắm.  Vào năm 1988 ông bị công an mời sáu lần, và mỗi lần là họ hăm dọa đóng cửa nhà thờ của ông và bắt ông nếu ông không chịu đăng ký nhà thờ với tổ chức Tam Tự.  Vào tháng 2, 1989, một đội công an gồm 60 người đột nhập nhà thờ của ông, tịch thu hàng ngàn sách, Kinh Thánh và băng.  Họ còn tịch thu cây bút và quyển Kinh Thánh của Tổng Thống Reagan tặng ông (dầu sau này họ trả lại).  Bị gọi lên để điều tra, dọa nạt và tịch thu cứ tiếp tục mãi trong thập niên 1990.

Trong suốt các biến cố này Mục sư Lâm Tường Cao bày tỏ ý chí cang cường ít người trẻ có thể có.  Ông nói với họ: “Tôi nhất định không đăng ký dầu quí ông có trở lại bắt tôi.”  Vì cớ luật (đòi hỏi đăng ký với ban Tôn Giáo và Phong Trào Tam Tự) không cho chúng tôi tự do.  Một dịp khác ông nói: “Tôi sẵn sàng tử vì đạo.”  Họ trả lời: “Không, chúng tôi không phải là lính La Mã.”  “Tại sao ông không chịu gia nhập phong trào Tam Tự, bộ là Phong Trào Tam Tự là tà sao?”  họ cứ hỏi mãi.  Mục sư Lâm trả lời: “Không phải tất cả họ là tà, Phong Trào Tam Tự gồm người tin Chúa chân chính và không chân chính.  Song chúng tôi không muốn thờ phượng với nhóm nửa tà nửa thật.”

Nhân viên điều tra nói:  “Con người có thể bị dập tắt như là ngọn đèn cầy, ông nên sống cho đến tuổi già.  Ông tin có Chúa nhưng Chúa của ông ở đâu khi chúng tôi mời ông hôm qua.”  Lâm trả lời: “Chúa cho phép các việc này xảy ra” [9].

Mục sư Lâm Tường Cao rất cứng rắn khi đối đầu với chính quyền, và nhiều lúc đáp lại bằng các điều khoản trong văn bản pháp lý cho phép Hội Thánh tư gia nhóm họp riêng tư.  Ông thường cho biết là hạt giống của phát triển là sự bắt bớ.  Ông nói với tôi trong khi tôi viếng thăm ông vào năm 2002: “Càng bắt bớ, Hội Thánh càng phát triển.”

Công an và Ban Tôn Giáo để ông yên trong các năm từ 1999-2004; song khi họ bắt đầu bách hại các Hội Thánh tư gia trong toàn quốc, họ bắt và giam ông một đêm, chi tiết cuộc bắt này được ghi lại trong chương 16 với các vấn đề mới được thêm vào kể từ ấn bản thứ nhất của sách này.  Mục sư Lâm Tường Cao tuyên bố thẳng thắn: “Lại bắt tôi nữa à!” khi ông bị triệu đến đồn công an vào năm 1999.  Nhưng công an có vấn đề lớn hơn là Lâm vì trong vòng 6 năm, họ tìm cách tiêu diệt phong trào Pháp Luân Công (Falungong).  Họ cũng chú tâm đến các nhóm khác tự xưng là Cơ Ðốc song đã làm hại phong trào Hội Thánh tư gia, kể cả bắt cóc các nhà lãnh đạo.  Ðây là nhóm Tia Sáng Miền Ðông (Eastern Lightning).  Nhóm này tin là Chúa Giê-xu đã tái lâm dưới dạng một người đàn bà ở tỉnh Hà Nam (chương 12 sẽ bàn về nhóm Ánh Sáng Miền Ðông)

Bây giờ thì Mục sư Lâm Tường Cao không thể bị bắt được nữa vì ông quá nổi tiếng.  Năm 1991 Nguyệt San Reader’s Digest có đăng câu chuyện về cuộc đời của ông và nhiều người biết về hoàn cảnh của ông.  Năm 1993, một nhân viên cao cấp của chính phủ Mỹ đến thăm ông, đó là phụ tá Thứ Trưởng Ngoại Giao John Shattuck.  Lâm ghi lại ngày thăm của ông với tất cả sự cẩn thận, cùng các cuộc thăm viếng của các nhà báo, các nhà ngoại giao trong cuốn sách ghi lại đời sống của ông.  Với đề tựa Lời Chứng Của Mục Sư Lâm Tường Cao.  Với cây bút và quyển Kinh Thánh do Tổng Thống Reagan tặng với một cuốn sách ghi lại tên của 140 nhà báo, với rất nhiều nhà ngoại giao, nên nếu bắt Lâm sẽ làm cho nhiều người phản ứng kể cả nhiều dân biểu quốc hội, nhà ngoại giao, và các mục sư, tu sĩ đã từng đến thăm ông.

Mục sư Lâm Tường Cao không những được nhiều tín hữu tư gia trong nước và cả khách ngoại quốc biết đến vì ông mạnh mẽ chống lại áp lực của Ðảng Cộng Sản tìm cách kiểm soát Hội Thánh, mà còn vì niềm vui và sự bình an ông đã thể hiện giữa lúc bị tù đày, lao động khổ cực, mất mát gia đình, và bệnh tật.  Nhiều tín hữu Trung Quốc xem ông là một trưởng lão, một lãnh đạo Hội Thánh, không những vì ông đã chịu đựng nhiều đau khổ nhưng đã vượt qua với lòng nhiệt thành yêu mến Chúa.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top